Có Hình Tổng tài Gulag

Tổng tài GULAG - Dịch từ Gulag boss - A memoir - NXB Oxford - 2011

Đây là câu chuyện của một con người, về công việc và sự sinh tồn ở Pechorlag, một trại cải lao (Gulag) do Stalin lập nên, nằm ở phía bắc Vòng Bắc Cực. Fyodor Vasilevich Mochulsky (1918–1999) không phải là tù nhân trong trại Gulag; ông là một nhân viên. Không giống như những hồi ký nổi tiếng của Aleksandr Solzhenitsyn, Evgeniia Ginsberg, Varlam Shalamov, và những nạn nhân xấu số khác, câu chuyện này được kể bởi một nhân viên của NKVD (Bộ Dân ủy Nội vụ), với vai trò như một ông chủ phụ trách một số đơn vị của những người bị kết án trong thập niên 40 của thế ký trước. Nếu nói về các tư liệu viết về Gulag, hồi ký do các giám đốc trại viết rất hiếm. “Tổng tài Gulag” đây là cuốn sách đầu tiên về Gulag từ góc nhìn của người quản lý, được xuất bản bằng tiếng Anh.

Năm 1940, Mochulsky là một sinh viên hai mươi hai tuổi tại một trường vận tải viện kỹ thuật và là thành viên đang học cảm tình Đảng của Đảng C.ộng sản Liên Xô (CPSU). Với tư cách là một đảng viên, anh được nhận làm một kỹ sư làm việc trong Gulag để xây dựng một công trình đường sắt dài 500 km trên lớp băng vĩnh cửu. Mặc dù anh được gửi đến làm việc như một quản đốc, nhưng khi đến trại cải lao, anh thấy mình bất đắc dĩ phải nhận chức giám đốc vì thiếu nhân sự. Trong cuốn hồi ký này, tác giả đã mô tả cuộc sống và mối liên kết giữa nhân viên Gulag, lính canh NKVD và cán bộ Đảng trong những năm 1940 đến 1946. Là một nhân viên Gulag trực thuộc NVKD và không phải là tù nhân, Mochulsky cung cấp cho chúng ta một quan điểm mới về những tội ác đã xảy ra ở Gulag. Câu chuyện của tác giả đưa chúng ta đến một câu hỏi cũ rích là làm thế nào mà “những người bình thường” có thể tham gia vào những hành động cực kỳ tàn bạo như vậy.​
 
Đôi chút về GULAG

GULAG là từ viết tắt của Glavnoe Upravlenie Lagerei, hoặc Tổng cục Trại cải lao. Mặc dù nó là vô cùng khó khăn để xác định có bao nhiêu trại tồn tại, các học giả đã tìm thấy bằng chứng trong Kho lưu trữ của Nga về khoảng 478 trại lớn nhỏ vào năm 1940. Nó bao gồm 53 trại cải tạo lao động, một mạng lưới gồm 425 trại cải tạo trong các khu vực cải lao, cũng như nhiều nhà tù và “khu định cư đặc biệt”. Giữa năm 1928 và 1953, chính phủ Liên Xô đã coi những trại này và các khu vực cải lao là nguồn lao động quan trọng để xây dựng chủ nghĩa xã hội kiểu Xô viết (mặc dù có nhiều dự án sau dưới thời Khruschev bị coi là thừa thãi hoặc thiếu tính thực tiễn). Mặc dù rất khó để ước tính số lượng nạn nhân dưới sự đàn áp của chủ nghĩa Stalin, các học giả ước tính rằng khoảng 20 - 28,7 triệu người đã dành thời gian của đời mình trong Gulag (bao gồm cả lưu vong đặc biệt). Về số lượng người chết, một số học giả ước tính rằng trong trong những năm 1921–1953, có tới 7 triệu vụ hành quyết đã diễn ra, những người khác cho rằng 2,7 triệu người đã thiệt mạng, và khoảng 1,1 triệu người chết trong các vụ hành quyết đã được ghi chép lại. Qua hàng trăm lời tường thuật khác nhau, có thể biết được rằng hàng nghìn người đã bị bắn ngay lập tức hoặc chết trong những chuyến đi dài khắp lãnh thổ Liên Xô và do đó không được màng đến trong bất kỳ sổ sách nào còn lại. Và bây giờ chúng ta cũng biết rằng trong suốt những năm chiến tranh, cứ bốn tù nhân ở Gulag thì sẽ có một người xuống suối vàng.

Bất chấp mức độ giết người và ngược đãi, mà những ai sống sót đã kể lại trong vô vàn ấn phẩm, hồi ký và bài báo, cũng như những báo cáo tường tận rộ ra từ đầu thập niên 1940 ở phương Tây, Gulag vẫn còn là một bí ẩn đối với nhiều người bên ngoài lãnh thổ Liên Xô. Gulag giống như một công cụ của cảnh sát mật. đã thống trị cuộc sống ở Liên Xô trong phần lớn thời gian mà nó tồn tại. Ngay sau khi những người Bolshevik lên nắm quyền vào năm 1917, chính Lenin đã ủng hộ đã tiến hành "khủng bố hàng loạt không thương tiếc" và buộc những kẻ thù của chế độ mới thành lập vào các trại tập trung. Như vậy, Cheka (sau là NKVD) được lập nên, nhanh chóng bắt đầu giám sát chính quyền mới, gồm nhà tù và trại lao động. Cảnh sát mật đóng vai trò rất quan trọng để duy trì sự theo dõi chặt chẽ của Đảng C.ộng sản đối với xã hội Xô Viết. Cả Lênin và Stalin đã sử dụng tổ chức này một cách triệt để, nhằm loại bỏ những kẻ ngáng đường. Năm 1928, khi Stalin giới thiệu công cuộc đại công nghiệp hóa và các chương trình tập thể hóa của Kế hoạch 5 năm đầu tiên, NKVD mở rộng vai trò của mình để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra của Kế hoạch 5 năm.

Trong nhiều thập kỷ, chính phủ Liên Xô đã cố gắng hết sức để che giấu sự can thiệp của NKVD vào cuộc sống của nhân dân Liên Xô. Ngày nay, nhờ việc công khai các báo cáo, tài liệu của Liên Xô cũ vào thập niên 1990, vai trò của NKVD đã trở nên rõ ràng hơn. Chắc chắn, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về tầm cỡ của một bi kịch nhân loại, Gulag. Gulag của Liên Xô chắc chắn được xếp hạng là một trong những phát kiến chính trị tồi tệ nhất của thế kỷ XX, cùng với với Holocaust của Hitler ở châu Âu, cuộc tàn sát hàng triệu người của Pol Pot ở Campuchia, và các chính sách của Mao Trạch Đông đã giết chết hàng triệu người dân Trung Quốc. Gulag là chương trình giết người hàng loạt, do nhà nước ủng hộ, tồn tại lâu nhất trong thế kỷ đẫm máu đó.

Khu vực Pechorlag (Печо́ра)


Pechorlag, nơi phần lớn cuốn sách được kể

Pechorlag, trại nơi Mochulsky làm việc, nằm ở Cộng hòa Sô Viết tự trị Komi, ở phía đông bắc của St. Petersburg và phía tây của dãy núi Ural. Địa lý nơi này chủ yếu là rừng taiga và lãnh nguyên, có nơi nằm trên vòng Bắc Cực. Có học giả đã nói rằng Komi là “một trại khổng lồ,” cho các tù nhân xây dựng tất cả các thành phố lớn của khu vực, đường sắt và đường bộ, và tất cả các cơ sở hạ tầng công nghiệp ban đầu của nó. Người bản địa ở Komi là những người chăn tuần lộc, ngư dân và thợ săn; Mochulsky đã thực sự liên lạc với họ về việc mua một con tuần lộc, và chứng kiến cách dân địa phương bẫy chim để kiếm ăn.

Trung tâm hành chính của Pechorlag nằm trong một thị trấn ở phía nam nước cộng hòa, tên là Abez. Trại được chia thành ba khu vực gần như dọc theo trục Bắc-Nam. Trong mỗi khu vực, có bảy phòng ban được đánh số thứ tự và dưới các phòng ban này là các đơn vị, mỗi đơn vị bao gồm hàng trăm tù nhân và khu sinh hoạt của họ. Mochulsky khi vào được bổ nhiệm vào Khu vực thứ ba, Cục 6, Đơn vị Pernashor, ở cực bắc của khu trại rộng lớn này, nằm phía trên Vòng Bắc Cực.

Mỗi khu vực, bộ phận và đơn vị của mỗi trại lao động tù nhân được giám sát bởi các nhân viên NKVD. Cũng có một Đảng ủy, có cơ cấu thẩm quyền tương tự, để thực hiện “sự kiểm soát của đảng” đối với trại. Trong đơn vị của Mochulsky, các nhân viên NKVD bao gồm các thành viên của trung đội bảo an, thủ trưởng đơn vị và quản đốc đơn vị. Một Đảng viên không thuộc NKVD nhận nhiệm vụ tuyên giáo. Mochulsky, với tư cách là một nhân viên NKVD và Đảng viên, thuộc về hai tổ chức: NKVD và Đảng ********.

Tại Pechorlag, cũng như ở hầu hết các trại Gulag khác, những người bị kết án sẽ được giam giữ theo tính chất tội phạm của họ. Do đó, khi Mochulsky được chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác trong trại, lực lượng lao động của ông lại luân chuyển. Thỉnh thoảng, lao động dưới quyền ông là tù nhân chính trị; trong khi với những quản lý khác, họ lại là tội phạm bình thường. Bất kỳ ai bị bắt vì tội thực sự, chẳng hạn như cướp hoặc hiếp dâm, đều bị gọi là tù nhân “phi chính trị”. Những người khác, bị bắt hầu hết dưới danh mục tổng quát của Điều 58 bộ luật hình sự về “tội phản cách mạng,” được gọi là “chính trị gia” hoặc “bọn 58”.​
 
Sửa lần cuối:
LỜI TÁC GIẢ - Mochulsky

Vào năm 1956, tại Đại hội Đảng C.ộng sản lần thứ 20, lần đầu tiên chúng tôi nghe đến sự sùng bái cá nhân của Stalin bị chỉ trích công khai ở Liên Xô. Từ lúc lời tố cáo đầu tiên của Khruschev nổ ra, một số lượng lớn các ấn phẩm đã xuất hiện năm này qua năm khác, trình bày chi tiết về cấu trúc tàn bạo của hệ thống bộ máy chính trị do Stalin tạo ra, đặc biệt là Gulag. Hàng chục triệu người dân Liên Xô đã đến thăm quan Gulag, hay được chính thức gọi là Ban quản lý trại cải tạo lao động của NKVD. Tất nhiên, trong đó có những tù nhân Gulag thực sự đã phạm một số loại tội phạm thực sự, nhưng phần lớn những người bị tống vào trong đó là những người trung thực, vô tội từ các thành phố và làng mạc của mọi nơi trong lãnh thổ Liên Xô.

Trong trại, có cả những người c.ộng sản kỳ cựu, nhiều người đã phục vụ Đảng trong thời kỳ tiền cách mạng 1917, cũng như những người đã được vinh danh với giải thưởng uy tín của Liên Xô, chẳng hạn như các Anh hùng trong Nội chiến và những Anh hùng trong Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Ở đó cũng là những học giả và nhân vật văn hóa nổi tiếng, những người đã tự soi sáng bản thân bằng những thành tựu của họ trong công nghiệp và nông nghiệp. Cũng có vô số những người Xô Viết quả cảm, đã chiến đấu xuất sắc trong nội chiến Tây Ban Nha, và nhiều binh lính và chỉ huy của Hồng quân đã bị bắt làm tù binh trong cuộc chiến với Phần Lan vào hồi 1939–1940.

Một số lớn tù nhân là những nông dân chất phác, được coi là những ai đã “từ bỏ thân phận Kulak”, phải chăng lỗi duy nhất của họ là yêu mảnh đất của mình và đời đời trồng trọt trên đó. Trong nhiều trường hợp, đây là những gia đình mà mọi thành viên, từ trẻ nhất đến già nhất, đều hăng say làm việc từ nửa đêm cho đến sáng và trở nên khá giả so với những người hàng xóm kém chăm chỉ hơn. Những nông dân thành công này bị tố cáo là “kulaks” và bị tống đến Gulag. Mặc dù vậy, ai cũng biết rằng kẻ thù thực sự đe dọa đến quyền lực của Liên Xô ở nông thôn đã chạy biến sau chiến tuyến, cùng với tàn quân của quân Bạch Vệ.

