Cuốn hồi ký “Nửa đời trước của tôi” của Phổ Nghi dày 590 trang gồm hơn 300k chữ Hán, bằng lối viết theo chương, tiết, bằng văn phong bạch thoại pha cổ văn, đã thuật lại cuộc đời của Phổ Nghi, từ khi được Từ Hy thái hậu đưa vào Tử Cấm Thành làm vua Tuyên Thống nhà Thanh lúc mới 3 tuổi, cho đến khi trở thành công dân của nước CHND Trung Hoa mới.
Phổ Nghi tên chính là Ái Tân Giác La Phổ Nghi, sinh năm 1906, mất năm 1967, lên ngôi năm 1909 niên hiệu Tuyên Thống, là hoàng đế thứ 12 của nhà Thanh, thoái vị sau cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) thành lập Trung Hoa Dân quốc, nhưng vẫn sống trong Tử Cấm Thành cùng với hoàng tộc với một số điều kiện ưu đãi của Chính phủ Trung Hoa Dân quốc.
Năm 1924, khi quân phiệt Phùng Ngọc Tường tấn công Tử Cấm Thành, ông chạy vào trốn tránh ở sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh. Sau một thời gian chuyển xuống Thiên Tân để mưu đồ khôi phục nhà Thanh mà không thành công. Tháng 3 năm 1934, ông được người Nhật đưa lên làm vua Mãn Châu Quốc ở Đông Bắc Trunq Quốc, kéo dài cuộc sống bù nhìn suốt thời kỳ phát xít Nhật tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc.
Tháng 8 năm 1945, Hồng quân Liên Xô tấn công tiêu diệt đội quân Quan Đông của Nhật Bản ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, ông bị Hồng quân Liên Xô bắt và đưa về Liên Xô. Năm 1949, Chính phủ Liên Xô trao trả Phổ Nghi cùng với một số tội phạm chiến tranh khác cho Chính phủ CHND Trung Hoa.
Năm 1959, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập nước CHND Trung Hoa, Chính phủ Trung Quốc ra lệnh đặc xá một số tội phạm chiến tranh đã thực sự tiếp thu cải tạo và hối cải. Phổ Nghi cùng nhiều người khác đã được ân xá và hưởng quyền công dân. Ông được trở về Bắc Kinh làm nhân viên Vườn thực vật Bắc Kinh và sau đó làm nhân viên Viện Nghiên cứu lịch sử Trung Quốc.
Qua các phương tiện truyền thông hiện đại, chúng ta đã được xem bộ phim do nhà đạo diễn Italia Bernardo Bertolucci dàn dựng, mang tên “Hoàng đế cuối cùng”.​

Trích bản dịch của Lê Tư Vinh.



1. GIA THẾ CỦA TÔI (1) (2)
 
Sửa lần cuối:
1. GIA THẾ CỦA TÔI

Cuộc đời của Thuần Hiền Thân Vương



Chân dung hoàng đế Đạo Quang

Tôi sinh ngày 14 tháng giêng âm lịch năm 1906, tức năm thứ 32 thời vua Quang Tự đời Thanh, tại Thuần vương phủ, Bắc Kinh. Ông nội tôi tên Dịch Hoàn, là con trai thứ bảy của vua Đạo Quang, lúc đầu được phong quận vương, sau phong tước thân vương, sau khi chết được truy phong danh hiệu “hiền”, cho nên về sau được gọi là Thuần hiền thân vương. Cha tôi tên Tải Phong, là con trai thứ năm của ông nội tôi. Vì con cả, con thứ ba và con thứ tư chết sớm, con thứ hai Tải Điềm được Từ Hy thái hậu đón vào cung làm vua (tức vua Quang Tự), nên sau khi ông nội tôi chết thì cha tôi được thừa tập phẩm tước của ông nội tôi. Tôi là con cả của Thuần vương đời thứ hai. Ngày 20 tháng 10 âm lịch năm tôi lên ba, Từ Hy thái hậu và vua Quang Tự ốm nặng, Từ Hy Thái hậu bỗng quyết định dựng tôi lên làm vua kế thế, nối ngôi vua Đồng Trị (tức Tải Thuần, con đẻ của Từ Hy, anh em con chú con bác của Tải Điềm), thừa kế vua Quang Tự. Trong hai ngày sau khi tôi vào cung, Quang Tự và Từ Hy thái hậu lần lượt qua đời. Mồng hai tháng chạp, tôi lên ngôi vua đời vua thứ mười hai và cũng là đời vua cuối cùng của nhà Thanh, đặt niên hiệu Tuyên Thống. Chưa đến ba năm, cách mạng Tân Hợi bùng nổ, tôi thoái vị.

Trí nhớ của tôi bắt đầu có từ khi tôi thoái vị. Song, kể về nửa đời trước của tôi trước hết phải bắt đầu từ ông nội và Thuần vương phủ, nơi chôn rau cắt rốn của tôi thì mới càng rõ hơn.

Thuần vương phủ từng chiếm ba nơi ở Bắc Kinh. Năm thứ 10 thời vua Hàm Phong, Thuần quận vương Dịch Hoàn mười chín tuổi phụng chỉ thành hôn với em gái của quý phi là Diệp Hách Na La Thị, theo lệ thì phải rời phủ đi ở riêng, địa điểm phủ mới của ông được ban nằm ở phía đông hồ Thái Bình tại Tuyên Vũ Môn Nội, nơi đặt Học viện âm nhạc Trung ương ngày nay. Đó là Thuần vương phủ đầu tiên. Về sau, Tải Điềm làm vua, theo lệ của triều đình Ung Chính thì “nơi sản sinh ra vua” (còn gọi là “Phủ rồng phục”) phải được nâng bậc thành một cung điện, hoặc bỏ trống hoặc phỏng theo cách nâng Ung vương phủ (nơi ở của vua Ung Chính trước khi lên ngôi) thành Ung Hoà cung và biến thành miếu đường thờ cúng phật. Để rời chỗ cho “phủ rồng phục” này, Từ Hy thái hậu đã thưởng Bối tử phủ ở sau hồ Thậm Sa Hải cho ông nội tôi và bỏ ra 16 vạn lạng bạc tu sửa lại. Đó là Thuần vương phủ thứ hai, cũng là nơi mà một số người quen gọi là “Bắc phủ”. Sau khi tôi làm vua, cha tôi được phong Giám quốc Nhiếp chính vương, vì thế lại thêm một lý do dọn nhà so với trước, cho nên Long Dụ thái hậu (hoàng hậu của vua Quang Tự, cháu gái của Từ Hy thái hậu và là bà nội tôi) quyết định xây dựng một vương phủ hoàn toàn mới cho cha tôi. Địa điểm Thuần vương phủ thứ ba này được chọn ở vùng Tử Quan Các, Tập Linh Hựu, Tập Uyển Tam Hải. Phủ này đang trong thời kỳ khẩn trương xây dựng thì khởi nghĩa Vũ Xương bùng lên, vì vậy cái gia thế Thuần vương phủ ba lần tu sửa và xây mới, hai lần “rồng phục” và một lần nhiếp chính cuối cùng đã kết thúc theo lịch sử của nhà Thanh.

Trong những năm cuối cùng đen tối nhất của nhà Thanh, cả gia đình Thuần vương đã làm đầy tớ trung thành trong nửa thế kỷ cho Từ Hy thái hậu, và ông nội tôi thì đã suốt đời làm việc trung thành cho bà ta.



Tranh chân dung Từ Hy thái hậu

Ông nội tôi là con đẻ của Trang Thuận Ô Nha Nhị, hoàng phi của vua Đạo Quang, sinh năm thứ 22 thời vua Đạo Quang và mất năm thứ 16 thời vua Quang Tự. Giở “ngọc điệp” (sách kê dòng dõi nhà vua) ra xem thì, trong thời gian 11 năm vua Hàm Phong (anh con bác của Thuần hiền thân vương Dịch Hoàn) làm vua, trừ cái chức Thuần quận vương mà ông nội tôi lúc mười một tuổi được phong theo lệ vì Hàm Phong lên ngôi, ông nội tôi chưa từng được “ân thưởng” gì hết, nhưng trong nửa năm kể từ khi vua Hàm Phong chết, nghĩa là chỉ trong mấy tháng tôn hiệu của Từ Hy thái hậu xuất hiện, thì đột nhiên ông nội tôi liên tiếp được phong hàng loạt phẩm tước: Thống soái quân Hán kỳ Chính Hoàng, Nội thần lãnh thị vệ kỳ Chính Hoàng, Đại thần ngự tiền, Đại thần hậu hộ, Quản sự thiện quốc doanh, Quản sự thần phụng thần uyển, Quản sự tân cựu doanh phòng kỳ Chính Hoàng, Quản sự hoả thương doanh, Quản sự thần cơ doanh... Năm ấy ông mới 21 tuổi. Một thanh niên 21 tuổi mà có vai vế lớn như vậy, tất nhiên là vì có chị vợ làm hoàng thái hậu. Song sự việc cũng không phải hoàn toàn như vậy. Hồi tôi còn nhỏ đã từng nghe kể câu chuyện như sau: một hôm, trong vương phủ có buổi diễn kịch, khi diễn đến màn cuối vở “Trát mỹ án”, chú Tải Tuân lúc đó còn thơ ấu thấy Trần Sĩ Mỹ bị Ba Long Đồ đâm chém máu me đầy mình, sợ quá ngồi bệt xuống đất khóc oà lên. Ông nội tôi giận quá mắng chú tôi ngay trước mặt mọi người:
“Thật chẳng ra cái thá gì cả, năm tao 21 tuổi đã tự tay tóm được Túc Thuận. Còn mày như vậy thì sau này làm sao gánh gác nổi việc lớn của nước nhà?”. Thì ra, việc bắt Túc Thuận mới là khởi điểm thăng quan tiến chức của ông nội tôi.
 
Sửa lần cuối:
Hay, mày tính post sách của ông kia lên hay tự dịch thế. 300k chữ post lên cũng nhiều phết nhỉ
 
Cái bản ebook bị lỗi file nên tôi phải decode lại thôi chứ ko dịch. Sau khi decode hết chắc tôi post lên wattpad kiếm xiền
300k chữ là nguyên bản tiếng Hán của Phổ Nghi thôi.
Kiếm tiền thì cũng oke thôi, nhưng nếu thích thì mày cứ post lên đây cho nhiều tml đọc cũng tốt. Ủng hộ mày
 
Cuộc đời của Thuần Hiền Thân Vương (tiếp)


Quân Thanh giao tranh với quân Anh; Chiến tranh Nha Phiến lần 2

Sự việc xảy ra hồi năm 1861. Lúc bấy giờ chiến tranh nha phiến lần thứ hai đã kết thúc bằng việc ký hoà ước một cách nhục nhã. Vua Hàm Phong trốn tới tình Nhiệt Hà ốm nằm liệt giường, trước khi mất, ông cho gọi ba vị đại thần ngự tiền và năm vị đại thần quân cơ đi theo ông tới bên cạnh giường dặn phải dựng người con sáu tuổi là Tải Thuần làm hoàng thái tử và cử tám vị đại thần này làm đại thần tán tương chính vụ (giúp đỡ quản lý việc nước). Hôm sau vua Hàm Phong “thăng hà”. Thể theo lệnh vua, tám vị “cố mệnh đại thần” này phù Tải Thuần lên nối ngôi, đặt niên hiệu “Kỳ Tường”, đồng thời nắm hết quyền bính của triều đình.

