Có Hình Phận Hồng Vệ Binh - Thân phận con người Trung Quốc trong Cách mạng Văn Hóa Vô sản

Phận Hồng Vệ Binh (Born Red – tác giả Cao Nguyên – 1987 - NXB Đại học Stanford)



Lời bình (1)

Câu chuyện của Cao Nguyên dẫn chúng ta đến những năm đầu của Đại cách mạng văn hóa Vô sản của Trung Hoa. Có thể so sánh với nhật ký của Anne Frank, về những khoảnh khắc đậm tính nhân văn trong một thế giới không có tình người. Trải nghiệm không bao giờ quên được của Cao, với vai trò là một Hồng Vệ Binh (HVB) trong Cách mạng Văn hóa (CMVH) dẫn chúng ta theo một vòng xoáy chính biến, hàng triệu thanh niên trở thành những sứ giả của sự bất ổn. Qua con mắt của Cao, chúng ta sẽ thấy những mưu đồ chính trị, lợi dụng lý tưởng cao đẹp ban đầu, để rồi xâu xé lẫn nhau, suýt đưa nước Cộng hòa Nhân dân vào một cuộc nội chiến mới, một cơn thịnh nộ mà không chuyên gia phân tích nào có thể lý giải được.

Khởi nguồn của CMVH có thể được coi là bắt đầu khi Mao Trạch Đông nhận ra là CHND Trung Hoa vào giữa những năm 1960 đang chệch hướng khỏi con đường XHCN. Mao đã luôn là lãnh tụ tối cao từ khởi đầu cuộc nội chiến hồi những năm 1930, và là người vạch đường lối cho giai cấp nông dân vô sản đấu tranh dành quyền lực. Sau khi giành quyền lực, Mao không chỉ là chủ tịch nước, mà còn coi bản thân là người bảo vệ những tư tưởng, lý luận mà cuộc cách mạng đem lại.

Một cuộc khảo sát vào giữa những năm 1960 do Mao chỉ đạo, đã đem lại một kết quả không vừa ý. Đời sống văn hóa nhân dân còn phụ thuộc vào truyền thống và không theo cách mạng. Giáo dục cho tầng lớp trí thức được coi trọng hơn tầng lớp công nông. Nội bộ Đảng tham nhũng và ích kỷ. Những chương trình phúc lợi mang lại nhiều lợi ích cho thành thị hơn nông thôn, trong khi vùng nông thôn được coi là cái nôi của cách mạng Trung Quốc. Nếu làm ngơ các điều trên, Mao sợ rằng chủ nghĩa tư bản sẽ một lúc nào đó lén lút, âm thầm trở lại, và cuộc đấu tranh công nông trở nên vô nghĩa.

Gia đình của Cao trở thành một trong những mục tiêu đầu tiên của CMVH. Bố của Cao, một lão thành cách mạng bị HVB tấn công và sỉ nhục tàn tệ khi mà cuộc CMVH bắt đầu. Ông bị phán tội để ý thái quá đến kinh tế gia đình mà bỏ quên đấu tranh giai cấp, bỏ quên nhiệm vụ của một quan chức nhà nước.

Trong lúc CMVH diễn ra, Mao thường xuyên tuyên bố rằng: “Không thể xây mới mà không đập bỏ cái cũ”, và nó trở thành kim chỉ nam cho sự hủy hoại văn hóa của Trung Hoa, và là sự buộc tội cho vô số nạn nhân. Mỉa mai thay, CMVH chỉ đập cái cũ khá nhiều, nhưng không xây mới thêm được chút nào. Một cuộc cách mạng được xây dựng bởi bạo lực và tính thù địch, thật sự đi chệch với ý tưởng và hy vọng chống lại chủ nghĩa xét lại của Mao.​




Lời nói đầu của Cao Nguyên

Một trong những thiệt hại mà CMVH đã đem lại cho tôi chính là quyển nhật ký của mình. Trong một cuộc ẩu đả tại trường trung học của tôi, giữa lúc hỗn loạn đó, nó đã không cánh mà bay. Nên cũng có thể nói rằng những gì tôi cảm thấy, nhìn thấy, nghe thấy và nghĩ đến thời đại đó đã là dĩ vãng.

Những dòng dưới đây xin cam đoan là thật, và mỗi khi tôi nhớ lại chúng, cảm giác như mới ngày hôm qua, ngoại trừ những lời đối đáp, và tên của những người trong câu chuyện của tôi đều được đã được đổi tên khác. Với tên của mình, sau CMVH, tôi đã đổi tên từ Cao Kiến Hoa sang Cao Nguyên, âu cũng là có chút đặc biệt, vì tôi sinh ra ở cao nguyên tỉnh Hà Bắc.

Tôi xin gửi lời cám ơn và xin lỗi chân thành nhất đến những kiếp người đã trải qua cuộc CMVH, học sinh, thầy cô, giáo viên, công chức và gia đình mình.​

(Còn Tiếp)

Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5
Phần 6
Phần 7
Phần 8
Phần 9
 
Sửa lần cuối:
Top