Theo quy định, những người bị đưa vào Gulag bị kết án dài hạn (nhiều người từ 10 đến 25 năm), và thường là sau khi đã phục vụ đủ thời gian kết án, án tù của họ, vì một số lý do, bị kéo dài ra. Các tù nhân trong Gulag làm việc theo ca mười hai giờ (vào một ngày hoặc ca đêm) và được cho ăn khẩu phần hạn chế không đổi. Số lượng thức ăn một tù nhân được nhận mỗi ngày, phụ thuộc vào công việc của anh ta ngày hôm đó: Nói cách khác, anh ta được cho ăn một lượng thức ăn tương ứng với việc anh có làm việc theo tiêu chuẩn mà ban quản lý Gulag đã đặt ra hay không. Bên trong trại Gulag, hầu như không có sự chăm sóc y tế phù hợp, dù đó là điều vô cùng cần thiết vì hầu hết các trại Gulag đều nằm ở vùng Đông Bắc hoặc Viễn Đông, đó là những nơi có khí hậu rất khắc nghiệt. Hàng triệu người đồng bào bất hạnh của chúng tôi đã không bao giờ ra khỏi Gulag, không bao giờ nhìn thấy nhà của họ một lần nữa, và sẽ mục ruỗng mãi mãi trong những ngôi mộ vô danh.

Nhiều nhân chứng của những năm kinh hoàng này đã viết sách, bài báo và các tài khoản khác ghi lại mặt tối này trong lịch sử của đất nước chúng ta. Những người này đã nhiều năm sống trong đó, như những tù nhân bị tước đoạt quyền làm người, nơi họ bị gọi đơn giản là “zeks”. (Gọi trại từ “Zakliuchennii” – Tù binh trong tiếng Nga). Chính họ đã trải qua nỗi kinh hoàng tuyệt đối mà Stalin và bộ máy đàn áp của ông ta đã đè lên họ.

Tôi, Fyodor Vasilevich Mochulsky, như định mệnh đã sắp đặt, lại thấy mình may mắn ở một vạch đích khác. Tôi được cử đi làm theo sự điều chuyển công việc bắt buộc, đến một trại Gulag mang tên Pechorlag (Pechora Gulag) sau khi tốt nghiệp từ khóa đào tạo của mình tại một trường kỹ thuật đường sắt ở Moscow.

Tôi sinh năm 1918 tại thành phố Slutsk, nước Belarus. Năm 1933, tôi học hết lớp bảy, lúc đó vẫn được học bằng tiếng Belarus, ở Minsk. Cùng năm đó, tôi và gia đình chuyển đến Moscow, nơi tôi bắt đầu làm việc ở tuổi mười lăm, với tư cách là công nhân vận hành máy tiện trong một nhà máy mang tên Borets [Chiến sỹ]. Năm 1935, tôi tốt nghiệp trường trung học Komsomol nằm tại nhà máy, và bắt đầu học tại Học viện Kỹ thuật Đường sắt Moscow (được gọi là MIIT). Tôi đã tốt nghiệp MIIT vào năm 1940.

Cho đến năm 1946, tôi làm việc tại hai trại lao động GULAG khác nhau. Trại đầu tiên được gọi là Pechorlag, là một trại xây dựng tuyến đường sắt phía trên Vòng Bắc Cực, và trại thứ hai được gọi là Trại số 3, đó là một phần của Cơ quan quản lý đường cao tốc trực thuộc GULAG. Trại này tồn tại để khôi phục tuyến đường quốc lộ đi từ Moscow đến Kharkhov, vì nó đã bị phá hủy trong Thế chiến II.

Tại trại lao động số 3, tôi đã làm phó giám đốc của Ban tuyên giáo Komsomol (Đoàn thanh niên). Năm 1946, chính phủ bãi bỏ các Cục Chính trị trong Hành chính Chính của Đường cao tốc GULAG NKVD, vì vậy tôi đã được bổ nhiệm công tác ở nơi khác. Năm 1947, Thành ủy của thành phố Moscow đã cử tôi đi học tại trường Cao đẳng Ngoại giao của Bộ Ngoại giao Liên Xô. Sau khi tốt nghiệp ở đây, tôi đã làm việc trong một số năm với tư cách là nhân viên ngoại giao cho Liên Xô tại Liên Hợp Quốc, sau đó mười bốn năm trong đại sứ quán Liên Xô tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tôi đã đến đó từ một nhà ngoại giao cấp thấp trở thành cố vấn/đặc phái viên và đại biện lâm thời, phụ trách quan hệ Trung-Xô.

Khi trở lại Liên Xô, tôi đã làm việc cho Ủy ban Trung ương của ĐCS Liên Xô, với tư cách là trưởng ban Trung Quốc trong Vụ các nước xã hội chủ nghĩa. Khi mà trưởng phòng đương nhiệm, Yuri Andropov, được chọn làm chủ tịch của KGB Liên Xô vào năm 1967, Ủy ban Trung ương Đảng đã cử tôi đến làm việc tại Cơ quan Tình báo dưới thời Tổng cục trưởng đầu tiên của KGB điều hành. Tôi làm việc ở đó cho đến năm 1988.

Tôi đã dành hơn hai mươi năm ở châu Á. Bên cạnh các công việc ở Trung Quốc, tôi cũng là cố vấn/đặc phái viên ở Indonesia và Việt Nam, và tôi đã đi đến thăm tất cả chính phủ các nước Đông Nam Á và Nam Á. Trong những ngày đó, tôi thường giao tiếp bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Trong sự nghiệp quân đội, tôi đã lên đến quân hàm của thiếu tướng và cấp phái viên với quyền hạn khẩn cấp. Tôi đã về hưu vào năm 1988.

Cuốn hồi ký này bắt đầu vào năm 1940, một năm trước khi nổ ra Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, khi ấy tôi bắt đầu làm đốc công kiêm chỉ huy một đơn vị tù nhân tại Pechorlag GULAG NKVD. Trại tù này nằm ở ngôi làng Abez, trong Cộng hòa Xô viết tự trị Komi, ở phần cực bắc của trại. Cuốn sách này là tập hợp những hồi tưởng và quan sát từ quan điểm của một nhân viên dân sự trong Gulag. Nó tập trung vào cuộc sống của các tù nhân Gulag, cũng như cuộc sống của những kiếp người khác nhau trong Gulag. Vào thời điểm đó, có ít nhất một trăm người, các nhân viên dân sự làm việc trong hệ thống Gulag. Bằng nhiều cách khác nhau, cuộc sống hàng ngày và thậm chí cả số phận của những người tù, tất cả đều phụ thuộc vào quyền định đoạt của những nhân viên dân sự này.​
 
A. GULAG TỪ BÊN NGOÀI
1. NGƯỜI TỪ NKVD


Tôi và bọn bạn của mình, sinh vào khoảng năm 1918, đã thấm nhuần cuộc sống của mình với bộ máy tuyên truyền của Liên Xô, trong đó miêu tả NKVD như một phần vô cùng cần thiết của chính phủ. Những lời tuyên truyền này bắt đầu bủa vây chúng tôi khi tôi học ở trường ở Minsk vào những năm 1930, cho đến khi tôi làm việc với vai trò công nhân vận hành máy tiện tại một nhà máy ở Moscow, và tận tới 5 năm công tác tại Viện Cơ khí Vận tải Đường sắt Moscow. Tất cả chúng tôi đều tin rằng NKVD là một tổ chức nghiêm ngặt, được tạo ra nhằm bảo vệ lợi ích của đất nước khỏi kẻ thù cả ngoài lẫn trong. Ngay cả báo chí và đài phát thanh liên tục phơi bày, một cách vô cùng chi tiết, về âm mưu và các phiên tòa giật gân đối với "kẻ thù của Tổ quốc", khiến chúng tôi nhất mực tin theo. Tuy nhiên, một số điều kỳ lạ đã xảy ra, buộc chúng tôi phải bắt đầu xét lại về những gì đã thực sự diễn ra.


Đội ngũ kiến trúc sư - Khu vực trại cải lao - Dự án kênh đào biển Bạch Hải - Biển Baltic -1933

Năm lớp bảy ở Minsk, tôi nhớ về người bạn Yura Loiko của tôi, có bố là một chuyên gia lỗi lạc. Trong những ngày đó, tôi đã dành rất nhiều thời gian trong căn hộ sang trọng của họ. Bố của nó đã gây ấn tượng sâu sắc với tôi về kiến thức giáo dục, sự uyên bác và trí tuệ của mình. Và đột nhiên, một ngày: ông ấy bị bắt, phải ra tòa, và bị kết án xử bắn. Những lời cuối cùng của ông, hét lên trong nỗi tuyệt vọng trong hội trường: “Con ơi, hãy nhớ rằng bố vô tội!”

Vào thời điểm đó, bố tôi là một học giả trẻ tuổi đang có tiếng ở Belarus. Ông làm việc tại Viện Văn hóa Belarus với tư cách là Nghiên cứu sinh cao cấp, dưới sự lãnh đạo của Viện sĩ I. I. Zamotin, công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học Belarus. Khi ở đó, bố tôi đã viết và đã xuất bản một cuốn sách riêng về nguồn gốc Belarus của tác phẩm kinh điển nổi tiếng, bài thơ "Truyện kể cuộc viễn chinh Igor."

Rồi một ngày nọ vào năm 1933, thật bất ngờ làm sao, Viện sĩ Zamotin đã bị bắt giam. Các tờ báo đưa tin về vụ việc này đã cho rằng chính quyền đã có ý “vạch trần và nhổ bỏ tận gốc những hậu họa mà ông Viện sĩ đem lại”. Bố tôi đã không dừng công việc của mình lại và luôn tự vấn rằng khi nào đến lượt mình, và cuối cùng chúng tôi đã rời quê hương Belarus yêu dấu mãi mãi. Trước khi chúng tôi rời đi, hai bố con tôi đã có một nói chuyện với nhau, với vai trò là trưởng nam (nhà tôi có ba người con, và tôi là đứa lớn nhất), khiến tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn. Bố của chúng tôi vốn khỏe mạnh do thường xuyên chơi thể thao, và đột nhiên ông ấy nói với tôi rằng trái tim của bố rất tệ và ông không thể loại trừ khả năng sẽ chết sớm. Bố tôi muốn chắc chắn rằng nếu có mệnh hệ gì xảy ra với mình, thì tôi, với tư cách là con trai cả, sẽ chăm sóc mẹ và em trai của tôi và em gái. Tôi đã hứa (lúc đó tôi vẫn 15 tuổi) nhưng tôi lúc đấy còn đang hoảng loạn thực sự.

Điều này khiến tôi băn khoăn về sự thật đang nằm đằng sau những thông báo được nêu lên trong những cuộc họp của Đoàn tại Học viện, ở đó các sinh viên đã tố cáo và bàn luận về những vụ bắt giữ “kẻ thù của nhân dân” trong hàng ngũ của mình. Chúng tôi biết những sinh viên này cực rõ. Ví dụ, con trai của một kỹ sư xây dựng phụ trách một tuyến đường sắt nhỏ ở Siberia. Làm sao mà thanh niên đó lại trở thành một “kẻ thù của nhân dân”?

Những kiểu ngờ vực này thỉnh thoảng xuất hiện, nhưng sau đó biến mất nhanh chóng khi chúng tôi tập trung vào cuộc sống bận rộn hàng ngày. Chúng tôi chưa bao giờ nghi ngờ đường lối của Đảng C.ộng sản hay của những tổ chức bảo vệ quyền lợi của mình. Có lẽ ta sẽ tìm được lý do để nghi ngờ về bất cứ điều gì, nếu chăm chỉ suy nghĩ về nó đủ lâu.

Đối với chúng tôi, vai trò và nhiệm vụ của NKVD được bao trùm trong bí ẩn, trong đó đương ẩn chứa một điều gì đó không thể giải thích được và cực kỳ quan trọng đối với an ninh của tổ quốc Sô viết. Và chúng tôi nhìn những người làm việc tại NKVD với một cảm giác tôn trọng, và nếu cụ thể hơn, đó là cái nhìn với một chút tôn kính xen lẫn sợ hãi. Tuy nhiên, đồng thời chúng tôi biết rất ít về Gulag. Chúng tôi đã nghe nói về đảo Solovki và về việc xây dựng Kênh đào Belomor-Baltic, được xây dựng bằng sức lao động của tù nhân. Thậm chí còn có một đoạn thơ trào phúng phổ biến sau đó được truyền miệng:

Nếu những kẻ thù của nhân dân chết hết,
Kênh đào có lẽ không được xây.


Hay là:

Đời tệ nhất là uống trà từ cái ấm rỗng,
Đời sướng nhất là thân với một ông quan Nội vụ.


Tôi cũng nhớ mình đã từng xem một bộ phim hồi những năm 1930, về cuộc đời của những người bị kết án có tên là “Những tay quý tộc”, kể về số phận của những kẻ trộm cướp. Tuy nhiên, nói chung đối với tôi và bạn bè, Gulag là một thế giới xa lạ. Không một ai trong chúng tôi từng cố gắng nhìn vào thế giới này, chúng tôi cũng chưa từng nghĩ rằng sẽ làm việc ở đó.