Tám vị cố mệnh dại thần này là Di thần vương Tải Viên, Trịnh thân vương Đoan Hoa, thượng thư hộ bộ đại học sĩ hiệp biện Túc Thuận và năm đại thần quân cơ Cảnh Thọ, Mục Âm, Khuông Nguyên, Đỗ Hàn, Tiêu Hựu Doanh. Trong số người này, hai vị thân vương và đại học sĩ hiệp biện là những người nắm thực quyền, mà Túc Thuận lại là người chủ chốt nhất. Túc Thuận là người được coi trọng hồi thời vua Hàm Phong, nghe nói y giỏi đề bạt “nhân tài”, từng giới thiệu và đề bạt địa chủ người Hán là Tăng Quốc Phiên và Tả Tông Đường giúp triều đình nhà Thanh đàn áp cuộc cách mạng Thái Bình Thiên Quốc. Vì trọng dụng người Hán, nên y bị bọn quý tộc ghen ghét. Có người nói, trong thời kỳ Thái Bình Thiên Quốc hưng thịnh nhất, y vơ vét và bòn rút nhân dân cũng chỉ nhằm đối tượng là người “kỳ”(*). Cũng có người nói y rất hung ác, tàn nhẫn, chuyên quyền ngang ngược, có nhiều thủ đoạn rất thâm độc đối với những ai không ăn cánh, vì vậy đã gieo mầm mống tai hoạ và bị mọi người thù oán. Kỳ thực, Túc Thuận bị giết, nguyên nhân căn bản nhất là vì giữa tập đoàn này với phái thế lực mới vừa hình thành có mâu thuẫn gay gắt như lửa với nước, bọn Túc Thuận chưa biết rõ Cung thân vương Dịch Hân ở Bắc Kinh đang câu kết với người nước ngoài lúc bấy giờ đã có lực lượng như thế nào.

(*) Biện pháp cai trị của giai cấp thống trị người Mãn đối với dân tộc người Mãn là thực hành chế độ tám kỳ hợp nhất quân sự, hành chính và sản xuất. Chế độ này phát triển từ chế độ “ngưu lục” (người Hán dịch là “tá lĩnh”, là một hình thức tổ hợp nhất sản xuất và quân sự hồi thời kì đầu lịch sử dân tộc Mãn), năm thứ 29 (hay năm 1601) thời vua Vạn Lịch đời Minh, Nỗ Nhĩ Cáp Xích lập ra bốn kỳ Hoàng, Bạch, Hồng, Lam; năm thứ 44 (hay năm 1615) lập thêm bốn kỳ Tương Hoàng, Tương Bạch, Tương Hồng, Tương Lam, cả thảy là tám kỳ. Phàm người Mãn đều được biên chế vào thời kỳ này, vì vậy gọi là người kỳ, thời bình thì sản xuất, thời chiến thì đi đánh trận. Thời vua Hoàng Thái Cực lại lập nên tám kỳ Mông Cổ và tám kỳ quân Hán.


Quân Thanh tấn công thành quân Thái Bình Thiên Quốc

Cung thân vương Dịch Hân vốn không phải nhân vật được lòng trong triều đình Hàm Phong. Hàm Phong khi bỏ trốn đi tỉnh Nhiệt Hà đã để Dịch Hân ở lại Bác Kinh đàm phán với nước ngoài, song công việc chẳng có gì vui sướng này lại tạo cho y một dịp may rất tốt. Dịch Hân thay mặt triều đình nhà Thanh đàm hoà với liên quân Anh - Pháp và tiếp nhận “Điều ước Bắc Kinh” mất quyền nhục nước, do đó được đế quốc tán thưởng. Vị “hoàng thúc” được người nước ngoài ủng hộ này tất nhiên không cam chịu ở địa vị thấp kém hơn bọn Túc Thuận, hơn nữa lại được các vương công đại thần xưa nay vẫn ghen ghét Túc Thuận dung túng, nên càng muốn thử sức xuất đầu lộ diện. Đang lúc ấy, bỗng nhận được chỉ dụ của hai vị thái hậu ở “Ly cung” tỉnh Nhiệt Hà phái người bí mật mang đến.

Hai vị thái hậu này, một là, hoàng hậu của vua Hàm Phong, sau mang tôn hiện Từ An, còn gọi là Đông thái hậu, vị khác chính Từ Hy, còn gọi là Tây thái hậu. Tây thái hậu vốn là cung nữ, vì có thai với Hàm Phong nên được nâng làm quý phi, đẻ ra Tải Thuần là con trai duy nhất của Hàm Phong. Về sau Tải Thuần làm vua, mẹ nhờ con được vinh hiển, trở thành thái hậu. Không biết có sự sắp xếp gì trước hay không mà Từ Hy vừa lên thái hậu, tức thì có một ngự sử dâng sớ đề nghị hai vị thái hậu ra “thùy liêm thính chính”. Sở dĩ đời Đường, vua Đường Cao tông bàn việc nước với các đại thần tại triều đường, hoàng hậu Võ Tắc Thiên ngồi sau ngai vua buông rèm xuống để nghe ngóng và tham gia quyết định việc nước. Vì vậy, sau này thái hậu nắm triều chính được gọi là “thùy liêm thính chính".


Tranh chân dung Võ Tắc Thiên đời nhà Thanh

Đề nghị đó bị Túc Thuận và những người khác kịch liệt phản đối, nói là triều đình nhà Thanh không có lệ này. Đối với Từ An thái hậu là người không có dã tâm thì không sao, nhưng đối với Từ Hy thì bà ta mang hận trong lòng. Trước hết bà cố để Từ An thái hậu tin rằng một số cố mệnh đại thần ấy rắp tâm làm phản, sau đó được sự đồng ý của Từ An, bà mật triệu Cung thân vương Dịch Hân tới “Ly cung” ở tỉnh Nhiệt Hà bàn mưu tính kế đối phó. Lúc bấy giờ, để củng cố được thế lực của mình, nhóm Túc Thuận từng trăm phương nghìn kế đề phòng Cung thân vương ở Bắc Kinh và thái hậu ở “Ly cung”. Có nhiều lời đồn về việc hai thái hậu làm thế nào tránh được tai mắt của nhóm Túc Thuận để liên hệ với Cung thân vương. Có người nói chỉ dụ của thái hậu là do một người làm bếp trong cung bí mật đem đến Bắc Kinh, lại có người nói Từ Hy cố tình công khai đánh mắng thái giám tâm phúc của bà ta là An Đức Hải rồi ra lệnh giải về nội triều ở Bắc Kinh để xử, và như vậy An Đức Hải đã mang chỉ dụ tới Bắc Kinh. Dù sao chỉ dụ cũng đã tới tay Cung thân vương. San khi được chỉ dụ, Cung thân vương đã lập tức gửi sớ tới “Ly cung” yêu cầu được vào triều yết vua. Túc Thuận lấy cớ “trách nhiệm quan trọng ở lại trông giữ Bắc Kinh” để ngăn cản nhưng không xong, y lại vin phép tắc “chị dâu và em chồng không được chuyện trò với nhau” để ngăn cản Cung thân vương gặp hai bà thái hậu, nhưng cũng không thành. Về việc Cung thân vương gặp hai thái hậu sau này có nhiều lời đồn, người thì nói Cung thân vương giả làm thầy mo lẩn vào được “Ly cung”, kẻ thì nói Cung thân vương “chiếu tướng” Túc Thuận rằng: “Nếu như chị dâu em chồng gặp nhau không tiện, thì ông hãy đứng tại chỗ mà giám sát”.

Túc Thuận ngượng mặt quá đành phải nhượng bộ. Có người nói khi Cung thân vương đi cúng linh vị vua Hàm Phong, Từ Hy thái hậu sai An Đức Hải đem thưởng cho y một bát mì, trong bát có chỉ dụ của Từ Hy. Tóm lại, bất kỳ lời đồn nào đáng tin hay không tin, cuối cùng vẫn là Cung thân vương Dịch Hân đã gặp Từ Hy thái hậu và bàn bạc cụ thể mọi việc. Kết quả là sau khi hai bà thái hậu trở về Bắc Kinh, Dịch Hân liền được phong Nghị chính vương, còn Di thân vương Tải Viên và Trịnh thân vương Đoan Hoa thì “được” ban cho “tự vẫn”, Túc Thuận bị chém, năm cố mệnh đại thần khác đều bị giam hoặc sung quân. Niên hiệu của Tải Thuần cũng bị đổi là “Đồng Trị”, có nghĩa là hai bà thái hậu cùng nắm triều chính. Và từ đó bắt đầu 47 năm lịch sử “thuỳ liêm thính chính” của Từ Hy thái hậu trong hai thời vua Đồng Trị và Quang Tự. Công trạng của ông nội tôi trong cuộc đảo chính này là bắt được Túc Thuận tại Bán Bích Điếm trên đường y hộ tống quan tài vua Hàm Phong về Bắc Kinh, vì vậy được ban hàng loạt phẩm tước như đã kể trên.
 
Sửa lần cuối:
Kể cũng tiếc, tự nhiên lại có từ Hy thái hậu do nghĩ cho bản thân nên mới đầu hàng các nước thực dân. Chứ nếu không có từ Hy thái hậu, thì Trung Quốc đã nổi dậy chống lại các nước thực dân thì Trung Quốc đất rộng người đông đã không rơi vào cảnh nữa phong kiến, nữa thuộc địa. :embarrassed:
 
Cuộc đời của Thuần Hiền Thân Vương (tiếp)

Năm thứ 3 đời vua Đồng Trị, ông nội tôi lại được phong danh hiệu “gia thân vương hàm”, năm thứ 11 Đồng Trị được chính thức tấn phong thân vương. Năm thứ 13, vua Đồng Trị tạ thế, vua Quang Tự nối ngôi, ông nội tôi lại được phong “thế tập võng thế”, ý là con cháu muôn đời đều được thừa tập tước vương.

Trong triều đình Quang Tự, Cung thân vương Dịch Hân từng nhiều lần không được chuộng, nhưng Thuần thân vương Dịch Hoàn thì ngày càng được ân thưởng, hưởng đến mọi vinh hiển trên đời.

Tôi từng trông thấy rất nhiều câu đối “cách ngôn gia huấn” của ông nội tôi để lại trong Thuần vương phủ do chính tay ông viết. Những câu đối và hoành phi ấy đều treo trong các phòng của con cháu. Có một câu đối viết: “phúc lộc trùng phùng tăng phúc lộc, ân quang bối bối thụ ân quang” , nghĩa là "Mãi mãi tăng phúc lộc, đời được ân thưởng"

Lúc đó tôi nghĩ rằng ông nội tôi hình như đã thoả mãn lắm rồi, còn bây giờ tôi lại nghĩ khác, thậm chí hành động “xem kịch mắng con” xưa kia đều có dụng ý của ông.

Nếu như Thuần quận vương năm 21 tuổi thiếu hiểu biết, thì qua 13 năm thời vua Đồng Trị ông đã có nhiều từng trải. Nhất là việc vua Đồng Trị và hoàng hậu chết, là thân vương quý tộc dòng dõi của vua, ông càng biết sự tình và càng thấm thía hơn ai hết.