Năm 1940, tôi hoàn thành chương trình học tại Học viện Kỹ thuật Giao thông Đường sắt và nhận bằng tốt nghiệp danh dự. Sau đó, giáo sư yêu thích của tôi ở Khoa Khảo sát và Thiết kế Đường sắt, đã đề xuất rằng tôi nên tiếp tục làm nghiên cứu sinh. Thầy ấy hứa rằng nếu tôi muốn ở lại và nghiên cứu thêm, thầy sẽ xin phép học viện cũng như từ Ủy ban nhân dân. Tôi bị cám dỗ bởi cơ hội tiếp tục ở viện với tư cách là một nghiên cứu sinh. Nhưng cùng lúc đó, tôi vẫn đang làm việc tại nhà máy và tôi đã chứng kiến cách công nhân đối xử với các chuyên gia ở đó. Tất nhiên, các chuyên gia đều nắm rõ lý thuyết, nhưng cánh công nhân không tỏ ra chút sự tôn trọng nào trong nhà máy, bởi vì hầu hết bọn họ đều thiếu kinh nghiệm thực tế.

Tôi có thể tưởng tượng mình sẽ trở thành loại học giả nào, nếu chỉ có vững kiến thức lý thuyết nhưng không có kinh nghiệm thực tế, dạng như một con chó đi lạc vậy. Vì thế, tôi đã hỏi ban lãnh đạo khoa rằng, liệu tôi có thể hoãn việc học cao học của mình trong 5 hoặc 6 năm hay không. Và tôi đã trình bày thêm với học viện rằng, với tư cách là một trong những sinh viên tốt nghiệp của họ, tôi đã sẵn sàng tuân theo tiếng gọi của Tổ quốc. Tôi cảm thấy mình đã sẵn sàng đảm nhận bất kỳ công việc thực tế nào được giao, ở bất kỳ vùng nào trên lãnh thổ Liên Xô rộng lớn.

Ban đầu, họ đề xuất tôi có thể đến một trong hai nơi. Tôi có thể được gửi đến làm việc trong bộ máy quan liêu của Ủy ban Nhân dân về Vận tải Đường sắt, NKPS, hoặc làm kỹ sư ở tiền tuyến, như báo đài đã đặt tên trong những ngày đó, “vùng mới giải phóng ở Tây Ukraine,” ở một thị trấn mang tên Stanislav.

Nhưng hóa ra, tôi không có thời gian để suy nghĩ về một trong hai đề xuất này. Thay vào đó, tôi nhận được chỉ thị từ viện bảo rằng tôi cần đến một trong những tòa nhà của Ủy ban Trung ương Đảng C.ộng sản, để gặp một quan chức nào đó. Lúc đó, tôi đã ứng cử viên chuẩn bị kết nạp Đảng.​
 
2. GẶP NGƯỜI PHỤ TRÁCH TUYỂN DỤNG

Một người đàn ông lớn tuổi, với mái tóc hoa râm và khuôn mặt mệt mỏi tiếp đón tôi. Ông ngồi một mình trong căn phòng nhỏ sáng sủa, chỉ có một chiếc bàn sạch sẽ và hai chiếc ghế. Bức tường đằng sau ông này là một bức rèm đang che giấu cái gì đó. Với những gì đã trình bày xuyên suốt cuộc họp, rõ ràng là người đàn ông này biết tất cả về tôi. Sau một cuộc trò chuyện ngắn với tôi làm chủ đề, ông ấy vắn tắt về tình hình quốc tế đương thời.

Tôi xin tóm tắt lại những gì ông ấy nói. Dưới đòn tấn công xảo quyệt của Đức Quốc xã vào Ba Lan, quân đội Ba Lan đã nhanh chóng bị đánh bại, và quân đội Phát xít đã tiến đến sát biên giới của chúng ta. Ông ấy nói rằng không thể loại trừ khả năng bước tiếp theo của chúng sẽ là tấn công Liên Xô. Ông giải thích thêm rằng, để có thời gian chuẩn bị chiến tranh, nếu Hitler dám đi bước này, cũng như để tránh chiến tranh toàn diện với Đức Quốc xã, chính phủ Liên Xô đã ký hiệp ước hữu nghị với Đức. Với hiệp ước này, chính phủ của chúng tôi đã đồng ý góp phần chia cắt Ba Lan, góp phần mở rộng biên giới phía tây của đất nước xa hơn nữa. Và ông quan này nhấn mạnh, chúng ta không thể tin tưởng bọn Phát Xít, và chúng ta không thể lãng phí thêm thời gian nữa, vì việc câu giờ chỉ càng làm cho bọn chúng có thêm thời gian để củng cố sức mạnh của mình.

Ông chỉ ra rằng, nếu Hitler bắt đầu nổ súng vào Liên Xô, thì bọn Phát xít sẽ chiếm lấy Donbas và Krivoi Rog trước tiên. Sau đó, các nhà máy quân sự trong nước, bao gồm cả những nhà máy sản xuất xe tăng và thiết bị hàng không, sẽ bị cạn kiệt nguồn cung than và thép. Nói xong, tay viên chức thò tay ra sau ghế lấy một sợi dây và kéo xuống, để mở tấm mành treo trên tường lên. Đó là một bản đồ về hệ thống đường sắt của Liên Xô và những hệ thống giao thông khác. Ông nói tiếp, nếu không có than, các nhà máy quân sự của chúng ta ở Kirov và Nizhnii - Novgorod sẽ ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, ông quan vừa nói vừa chỉ tay vào bản đồ, Liên Xô có rất nhiều mỏ than cốc, dồi dào như ở Donbas, nằm xung quanh Vorkuta, ở vùng lãnh nguyên phía Bắc xa xôi. Và ở đó, trên con đường tới Vorkuta, tại một thị trấn tên là Ukhta, dầu mỏ dồi dào đến mức có thể tìm thấy các vũng dầu thô tự nhiên trên mặt đất. Nhưng những nơi này hoang dã, hầu như không có người ở. Ông quan nhấn mạnh: “Khu vực phía bắc sông Pechora là điều mà tôi đang nói đến, nhưng đó là một nơi rất ảm đạm, ở phía bắc trên cả Vòng Bắc Cực. Vào mùa đông, trời luôn là ban đêm và trong mùa hè, mặt trời không bao giờ lặn.”

Ông quan nhấn mạnh rằng, ngay bây giờ, chúng tôi chỉ có xây được tuyển đường sắt từ Kirov đến Kotlas. Và từ Kotlas đến Vorkuta, sẽ phải đi khoảng 600 km ngược dòng sông Pechora, nhưng ít nhất ở đó chúng tôi sẽ thấy những khu rừng, và thỉnh thoảng bắt gặp một số thị trấn. Tuy nhiên, để đi từ sông Pechora đến Vorkuta, phải mất thêm 500 km nữa. Và dọc theo con đường đó, quang cảnh chỉ toàn vùng lãnh nguyên hoang vu, chứa những bãi lầy và đám muỗi vằn không thể vượt qua trong mùa hè, và lớp tuyết rơi dày cùng với bão tuyết thường xuyên xảy ra trong mùa đông, chưa kể đến cái lạnh chết người.

Đối với chiến tranh, ông quan tiếp tục nói, điều đó có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, cấp trên đã quyết định thành lập hai tuyến đường xây dựng, một tuyến sẽ kéo dài từ Kotlas đến Pechora và tuyến còn lại kéo dài từ Pechora đến Vorkuta. Cả hai công trình đường này đều được chỉ định mục đích quân dụng, và xét đến tầm quan trọng, tính khẩn cấp và tính phức tạp của chúng, hai công trình này sẽ do NKVD quản lý. Công trình đầu tiên sẽ được một thi công bởi một khu trại, tên là Sevzheldorlag, hay Trại lao động cải tạo Đường sắt phía Bắc. Trên báo đài, nó sẽ được gọi là Sevzheldorstroi, Công trường xây dựng đường sắt phía Bắc. Trại thi công đoạn đường thứ hai sẽ được gọi là Pechorlag, hoặc Trại lao động cải tạo Pechora, nhưng báo chí sẽ gọi là Pechorstroi, hoặc Công trường Pechora. Tổng cục GULAG của NKVD sẽ giám sát các trại này. Họ đã chuyển hàng nghìn tù nhân đến đó, đồng thời di chuyển các chuyên gia dân sự từ các trại Gulag khác.​


Vị trí khu tự trị Komi dưới thời Liên Xô

Ông quan nhấn mạnh: “Đừng quên, nếu chiến tranh nổ ra, bọn Phát xít sẽ rất quan tâm đến những trại tù này. Bất cứ lúc nào chúng cũng có thể, tệ nhất là thả lính dù và nhẹ nhất là vũ khí xuống cho tù binh, để chống lại ta trong chiến tranh. Và, vì vùng Pechorlag được bao quanh bởi hàng trăm km đất hoang, không có thành phố hay đồn trú quân sự lân cận, nên đây là một khu vực trọng yếu ở phía bắc Tổ quốc Soviet.”

“Và còn một điều nữa”, ông ấy tiếp tục. “Một số lượng lớn nhân viên dân sự của Gulag là những tù nhân đã mãn hạn và hiện đang làm việc cho cục GULAG của NKVD. Nếu chiến tranh nổ ra, chúng tôi cảm thấy không thể tin tưởng hoàn toàn vào chúng nó. Điều này đặc biệt nguy hiểm, như tôi vừa nói với cậu, nếu bọn Phát xít đổ bộ vào trại ở đó. Chúng có thể phóng thích cho các tù nhân, cung cấp vũ khí, đạn dược và thức ăn, đồng thời kích động bọn tù nhân nổi dậy. Đây là lý do tại sao Ủy ban Trung ương Đảng đã quyết định tăng cường số nhân viên ở cả hai trại, đặc biệt là Pechorlag. Chúng tôi cần những người đang làm việc ở đó là những người tận tụy với Tổ quốc, ổn định về tư tưởng, và khỏe mạnh về thể chất. Tôi sẽ tiết lộ một sự thật: trong mùa đông đầu tiên, cậu sẽ có thể phải sống trong lều khi nhiệt độ giảm xuống âm 50 độ. Có thể có sự gián đoạn trong việc tiếp tế thực phẩm. Số lần liên lạc với trung tâm quản lý sẽ rất hạn chế, và trong thời gian dài, cậu sẽ không thể gửi thư hoặc điện báo với gia đình và bạn bè. Nhưng Pechorlag rất quan trọng đối với nhu cầu quân sự và sẽ cần ai đó phải làm công việc này. Cả ban Tổ chức và Đảng ủy của Học viện đều tiến cử cậu. Cậu nghĩ sao về việc này?”

Đây là ý chính của cuộc trò chuyện diễn ra trong một căn phòng nhỏ ở một trong những tòa nhà của ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tôi nên trả lời sao? Chẳng phải tôi là một công dân trẻ khỏe của Tổ quốc, một người đã trưởng thành trong Đoàn thanh niên và Đội thiếu niên Tiền phong trong suốt những năm vừa rồi sao? Tất nhiên, tôi đã trả lời là “có”, và sau đó tôi nói rằng tôi rất cảm kích khi được rất mọi người tin tưởng. Tôi cũng đảm bảo với ông quan đó rằng tôi sẽ làm mọi thứ mà người ta mong đợi ở tôi, để đảm bảo sự tin tưởng đó.

Sau đó, ông quan nói với tôi rằng ông ấy đã trông đợi vào câu trả lời này từ trước cuộc gặp của chúng tôi, kể từ khi đọc qua hồ sơ của tôi từ Viện. Ông nói thêm rằng trong trường hợp không may xảy ra chiến tranh, tôi vẫn sẽ làm việc tại trại lao động trong hai năm không nghỉ phép.

Sau đó, chúng tôi đã xong buổi nói chuyện. Nhưng trước khi tôi rời đi, ông quan nói với tôi rằng cuộc gặp tiếp theo của tôi sẽ là với Ban Cán bộ của GULAG.​
 
3. GẶP CÁN BỘ GULAG

Tại Pechorlag, những người bạn thân nhất của tôi từ Viện Kỹ thuật Giao thông Đường sắt Moscow là Nikolai Gradov và Volodia Kravstov. Nikolai và tôi đã cùng nhau trượt tuyết nhiều lần để giải trí, ở xứ Kavkaz xinh đẹp. Volodia đã hoàn thành khóa đào tạo cao đẳng kỹ thuật tại học viện và có một ít kinh nghiệm về thi công cầu đường.

Vào ngày hẹn, ba chúng tôi đến gặp một cán bộ, phó phòng tổ chức của GULAG trong một tòa nhà của NKVD. Nhìn bề ngoài, người đàn ông ngoài 30 này là một người hấp dẫn, thông minh và chu đáo. Anh ấy cũng rất giỏi trong việc lắng nghe, đồng thời có những lý lẽ rất thuyết phục, nên chúng tôi đã nói chuyện rất lâu với người cán bộ này. Để cố thu phục chúng tôi trở nên thành thật với anh ấy, người cán bộ bắt đầu bằng cách kể cho chúng tôi nghe một đoạn giới thiệu bản thân. Câu chuyện bắt đầu rằng trước khi nhận công việc này, anh ấy đã làm việc một thời gian dài ở Điện Kremlin với tư cách là bí thư Đoàn Thanh niên C.ộng sản của Điện Kremlin.