Chân dung bệnh nhân giang mai thời kỳ cuối - Thế kỷ XIX

Theo sử sách ghi chép, thì vua Đồng Trị chết vì bệnh giang mai, nhưng theo tôi biết thì Đồng Trị chết vì bệnh đậu mùa (nhật ký của ông Đồng Hoà cũng ghi chép như vậy). Lẽ ra bệnh đậu mùa không phải là bệnh không chữa được, nhưng Đồng Trị đã bị kích thích trong khi ốm, vì vậy bị biến chứng “Đậu chạy vào trong” không còn cách cứu chữa mà chết. Nghe nói sự tình như sau: Một hôm, hoàng hậu vào điện Dưỡng Tâm thăm vua Đồng Trị, ngồi trên giường bệnh vừa khóc vừa kể cho Đồng Trị nghe mẹ chồng trách mắng như thế nào. Đồng Trị khuyên hoàng hậu cố chịu đựng, sau này sẽ có ngày ngẩng đầu dậy. Từ Hy vốn không ưa gì con dâu này, từ lâu đã gài tai mắt theo dõi con đẻ và con dâu. Hôm đó được tin hoàng hậu đi thăm Đồng Trị bèn đích thân đến nấp ngoài điện Dưỡng Tâm để nghe trộm câu chuyện của con và dâu. Hai vợ chồng trẻ có ngờ đâu những câu thủ thỉ riêng tư của mình đã mang lại tai vạ tày trời! Đang lúc ấy, Từ Hy nổi giận đùng đùng lao vào giật lấy tóc con dâu đập túi bụi, và gọi người đem gậy đến đánh. Đồng Trị kinh hãi ngất lịm đi, Từ Hy thấy vậy mới thôi không hành hạ con dâu nữa. Đồng Trị chết, Từ Hy bèn đổ hết trách nhiệm lên đầu con dâu, ra lệnh hạn chế cơm nước không cho hoàng hậu ăn uống đầy đủ. Hai tháng sau, hoàng hậu cũng bị đầy đoạ đến chết. Sau khi hoàng hậu chết, Từ Hy vẫn chưa nguôi giận, lại cất chức Thị lang của bố hoàng hậu là Sùng Khởi. Năm sau, có một ngự sử dâng sớ nói là bên ngoài có nhiều lời đồn, người nói hoàng hậu chết vì đau buồn quá mức, kẻ nói chết vì không được ăn uống, dù sao đi nữa hoàng hậu rất mực tiết lễ, nên được khen ngợi, truy thưởng phẩm tước v.v... Song, chẳng thấy truy thưởng phẩm tước gì hết, chỉ thấy vị ngự sử ấy mất toi chức vụ của mình.


Chân dung hoàng đế Đồng Trị

Lúc Đồng Trị còn sống, sự bất hoà giữa mẹ con Đồng Trị không còn là chuyện bí mật nữa. Hồi tôi còn ở trong Cố cung, từng nghe thấy các thái giám già nói, mỗi lần Đồng Trị đi thỉnh an Đông thái hậu xong còn nán lại chuyện trò một lát nhưng trước mặt mẹ đẻ của mình thì trái lại không hề hé miệng nói lên một lời. Thời kỳ Đồng Trị, vây cánh của Từ Hy thái hậu đã sớm hình thành. Vì Đông thái hậu không bao giờ hỏi han đến công việc, nên mỗi lần vua Đồng Trị quyết định một việc gì, nếu không hỏi qua Tây thái hậu thì không thể nào thông qua dược. Đây là nguyên nhân chính của sự bất hoà giữa hai mẹ con. Từ Hy là người rất mực ham mê quyền thế, không bao giờ chịu để mất một quyền lực nào đã nắm được trong tay. Đối với bà cái mà gọi là tam cương ngũ thường, pháp chế tổ tông chỉ có thể để phục vụ cho mình. Để có thể duy trì quyền uy và tôn nghiêm của mình, Từ Hy đối xử với dòng họ, cốt nhục, đại thần, thân tín, bất kỳ là ai, nếu thuận thì sống, trái thì chết. Việc Đồng Trị và hoàng hậu chết càng phơi bày hơn nữa bộ mặt của Từ Hy. Nếu không hiếu rõ sự tình thì ông nội tôi không bao giờ bay hồn mất vía khi nghe tin con mình được gọi đi làm vua. Trong nhật ký của ông Đồng Hoà là người từng đi dự hội nghị ngự tiền lần ấy đã viết: khi Từ Hy vừa tuyên bố dứt lời dựng Tải Điềm làm vua kế thế, ông nội tôi liền “dập đầu khóc thảm thương, ngất lịm dưới đất, nâng dậy không đứng nổi...”
 
Sửa lần cuối:
Cuộc đời của Thuần Hiền Thân Vương (tiếp)

Theo pháp chế của tổ tông, vua không có thái tử thì phải chọn lấy một người con của anh em ngang họ làm hoàng thái tử để nối ngôi. Sau khi Tải Thuần chết, lẽ ra phải chọn một người có tên đệm “Phổ” là bậc hàng con làm hoàng thái tử, song nếu như vậy Từ Hy sẽ là hoàng thái hậu, tiếp tục “thùy liêm thính chính” thì khó nói quá. Vì thế Từ Hy không tìm con thừa kế cho con mình, mà chọn Tải Điềm là cháu gọi mình bằng dì làm con mình để tiếp ngôi vua Đồng Trị. Lúc bấy giờ, một ngự sử là Ngô Khả Độc bằng cách “thi gián” (lấy tính mệnh của mình để mà can ngăn) yêu cầu lập con thừa kế cho Đồng Trị, nhưng cũng không làm Từ Hy thay đổi được ý định. Bà chỉ hứa rằng, bao giờ vua mới có thái tử thì sẽ lập con thừa kế cho Đồng Trị. Một học sĩ là bạn tâm giao của Thuần vương phủ, sau này kể cho tôi biết tình hình hội nghị ngự tiền lần đó. Hôm ấy Đông thái hậu không có mặt, Tây thái hậu nói với các vương công đại thần đang quỳ dưới đất rằng: “Chị em ta đã bàn rồi, chọn người hơi lớn thì chị em ta cũng không muốn lắm đâu! “thi gián” hay khóc ngất để can ngăn cũng chẳng được tích sự gì”.

Từ đấy, ông nội tôi bắt đầu trải qua một quá trình kỳ lạ: hễ Từ Hy mỗi lần ban thưởng vinh dự cho ông thì ông lại một lần tạ ơn từ chối, và đến năm Tải Điềm vào cung lên ngôi thì ông nội tôi đã từ hết mọi chức quan, chỉ riêng ân hưởng “thân vương thế tập võng thế” là không thể từ chối được phải nhận. Mấy năm sau đó, công việc duy nhất của ông nội tôi là chăm lo việc học tập cho vua Quang Tự. Ông lo sợ nơm nớp, không dám lơ là trong công việc, vì vậy lại được Từ Hy ban cho song lộc và “ngồi kiệu bốn người khiêng, tự do đi lại trong cung cấm”. Về sau Cung thân vương Dịch Hân không được chuộng bị cất chức đại thần Nghị chính vương, Từ Hy thái hậu ra lệnh cho các đại thần quân cơ phàm việc nước trọng đại đều phải bàn bạc với Thuần thân vương, và như vậy coi như ban cho ông nội tôi cấp bậc càng cao hơn. Theo thường lệ đàn ông lấy vợ thì coi là trưởng thành, nếu như Quang Tự kết hôn, thì thái hậu đáng lý phải giao lại quyền hành cho vua. Điều đó tất nhiên Từ Hy không muốn, vì vậy trước khi Quang Tự kết hôn, Từ Hy bày cho Dịch Hoàn dẫn đầu một nhóm quần thần tâu xin thái hậu tiếp tục “huấn chính”. Lúc triều đình nhà Thanh xây dựng một hải quân kiểu mới. Dịch Hoàn được giao trọng trách này. Nhưng đến khi Dịch Hoàn thay mặt hoàng hậu đi duyệt hải quân mới hình thành bước đầu, thì thái hậu lại phái Tổng quản Lý Liên Anh là thái giám tâm phúc của bà ta cùng đi để theo dõi.

Kể từ khi Quang Tự lên ngôi, ông nội tôi càng biết rõ tính tình của chị vợ mình. Trong những năm thời vua Quang Tự, Từ Hy vui giận bất thường. Có một thái giám chơi cờ hầu bà ta nói đùa một câu: “Bầy tôi diệt con ngựa này của lệnh bà”, Từ Hy lập tức nổi giận đùng đùng: “Ta giết cả nhà ngươi!” lập tức lôi thái giám này ra đánh chết tươi. Từ Hy rất chuộng tóc của mình, một lần, thái giám chải đầu cho bà ta xong thấy kẽ lược có mắc một sợi tóc, sợ quá định dấu, không ngờ Từ Hy nom thấy qua tấm gương soi, vì vậy thái giám này bị một trận đòn. Những thái giám hầu hạ Từ Hy thái hậu đều nói, ngoài Lý Liên Anh ra, bất kỳ ai tới phiên đứng trực hầu hạ chung quanh Từ Hy đều lo sợ nơm nớp. Từ Hy già dần, da mặt thường bị chứng bệnh co dúm, bà ngại nhất là người khác trông thấy. Có một thái giám có lẽ vừa thoáng nhìn lâu một chút, bà ta hỏi ngay: “Ngươi nhìn gì?” Thái giám không biết trả lời như thế nào, liền bị lôi ra đánh mấy chục hèo. Các thái giám khác biết vậy đến lượt mình đứng trước bà không ai dám ngẩng đầu, Từ Hy lại nổi giận: “Các ngươi cúi đầu làm gì?”. Thái giám không trả lời được lai bị lôi ra đánh mấy chục hèo. Lại một lần, Từ Hy hỏi thái giám hôm nay thời tiết như thế nào, thái giám này tiếng nói còn đặc giọng địa phương trả lời: “Thời tiết rớt lạnh rớt lạnh”, Từ Hy nghe không quen cũng sai người đánh ông ta một trận. Không những thái giám, mà cung nữ cũng thường bị hành hạ đánh đập.

Những nô bộc chết vì bị đánh đập không phải là chuyện lạ trong cung đình và vương phủ Bắc Kinh, và cũng chẳng làm cho Thuần thân vương cảm thấy bị kích động lắm. Nhưng cái chết đột ngột của Đông thái hậu vào năm thứ 7 đời vua Quang Tự đối với ông thì không phải chuyện bình thường nữa. Nghe nói trước khi mất, Hàm Phong lo quý phi (tức Từ Hy) vì con nối ngôi mà được làm thái hậu sau này sẽ cậy thế hiếp người, hoàng hậu Nữu Hộ Lộc Thị (tức Từ An) không phải là đối thủ của bà ta nên có để lại một tờ sắc chiếu, ban quyền cho hoàng hậu lúc nào cần thiết thì giở ra để trị Từ Hy. Từ An tuy xuất thân dòng dõi hầu tước nhưng ít từng trải, có một lần nói lộ ra cho Từ Hy biết, từ đó Từ Hy trăm phương nghìn kế tán tụng để lấy lòng Từ An, cuối cùng, trước mặt Từ Hy, Từ An đã đốt sắc chiếu của Hàm Phong để lại. Chẳng bao lâu, Đông thái hậu chết đột ngột trong cung. Có người nói Đông thái hậu chết vì ăn bánh ngọt của Từ Hy sai người đem đến biếu, lại có người nói là ăn canh do chính tay Từ Hy nấu mang cho. Cái chết của Đông thái hậu tất nhiên tác động mạnh đến Thuần thân vương. Từ đó ông làm việc gì cũng thấp thỏm, và coi việc làm cho Từ Hy vừa ý và tin cậy là bổn phận duy nhất cua mình. Hồi ông phụ trách việc xây dựng hải quân (Lý Hồng Chương làm đại thần hộ biện), ông đã rút phần lớn kinh phí xây dựng hải quân ra xây dựng vườn Di Hoà để làm nơi vui chơi cho Từ Hy. Đang lúc công trình tiến hành khẩn trương thì tỉnh Trực Lệ (nay là Hà Bắc) và vùng Bắc Kinh bị lụt lớn, ngự sử Ngô Triệu Thái đề nghị tạm ngưng lại vì sợ nhân dân bị nạn lụt gây loạn, đã bị cất chức và “giao cho bộ nghị xét xử”. Còn Thuần thân vương thì không dám hé một lời, vẫn nai lưng dốc thúc làm cho xong. Năm 1890, vườn Di hoà làm xong, và ông nội tôi cũng rời khỏi cõi đời. Bốn năm sau, hải quân do ông một tay xây dựng bị đánh bại thảm hại trong chiến tranh Giáp Ngọ. Những tàu chiến đổi bằng mấy chục triệu lạng bạc chỉ còn lại chiếc thuyền bằng đá để làm cảnh trong vườn Di Hoà, ngoài ra không còn gì hết.
 
Sửa lần cuối:
Ông ngoại Vinh Lộc

Thuần hiền thân vương có bốn “phu chin" ("vợ trong tiếng Mãn), bảy trai ba gái. Khi mất để lại ba trai một gái, lớn nhất là con trai thứ năm tức Tải Phong cha tôi, năm ấy tám tuổi, được thừa tập tước vương. Hai chú của tôi là Tải Tuân 5 tuổi và Tải Đào 3 tuổi, cũng được tấn phong tước công. Gia đình tôi từ đấy lại bắt đầu được “ân thưởng phúc lộc” mới. Cái “ân thưởng phúc lộc” trong mười mấy năm cuối của Thuần vương phủ so với mấy mươi năm trước càng tích tụ thêm sự khổ cực và tủi nhục của nhân dân Trung Quốc và cũng không thể tách rời với cái tên Từ Hy.

Một việc lớn là Từ Hy chỉ định hôn nhân cho bố mẹ tôi. Lần “ân thưởng” cũng có thể nói là con đẻ cuộc đảo chính Mậu Tuất (1898) và vụ Canh Tý (1900). Trước hết, đó là một ân thưởng cho “trung thần”. Vinh Lộc đã lập công lớn cho Từ Hy trong vụ đảo chính Mậu Tuất. Vinh Lộc, ông ngoại tôi, là người kỳ Chính Bạch, Mãn Châu, thời vua Hàm Phong từng làm Ngân khố viên ngoại lang bộ Hộ suýt bị Túc Thuận chém vì tội tham nhũng. Không biết bằng cách nào ông đã thoát khỏi vận nguy đó và tung tiền mua được cái chức Hầu bổ đạo viên, sau đó từng là đại thần Tổng quản phủ nội vụ, năm đầu thời vua Quang Tự được lên tới Công bộ thượng thư. Về sau vì bị tố cáo tham ô hối lộ, bị giáng chức điều ra khỏi Bắc Kinh. Năm xảy ra chiến tranh Giáp Ngọ, Cung thân vương Dịch Hân ra làm việc quân, Vinh Lộc bèn nhân dịp vào Bắc Kinh chúc thọ Từ Hy thái hậu tìm đến nương tựa Cung thân vương và được y tín nhiệm. Sau chiến tranh Giáp Ngọ, khi tiến cử Viên Thế Khải ra làm quan huấn luyện quân lính mới, Vinh Lộc đã làm tới Binh bộ thượng thư. Thời kỳ này Vinh Lộc càng lão luyện hơn trước nhiều, ông rất biết chộp thời cơ, nhất là không tiếc tiền đút lót Tổng quản thái giám Lý Liên Anh, vì thế khiến Từ Hy thái hậu dần dần thay đổi ấn tượng đối với ông.

Vinh Lộc được người bạn tốt Lý Liên Anh, lại thêm vợ mình rất khéo lấy lòng thái hậu và thường được triệu tập vào cung chuyện trò với thái hậu, nên ông ngày càng thấu hiểu tâm lý Từ Hy. Ông biết nội tình sự bất hoà giữa Từ Hy và Quang Tự, càng biết sự bất hoà ấy liên quan đến tiền đồ của mình, nên dĩ nhiên ông càng mong muốn bàn mưu tính kế cho Từ Hy trong sự lục đục này. Trong khi vua Quang Tự ra sắc chiếu thực hành biện pháp duy tân, những người đã bị cách chức và những người đang lo bị mất chỗ đứng chỉ biết than khóc, thì Vinh Lộc đã sớm bày kế cho Từ Hy. Lúc bấy giờ người ta gọi những người theo vua Quang Tự là Đế đảng, gọi những người theo Từ Hy là Hậu đảng. Vinh Lộc là người cầm đầu các đại thần nắm quyền thuộc Hậu đảng, Ông
Đồng Hoà cầm đầu các đại thần không có thực quyền thuộc Đế đảng. Phái duy tân sở dĩ bắt mối được với vua Quang Tự là nhờ Khang Hữu Vi do Ông Đồng Hoà tiến cử. Theo kế của Vinh Lộc, Từ Hy trước hết buộc Quang Tự cho thầy học là Ông Đồng Hoà về vườn.

Nghe nói trước khi Ông Đồng Hoà về vườn, Vinh Lộc còn đến giả vờ lau nước mắt bắt tay tiễn đưa và hỏi: “Sao ông lại mang tội với vua làm gì?”. Ông Đồng Hoà vừa rời khỏi Bắc Kinh vài ngày, Vinh Lộc liền được lên làm Uyên các đại học sĩ kiêm Tổng đốc tỉnh Trực Lệ và đại thần Bắc Dương. Với cương vị tột cùng này ông có quyền thống lĩnh cả ba quân. Sau khi nắm được các chức vị này, Vinh Lộc xúi các đại thần liên danh dâng sớ phế bỏ Quang Tự và do Từ Hy khôi phục “thính chính”, song vì phái đương quyền bị chỉ trích về mọi mặt sau khi chiến tranh Giáp Ngọ thất bại, có người sợ hành động này sẽ dẫn đến sự bất mãn của dân chúng nên không dám hưởng ứng, vì vậy Vinh Lộc buộc phải bỏ ý định đó. Nhưng cuối cùng thì Vinh Lộc cũng đạt được mong muốn nhân vụ đảo chính Mậu Tuất. Nghe nói sự việc xảy ra như sau: Thoạt đầu Vinh Lộc định kế làm đảo chính trong khi Từ Hy thái hậu cùng vua Quang Tự đi Thiên Tân duyệt tân binh, Quang Tự được tin này bèn sai người bí mật báo tin cho phái duy tân biết để tìm cách ứng cứu. Phái duy tân đặt hy vọng rất nhiều vào Viên Thế Khải lúc bấy giờ đang làm Án sát xứ Trực Lệ thống lĩnh tân binh, không ngờ sự việc đã hỏng ở tay y.

Giữa lúc cả nước đang đàm luận sôi nổi về duy tân và coi đó như một thời kỳ mới, Viên Thế Khải đã gia nhập vào đoàn thể “Cường học hội” của. nhân sĩ phái duy tân. Hồi Ông Đồng Hoà về vườn có qua Thiên Tân, Viên Thế Khải cũng từng bầy tỏ với ông sự đồng tình của mình, đồng thời khẳng định lòng trung thành vô hạn của mình với vua Quang Tự. Bởi thế phái duy tân đặt niềm hy vọng ở y và đề nghị vua Quang Tự nâng chuộng y. Quang Tự đã triệu y vào hầu và đặc cách tấn phong y làm Thị Lang binh bộ chuyên trách việc huấn luyện quân lính, sau đó Đàm Tự Đồng(*) thuộc phái duy tân tìm đến gặp y ở nhà riêng và cho biết kế hoạch của phái duy tân: Phải giết cho bằng được Vinh Lộc bằng cách “binh gián” (dùng binh quyền để can ngăn hoặc yêu cầu) trong khi Từ Hy và Quang Tự duyệt binh, đồng thời giam lỏng Từ Hy, ủng hộ Quang Tự. Nghe xong, Viên Thế Khải hớn hở nhận lời ngay: “Giết Vinh Lộc chẳng qua dễ như giết một con chó mà thôi!”. Đàm Tự Đồng thăm dò thêm: “Ông không làm cũng được, cứ báo cho phía Từ Hy biết thì sẽ được hưởng phú quý vinh hiển”. Viên Thế Khải trợn trừng đôi mắt: “Ông tưởng thằng Viên Thế Khải tôi là kẻ như thế sao?”. Ấy thế mà sau khi tiễn Đàm Tự Đồng về, y liền về Thiên Tân ngay hôm ấy báo cáo hết cho Vinh Lộc, cấp trên của y. Được tin, Vinh Lộc vội đáp tàu hoả đến Bắc Kinh, tới Phong Đài (ngoại ô Bắc Kinh) xuống tàu đi thẳng tới vườn Di Hoà báo cho Từ Hy. Rốt cuộc Quang Tự bị giam lỏng, Đàm Tự Đồng cùng năm nhân sĩ phái duy tân bị giết, Khang Hữu Vi bỏ trốn sang Nhật, phong trào duy tân mới nhóm lên và tồn tại 100 ngày đã bị dập tắt. Còn Vinh Lộc ông ngoại tôi thì đúng như lời Lương Khải Siêu nói “kiêm chức văn võ, quyền thế ngập triều”, và trong “Thanh sử cảo”, cũng đã ghi chép rằng “được thái hậu hết sức tin cậy và quan tâm, chẳng ai sánh kịp. Bất kỳ việc lớn việc nhỏ, thường phải ông phán quyết một lời mới xong”.

(*) Đàm Tự Đồng (1865-1893) người Lưu Dương tỉnh Hồ Nam, một nhà tư tưởng của phong trào duy tân cuối đời Thanh. Ông căm giận vì chiến tranh Trung - Nhật thất bại, tổ chức “Toán học xã” tại Lưu Dươn, viết sách “Nhân học”, sau tổ chức “Nam học hội” và chủ bút tờ “Tương báo” (báo Hồ Nam), trở thành một trong những lãnh tụ của phong trào duy tân. Sau khi Viên Thế Khải mật báo, ông cùng Lân Húc, Dương Nhuệ, Lưu Quang Đệ, Dương Thân Tú và Khang
Quang Nhân là nhân sĩ phái duy tân bị giết hại, sử cũ gọi là “Lục quân tử”
 
Ông ngoại Vinh Lộc (tiếp)

Trong vụ Canh Tý (1900) tai hại, Từ Hy lợi dụng Nghĩa hoà đoàn giết người nước ngoài, đồng thời lợi dụng người nước ngoài giết Nghĩa hoà đoàn, Vinh Lộc càng thêm trung thành với Từ Hy thái hậu. Sau cuộc đảo chính Mậu Tuất, Từ Hy tung tin Quang Tự bị ốm nặng để dễ bề thủ tiêu Quang Tự. Không ngờ âm mưu đó bị phát giác, rốt cuộc dẫn đến người nước ngoài muốn đến khám bệnh cho Quang Tự. Từ Hy không dám động đến người nước ngoài buộc phải để cho họ đến khám bệnh. Kế này không thành, bà lại bày cách chọn con thừa tự cho Đồng Trị rồi tiếp đó mới khử Quang Tự. Bà chọn Phổ Tuấn là con của Đoan vương Tải Y làm con thừa tự cho vua Đồng Trị, và theo mưu kế của Vinh Lộc đến ngày nguyên đán thì mời công sứ các nước tới dự lễ chúc mừng để tỏ ra họ cũng ủng hộ hành động này. Song, việc giao thiệp lần này của Lý Hồng Chương với người nước ngoài không thành, các công sứ đều từ chối không đến. Việc này hiện nay mọi người đều rõ như ban ngày, không phải là vì các công sứ bất mãn gì với cách cứ xử của Từ Hy, mà là công sứ các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nhật.. không thích thú gì thế lực của Hậu đảng thân đế quốc Nga lên nước quá nhiều. Tất nhiên, kể từ ngày lên nắm quyền, Từ Hy chưa bao giờ dám động đến người nước ngoài. Người nước ngoài chém giết nhân dân Trung Quốc, cướp giật vàng bạc châu báu của Trung Quốc, tất cả những việc ấy đối với bà chẳng có gì đáng kể, song việc người nước ngoài bảo hộ Khang Hữu Vi, phản đối việc phế truất vua Quang Tự và dựng vua kế thế, công khai tỏ ra không đồng ý sự thống trị của bà, thì bà không thể chịu dược nữa. Vinh Lộc khuyên bà dù thế nào đi chăng nữa cũng chớ nên trêu tức người nước ngoài, sự việc chỉ có thể thương lượng dần, về phần danh phận của Phổ Tuấn cũng đừng làm lộ liễu quá.