Khi còn là một người bí thư trẻ của Đoàn thanh niên, anh ấy kể với chúng tôi, rằng mình đã gặp đích thân Stalin vài lần. Một ngày nọ, Văn phòng Đoàn đã cử anh đến gặp Stalin, để xin vị lãnh tụ nói chuyện với các thành viên Đoàn của Điện Kremlin. Stalin trả lời rằng ông rất vui được làm điều này và có điều muốn nói với các Đoàn viên trẻ. Nhưng sau đó vị lãnh tụ nói rằng vì ông là “Stalin,” chứ không chỉ là một người C.ộng sản bình thường, nên ông ấy sẽ phải soạn ra một bài diễn văn dài lê thê, nhưng Stalin lại chốt câu rằng “không có thời gian”. Cuối cùng, ông nói với họ rằng cuộc gặp gỡ sẽ được tổ chức “bằng cách này hay cách khác, vào lúc khác.”

Chỉ từ đoạn tự thuật ngắn ngủi đó, chúng tôi có cảm tưởng rằng ngay từ những năm 1930, Stalin đã muốn tất cả những bài phát biểu của mình, với tư cách là nhà lãnh đạo, phải có ý nghĩa sâu sắc. Mỗi từ phải có ý nghĩa sâu sắc đến mức chúng tôi có thể khắc chúng vào tâm trí của con cháu mình và cho cả thế hệ sau đó nữa. Và, bởi vì không có nhiều cơ hội cho những bài diễn văn như vậy, và sự chuẩn bị cho một buổi diễn thuyết như vậy quá tốn kém, nên Stalin hiếm khi phát biểu trước công chúng. Ông cũng tránh tất cả các cuộc gặp gỡ và tiếp xúc với những thường dân, đặc biệt là những cuộc gặp gỡ có thể là tự phát hoặc tình cờ. Nói chung, lãnh tụ giữ một cuộc sống khép kín. (Đúng là Stalin hiếm khi phát biểu trước đám đông hoặc thậm chí phát biểu trên đài phát thanh. Ông ấy cũng có thái độ rất khiêm tốn trong các cuộc họp giữa các bộ trưởng và nhân viên dưới quyền mình.)

Tiếp theo, người cán bộ trẻ tuổi của cục GULAG yêu cầu mỗi người chúng tôi giới thiệu về bản thân. Từ những bài phát biểu ngắn của chúng tôi, anh ấy nói thẳng ra rằng chúng tôi thực tế chẳng biết gì về Gulag. Đó là lúc anh ấy bắt đầu một bài thuyết trình thuyết phục về sứ mệnh vĩ đại và quang vinh, mà Đảng và chính phủ đã dành cho Gulag.

Ở các nước tư bản, vị cán bộ tiếp tục, bọn tù nhân chỉ ngồi sống mòn trong tù. Bất kể bản án của chúng là gì, tù nhân ở đó không bao giờ có cơ hội được cải tạo, bởi vì hình thức cải tạo này chỉ có thể được thực hiện thông qua lao động chân chính. Các tù nhân ở các nước tư bản chỉ đơn thuần là ngồi trong phòng giam của họ trong vài năm, sau đó được phóng thích khi mãn hạn tù, và chúng sẽ quay trở lại xã hội với tư cách là những tên tội phạm giống như khi trước khi bị bắt. Anh cán bộ nói, ở Liên Xô thì lại khác. Ở một đất nước có chính quyền xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, luật pháp phải đi đôi với nhân đạo. Chính phủ Liên Xô đặt mục tiêu cho mỗi người bị kết án có cơ hội chuộc lỗi với xã hội, bằng cách để họ lao động chân chính vì lợi ích chung.


Phòng sinh hoạt chung của các phạm nhân - Trại Vorkuta - 1945

Điều đó có nghĩa là, anh cán bộ tiếp tục giải thích, ở Liên Xô, nhà nước sẽ không để tù nhân ngồi rục xương trong các nhà tù. Chúng sẽ được đưa đến các trại đặc biệt mà NKVD đã tạo ra, để có thể được cải tạo thông qua lao động sản xuất. Khi ở trong trại, nhiều tù nhân sẽ dần thành thạo các ngành nghề và chuyên môn mới. Và khi mãn hạn tù, chúng có thể làm việc trong chuyên ngành mới với kỹ năng có được nhờ thời gian ở trong trại. Anh ấy nhấn mạnh, trách nhiệm đối với tất cả công việc cải tạo tù nhân này đã được giao phó cho Cục Gulag.

VỊ cán bộ của cục GULAG sau đó xác nhận rằng sau khi chúng tôi, ba thanh niên đang ngồi trong văn phòng, đến trại để nhận công việc, chúng tôi sẽ bắt đầu tiếp xúc hàng ngày với những phạm nhân bị kết án. Anh ấy cảnh báo chúng tôi rằng, không nên quá thân thiện với các tù nhân, và đồng thời nhắc nhở cả ba đừng quên, đây là những tên tội phạm, và một vài tên trong số chúng rất thông minh. Tất cả bọn chúng sẽ khăng khăng rằng mình vô tội.

“Nhiều tên sẽ nhờ vả các anh giúp chúng đủ điều kiện để được trả tự do sớm. Cho nên, tuyệt đối không tham gia vào các loại cuộc trò chuyện. Các anh nên trả lời rằng là bản thân mình tin tưởng vào hệ thống tư pháp của Liên Xô và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các loại câu hỏi này. Cứ nói với chúng rằng các anh có mặt ở “công trường” với tư cách là các kỹ sư xây dựng. Trại Pechorlag này ấy, rất quan trọng về mặt quân sự, và công việc của các anh chủ yếu là giúp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng của trại.”

“Nhưng hãy nhớ rằng”, anh cán bộ lưu ý với chúng tôi, “mặc dù những lục lượng cải lao trong trại này là tù nhân, nhưng chúng vẫn là người Liên Xô. Và khi đã mãn hạn tù, chúng sẽ lấy lại tất cả các quyền công dân của mình với tư cách là công dân của Liên Xô. Do đó, các anh có thể tin tưởng vào lòng yêu nước và mức độ nhận thức cao của chúng vào lúc đó.”

Ba thanh niên chúng tôi, vì chưa có tí kinh nghiệm nào trong công việc này, đã chăm chú lắng nghe và tin tưởng tất cả những gì tay cán bộ đã nói vào ngày hôm đó. Vào thời điểm đó, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng khi chúng tôi đến trại Gulag, tất cả sẽ giống như lời anh ấy. Chúng tôi sẽ được tận mắt chứng kiến cách mà nhà nước xã hội chủ nghĩa đã và đang đối xử với tù nhân nhân đạo như thế nào, so với ở các nước tư bản.​
 
4. 45 NGÀY TỚI TRẠI

Trụ sở chính của Pechorlag được đặt tại làng Abez trên sông Usa, bắt nguồn từ mũi phía bắc của dãy núi Ural và chảy từ phía đông để nhập vào sông Pechora. Chuyến đi đến làng Abez khá lâu và phức tạp. Mọi người nếu muốn đến Pechorlag trong thời buổi đó đều đi theo cùng một lộ trình. Đầu tiên, sẽ phải bắt chuyến tàu hỏa từ Moscow đến thành phố Arkhangelsk, sau đó lên một con tàu hơi nước để tiến ra Biển Trắng. Từ Biển Trắng, con tàu sẽ tiến vào biển Barents đầy sóng gió và đi qua đảo Kolguev. Sau đó, hành khách sẽ đến thành phố Narian-Mar, thủ phủ của khu tự trị Nenets. Ở Narian-Mar, mọi người phải lên một chiếc thuyền hơi nước kích cỡ nhỏ hơn trên sông Pechora, rồi từ đó cứ đi ngược dòng cho đến khi đến sông Usa.

Tại sông Usa, hành khách lại phải đổi sang một con tàu hơi nước nhỏ hơn, để có thể di chuyển trên con sông rộng và nông này, đến nơi nước sâu hơn. Đôi khi nước dâng cao, tạo nên cơ hội cho những con tàu có thể đi đến tận làng Abez. Nếu không, thì hành khách phải xuống tàu dọc đường và thực hiện phần còn lại của chuyến đi bằng cách đi bộ hoặc cưỡi ngựa, nếu may mắn có bất kỳ con ngựa nào ở nơi con tàu thả khách xuống.

Khi ba chúng tôi lên đường đến Pechorlag, chúng tôi rời Moscow vào đầu tháng 9 năm 1940, trên chuyến tàu đi Arkhangelsk. Khi đến Arkhangelsk, chúng tôi được phát áo khoác có đệm ấm, quần bông, “giày Kersey” (làm từ giả da), một mảnh vải để bó chân và tất, tóm lại, đó là mọi thứ mà các nhân viên Gulag như chúng tôi cần để làm việc ngoài trời, trên đường ray xe lửa. Ở Arkhangelsk, chúng tôi đã đợi rất lâu để đáp chuyến tàu đi biển đến Narian-Mar. Một con tàu lớn chuyên chở vật liệu xây dựng, mang tên Vologda, cuối cùng cũng cập bến. Vologda có một số cabin dành cho hành khách trên đó, thậm chí một số cabin hạng nhất, nơi bộ ba chúng tôi tạm nghỉ ở đó.


Những tù nhân chăm chỉ nhất của Gulag - Bảo tàng chính trị Nga - St. Petersburg

Không có tù nhân trên con tàu Vologda. Chúng tôi cứ thế lênh đênh yên bình đến bán đảo Kanin, nơi Biển Trắng gặp Bắc Băng Dương. Tuy nhiên, ngay khi chúng tôi rời bán đảo và tiến vào biển Barents, một cơn bão khủng khiếp xảy ra. Thuyền trưởng của con tàu nói với chúng tôi rằng, chúng tôi đã được nếm mùi cơn gió mạnh cấp 12. Tôi và bọn bạn mình chưa bao giờ được đi du lịch trên một con tàu biển, và chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến một cơn bão như thế này. Chúng tôi cũng không biết say sóng là gì, và làm sao mà con tàu có thể lắc mạnh đến mức mọi thứ bên trong dạ dày của bạn sẽ bị tống hết ra ngoài. Cơn bão kéo dài tầm năm ngày, và nó mạnh đến nỗi những con sóng cao vút ập vào boong tàu. Cả ba chúng tôi thở phào thành tiếng dài, khi đến Narian-Mar bình an vô sự và đặt chân lên nền đất vững chắc.

Ở Narian-Mar, chúng tôi lên một con tàu hơi nước chở khách lớn trên sông Pechora. Con sông này là đường đi thẳng đến nhánh sông Usa, là điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi. Những gì đọng lại trong tâm trí tôi về sông Pechora, là một con sông rất rộng với những bờ hẹp được bao phủ bởi những khu rừng rậm rạp và hầu như không có dấu hiệu của sự sống trong đó. Ở phía trên chúng tôi, những đám mây bão màu chì mở ra thường xuyên và trong thời gian dài kèm theo những cơn mưa phùn lạnh buốt.

Ở cửa sông Usa, chúng tôi chuyển sang một con tàu hơi nước nhỏ hơn. Các nhân viên dân sự của Gulag, giống như nhóm ba người của chúng tôi, tất cả đều hướng đến Pechorlag, đã ổn định chỗ ngồi trong các cabin. Bên dưới, trong hầm, có những tù nhân đang hướng đến cùng một nơi. Các tù nhân không được phép lên boong. Ngay cả khi vào nhà vệ sinh, các tù nhân cũng phải có lính canh có vũ trang đi cùng. Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp trực tiếp bọn tù nhân.

Thỉnh thoảng chúng tôi nghe thấy các tù nhân hát những bài ca kiểu phạm nhân của họ từ trong hầm giam. Một số bài thì buồn bã, như “Taganka,” số khác thì tục tĩu mất dạy. Chúng tôi đã nghe cái bài “Chào nhé, Murka” vô số lần.

Vài ngày sau, tôi tình cờ nhìn thấy một tù nhân cố trốn thoát khỏi con tàu này. Anh ta đã nhốt mình trong phòng tắm, và khi ở trong đó, anh ta đã cố gắng lách mình ra ngoài và bám lấy cánh cửa nhà vệ sinh, vốn đương treo lơ lửng trên sông. Khi người canh gác thấy tên phạm nhân đã trốn thoát, anh ta ngay lập tức nổ súng liều và bắn điên cuồng vào người tù dưới sông. Tay phạm nhân kia nhanh chóng bơi ra xa khỏi tàu như thể anh ta đang thực thi một nhiệm vụ cao cả của đời mình, mà Chúa giao cho.

Tất cả chúng tôi đều dõi theo kẻ đào tẩu, có vẻ như anh này lặn và bơi rất giỏi. Anh ta sẽ lặn khá lâu dưới nước, sau đó sẽ nhô đầu lên trên mặt nước trong chốc lát để lấy hơi, và sau đó anh ta lại biến mất dưới nước một lúc lâu. Người lính cầm súng yêu cầu thuyền dừng lại để bắt tên tù nhân kia, nhưng thuyền trưởng từ chối, và chúng tôi, những người khách thường dân, dán mắt theo kẻ chạy trốn cho đến khi anh ta trèo lên bờ bắc của con sông.