Từ Hy tiếp nhận ý kiến của Vinh Lộc. Tập “Thanh sử cảo” có đoạn ghi chép: “Sợ người nước ngoài chống, nghe lời Vinh Lộc, đổi gọi Tải Tuấn là Đại A Ca”. Nhưng vì muốn con mình làm vua Tải Y, đã cùng với một số vương công đại thần như Cương Nghị, Từ Đồng... bày kế khác cho Từ Hy là lợi dụng Nghĩa hoà đoàn để chống người nước ngoài để gây sức ép với người nước ngoài, hòng đạt đến mục đích hai bên cùng bị thương tổn. Lúc bấy giờ vấn đề Nghĩa hoà đoàn là vấn đề đau đầu nhất của triều đình nhà Thanh. Trước tình hình bọn truyền đạo người nước ngoài ức hiếp, bòn rút thậm tệ, nhân dân các nơi không những không được sự bảo hộ của triều đình, trái lại còn bị người nước ngoài liên hợp đàn áp, cho nên cuộc đấu tranh của nhân dân đã bùng nổ, khắp nơi đều thành lập đội quân Nghĩa hoà đoàn, nêu khẩu hiệu diệt người nước ngoài. Qua đấu tranh không ngừng, Nghĩa hoà đoàn lúc đó đã trở thành một lực lượng vũ trang lớn mạnh. Triều đình mấy lần điều quân lính đi đàn áp, đều bị họ đánh cho không còn mảnh giáp. Đối với Nghĩa hoà đoàn phải “tiễu trừ” hay “phủ dụ” trở thành vấn đề mà Từ Hy còn lưỡng tự. Nhóm vương công đại thần chủ trương “phủ dụ” do Tải Y và đại học sĩ Cương Nghị cầm đầu định lợi dụng Nghĩa hoà đoàn đánh đuổi bọn người nước ngoài can thiệp vào việc phế truất, vua và chọn người làm vua kế thế rồi sau hãy hay. Nhưng Binh bộ thượng thư Từ Dụng Nghi, Hộ bộ thượng thư Lập Sơn và Nội các học sĩ Liên Nguyên kiên quyết phản đối, cho rằng lợi dụng Nghĩa hoà đoàn chống lại người nước ngoài ắt mang lại tai hoạ, vì thế chủ trương “tiễu trừ”.

Giữa lúc hai bên giằng co chưa ngã ngũ, thì có tình báo đến làm Từ Hy hạ quyết tâm dứt khoát. Tình báo này cho rằng người nước ngoài coi nguyên nhân của cuộc bạo động ở khắp nơi là nhân dân muốn buộc Từ Hy phải trả lại quyền bính cho Quang Tự. Từ Hy nổi giận, lập tức hạ chiếu chỉ tuyên bố “phủ dụ” và mở kho cấp tiền cho Nghĩa hoà đoàn, treo giải thưởng lấy thủ cấp người nước ngoài, đồng thời ra lệnh tấn công các sứ quán ở phố Đông Giao Dân và các trại lính của họ. Để tỏ quyết tâm, bà sai đem xử chém Dụng Nghi, Lập Sơn, Liên Nguyên chủ trương “tiễu trừ”. Rút cuộc không đánh chiếm được phố Đông Giao Dân, trái lại pháo đài Đại Cô và thành phố Thiên Tân lần lượt thất thủ, liên quân của nước ngoài tiến đánh Bắc Kinh. Giữa lúc đó Từ Hy lại giở thủ đoạn mới, phái người bất chấp khói lửa bom dạn tới phố Đông Giao Dân ngấm ngầm liên lạc với người nước ngoài. Bắc Kinh thất thủ, bà trốn tới Tây An. Sau đó, để chứng minh với người nước ngoài bà vốn không phải là người chống họ, ra lệnh đem chém Cương Nghị, Từ Đồng và một số đại thần khác dã chủ trương “phủ dụ”. Trong trận “bão cuốn mưa dông” thất thường này, Vinh Lộc hết sức giữ ý không để mình bị cuốn vào cơn lốc ấy. Vinh Lộc xử đoán công việc theo sắc mặt của Từ Hy, không bao giờ trái với ý của bà, hơn nữa còn luôn luôn chuẩn bị “đường rút” cho Từ Hy. Ông thừa nhận phải tấn công trại lính ngoại quốc ở phố Đông Giao Dân nhưng lại không cấp phát đạn dược cho quân lính, hơn nữa lại ngấm ngầm đem hoa quả đến trại lính nước ngoài để úy lạo. Sau khi liên quân tám nước vào Bắc Kinh và Từ Hy bỏ trốn, Vinh Lộc lại chỉ thị cho Lý Hồng Chương và Dịch Khuông có đặc trách hoà đàm với liên quân phải nắm được nguyên tắc miễn là không truy trách nhiệm của Từ Hy và không bắt Từ Hy giao quyền bính cho Quang Tự, thì có thể chấp nhận mọi điều kiện. Kết quả là dẫn đến việc ký kết điều ước Tân Sửu (1901) với nội dung bồi thường gần một tỷ lạng bạc kể cả lợi tức và đội quân nước ngoài được phép đóng tại Bắc Kinh. Vinh Lộc giải quyết xong công việc về tới Tây An liền được “ân điển” cho mặc áo bào màu vàng (áo của vua mặc khi cưỡi ngựa), ban cho “song nhãn hoa linh” (Đuôi mũ quan đời Thanh, của hoàng tộc và quan to thì làm bằng lông công, của quan thường thì làm bằng lông chim màu lam), ngoài ra đáng chú ý là Từ Hy thái hậu chỉ định việc hôn nhân cho con gái Vinh Lộc, gả cho Thuần thân vương Tải Phong làm vợ.
 
Ông ngoại Vinh Lộc (tiếp)

Về mối nhân duyên của cha mẹ tôi, sau này nghe các bô lão kể lại, tôi mới biết thâm ý của Tây thái hậu. Thì ra sau vụ đảo chính, Tây thái hậu rất nghi ngờ Thuần vương phủ. Nghe nói trên mộ ông tôi có cây bạch quả rất cao, không biết ai nói với thái hậu rằng Thuần vương phủ xuất hiện hoàng đế, là vì trên mộ Thuần vương có cây bạch quả, “bạch” (白) trên mộ “vương” (王) đúng là chữ “hoàng” (皇) rồi! Từ Hy nghe xong liền sai người đi chặt bỏ mất. Kỳ thực làm cho Từ Hy nghi ngờ không chỉ là cây bạch quả, mà quan trọng hơn là thấy người nước ngoài thích thú với Quang Tự và anh em Quang Tự. Trước vụ Canh Tý, Từ Hy đã cảm thấy những người nước ngoài đáng sợ ấy hơi ngả về Quang Tự và đối với bà thì không mấy nể nang. Sau vụ Canh Tý, thống soái liên quân đòi phải cử anh em của vua làm đại biểu sang Đức xin lỗi việc công sứ Đức bị giết.

Cha tôi sang Đức được hoàng thất nước Đức tiếp đón trọng thể, đã làm cho Từ Hy không yên lòng và thêm nghi ngờ. Đối với bà, Quang Tự được người nước ngoài coi trọng là điều đáng lo ngại hơn Khang Hữu Vi thuộc phái duy tân. Để thủ tiêu mối lo ngại này, cuối cùng bà đã nghĩ ra cách kéo Vinh Lộc và Thuần vương phủ nối thành thông gia. Tây thái hậu là con người như thế đấy. Phàm việc dù nhỏ đến đâu chăng nữa hễ bà ta cảm thấy là mối đe doạ đối với mình, thì nhất định tìm cách xử lý dứt khoát. Năm 1901 trước khi trốn chạy đi Tây An, bà vẫn không quên sai người bắt Trân phi (Quý phi của vua Quang Tự) đẩy xuống giếng cho chết đuối để trừ hậu hoạ. Mọi suy nghĩ của bà đều nhằm làm thế nào duy trì được sự thống trị của mình. Năm thứ 27 thời vua Quang Tự, cha tôi sang Đức xin lỗi trở về nước, khi tới Khai Loan gặp loan giá hồi kinh, ông tâu lại tình hình được tiếp đón trọng thể ở Đức và tháng 11 theo giá tới Bảo Định thì nhận được chỉ dụ của thái hậu chỉ định việc hôn nhân.
 
Cái bản ebook bị lỗi file nên tôi phải decode lại thôi chứ ko dịch. Sau khi decode hết chắc tôi post lên wattpad kiếm xiền
300k chữ là nguyên bản tiếng Hán của Phổ Nghi thôi.
Post Wattpad reup cũng kiếm được tiền à
 
Quyết định của Từ Hy Thái Hậu

Sau vụ Canh Tý, Tải Y bị coi là người trong những người chủ yếu phải chịu trách nhiệm trong vụ này và bị sung quân đi Tân Cương, con của y bị mất cái tên “Đại A Ca”. Sau đó trong 7 năm, việc phế truất Quang Tự và dựng vua kế thế không còn ai bàn tán công khai nữa. Tháng 10 năm thứ 34 (năm 1908 công nguyên) thời vua Quang Tự, sau khi ăn mừng sinh nhật 74 tuổi của mình tại vườn Di Hoà, Từ Hy bị bệnh kiết lỵ, đến ngày thứ 10 bà bỗng quyết định chọn con thừa tự cho vua Quang Tự. Hai ngày sau đó, Quang Tự và Từ Hy lần lượt qua đời. Trong nhật ký của cha tôi có ghi:

Ngày 19. Triều yết.
Dâng sớ khẩn của Khánh vương...


Ngày 20. Triều yết.
Phụng chỉ thay mặt phê sớ. Khánh vương tới Bắc Kinh... (Thần) phụng chỉ làm nhiếp chính vương..., phụng chỉ dắt Phổ Nghi vào cung.


Ngày 21. Thần nghe tin hoàng thượng băng hà... Được hoàng thái hậu cho vời vào cung. Tiếp chỉ: Dựng con của Tải Phong làm vua kế thế.

...Lại tiếp chỉ: Vua kế thế hãy còn nhỏ, đang lúc chuyên tâm học tập, uỷ thác Nhiếp chính vương Tải Phong trông coi việc nước, mọi việc quân chính đều phải được sự huấn thị sau mới thi hành, chờ vua trưởng thành, học tập tiến bộ, lúc đó vua đích thân định đoạt chính sự.

Tôi chọn chép đoạn nhật ký ngày 19 là ngày đầu tiên Tây thái hậu tuyên bố quyết định của mình, là vì “dâng sớ khẩn của Khánh vương” ngày 19 và “Khánh vương tới Bắc Kinh” ngày 20 có quan hệ mật thiết tới việc dựng vua kế thế. Đây là sự sắp đặt cẩn mật của Tây thái hậu. Để nói rõ việc này, không thể không nói rõ tình hình của Khánh vương từ hồi trước.

Khánh vương tức Dịch Khuông (*), nổi tiếng vì thực hiện đường lối ngoại giao bán nước và mua bán phẩm tước. Thời đại Tây thái hậu, chỉ cần được lòng thái hậu thì công danh hiển hách. Nếu muốn được lòng thái hậu thì trước hết phải biết nắm tình hình của bà trong mọi lúc. Vinh Lộc nhờ đút lót Tổng quản thái giám Lý Liên Anh và sai vợ vào cung chuyện trò bợ đỡ thái hậu, nên nắm được nhiều tin tức rất kịp thời, vì vậy được lòng thái hậu hơn mọi người. Cách làm của Dịch Khuông nếu nói có khác hơn Vinh Lộc chút ít là y không tiếc tiền đút lót nhiều hơn cho Lý Liên Anh và con gái của Dịch Khuông tinh khôn hơn vợ Vinh Lộc. Nếu thái hậu vô ý để lộ và thích cái gì, chẳng hạn như chiếc áo hoặc đôi giày thêu khảm... thì chỉ vài ba ngày sau con gái Dịch Khuông đã đem những thứ đó đến tận tay bà ngay. Vận đỏ thăng quan tiến chức của Dịch Khuông chính là bắt đầu từ chỗ đó. Từ một chức vị thấp nhất trong tôn thất là phụ quốc tướng quân, ông dần dần lên đến thân vương, và nắm mọi quyền hành quản lý những công việc quan hệ với nước ngoài.

(*) Khánh vương, cháu nội của Khánh Hy thân vương Vĩnh Lân - con trai thứ 17 của vua Càn Long. Lúc đầu được thừa tập phẩm tước Phụ quốc tướng quân, năm thứ 2 thời vua Hàm Phong được phong Bối tử, năm thứ 10 được phong Bối lặc, năm thứ 11 thời vua Quang Tự được phong Khánh quận vương, năm thứ 20 được phong thân vương.

Cuộc hoà đàm Tân Sửu là sự kiện quan trọng nhất trong đời ông. Trong vụ này, ông không những hết lòng làm vừa ý thái hậu, để thái hậu khỏi chịu trách nhiệm chính, mà còn làm vừa ý liên quân tám nước trong việc ký kết điều ước. Người ta khi nói đến vốn liếng chính trị của vương công nào, chỉ nói vương công này có Đức làm hậu thuẫn, vương công nọ có Nhật đằng sau lưng..., đều chỉ có một nước ngoài nâng đỡ còn khi nói đến Khánh vương thì chẳng ai sánh kịp: vì ông có những tám nước ủng hộ. Vì vậy sau cuộc hoà đàm Tân Sửu, Tây thái hậu rất mực coi trọng ông. Năm thứ 29 thời vua Quang Tự, ông nắm quyền hành vượt cả đại thần quân cơ của Lễ thân vương đã già chỉ có tiếng chứ không có miếng. Về sau, Lễ thân vương rút lui, Dịch Khuông chính thức tiếp lấy chức vụ đó, con là Tải Chấn cũng được phong Thương bộ thượng thư, hai bố con vinh hiển không ai bằng. Mặc dù có một số vương công và ngự sử chống đối, tố cáo ông lộng quyền và tham nhũng, nhưng cuối cùng cũng chẳng có kết quả gì, thậm chí người tố cáo còn bị cách chức.
 
Quyết định của Từ Hy Thái Hậu (tiếp)

Tây thái hậu định gạt Dịch Khuông không thành, hơn nữa vì Dịch Khuông có mối liên hệ với người nước ngoài sau này có việc còn phải nhờ ông vì vậy sau đó thái hậu không dám động đến ông nữa, nhưng đối với Viên Thế Khải thì bà không do dự. Năm 33 thời vua Quang Tự, Tây thái hậu điều Viên Thế Khải làm Ngoại vụ bộ thượng thư, đồng thời tham gia việc quân. Bề ngoài coi như trọng dụng, thực sự là tước binh quyền của Viên Thế Khải. Hiểu dụng ý đó, Viên Thế Khải không chờ sắc lệnh đã chủ động giao nộp quyền thống lĩnh quân Bắc Dương.

Tây thái hậu rất hiểu khả năng thực tế của Viên Thế Khải khống chế quân Bắc Dương không phải một sớm có thể tước hết, quan hệ giữa Dịch Khuông và Viên Thế Khải cũng không thể cắt đứt ngay được. Trong khi còn đang dự định một biện pháp khác thì bà bị ốm, đồng thời nghe tin Viên Thế Khải định phế truất vua Quang Tự, dựng Tải Chấn con của Dịch Khuông lên ngôi. Lập tức bà điều Dịch Khuông đi trông coi công trình xây lăng, sau đó điều quân lính của Đoàn Kỳ Thụy (*) rời Bắc Kinh, lệnh Thiết Lương thống lĩnh đơn vị của mình vào đóng ở Bắc Kinh thay Đoàn Kỳ Thụy. Tới khi Dịch Khuông làm xong công việc trở về Bắc Kinh thì sự việc đã giải quyết xong xuôi, tức là đã tuyên bố tôi nối ngôi và cha tôi làm Nhiếp chính vương. Nhưng để tiếp tục lôi kéo Dịch Khuông được 8 nước ủng hộ, Từ Hy bèn “ân điển” cho dòng họ Dịch Khuông được đời đời thừa tập tước lộc thân vương.

(*) Đoàn Kỳ Thụy (1864-1936), người Hợp Phì tỉnh An Huy, tướng lĩnh quân Bắc Dương đắc lực của Viên Thế Khải. Sau khi Viên Thế Khải chết, y được đế quốc Nhật ủng hộ,.từng mấy lần nắm chính quyền Bắc Kinh, là tay sai trung thành của đê quốc Nhật. Sau sự biến ngày “18 tháng 9” năm 1931, được Nhật ủng hộ ý định tổ chức chính quyền Hán gian tại Hoa Bắc. Về sau bị Tưởng Giới Thạch giam lỏng đến chết tại Thượng Hải.

Âm mưu của Viên Thế Khải và Khánh vương Dịch Khuông có thật như vậy hay không, nội dung cụ thể ra sao, điều đó tôi cũng không rõ lắm. Nhưng theo Thiết Lương kể về việc sắp xếp này của Từ Hy thì, trước khi điều bộ phận quân Bắc Dương của Đoàn Kỳ Thụy rời khỏi Bắc Kinh, Từ Hy đã ra lệnh phát cho mỗi người lính hai lạng bạc, một bộ quần áo mới và hai đôi giầy. Ngoài ra, tôi còn được nghe thái giám già Lý Trường An nói về nghi án cái chết của Quang Tự. Thái giám già Lý Trường An nói trước ngày Quang Tự mất, Quang Tự vẫn bình thường, chỉ sau khi uống một thang thuốc bệnh tình mới trầm trọng. Về sau mới biết thang thuốc đó chính là do Viên Thế Khải sai người đem tới. Bệnh của Quang Tự chỉ là bị cảm mạo thông thường, trước khi chết một ngày có người còn trông thấy Quang Tự khoẻ mạnh đang đứng nói chuyện với người khác, vì vậy tin Quang Tự ốm nặng đã làm mọi người kinh ngạc, càng kinh ngạc hơn là tin ốm nặng loan báo mới được hai tiếng đồng hồ thì nghe nói đã “thăng hà”. Tóm lại cái chết của Quang Tự quả thật đáng nghi, và nếu lời nói của thái giám già Lý Trường An là đúng, thì quả thật Viên Thế Khải và Dịch Khuông đã có âm mưu rất tỷ mỉ.

Cũng có người đồn rằng, Tây thái hậu biết mình ốm không dậy được, nhưng không cam tâm chết trước Quang Tự, nên đã hạ thủ một cách thâm độc. Lời đồn này cũng có thể đúng. Nhưng tôi được biết, hôm công bố tôi lên ngôi, bà vẫn không tin mình ốm liệt giường. Hai tiếng đồng hồ sau khi Quang Tự chết bà còn ra lệnh cho nhiếp chính vương: “Mọi việc quân chính phải được sự huấn thị mới thi hành”. Đến hôm sau mới nói: “ Vì nay bệnh tình trầm trọng, sợ không dậy nổi, sau khi dựng vua kế thế, mọi việc quân chính đều do Nhiếp chính vương định đoạt gặp việc trọng dại phải hỏi ý kiến hoàng thái hậu (hoàng hậu của Quang Tự là cháu gái Từ Hy) mới được thi hành.”

Tất nhiên, bà nghĩ mình cũng không sống được bao lâu nữa. Theo bà thì quyết định như vậy là đã tận sức gìn giữ được ngai vàng của dòng dõi Ái Tân Giác La. Bà thậm chí cho rằng, quyết định này đúng là ở chỗ chọn người em ruột của Quang Tự làm Nhiếp chính vương. Vì theo lẽ thường, chỉ có người như vậy mới không mắc mưu Viên Thế Khải.
 
Nhiếp Chính Vương giám quốc

Trong 3 năm tôi làm vua và cha tôi làm Nhiếp Chính Vương, mãi đến năm cuối cùng tôi mới được thấy cha tôi. Đó là hồi tôi vào học ở Cung Dục Khánh không lâu, một hôm ông đến xem xét việc học tập của tôi.

Một thái giám vào bẩm: “Vương gia đã đến”.

Thầy học vội xếp sách vở ngay ngắn lại đồng thời bảo cho tôi biết khi gặp cha tôi thì phải làm thế nào, xong rồi bảo tôi đứng chờ. Một lát sau, một người lạ mặt, đầu đội mũ quan, cằm không có râu xuất hiện ở ngưỡng cửa phòng học và đứng thẳng người trước mặt tôi. Đó chính là cha tôi.

Theo gia lễ, tôi cúi chào, sau đó cùng ngồi xuống ghế. Ngồi xong tôi cầm sách và đọc theo lời thày chỉ dẫn trước.

“Mạnh Tử gặp Lương Huệ Vương, vương đứng trên đồng lầy....”.

Không hiểu vì sao tôi hồi hộp quá không đọc tiếp được. Cũng may cha tôi còn hồi hộp hơn tôi, nên vội gật đầu nói lập cập:

“Tốt, tốt, hoàng thượng cố gắng mà học... học tập nhé”

Dứt lời lại gật đầu lia lịa rồi đứng dậy đi ra. Cha tôi dừng lại ở chỗ tôi không quá hai phút.

Từ hôm ấy tôi mới biết hình dạng của cha mình: ông không giống thầy học của tôi vì ông không để râu, mặt không vết nhăn, đuôi mũ bằng lông công như bay nhảy sau gáy. Về sau cứ một tháng là ông đến một lần, và lần nào cũng không quá hai phút. Tôi còn biết cha tôi hơi nói lắp, và biết đuôi mũ lông công sau gáy ông sở dĩ cứ nhảy lên nhảy xuống là vì hễ ông cứ nói chuyện thì lại gật đầu lia lịa. Ông rất ít nói, ngoài mấy tiếng “tốt, tốt, tốt” ra khó mà nghe được những lời khác. Em trai tôi thường nghe mẹ tôi nói, năm Tân Hợi (1911) cha tôi từ chức Nhiếp chính vương, từ cung vua về đến nhà liền nói với mẹ tôi: “Bắt đầu từ hôm nay mình có thể về nhà bế con rồi!”. Thấy cha tôi nói một cách nhẹ nhõm mẹ tôi ức đến phát khóc, và sau đó khuyên em tôi: “Con lớn lên đừng bắt chước cha như thế con nhé!” Hồi đó cha tôi có viết hai câu đối “có sách thật phú quý, không việc tiểu thần tiên”, tuy không nói lên được đầy đủ chí “ẩn dật” của ông, nhưng cũng thấy ông rất khổ não trong 3 năm “giám quốc”. Có thể nói rằng ba năm ấy là ba năm thất bại nhất trong đời ông.