Nhưng phép màu gì sẽ chờ đợi anh ta sau đó? Không có dấu hiệu của con người dọc theo bờ sông, ngoại trừ những túp lều nhỏ hiếm hoi của những người quản lý phao đường thủy. Xa hơn về phía bắc là Bắc Băng Dương, nhưng ngoài ra chẳng có một ai cả. Lúc đó đã là tháng 10 và dòng sông sắp đóng băng.

Quãng đường từ sông Pechora đến Abez, tuyết rơi dày sớm bất ngờ và cái lạnh thực sự ập đến. Sông Usa bị đóng băng và tàu bè không thể đi lại được trên đó, cho đến mùa thu năm sau. Lúc đó là giữa tháng 10 năm 1940.

Trại Pechorlag chỉ có thể được nhận tiếp tế từ bên ngoài bằng đường sông vào hai tháng trong năm. Và mỗi chiếc đinh, mỗi bao bột mì đều phải nằm trên chuyến đi tiếp tế này bằng đường biển, đường sông và đường bùn đất lầy lội qua hàng trăm km. Mọi thứ phải được gửi đi trong khoảng thời gian ngắn ngủi này. Giờ đây, tất cả những thứ mà chúng tôi cần có để sống sót qua mùa đông ở Bắc Cực, đã bị mắc kẹt trong những chiếc sà lan đóng băng trên sông. Sà lan này chở lương thực cơ bản, quần áo mùa đông, trên hết là áo khoác độn, quần bông, ủng, mũ mùa đông, găng tay, áo khoác da cừu cho nhân viên dân sự (không dành cho tù nhân), và cả gỗ ván để xây doanh trại, không trừ rìu, cưa, đinh, xe đẩy và những thứ khác….


Tù nhân làm việc trong công trình kênh đào Bạch Hải - Biển Baltic - 1930

Đồng thời, chính phủ cũng gửi một số lượng lớn người đến Pechorlag, chủ yếu là tù nhân. Với những chiếc sà lan bị mắc kẹt trong băng, các tù nhân sẽ phải đi bộ trong nhiều tuần để đến trại cải lao. Nhưng ở trại, nơi xây dựng đường ray xe lửa sắp tới, hầu như không có chỗ để họ ở và hầu như không có thức ăn. Chỉ có một điều duy nhất mà tất cả mọi người đều chắc chắn, mùa đông khắc nghiệt đang đến rất nhanh và đang lan ra ngoài Vòng Bắc Cực.

Tất cả hành khách phải xuống ở bờ bắc sông. Giống như mọi người ở đó, chúng tôi đều chuẩn bị thực hiện phần còn lại của hành trình trên đất liền.

Các nhân viên dân sự đã dựng lên một căn cứ để chúng tôi thu thập hàng hóa và ngựa, ai nấy cũng đều mệt mỏi sau chuyến đi dài trên thuyền. Một khu trại tạm thời được thành lập để giam giữ một số lượng lớn tù nhân được đưa lên bờ, dưới sự canh phòng của lính có vũ trang. Những tù nhân còn lại ngay lập tức lên đường với đám lính hộ tống, để đi bộ quãng đường còn lại đến Abez. Họ phải đi dọc theo một con đường (đôi khi sẽ phải phát quang những bụi rậm hoang trên lối đi) dọc theo Sông Usa. Các vùng đầm lầy ngập nước ven sông Usa được bao phủ bởi những bụi cây rậm rạp, những khu rừng phía bắc lưa thưa những cây bạch dương lùn và những cây vân sam thấp.

Những kỳ quan thiên nhiên phương bắc này đã có từ ngàn năm nay. Do lớp băng vĩnh cửu chỉ nằm cách bề mặt khoảng 1 mét, nên cây cối không bao giờ vươn cao được. Trước khi bắt đầu có sương giá, tất cả những gì ta phải làm là đẩy nhẹ những cây non này, và cái cây nhỏ cùng với bộ rễ yếu ớt sẽ ngã xuống. Nơi chúng tôi ở không có cầu đường, cũng như không có bất kỳ nhánh phụ nào của sông Usa gần đó. Và bởi vì bờ các con sông phía bắc này thấp và nhiều đầm lầy, nên mọi con đường sang sông đều gặp khó khăn. Các tù nhân và đám lính canh có vũ trang đã khởi hành dọc theo bờ sông Usa, qua đêm ngoài trời, trên mặt đất đóng băng và trong cái lạnh buốt giá. Vào thời điểm đó là vào giữa tháng 10, điều này có nghĩa là nhiệt độ đã giảm xuống tầm -20 độ C.​
 
4. 45 NGÀY TỚI TRẠI (tiếp)

Trong vài ngày, ba người chúng tôi ở lại trại dã chiến, ở đó chúng tôi đã chứng kiến một số điều khó mà quên được. Một chiếc sà lan khác đến thả một nhóm lớn tù nhân, vốn đến từ các vùng phía tây Ukraine và Belarus, lúc đó là lãnh thổ của Ba Lan trước khi bị phân chia giữa Đức và Liên Xô vào năm 1939. Các tù nhân vẫn mặc quần áo dân sự, nhiều người mặc áo khoác, vest và ủng khá là thời trang. Khi lên bờ, họ được lệnh dỡ gạch từ sà lan. Mỗi cặp tù nhân được giao một chiếc xe cút kít để thực hiện nhiệm vụ. Ngay trước mắt chúng tôi, hai người đàn ông gốc Ba Lan sang chảnh, vẫn chưa mất đi khí chất kiêu ngạo của “những quý ông Ba Lan lịch thiệp”, đã đẩy chiếc xe cút kít của mình vào đống gạch trên sà lan. Sau đó, mỗi “quý ông” này rút từ trong túi ra một số trang báo nhàu nát để dùng.

Họ dùng mấy tờ báo làm lót tay để tránh làm bẩn tay. Bằng cách này, mỗi người trong số họ nhặt mỗi một viên gạch duy nhất và đặt nó vào xe cút kít. Sau đó, họ kéo chiếc xe cút kít chở hai viên gạch xuống lối đi từ sà lan lên bờ sông.

Ở đó, một lần nữa với mấy tờ báo lót tay, họ lại nhấc gạch ra khỏi xe cút kít, thổi sạch bụi gạch trên các tờ báo, gấp lại và nhét vào túi áo khoác. Sau đó, họ chậm rãi và tỏ vẻ thanh tao quay lại để tải một chuyến khác. Các bạn có thể hình dung ra vẻ ngạo mạn của họ, khi họ nhìn những người xung quanh, kể cả bộ ba chúng tôi, khi họ làm mấy trò này. Họ vẫn chưa nhận ra rằng, lượng thức ăn họ nhận được mỗi ngày ở trại sẽ phụ thuộc vào khối lượng công việc họ làm. Sau đó, khi họ chỉ được nhận 300 gram bánh mì đen và một bát súp loãng cho “công việc” của mình, tôi thấy những người “công nhân” này run rẩy vì đói và lạnh khi họ đi vòng quanh căn bếp di động và lải nhải bằng tiếng Ba Lan: “Pane, zupy” (“Cán bộ, làm ơn cho tôi súp”). Điều kiện khắc nghiệt của cuộc sống trong trại nhanh chóng đánh bật sự kiêu ngạo cao quý của mấy ông quý tộc Ba Lan. Hầu hết các tù nhân không mất nhiều thời gian để thích nghi với công việc lao động chân tay được giao cho họ và bắt đầu làm việc theo các tiêu chuẩn được đặt ra.

Trong suốt những năm ở Pechorlag, tôi chưa bao giờ có bất kỳ trải nghiệm nào khác với những tù nhân từ Ba Lan bị chia cắt. Có nhiều người Ba Lan trong các trại, nhưng không có một ai trong các đơn vị trại nơi tôi làm việc. Tuy nhiên, tôi có biết rằng khi Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại bắt đầu, các tù nhân Ba Lan được lệnh tình nguyện gia nhập Quân đội Ba Lan mới thành lập trên lãnh thổ Liên Xô, được gọi là Đội quân Anders (của tướng Wladyslaw Anders của Ba Lan, sau WW2 thì trốn sang Chính phủ lưu vong Ba Lan ở London thành lập).

Quay trở lại chuyến đi tới Abez. Khi con tàu hơi nước của chúng tôi bị đình trệ trên sông băng đã đông cứng, sau cơn bão tuyết bất chợt và tất cả hành khách được đưa lên bờ, hàng chục nhân viên dân sự đi công tác ở Pechorlag đã tập trung trên bờ sông Usa. Hầu hết những nhân viên này đều là những người từng trải về cuộc sống ở Gulag và biết cách Gulag điều hành mọi việc. Phần lớn họ là những kỹ sư và quản lý đã làm việc nhiều năm tại các trại cải lao khác. Ba người chúng tôi tham gia vào một nhóm khoảng hai mươi chuyên gia dân sự.

Một người trong nhóm đề nghị mỗi người trong chúng tôi chọn hai con ngựa từ đám ngựa mà chúng tôi đã mang theo, và chúng tôi tự làm những bộ yên cương, từ một cuộn thừng dày nằm trên mặt đất. Chúng tôi cũng phải tự tạo ra một bộ yên và gác chân ngựa, cũng từ cùng một sợi dây đó, riêng bộ yên ngựa được chế bằng cách lấy cỏ khô làm chỉ rồi khâu vào một số tấm bao tải mà chúng tôi đã nhặt nhạnh được.

1517506929156283994.jpg

Xe ngựa tiếp tế - Cộng hòa Xô viết tự trị Komi - 1941

Vì vậy, mỗi người chúng tôi được giao hai con ngựa, vì phải có người đưa những con ngựa này đến Abez. Họ bắt chúng tôi ký biên nhận, ghi rằng chúng tôi đã nhận ngựa và đã hiểu nghĩa vụ của mình là phải giao ngựa cho trại cải lao. Điều họ nghĩ đến là mỗi người chúng tôi sẽ cưỡi một con ngựa và mấy con ngựa còn lại sẽ chở những thứ chúng tôi phải mang theo.

Nikolai và tôi chưa từng cưỡi ngựa bao giờ. Chúng tôi thậm chí chưa bao giờ sờ tay vào một con ngựa.Riêng Volodia đã từng làm việc tại một công trường xây dựng có nuôi ngựa, vì vậy chúng tôi coi anh ấy đã có kinh nghiệm. Nhưng sau đó, có sự cố đã xảy ra: Chúng tôi đi đến hàng rào nơi ngựa của chúng tôi bị buộc, và Volodia đi vòng quanh một trong số chúng để cởi dây. Con ngựa nhận ra anh ấy đến gần, liền rụt tai lại và bất ngờ ngoạm vào chiếc áo khoác độn bông của anh và xé toạc một túm vải bông. Volodia hầu như không kịp trở tay. Trong bất kỳ tình huống nào đó xảy ra, chẳng có một chuyên gia nào quan tâm đến việc chúng tôi đã có kinh nghiệm cưỡi ngựa hay chưa.

Phải làm gì đây? Chúng tôi không biết cưỡi ngựa, không thể làm được xe kéo, không biết cách đóng yên cương cho ngựa, và thậm chí còn không biết làm ra yên cương. Những người khác trong nhóm khuyên chúng tôi quay trở lại trại dã chiến bên bờ sông Usa, nơi tất cả tù nhân đang đợi cùng với lính canh cầm súng. Trong nhóm đó, có một số tù nhân tri thức được phép đi ra ngoài trại mà không có lính hộ tống, miễn là ở trong phạm vi kiểm soát của căn cứ. Đây là lần tiếp xúc riêng đầu tiên của chúng tôi với các tù nhân.

Dù thế nào đi nữa, các tù nhân đã giúp chúng tôi có được một số kinh nghiệm cưỡi ngựa cơ bản, kể cả cách đóng yên, đóng đai và tháo dây cương ra khỏi ngựa. Chúng tôi cũng học cách cưỡi ngựa với một con ngựa thứ hai được buộc vào phía sau (con này sẽ kéo một chiếc xe chở hàng). Họ hướng dẫn chúng tôi cách tự đứng dậy khi chiếc xe chở hàng bị lật ở những khúc cua gấp. Trong khi chúng tôi vẫn đang học các kỹ năng trong trại dã chiến, những người khác trong nhóm nhân viên dân sự của chúng tôi đã lên đường. Họ chào chúng tôi rồi đi, với những lời từ biệt “Hẹn gặp ở trại nhé!” Chúng tôi không gặp lại họ trong suốt chuyến đi đến trụ sở trại tầm hai tuần.

Sau đó, chúng tôi đi đến khu rừng gần đó để đốn gỗ để làm xe ngựa kéo. Xe kéo bao gồm hai trục gỗ dài. Chúng tôi cố định một đầu gỗ vào cổ ngựa, còn đầu kia buộc chặt với nhau bằng những thanh ngang, kéo lê trên mặt đất phía sau con ngựa. Dựa vào đó, chúng tôi buộc hàng và thêm vào đó những vật dụng cá nhân khiêm tốn của mình. Cùng với những thứ thiết yếu nhất, Nikolai và tôi còn mang theo ván trượt và ủng trượt tuyết trên lưng để đề phòng. Một khi chúng tôi đã sẵn sàng để đi, cả ba chắc chắn sẽ không quay lại. Chúng tôi đi dọc theo con đường đó, biết mình còn cách Abez tầm 150 km.