Đối với ông, thất bại cay đắng nhất là không trừ được Viên Thế Khải. Có người đồn rằng, trước khi chết Quang Tự có tâm sự với Nhiếp chính vương và để lại chỉ dụ viết bốn chữ “giết Viên Thế Khải”. Theo tôi biết thì không có việc gặp gỡ lần đó giữa hai anh em Quang Tự. Việc Nhiếp chính vương muốn giết Viên Thế Khải để báo thù cho anh quả có thật, song đã bị bọn đại thần quân cơ đứng đầu là Dịch Khuông ngăn cản. Tình tiết cụ thể thì tôi không được biết, chỉ biết lời nói của Dịch Khuông “giết Viên Thế Khải không khó, nhưng nếu quân Bắc Dương nổi dậy làm phản thì làm thế nào” đã làm cha tôi chán ngán. Rốt cuộc là Long Dụ thái hậu nghe lời Trương Chi Động và vài người khác cho Viên Thế Khải về nhà “chữa bệnh đau chân” thả y đi mất.
 
Nhiếp Chính Vương giám quốc (tiếp)

Có một người làm việc trong Phủ Nội vụ nói cho tôi biết, lúc bấy giờ Nhiếp chính vương muốn bắt chước cách của Khang Hy là triệu Ngao Bái vào cung ban cho ngồi trên một chiếc ghế có một chân hỏng, Ngao Bái không đề phòng ngồi xuống bị ngã, thế là buộc tội “khi quân” và bị giết. Cùng Nhiếp chính vương bày kế này là tiểu Cung thân vương Phổ Vĩ (*).

(*) Phổ Vĩ (1880-1937), cháu nội Cung thân vương Dịch Hân. Trước cách mạng Tân Hợi làm đại thần cấm thuốc phiện. Sau Tân Hợi ở Thanh Đảo dưới sự bảo hộ của đế quốc Đức. Thanh Đảo bị Nhật chiếm, y lại theo Nhật. Thời gian này cùng Thăng Doãn tổ chức ra đảng Tông Xã không ngừng hoạt động phục hồi. Sau sự biến 19 tháng 8 năm 1931, y đứng ra làm hội trưởng Hội duy trì Tứ Dân Thẩm Dương, định lập “đế quốc Minh Quang” dưới sự ủng hộ của Nhật, song không lâu y bị bỏ rơi, sống bằng một khoản tiền của Nhật cấp cho tới chết ở Lữ Thuận.

Phổ Vĩ có một thanh đao Bạch Hồng của vua Hàm Phong ban cho ông nội y là Dịch Hân. Nhiếp chính vương bảo Phổ Vĩ đeo bên mình để giết Viên Thế Khải. Mọi kế hoạch đã xong xuôi, nhưng bị Trương Chi Động và đồng bọn ngăn lại. Câu chuyện này chưa đủ chứng cớ để tin, nhưng ít nhất cũng có một vài điểm là sự thật, tức là lúc bấy giờ có người cố sức bảo vệ Viên Thế Khải, cũng có người định giết bằng được Viên Thế Khải, những người bày mưu tính kế cho cha tôi cũng không phải là ít. Sau vụ đảo chính Mậu Tuất, Viên Thế Khải tuy bỏ ra rất nhiều tiền, đút lót, nhưng vẫn có một số thế lực không thể mua chuộc bằng tiền được. Những thế lực đối địch đó không hoàn toàn phải là phái duy tân và nhân vật thuộc Đế đảng hồi trước, mà không có những người tranh giành địa vị với Dịch Khuông, có những người cố sống cố chết cướp lấy binh quyền trong tay, cũng có những người vì mục đích nào đó đã đặt hy vọng vào việc lật đổ Viên Thế Khải. Vì thế, vấn đề giết chết và bảo vệ Viên Thế Khải không phải là cuộc đấu tranh giữa phái duy tân và phái thủ cựu giữa Đế đảng với Hậu đảng hồi trước, và cũng không phải là cuộc đấu tranh giữa quý tộc người Mãn với quý tộc người Hán, mà là cuộc đấu tranh giữa nhóm quý tộc này với nhóm quý tộc khác. Lúc ấy trong nội các quý tộc đã chia ra làm hai nhóm, một nhóm đứng đầu là Khánh vương Dịch Khuông, một nhóm đứng đầu là Công tước Tải Trạch. Bày mưu tính kế cho cha tôi và đòi quyền lực địa vị chủ yếu là nhóm Tải Trạch.

Bất kỳ là nhóm nào cũng bao gồm một số người thuộc dòng dõi Ái tân giác la, quý tộc người Mãn, thế gia tám kỳ, đại thần người Hán, mưu sĩ nam bắc...; giữa những người này cũng có sự bất đồng, ai cũng đều có tính toán riêng. Ví như lớp người dòng dõi tên họ có chữ đệm “Tải” như Tải Trạch chẳng hạn, thì cố sức tranh đoạt quyền hành của Khánh vương là người chú họ. Dòng dõi anh em trong Thuần vương phủ thì chỉ muốn nắm binh quyền của Viên Thế Khải và những đại thần người Hán khác. Cả đến anh em một nhà trong Thuần vương phủ, những người theo Anh học hải quân và theo Đức học lục quân cũng có ham muốn khác nhau. Nhiếp chính vương đứng giữa các nhóm đối lập, khi thì nghe bên này, lúc thì đồng ý bên kia, có khi nói với hai bên đều “tốt, tốt”, “ử, ử”, nhưng sau đó chẳng làm được gì hết, vì vậy nhóm nào cũng bất mãn với ông.

Khó đối phó nhất phải kể Dịch Khuông và Tải Trạch. Trước khi Tây thái hậu chết, Dịch Khuông làm lãnh hàm quân cơ, sau khi thái hậu chết, chế độ quan nội các có sự cải cách, y lại làm nội thần tổng lý nội các, do đó càng khiến Độ chi bộ thượng thư Tải Trạch bất bình. Hễ có dịp là Tải Trạch tìm gặp Nhiếp chính vương và nói xấu Dịch Khuông trước mặt Nhiếp chính vương. Nhưng Tây thái hậu cũng chẳng gạt được Dịch Khuông thì Nhiếp chính vương làm thế nào mà gạt nổi?

Nếu như Nhiếp chính vương ủng hộ Tải Trạch hoặc có thái độ đối lập với Dịch Khuông, thì Dịch Khuông chỉ cáo già từ chức ở tịt trong vương phủ không ra làm việc nữa là Nhiếp chính vương lập tức hoảng sợ ngay. Cho nên mỗi lần Tải Trạch và Dịch Khuông va chạm nhau cuối cùng Tải Trạch vẫn chịu thất bại. Người của Thuần vương phủ thường thấy Tải Trạch to tiếng với Nhiếp chính vương: “Ông anh hoàn toàn vì em; nếu không nghe ông anh thì lão Khánh (tức Khánh vương Dịch Khuông) sẽ làm mất đứt nhà Thanh cho mà xem!”. Nhiếp chính vương lần nào cũng trầm ngâm hồi lâu mới nói : “Ừ, ừ, mai sẽ nói với lão Khánh...”. Hôm sau, tình hình vẫn như vậy: Dịch Khuông vẫn hành động theo ý mình, Tải Trạch lại mất công toi.
 
Nhiếp Chính Vương giám quốc (tiếp)

Thất bại của Tải Trạch cũng là thất bại của Tải Phong, và thắng lợi của Dịch Khuông cũng thường là thắng lợi của Viên Thế Khải. Nhiếp chính vương Tải Phong không phải là không biết thế, cũng không phải là không muốn ngăn chặn, song không còn cách nào khác.

Về sau, bão táp khởi nghĩa Vũ Xương dấy lên, đại thần lục quân người Mãn là Am Xương dẫn quân Thanh đi đánh dẹp, tác chiến bất lợi phải tới tấp gửi điện khẩn về. Từ Thế Xương “quân sư” của Viên Thế Khải thấy thời cơ đã đến, bèn vận động Dịch Khuông, Na Đồng và mấy đại thần quân cơ khác tiến cử Viên Thế Khải. Lần này Nhiếp chính vương đã có chủ định, liền nổi khùng quạt cho Na Đồng (người “nguyện đem tính mạng” bảo đảm cho Viên Thế Khải) một trận. Song ông quên rằng Na Đồng sở dĩ dám đứng ra bảo đảm cho Viên Thế Khải tất nhiên không lo sợ là vì y có chỗ dựa. Sau khi Nhiếp chính vương tức giận khiển trách, Na Đồng liền cáo già từ chức, Dịch Khuông cũng không vào triều làm việc, điện khẩn về tình hình quân sự tới tấp bay về, Nhiếp chính vương không giữ được ý định của mình nữa, vội vàng thưởng cho Na Đồng “ngồi kiệu hai người khiêng”, mời Dịch Khuông “thông cảm thời thế khó khăn” ra làm việc trở lại, và cuối cùng buộc phải ký sắc lệnh phong cho Viên Thế Khải làm Khâm sai đại thần chỉ huy ba quân, đồng thời uỷ nhiệm Phùng Quốc Chương(*) và Đoàn Kỳ Thụy là hai thân tín của Viên Thế Khải làm thống lĩnh quân lĩnh ở tiền tuyến. Sau khi ông mặt mày ủ dột về tới vương phủ, một nhóm vương công đại thần khác vây quanh lấy ông, oán trách ông trước đã thả hổ về rừng, nay lại rước sói về nhà. Ông hối hận và nhờ các vương công đại thần bày mưu đặt kế hộ. Nhóm này nói, cho Viên Thế Khải ra làm việc cũng được, song phải hạn chế binh quyền của y, không nên để Phùng Quốc Chương và Đoàn Kỳ Thụy là thuộc hạ cũ của y làm thống lĩnh quân lính ngoài tiền tuyến. Qua bàn luận một hồi, có người cho rằng Phùng Quốc Chương còn có chút tình nghĩa, có thể dùng được, Bối lặc Tải Tuân cũng yêu cầu cho Khương Quý Đề bạn thân với mình thay thế Đoàn Kỳ Thụy. Ngay sau đó các vương công bèn giúp Nhiếp chính vương thảo lại bức điện, Nhiếp chính vương phái người đi ngay trong đêm ấy đem bức điện này tới Khánh vương phủ, bảo Dịch Khuông phát đi thay cho bức điện trước. Song người trong Khánh vương phủ trả lời rằng Khánh vương Dịch Khuông đang ngủ, có việc gì thì mai vào triều hãy hay. Ngày hôm sau Nhiếp chính vương vào triều chưa kịp đưa bức điện đó thì Dịch Khuông đã vào báo là bức điện trước đã phát đi từ tối hôm qua rồi.

(*) Phùng Quốc Chương (1857-1919), người tỉnh Hà Bắc, cũng là tướng lĩnh đắc lực giúp Viên Thế Khải xây dựng quân
Bắc Dương. Sau cách mạng Tân Hợi, y trở thành một trong những thủ lĩnh quân Bắc Dương, đồng thời là tay sai của đế
quốc Anh và đế quốc Mỹ


Cha tôi không phải là người không có chút chủ định nào. Chủ định của ông là duy trì sự thống trị của hoàng tộc, trước hết là lấy lại và nắm chặt binh quyền. Đó là một điều mà ông học được ở hoàng thất nước Đức sau lần làm sứ giả sang Đức hồi trước, tức là quân đội nhất thiết phải do hoàng thất nắm. Sau mấy ngày tôi lên ngôi, ông đã phái em trai là Tải Đào làm đại thần chuyên trách việc huấn luyện quân cấm vệ để xây dựng một đội quân hoàng gia. Sau khi Viên Thế Khải mượn cớ không vào triều, ông thay vua làm đại nguyên soái thống lĩnh quân đội cả nước, phái em trai là Tải Tuân làm đại thần trù bị xây dựng hải quân và Tải Đào phụ trách Quân tư xứ (cơ quan tổng bộ tham mưu), sau đó hai chú này của tôi trở thành đại thần hải quân bộ (bộ trưởng Bộ hải quân) và đại thần Quân tư phủ (tổng tham mưu trưởng).