Ba người chúng tôi với sáu con ngựa đơn độc trên đường, và chúng tôi không quên buộc ngựa vào ban đêm và cho chúng ăn. Chúng tôi để chúng gặm cỏ trên đám cỏ hiếm hoi vẫn mọc lên trên nền tuyết. Khi mặt trời lên, chúng tôi phải đóng yên ngựa và chất đồ lên xe chở hàng, cho chúng uống nước (nhưng không phải ngay sau khi lên đường) và sửa chữa bộ dây cương tệ hại. Đồng thời, bằng mọi cách có thể, chúng tôi buộc phải làm quen với việc ngủ ngoài trời trên mặt đất đóng băng ở nhiệt độ dưới 0 độ, học cách chuẩn bị thức ăn và phơi quần áo ướt sũng.​
 
4. 45 NGÀY TỚI TRẠI (tiếp)

Ngày đầu tiên chúng tôi chỉ đi được khoảng 7 km vì phải băng qua một đoạn khá rộng và sâu của sông Usa. Bờ sông rất lầy lội và được bao phủ bởi một lớp băng mỏng. Đó là loại băng có thể đỡ được sức nặng của một người nhưng không thể đỡ được sức nặng của một con ngựa. Hơn nữa, phần giữa sông đủ sâu để bầy ngựa bơi qua. Chúng tôi cưỡi ngựa xuống làn nước đóng băng, đồng thời kéo con ngựa thứ hai theo bằng một sợi dây. Sau đó chúng tôi phải làm bè để chở xe kéo qua sông. Chúng tôi đã dành cả đêm đó để phơi quần áo bên đống lửa, rồi lại lên đường vào ngày hôm sau.

Những vấn đề phát sinh từ bầy ngựa và những chiếc xe kéo làm chúng tôi hoàn toàn kiệt sức. Chúng liên tục vướng vào cây hay bụi rậm, và thường xuyên bị ngã. Lúc đó, mỗi người chúng tôi đang cưỡi một con ngựa và kéo theo con ngựa thứ hai phía sau. Con ngựa thứ hai bị buộc vào đuôi con ngựa đầu và cũng đang cố kéo chiếc xe một cách vụng về. Vì vậy, khi chiếc xe bị lật, con ngựa thứ hai sẽ khịt mũi kêu và có khi ngã xuống vì chân nó bị lún tới đầu gối trong đất lầy. Chúng tôi sẽ lại phải xuống ngựa và tháo dây cương. Và ngay lúc này, những con ngựa lại cắn trả những tên đang ngược đãi chúng. Và sau đó, khi chúng tôi đưa xe kéo và hàng hóa trở lại vị trí ban đầu và cố định chúng lại, lũ ngựa đã chống lại chúng tôi bằng mọi cách có thể.

Chúng tôi đã cân nhắc và quyết định ngay khi dừng lại ở trạm quản lý phao đường thủy đầu tiên đi qua, là sẽ vứt xe đi và để lại ở đó một phần đồ đạc cho đến giữa mùa đông, khi chúng tôi có thể quay trở lại trên những chiếc xe trượt tuyết, những phương tiện có thể di chuyển dễ dàng trên mặt sông đóng băng. Thay vì dùng xe ngựa, chúng tôi chia nhỏ ra thành những bao hàng rồi đựng vào mấy cái ba lô mà chúng tôi mang theo, rồi buộc chúng vào 3 con ngựa đi sau. Sau đó, việc di chuyển trở nên dễ dàng hơn. Chúng tôi qua đêm ở chỗ trạm phao hoặc trong những đống nệm bằng cỏ khô hiếm hoi (không biết ai đã tạo ra chúng). Chúng tôi chặt những cành cây vân sam, đặt chúng trên mặt đất, chỗ mà chúng tôi đã dọn sạch tuyết ở cạnh đống lửa và nằm ngủ. Chúng tôi phải thay nhau canh lửa trong khi liên tục quay cái bên cóng buốt của mình vào phía ngọn lửa. Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian và sức lực chỉ để vượt qua những nhánh sông nhỏ chảy vào sông Usa.


Có nỗ lực thì sẽ được hưởng khoan hồng sớm - Áp phích cổ động - 1935

Sau đó có một tình huống xảy ra khiến chúng tôi lạnh gáy. Nếu chuyện đó không xảy ra đúng lúc đang có một đám tù nhân bị áp giải đi ngang qua, thì ai biết được mọi chuyện sẽ ra sao, nhất là đối với tôi. Trên con đường dọc theo bờ sông Usa, chúng tôi cố gắng vượt qua một khu đầm lầy khá sâu. Chân của những con ngựa bị mắc kẹt trong lớp bùn dày tới đầu gối. Chúng tôi cố gắng nhanh chóng vượt qua điểm nguy hiểm này trên lưng ngựa. Con ngựa của tôi đang chở tải trọng lớn nhất, nó cố băng qua cái con đường vốn đã mỏng cái nền đất mặt. Và rồi khi đến nơi sâu nhất đầm, nó đột nhiên bắt đầu lún sâu hơn vào lớp bùn ứ đầy nước. Chúng tôi đã tháo bao hàng ra khỏi thân con ngựa khốn khổ, nhưng nó vẫn tiếp tục vùng vẫy. Và tất nhiên là càng vùng vẫy để cố thoát ra khỏi bùn lầy, nó càng chìm sâu hơn. Chúng tôi bèn chế ra vài chiếc cọc gỗ và cố nhét chúng xuống dưới bụng con ngựa, rồi dùng những chiếc cọc như là đòn bẩy để giúp nó thoát ra khỏi cái vũng lầy đang nuốt sống nó.

Nhưng tất cả đều vô ích. Con ngựa cứ cố vùng vẫy và càng lún sâu hơn vào đầm lầy. Và con ngựa đó thật đáng thương. Đôi mắt nó nhìn chúng tôi với vẻ sợ hãi và cầu xin chúng tôi cứu mạng. Điều đó khiến chúng tôi cảm thấy như mình cũng có lỗi. Đồng thời, tất cả chúng tôi đều có chung một suy nghĩ: Cả bọn sẽ giải thích thế nào về việc có một con ngựa đã biến mất khi chúng tôi đến trình báo trước Ban quản lý Trại Gulag? Sự thật là, như đã nêu ở trên, tất cả chúng tôi đều đã ký vào một tờ giấy nói rằng mỗi người chúng tôi phải dắt hai con ngựa và chúng tôi có nghĩa vụ phải đưa chúng đến đích. Mất một con ngựa - theo quy định thời đó - bị coi là tội “phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa”. Và với cái tội này, ai cũng đều biết, đã có quy chế pháp lý tương ứng: Mười năm tù trong trại cải tạo. Đến lúc này, chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để đưa con ngựa đó ra khỏi vũng lầy, đến nỗi cả ba kiệt sức và tuyệt vọng.

Ngoại trừ tiếng con ngựa đang vùng vẫy trong bùn, xung quanh chúng tôi hoàn toàn yên tĩnh, không có một bóng người nào ở quanh. Và đột nhiên, chúng tôi nghe thấy có tiếng người đang đến gần, và chúng tôi có thể nghe thấy giọng nói của họ. Đó là một đoàn tù nhân và lính canh có vũ trang đi cùng. Chúng tôi lao đến người chỉ huy đoàn để cầu cứu. Ông sĩ quan đó nhìn hoàn cảnh của chúng tôi và bày tỏ sự thấu hiểu. Sau đó, ông ra lệnh cho đoàn người dừng lại, chọn một nhóm tù binh khỏe nhất để kéo ngựa ra ngoài. Khó khăn lắm họ mới kéo được con ngựa ra khỏi bùn. Con ngựa vừa mới vực dậy được thì toàn thân run rẩy vì lạnh. Đoàn tù nhân lại tiếp tục đi. Chúng tôi ở lại cho đến khi con ngựa hồi phục hoàn toàn. Chúng tôi chia đồ của nó cho hai con ngựa khác đang kéo xe và chúng tôi lại lê bước đi tiếp.

Ngay trước Ngày kỷ niệm 23 năm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, chúng tôi đã đến được trụ sở Ban quản lý Trại ở làng Abez. Đó là ngày 7 tháng 11 năm 1940.​
 
B. GULAG TỪ BÊN TRONG

5. Tại khu quản lý trại


Tại Ban Quản lý Trại Gulag, chúng tôi được đưa vào một tòa nhà mang biệt danh “khách sạn”, một căn lều quân dụng lớn với những giường tầng được làm bằng các ván gỗ thô kệch bên trong. Mỗi bộ giường tạm đó đủ cho hai người ngủ mỗi tầng. Thế là chúng tôi được cấp mỗi người một chỗ ngủ như vậy. Bên trong lều, một chiếc bếp sắt lớn tỏa hơi ấm vào lều. Cái bếp được nhóm liên tục nên làm cho lều rất ấm áp. Những người khác ở đó đã tận dụng nó, phơi quần áo xung quanh.

Các cán bộ đứng đầu của Ban Quản lý Trại đã chào đón chúng tôi. Họ đưa chúng tôi đến phòng Tổ chức, nơi chúng tôi được giao những nhiệm vụ cụ thể. Họ giải thích rằng toàn bộ trại Pechorlag được chia thành ba khu vực. Phần phía nam được gọi là Phân khu 1, phần ở giữa được gọi là Phân khu 2 và phần xa nhất phía bắc được gọi là Phân khu 3. Sau đó, mỗi khu vực được chia thành các phòng và mỗi phòng chứa nhiều đơn vị tù nhân khác nhau. Mỗi đơn vị tù nhân sẽ làm việc trên một đoạn trên quãng đường sắt sắp tới. Các đoạn đường mà họ làm việc có khoảng cách tương đối lớn, khoảng từ 10 đến 20 km, tùy thuộc vào độ khó của công việc.

Ba người chúng tôi được phân công đến Phân khu 3, cụ thể là vùng cực bắc của trại, Khu 6, có biệt danh là “Mặt nạ xám” (Серая Маска – Seraya Maska; hay Sivaia Maska theo tiếng Belarus). Nikolai Gradov, người lớn tuổi nhất trong ba người chúng tôi, được bổ nhiệm làm kỹ sư tại trụ sở chính của Khu 6. Volodia và tôi được bổ nhiệm làm quản đốc ở hai đơn vị ở khu cực bắc của Phân khu. Tôi được gửi đến một đơn vị có tên là “Pernashor”, ngay cạnh đơn vị của Volodia. Cả hai đơn vị đều ở vị trí xa nhất về phía bắc của Phân khu.

2.jpg

Tháp canh trại Cải Lao, đâu đó gần Krasnoyarsk

Làng Abez, nơi đặt trụ sở của Ban quản lý Trại, tọa lạc bên hữu ngạn của sông Usa. Tất cả những ngôi nhà ở thị trấn Abez đều được xây bằng gỗ. Nhiều công trình trong số đó được xây dựng bằng những loại gỗ thông tốt, lấy từ những thân gỗ trôi dọc theo sông Usa, từ các nhánh của sông Bắc Ural. Ban Quản lý Trại trưng dụng các tòa nhà chính để làm các văn phòng và nhà ở, nhằm phục vụ một đội ngũ nhân viên đông đảo. Nhìn chung, tất cả đều những kỹ sư và nhân viên kỹ thuật, cùng với những nhân viên phục vụ cả tù nhân lẫn dân thường. Ban Quản lý Trại cũng có một số lượng lớn các đơn vị vệ binh có vũ trang, được gọi là Lính trại (VOKhR – Bộ đội vũ trang khu cải lao) và Đặc vụ (Nhân viên NKVD hay Chekists, mượn tên từ tổ chức phản gián Cheka thời Lenin) cũng như các cán bộ của Ban Chính trị.

Trại tù được xây ở rìa làng, dân địa phương đặt tên cho nó là “đặc khu”. Có thể thấy rõ rằng, các tháp canh cao ở mỗi góc được canh gác bởi các lính trại. Ngoài nơi ở cho những người bị kết án thông thường, trại còn có một đội ngũ nhân viên lớn gồm các tù nhân có thể đi làm và đi quanh làng mà không cần lính trại đi theo. Họ làm nhiều công việc khác nhau, nhằm phục vụ nhân viên dân sự của Ban Quản lý Trại. Những ai bị kết án có chuyên môn kỹ thuật, khi đến Gulag thì được gọi là “chuyên gia”, và nhiều người trong số họ có vị trí biên chế (nhưng thực tế vẫn là tù nhân) trong Ban Quản lý Trại.

Chúng tôi hầu như không có cơ hội để tìm hiểu cái cơ cấu phức tạp của bộ máy chính quyền ở trại, khi chúng tôi được đưa đến địa điểm làm việc trên đường ray.