Nghe nói, lúc bấy giờ cha tôi thường bàn với vương công đại thần là dù Viên Thế Khải đàn áp quân cách mạng được hay thua chăng nữa cũng phải khử y đi. Nếu y thua thì lấy cớ thua trận mà giết, nếu y được thì cũng tìm cách tước bỏ binh quyền và sau đó tìm cách diệt y. Tóm lại là quyết không để người Hán nắm quân đội nhất là không thể để binh quyền lọt vào tay Viên Thế Khải. Đằng sau kế hoạch này còn có nhiều dự định về việc nắm quyền thực tế lãnh đạo trong cả nước. Giả sử những dự định này là do cha tôi đặt ra thì, chưa nói đến trở lực bên ngoài, chỉ nói tài năng của ông cũng không thể nào thực hiện được. Vì vậy không những người theo Viên Thế Khải bất mãn với ông, mà chính anh em trong họ cũng thường than ngắn thở dài về ông.

Hồi con của Lý Hồng Chương là Lý Kinh Mại trước khi sang Đức làm công sứ có đến xin chỉ thị của Nhiếp chính vương, chú bảy Tải Đào đi cùng ông vào cung nhờ ông nhắc hộ Nhiếp chính vương về việc quân cấm vệ; có lẽ vì lo tự mình nói không có kết quả, nên định dựa vào uy tín của Lý Kinh Mại. Lý Kinh Mại nhận lời và bước vào điện, nhưng được một lát đã bước ra ngay. Tải Đào đứng ngoài chắc mẩm Lý đã quên việc ông nhờ, bèn hỏi sao mau vậy. Lý Kinh Mại cười ngán ngẩm: Nhiếp chính vương gặp tôi chỉ nói ba câu “ông ở đâu tới đó?”', tôi trả lời, Nhiếp chính vương hỏi tiếp “bao giờ lên đường?”, tôi mới trả lời xong chưa kịp thưa tiếp thì vương gia lại nói ngay “tốt, tốt, cố gắng nhé. Thôi lui xuống đi”. Đến việc của tôi còn chưa kịp nói nữa là việc của ông!
 
Sửa lần cuối:


Cuốn hồi ký “Nửa đời trước của tôi” của Phổ Nghi dày 590 trang gồm hơn 300k chữ Hán, bằng lối viết theo chương, tiết, bằng văn phong bạch thoại pha cổ văn, đã thuật lại cuộc đời của Phổ Nghi, từ khi được Từ Hy thái hậu đưa vào Tử Cấm Thành làm vua Tuyên Thống nhà Thanh lúc mới 3 tuổi, cho đến khi trở thành công dân của nước CHND Trung Hoa mới.
Phổ Nghi tên chính là Ái Tân Giác La Phổ Nghi, sinh năm 1906, mất năm 1967, lên ngôi năm 1909 niên hiệu Tuyên Thống, là hoàng đế thứ 12 của nhà Thanh, thoái vị sau cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) thành lập Trung Hoa Dân quốc, nhưng vẫn sống trong Tử Cấm Thành cùng với hoàng tộc với một số điều kiện ưu đãi của Chính phủ Trung Hoa Dân quốc.
Năm 1924, khi quân phiệt Phùng Ngọc Tường tấn công Tử Cấm Thành, ông chạy vào trốn tránh ở sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh. Sau một thời gian chuyển xuống Thiên Tân để mưu đồ khôi phục nhà Thanh mà không thành công. Tháng 3 năm 1934, ông được người Nhật đưa lên làm vua Mãn Châu Quốc ở Đông Bắc Trunq Quốc, kéo dài cuộc sống bù nhìn suốt thời kỳ phát xít Nhật tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc.
Tháng 8 năm 1945, Hồng quân Liên Xô tấn công tiêu diệt đội quân Quan Đông của Nhật Bản ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, ông bị Hồng quân Liên Xô bắt và đưa về Liên Xô. Năm 1949, Chính phủ Liên Xô trao trả Phổ Nghi cùng với một số tội phạm chiến tranh khác cho Chính phủ CHND Trung Hoa.
Năm 1959, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập nước CHND Trung Hoa, Chính phủ Trung Quốc ra lệnh đặc xá một số tội phạm chiến tranh đã thực sự tiếp thu cải tạo và hối cải. Phổ Nghi cùng nhiều người khác đã được ân xá và hưởng quyền công dân. Ông được trở về Bắc Kinh làm nhân viên Vườn thực vật Bắc Kinh và sau đó làm nhân viên Viện Nghiên cứu lịch sử Trung Quốc.
Qua các phương tiện truyền thông hiện đại, chúng ta đã được xem bộ phim do nhà đạo diễn Italia Bernardo Bertolucci dàn dựng, mang tên “Hoàng đế cuối cùng”.

Trích bản dịch của Lê Tư Vinh.



1. GIA THẾ CỦA TÔI (1) (2)

Hay đới
 
Nhiếp Chính Vương giám quốc (tiếp)

Bà nội tôi bị sưng nhọt ở vú, thầy lang chữa mãi chưa khỏi, cha tôi nghe lời các chú tôi cho mời một bác sĩ người Pháp đến chữa. Bác sĩ định mổ, bị cả nhà Thuần vương phản đối, chỉ còn cách bôi thuốc băng bó. Trước khi bôi thuốc bác sĩ đốt đèn rượu cồn khử trùng cho y cụ, cha tôi nom thấy khiếp quá vội hỏi phiên dịch: “Làm làm làm cái gì vậy? Định thiêu bà cụ à?”

Chú sáu Tải Tuân đứng sau cha tôi thấy ông không biết tí gì về y học, vội lắc đầu mím môi ra hiệu cho phiên dịch đừng dịch cho bác sĩ nghe. Bác sĩ để thuốc lại rồi ra về. Mấy hôm sau bác sĩ rất lạ thấy bệnh tình của bà nội tôi vẫn không giảm chút nào, bèn
xin cho xem lại các hộp thuốc bôi, cha tôi mang cả ra cho bác sĩ, thì ra tất cả vẫn còn y nguyên chưa hề mở ra. Các chú tôi lại một lần nữa lắc đầu thở dài.

Thuần vương phủ có một quản gia tên là Trương Văn Trị rất thích bàn luận về “vương già” (Nhiếp chính vương). Có lần ông kể, gần vương phủ có một ngôi miếu nhỏ với một cái giếng, nghe nói có một vị “tiên” sống trong đó. Sau vụ Ngân Định Kiều (*), có một lần Nhiếp chính vương đi qua ngôi miếu nhỏ đó muốn tạt vào vái lễ “tiên gia”, tạ ơn “tiên gia” từng bảo hộ cho ông thoát chết. Ông vừa quỳ xuống vái, bỗng một con chồn lông vàng từ dưới bàn thờ nhảy vụt ra chạy mất. Tuần cảnh bèn báo tin này lên trên, các đại thần liền đồn rằng, “vương già” mệnh trời rất lớn, đến “tiên gia” cũng không dám nhận một vái của ông. Kể xong Trương Văn Trị nói toạc móng heo ra rằng, thì ra “vương già” đã sai người trông miếu chuẩn bị sắp đặt từ trước rồi!

(*) Cầu Ngân Định gần Địa An Môn ở Bắc Kinh là nơi Tải Phong hằng ngày vào triều phải đi qua. Năm 1901, Uông Tinh Vệ và Hoàng Phục Sinh cho người đặt mìn tự chế giấu dưới cầu định ám sát Tải Phong, bị quân cảnh phát hiện nên âm mưu không thành. Uông và Hoàng bị bắt nhưng không bị cực hình vì nhà Thanh sợ thanh thế của nhân dân, đến khi tiến hành cuộc hoà nghị nam bắc (triều đình nhà Thanh với đảng cách mạng ở miền nam) thì hai người được thả, vụ án này gọi là Ngân Định Kiều.

Sau khi Từ Hy chết, những người trong Thuần vương phủ đều thích tự xưng mình là phái duy tân, cha tôi cũng vậy. Nói về đời sống của cha tôi thì có rất nhiều hành động chống mê tín và theo thời mới. Tôi từng nghe người ta nói, “Phật già” (chỉ Từ Hy) không phải thật sự chống duy tân đâu, những việc làm sau vụ Mậu Tuất chẳng phải là những việc Quang Tự muốn làm đó sao? Thuần vương cũng là một nhân vật thức thời, nếu không Từ Hy sau này sao lại để ông làm đại thần quân cơ? Những việc duy tân và quan hệ với người nước ngoài của Từ Hy ra sao ở đây không cần nói đến làm gì, nhưng việc duy tân của cha tôi thì tôi có biết được chút ít. Đối với những sự việc mà các “lão thần” cho là mới lạ thì ông không có thái độ bài xích. Thuần vương phủ là vương phủ đặt điện thoại và sắm ô tô trước nhất, người trong Thuần vương phủ cũng là những người cắt bỏ đuôi sam sớm nhất, và trong đám vương công quý tộc mặc âu phục sớm nhất cũng có cha tôi. Song ông hiểu biết thực sự về những việc “Tây” ra sao thì có thể lấy việc mặc âu phục làm ví dụ. Có lần, sau khi mặc âu phục được mấy ngày, ông hỏi Phổ Kiệt em trai thứ hai của tôi: “Tại sao áo sơ mi của chúng bay thì vừa thế mà của tao thì cứ dài thườn thượt hơn áo Tây nhỉ?”. Phổ Kiệt kiểm tra lại quần áo ông mặc, thì ra ông bỏ áo sơ mi ngoài quần nên phải khó chịu mất mấy ngày vì việc ấy!

Ông còn từng đuổi mụ thầy cúng chữa bệnh cho bà tôi ra khỏi cổng, và đối với con nhím mà trong nhà không ai dám mó đến thì ông cũng dám lấy chân đá xuống cống, song sau đó mặt mày lại tái mét. Ông phản đối tụng kinh niệm phật, nhưng mỗi năm cứ đến ngày giỗ ngày tết thì ông rất coi trọng việc thắp hương cúng bái. Sinh nhật của ông là ngày mồng 5 tháng giêng âm lịch, ở Bắc Kinh có tục lệ “phá ngũ” đúng vào ngày hôm ấy, ông bèn cấm không cho mọi người nói đến hai chữ ấy, và ông lấy mảnh giấy mầu đỏ dán lên tờ lịch này hôm ấy, trên viết một chữ Thọ với nét bút rất dài. Phổ Kiệt hỏi sao nét bút lạ đến thế, ông nói: “Gọi là trường thọ mà lỵ!”

Tôi từng đọc nhật ký của cha tôi viết trong ba năm làm Nhiếp chính vương trông coi việc nước để tìm hiểu tình hình lúc bấy giờ. Tôi nhìn thấy được nhiều tài liệu cần thiết, song phát hiện có hai loại ghi chép rất lý thú. Một loại là ghi chép các việc thường lệ như tới ngày lập hạ thì “theo tục lệ phải hớt tóc nửa trọc”, tới ngày lập thu thì “theo lệ phải hớt tóc rẽ đường ngôi”, ngoài ra thì theo lệ phải mặc quần áo gì, ăn những thức ăn gì v.v. và v.v. Một loại là ghi chép tỉ mỉ về quan sát hiện tượng thiên văn và những đoạn tóm tắt về tin tức thiên văn đăng trên báo,có lúc kèm theo một vài bản sơ đồ vẽ rất cẩn thận. Qua đó có thể biết được nội dung cuộc sống của ông rất nghèo nàn và ông rất ham mê thiên văn. Giả sử ông sống trong thời đại ngày nay, không biết chừng ông sẽ trở thành một nhà thiên văn học nổi tiếng. Song đáng tiếc là ông đã sinh ra trong xã hội thời ấy và gia đình ấy, hơn nữa là năm lên 8 đã trở thành một vị thân vương trong hoàng tộc.​
 
Sửa lần cuối:
Top