Trong khoảng ba tuần ở Ban quản lý Trại, chúng tôi đã kết bạn với một số người mà chúng tôi vẫn giữ liên lạc sau khi nhận nhiệm vụ công tác trên đường ray. Sau này, vì lý do nào đó, khi chúng tôi phải quay lại Abez để gặp gỡ những người ở Ban Quản lý Trại, chúng tôi có thể ở cùng với họ trong những căn nhà ấm áp, chứ không phải trong cái lều “khách sạn” dã chiến. Theo quy định, chúng tôi phải về Abez báo cáo một hoặc hai lần một tháng, đôi khi nhiều hơn. Để đáp lễ lại cho sự hiếu khách này, chúng tôi hay chơi bài vào ban đêm, thường là trò poker, ochko hoặc durak. Những trò chơi bài này luôn đi kèm với một lượng lớn rượu được pha loãng. Sở dĩ được pha loãng vì nhân viên dân sự chỉ nhận được một chai rượu mạnh mỗi tháng một lần và phải dùng hết mới được nhận tiếp. Đám thợ dân sự chúng tôi được trả lương cao so với những nơi khác trong nước, nhưng ở vùng Viễn Bắc, thật là mỉa mai vì không có cửa hàng nào và không có bất kỳ chỗ nào để tiêu tiền. Và vào thời điểm đó, việc chơi bài bị cấm nhưng hầu như ai cũng dính. Dân thường không phải là những người duy nhất chơi bài, các tù nhân cũng vậy, đặc biệt là trò “ochko”.

Nói về tiền lương với ba kỹ sư trẻ chúng tôi, mỗi người được hưởng mức lương cơ bản là 120 rúp một tháng. Để bù đắp cho tính nặng nhọc của công việc ở phía trên Vòng Bắc Cực, họ đã trả cho chúng tôi mức lương gấp đôi trong sáu tháng đầu tiên. Sau sáu tháng đầu tiên, cấp trên cắt bỏ mức lương gấp đôi đó, và thay thế bằng khoản thưởng 10% lương thường lệ, được lãnh sau sáu tháng. Bằng cách này, lương sẽ gấp đôi số tiền chúng tôi kiếm được ban đầu sau khi làm việc được 5 năm. Sau đó, chỉ có thể kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách được thăng chức trong công việc.

Dù sao đi nữa, chúng tôi là những người cô đơn không có nơi nào để tiêu tiền, nên việc chơi bài là cách tiêu khiển chính. Đôi khi chúng tôi cũng chơi bài để ăn được số tiền lớn. Tôi đặc biệt nhớ đến một người quen ở Ban Quản lý Trại, đó là tay Trưởng phòng Hậu cần Kỹ thuật. Lúc đó, người đàn ông này khoảng bốn mươi tuổi. Anh ấy là một chàng trai sôi nổi, hoạt bát, vui vẻ, thích đùa giỡn và thực chất anh ấy là một người lạc quan. Trái ngược với khuôn mặt trẻ trung, mái tóc dày của anh hoàn toàn màu xám. Một ngày nọ, anh ấy kể cho tôi nghe tại sao tóc anh lại bạc khi còn trẻ như vậy.

Có vẻ như anh ấy đã từng làm việc ở Moscow một lần, với một công việc mà anh đã được thăng chức lên vị trí sếp lớn trước khi mới bốn mươi tuổi. Anh ấy từng là một Đảng viên, và vào thời điểm đó, dường như anh ấy có một sự nghiệp rực rỡ phía trước. Nhưng vào năm 1937, các vụ bắt giữ hàng loạt xảy đến với văn phòng của nơi anh làm, và anh bị bắt. Và nghiễm nhiên, anh bị khai trừ khỏi Đảng vắng mặt. Một tổ ba người (troika – bao gồm 1 nhân viên NKVD, 1 Đảng viên và 1 nhân viên tư pháp) đã kết án anh mà không có bất kỳ cuộc kiểm tra pháp lý nào, không có bất kỳ cuộc họp nào với các vị quan chức liên quan, và thậm chí không có bất kỳ luật sư nào có mặt để bào chữa. Người ta kết án tử hình anh bằng hình thức xử bắn. Anh ấy không thể tin được điều này, nhưng khi họ đọc bản tuyên án cho anh nghe, và đưa anh vào danh sách tử hình (trong phòng giam cùng với những tù nhân khác cũng bị kết án tử hình), thì cuối cùng anh cũng biết rằng thôi thế là xong.

Ở trong tù, họ cho phép anh viết đơn xin ân xá, đồng thời nói rằng họ sẽ xem xét vấn đề này trong vòng 72 giờ. Anh là một trong bốn người đàn ông trong phòng giam đã bị kết án tử hình. Trong tù, đại diện chính quyền sẽ xuất hiện vào khoảng 4 giờ sáng để triệu tập các tù nhân và đưa ra phản hồi của NKVD đối với các kiến nghị và kháng cáo của họ. Bên cạnh phòng anh là những phòng giam khác đầy những người bị kết án. Điều này có nghĩa là đến lúc bình minh, mọi người ở tất cả các phòng giam đều thức và chờ đợi. Mỗi tù nhân đang lắng nghe và cố gắng tìm hiểu xem, liệu những âm thanh vang vọng mà họ nghe thấy ở cuối hành lang có phải là tiếng bước chân của cai ngục hay không, và liệu họ có đang đến phòng giam của anh ta hay không. Nói cách khác, nếu có tiếng bước chân đi ngang qua phòng giam của bạn, điều đó có nghĩa là bạn có thêm 24 giờ nữa để sống.

Tuy nhiên, một ngày nọ, tiếng bước chân dừng lại bên ngoài phòng giam của anh. Họ gọi tên anh và bảo anh mang đồ đạc ra ngoài. (Mang theo đồ đạc cá nhân có nghĩa là tù nhân sẽ không bị đem đi thẩm vấn nữa.) Họ dẫn anh ấy đến gặp một ông chủ nhà tù nào đó, người này nói với anh rằng đơn xin ân xá của mình đã được chấp nhận. Thay vì bản án tử hình, bản án của anh ấy đã được giảm xuống còn 25 năm trong trại Gulag. Anh đã phục vụ hơn một năm trong trại Gulag, và bất ngờ sao, khi vào năm 1939, anh được ân xá hoàn toàn. Hơn nữa, anh còn được phục hồi chức vụ Đảng viên, tất cả các mệnh lệnh và huy chương mà anh ấy được nhận đều được trả lại, anh ta được trả lương cho thời gian làm việc cuối cùng trước khi bị bắt và tiền lương cho toàn bộ thời gian bị giam giữ. Sau đó họ đề nghị anh ở lại Gulag và làm việc như một công dân tình nguyện. Và anh ấy đồng ý ở lại.

Một năm sau khi chúng tôi gặp nhau, người đàn ông này thực sự đã cứu tôi khỏi một án tù dài hạn. Tôi sẽ kể chi tiết hơn về điều này sau.

Trong suốt những năm làm việc ở Gulag, tôi đã gặp nhiều người từng là tù nhân, từng thụ án một thời gian, rồi đột nhiên được phục hồi lại đầy đủ chức quyền. Nhưng hầu hết họ đã không, giống như người đàn ông này, bước ra khỏi chốn lao tù với tinh thần lạc quan và tâm hồn vui vẻ. Hầu hết họ đều suy sụp về mặt tinh thần lẫn thể chất trong suốt quãng đời còn lại.​
 
Sửa lần cuối:
5. Tại khu quản lý trại (tiếp)

Trong khoảng thời gian ba tuần chúng tôi làm việc tại Ban Quản lý Trại trước khi bắt đầu công việc của mình trên đường ray, một biến cố đã xảy ra khiến chúng tôi bị sốc, và khiến chúng tôi lo lắng về nơi mình đang ở và những gì đang chờ đợi phía trước. Ở Ban Quản lý Trại, luôn có một người làm công việc gác đêm. Một đêm lúc chúng tôi còn ở đó, người gác đêm hôm đó vốn là một chuyên gia trẻ, có trình độ học vấn cao (giống như chúng tôi), người đã làm việc ở Pechorlag một thời gian và đã có công việc ổn định ở công trình đường ray. Buổi sáng sau ca trực đêm của anh, họ phát hiện ra chuyên gia trẻ tuổi này đã treo cổ tự tử. Cách anh ấy làm rất khác thường. Anh ta buộc một đầu sợi dây vào tay cầm trên khung cửa sổ, còn đầu kia làm một chiếc thòng lọng, rồi quàng qua cổ và nằm xuống sàn. Chiều dài của sợi dây ngắn đến mức nếu anh ta nằm xuống sàn, thòng lọng sẽ thắt chặt, còn khi đứng lên, thòng lọng sẽ lỏng ra. Chúng tôi hiểu rằng anh ấy đã lựa chọn một cái chết đau đớn, chỉ để thoát khỏi tất cả những gì anh ấy đã thấy ở Gulag.

Vấn đề là một khi đã đi làm trong Gulag thì không có khả năng tự ý rời khỏi hệ thống Gulag. Để rời bỏ công việc ở Gulag, bạn phải xin phép người đứng đầu Phòng Cán bộ của ban NKVD ở Gulag nơi bạn làm. Vì Gulag luôn thiếu người nên việc được phép thôi việc ở Gulag hợp lệ là điều gần như không thể. (Tất nhiên, vẫn có trường hợp ngoại lệ là hối lộ hoặc chỉ là sự may mắn không tưởng.)

Quay trở lại Ban quản lý trại ở Pechorlag, tôi muốn nói thêm về việc những người cán bộ quản lý trại ở Abez gặp khó khăn ra sao, khi điều hành một cái trại Cải lao rộng lớn như vậy. Như tôi đã nói ở trên, Pechorlag trải dài dọc theo tuyến đường sắt tương lai dài 500 km. Vì nó nằm gần vòng Bắc Cực, nên ở đó không có đường sá bình thường hay bất kỳ hệ thống thông tin liên lạc phát triển nào. Các đơn vị tù nhân sống và làm việc trong một khu vực trải dài 500km. Do đó, Ban Quản lý Trại cũng như các khu vực và phòng ban của nó chỉ có thể liên lạc với các đơn vị tù nhân này bằng cách sử dụng “Selektor”. Đó là một loại điện thoại có nút bấm trên tay cầm, khi bạn nhấn vào nút, bạn có thể nói với đầu dây bên kia nhưng không thể nghe thấy họ.

Các phòng ban chỉ có thể liên lạc với chính quyền sở tại bằng thư hoặc Selektor. Vì chưa có đường ray hoàn chỉnh nào được xây dựng mà chỉ có đường ray tạm thời, nên họ gửi hàng hóa hay nhu yếu phẩm đến các đơn vị tù nhân chủ yếu bằng xe trượt tuyết vào mùa đông, và bằng ngựa vào mùa hè. Ở một số khu trại gần sông Usa hoặc Pechora, thuyền có thể được sử dụng. Những lá thư từ các đơn vị cấp dưới gửi đến chính quyền cấp trên phải mất hàng tuần mới đến được, và ngoài ranh giới của trại, phải mất hàng tháng. Không có sách, ngoại trừ những cuốn mà một số người đã mang theo khi đến đây và các tài liệu tuyên truyền do chính quyền gửi đến. Không có điện, nên trong những đêm dài đó, chúng tôi chỉ có đèn dầu, là những lon thiếc rỗng mà chúng tôi đổ dầu vào và dùng sợi bấc để đốt. Không hề có đèn dây tóc.

Điều này có nghĩa là cái Selektor kia đảm nhận vai trò liên lạc hàng ngày đối với các đơn vị. Và đa phần, khi nhấc máy lên, bạn sẽ nghe thấy hàng loạt lời lẽ, chửi bới thậm tệ, thậm chí còn đe dọa sẽ tống giam bạn vào tù nếu như không hoàn thành kế hoạch hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Hiếm khi, và như một quy luật đã định, bất ngờ tay lãnh đạo từ chính quyền khu vực hoặc phòng ban liên quan đến thăm đơn vị trong một thời gian ngắn. Chừng mỗi tháng một lần, quản đốc và chủ quản của đơn vị trại (nếu có, vì ở nhiều đơn vị trại không có chủ quản và công việc của vị này cũng để quản đốc đảm nhận) được gọi lên cấp trên để xác nhận kế hoạch và đưa ra báo cáo trong các cuộc họp hàng tháng. Ban Quản lý Trại, tức là trụ sở chính của trại, rất hiếm khi gọi đến kiểm tra.

Nói chung, không có nhân viên dân sự nào khác trong các đơn vị quản lý tù nhân ngoài quản đốc, và đôi khi là chủ trại, hoặc chỉ huy đội an ninh. Đôi khi cấp trên cử một y tá đến thăm một thời gian ngắn, nhưng chúng tôi thường nhờ một số tù nhân có chuyên môn về y tế khi chúng tôi cần giúp đỡ. Một tỷ lệ rất lớn tù nhân bị bệnh mãn tính. Điều này là do khí hậu khắc nghiệt, thức ăn không đạt tiêu chuẩn, quần áo nghèo nàn, một ngày làm việc kéo dài 12 tiếng và phải làm ngoài trời, không có hầu hết các loại thuốc cần thiết, sự buồn tẻ trong doanh trại, tình trạng suy thoái đạo đức vô tội vạ và nhiều lý do khác. Những bệnh nhân thực sự bị ốm đã được đưa đến bệnh viện, nhưng những người khác vẫn đứng vững, do tình cờ được chăm sóc bởi một tù nhân có kiến thức về y tế. Sự vắng mặt của đội ngũ y sĩ dân sự tại các đơn vị đã ảnh hưởng cực kỳ xấu đến năng suất làm việc của tù nhân.​


112.jpg

Điện thoại Selektor để bàn Liên Xô - sản xuất thập niên 1950
 
6. Làm quản đốc đơn vị

Vài tuần sau lễ kỷ niệm 23 năm Cách mạng Tháng Mười, ba chúng tôi rời văn phòng Quản lý Trại trên một chiếc xe trượt tuyết để đến công việc mới ở “Mặt Nạ Xám”. Như tôi đã nói trước đây, chúng tôi đang hướng đến Khu 6, Phân khu 3 của trại cải lao. Chúng tôi đi xe trượt tuyết trên dòng sông Usa đóng băng đến chỗ trại người coi phao, nơi chúng tôi đã để lại một số đồ đạc trên đường đến Abez. Tất cả mọi thứ của chúng tôi vẫn ở đó, nguyên vẹn như lúc chúng tôi rời đi, bao gồm cả ván trượt và ủng trượt tuyết.

Trước khi rời đi, chúng tôi được cấp những chiếc áo khoác cộc bằng da cừu, ủng có đệm ấm và mũ lông dành cho quân đội. Theo lời khuyên bảo của những người đã sống ở vùng Viễn Bắc từ lâu, chúng tôi mặc quần chần bông và áo khoác độn bên trong lớp da cừu, và nhét cỏ khô vào ủng nỉ. Sau đó chúng tôi vùi mình trong cỏ khô trên xe trượt tuyết. Những tù nhân có thể tự do đi lại trong trại mà không cần lính áp giải sẽ lái xe trượt tuyết (họ có một loại giấy phép đặc biệt để không bị giám sát bởi lính trại, chủ yếu là các chuyên viên kỹ thuật – các tù nhân chính trị hoặc tội phạm nguy hiểm không thể có giấy phép đó). Những người này cũng được mặc quần áo độn và đi ủng nỉ. Xe trượt tuyết của chúng tôi cẩn thận đi xuống bờ sông Usa đóng băng và bắt đầu đi về phía bắc dọc theo những con đường bằng phẳng. Chúng tôi đang trên đường để viết một trang sử mới của cuộc đời mình.

Khi cưỡi trên chiếc xe trượt tuyết, chúng tôi nhận thấy gò má mình bắt đầu lạnh cóng vì tuyết và giá rét. Đầu tiên hai bên má sẽ ửng đỏ do tuyết và gió, sau đó đột nhiên một đốm trắng xuất hiện và nhanh chóng lan rộng. Người lái xe của chúng tôi đã cảnh báo rằng, nếu vết đỏ mờ đi và má không còn cảm giác gì thì chúng tôi phải xoa và gạt bỏ lớp tuyết trên má ngay lập tức. Mức độ nghiêm trọng của khí hậu vùng cực nhanh chóng trở nên rõ ràng. Từ đó, chúng tôi luôn quấn khăn quanh mặt khi cưỡi ngựa hoặc đi xe trượt tuyết.

455555.png

Tù nhân Gulag - 1945

Khi chúng tôi đến “Mặt Nạ Xám”, Nikolai xuống khu vực trại của anh ấy, còn Volodia và tôi sau đó nghỉ qua đêm trong một lều “khách sạn”. Sáng sớm hôm sau, hai chúng tôi lại lên đường. Trên đường, có thể nhìn thấy ở bên phải, là một nhánh của Dãy núi Ural được bao phủ bởi khu rừng rậm rạp. Bên trái là vùng lãnh nguyên bị chôn vùi dưới một lớp tuyết dày, được tô điểm bởi những bụi cây mọc thưa thớt. Sau khi đi 14 km về phía bắc từ “Mặt Nạ Xám”, cuối cùng tôi cũng nhìn thấy các tháp canh trại tù của trại “Pernashor”, ở đó cuộc sống mới đang chờ đợi tôi.

Tôi sẽ không bao giờ quên con đường đã dẫn chúng tôi đến nơi đó. Con đường chạy dọc theo trại tù, dưới một trận tuyết dày đang rơi. Ngay phía trước, tôi thấy một nhóm tù nhân, khoảng sáu người trong số họ mặc áo khoác độn bông bên ngoài áo khoác quân đội, bước ra từ một hàng cây thưa thớt. Họ đi ủng quân đội, và trên đầu đội mũ lính nhưng không có ngôi sao đỏ. Họ cúi thấp người, kéo dây đai của một chiếc xe trượt tuyết chất đầy gỗ. Phía sau họ, một lính trại đội mũ lông, đi ủng nỉ và mặc áo khoác da cừu bước đi, mang một khẩu súng trường có lưỡi lê trên tay. Cả nhóm tiến về phía cổng trại. Cánh cổng mở ra, tù nhân và chiếc xe trượt tuyết biến hẳn vào trong, và rồi cánh cổng đóng lại.

Tay lính trại mang súng trường đi đến một doanh trại dài phủ đầy tuyết nằm cạnh khu chính, sau này tôi mới biết đó là trụ sở của đội an ninh khu vực. Bên cạnh doanh trại đó có hai chiếc hầm trú. Một chiếc thuộc về chỉ huy của đội an ninh, đương vắng mặt vào ngày tôi đến. Chiếc hầm còn lại là nơi ở của chính ủy và vợ. Ông ấy đã được Selektor thông báo rằng tôi sẽ đến. Khi giúp tôi mang đồ đạc vào hầm, ông ấy có vẻ ngạc nhiên khi tôi mang theo ván trượt tuyết từ tận Moscow. Volodia tiếp tục lên đường đến vị trí của mình ở một đơn vị trại xa hơn về phía bắc.

Một trong những điều đầu tiên mà ông chính ủy giúp tôi là chọn ra một nhóm tù nhân để xây cho tôi một hầm trú cho riêng mình. Trong lúc hầm đang được xây, tôi yêu cầu ông ấy dẫn tôi đi tham quan xung quanh trại “Pernashor”. Khi chúng tôi bước vào trại tù, tôi vô cùng kinh hãi trước những gì mình nhìn thấy.

Không có một chỗ nghỉ ngơi tử tế nào trong trại của chúng tôi. Thay vào đó, các tù nhân nằm trên những chỗ họ đã dọn sạch trên mặt đất trống. Họ đã cạo tuyết trên mặt đất đóng băng rộng vài mét thành hình vuông và đặt những cành cây bị đốn vội xuống làm giường tạm. Trên những đống cành cây này là các tù nhân, mặc áo khoác ngoài và ủng quân đội, đang “nghỉ ngơi” sau ngày làm việc kéo dài 12 giờ.

Dưới áo khoác ngoài, tù nhân mặc bộ quần và áo khoác độn. Trên đầu họ đội những chiếc mũ ca nô, còn một số người khác thì quấn khăn tắm lên đầu. Một số người trong số họ đã quấn những nhánh linh sam dính tuyết quanh đầu, điều mà họ nghĩ rằng có vẻ sẽ bảo vệ phần nào đầu họ khỏi cơn gió băng giá. Mỗi đội tù nhân có góc ngủ riêng, nhưng tùy theo hướng gió thổi, họ liên tục đổi chỗ để tránh cơn gió lạnh cóng. Nhiều tù nhân đang di chuyển quanh khu vực trại như những cái bóng ma.

Gần cổng cuối trại, một đội thợ mộc đang đóng quan tài. (Số người chết trong các trại Cải Lao thời chiến tranh không phải là ít)

Trong suốt thời gian đó, các quan chức từ Ban quản lý Trại cứ liên tục la hét với các lãnh đạo đơn vị cấp dưới qua máy Selektor (T.N: từ giờ gọi là máy điện đàm), yêu cầu thống kê xem có bao nhiêu tù nhân đã làm việc, và bao nhiêu người đã hoàn thành chỉ tiêu của họ trong khoảng thời gian 24 giờ. Tất cả những gì họ quan tâm là mỗi tù nhân cần được cung cấp khẩu phần ăn ra sao, vì điều này đi đôi với khối lượng công việc anh ta đã làm trong ngày hôm đó. Và để cho thấy sự nghiêm túc trong công việc, cấp trên liên tục chửi bới và đe dọa sẽ tống chúng tôi vào tù, trừ khi “đến ngày mai tất cả bọn tù nhân đều phải đi làm và hoàn thành 100% kế hoạch”. Và những ai không hoàn thành chỉ tiêu công việc được đặt ra của họ sẽ chỉ nhận được 300 gram bánh mì và súp loãng.

4531012129_469c4f0bd4_o.jpg

Áp giải thành phần chống đối chính trị - 1928

Rõ ràng có thể thấy trời đã vào hẳn mùa đông, song việc xây dựng nơi ở cho tù nhân vẫn chưa được quy hoạch cụ thể. Tôi lập tức quay sang tay chính ủy và hỏi ông ta về vấn đề đó. Chẳng nhẽ chúng ta chỉ đơn giản kết án tất cả những tù nhân này rồi để họ phải chết sớm trong điều kiện khủng khiếp như vậy sao? Trước câu hỏi của tôi, tay chính ủy chỉ giơ tay, và nói rằng điều đó không phải trách nhiệm của ông ấy và bản thân ông cũng không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra. Không có ai để nhờ đến, nhưng chúng tôi phải nhanh chóng làm gì đó để khắc phục điều này. Nhưng phải làm gì đây?

Một buổi sáng ngay sau đó, Volodia từ đơn vị trại kế bên đến gặp tôi và nói rằng trại của anh ấy cũng đang gặp tình trạng khủng khiếp tương tự. Anh ấy nói: “Fedia (tên gọi thân mật của Fyodor), chúng ta phải làm sao đây? Đây là một cơn ác mộng! Lúc mấy ông quan tiễn mình ở Moscow, mọi chuyện mình nghe có như thế này đâu. Cải tạo đám tù nhân này làm sao được, tớ cảm giác có khi bọn họ chết cóng trước khi mãn hạn tù.”

Volodia nói chuyện với tôi như một người bạn thân, và anh hoàn toàn nhận thức được rằng lúc đó tôi là đang học cảm tình Đảng. (Volodia về sau không bao giờ gia nhập Đoàn và không gia nhập Đảng. Có lẽ anh do dự vì sợ Đảng, dẫu rằng đó là tổ chức chính trị quan trọng nhất trong đời sống Liên Xô lúc bấy giờ. Không ai có thể nghi vấn về các chính sách của Đảng. Vì bản thân không phải là đảng viên C.ộng sản, sự nghiệp chính trị của Volodia có thể khó khăn hơn so một Đảng viên.)

Nhưng với hai chuyên gia trẻ vừa mới đến trại Gulag, là một thế giới biệt lập nằm trong một quốc gia, chúng tôi thực sự có thể làm gì? Chúng tôi ở rất xa Moscow và không có cách nào liên lạc được với bất kỳ ai ở đó. Trên thực tế, chúng tôi đã trình báo về vị trí công tác của mình tại Pechorlag cho cả Moscow lẫn Obkom (Đảng bộ địa phương) ở Syktyvkar, thủ đô của nước cộng hoà Xô viết tự trị Komi. Nhưng ở đây không có con đường nào dẫn thẳng đến Syktyvkar, và cả trại tù lẫn khu điều hành đều không có bất kỳ mối liên lạc nào với họ. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Pechorlag vẫn phải nắm rõ tình hình thực tế tại trại, vì hàng ngày, mỗi đơn vị trại đều phải báo cáo về trụ sở Pechorlag, thông qua máy điện đàm. Mỗi quản lý của một đơn vị tù nhân đều đưa ra một bản tóm tắt, về những gì mà đơn vị đó đã cố gắng xây dựng trong khoảng thời gian 24 giờ trước đó. Trong các bản báo cáo này, chúng tôi luôn thống kê số lượng tù nhân bị bệnh, bao nhiêu người đã chết, tình hình lương thực, v.v. Và chúng tôi làm điều này mỗi ngày.

Volodia chờ đợi câu trả lời từ tôi. Tôi đồng ý với suy nghĩ của anh. Chúng tôi đã thảo luận rất lâu về tình huống vô cùng khó khăn này mà không tìm ra được giải pháp thỏa đáng trong phạm vi của trại. Sau đó, cuối cùng, chúng tôi đã đi đến kết luận sau:

+ Theo như những gì các quan chức Gulag đã nói với chúng tôi ở Moscow, các tù nhân bị giam trong các trại Cải lao để Nhà nước Xô Viết có thể cải tạo họ bằng lao động. Và sau khi các tù nhân mãn hạn tù, họ sẽ trở lại cuộc sống bình thường.

+ Tuy nhiên, điều mâu thuẫn là, ở trại của chúng tôi, điều kiện sống rất nguy hiểm, và trên thực tế, đang khiến các tù nhân đi thẳng đến cái chết cóng một cách nhanh chóng. Khi mùa đông bắt đầu đến, chúng tôi cảm thấy rằng, thứ cần ưu tiên hơn tất cả, là phải làm những gì cần thiết để cứu mạng sống của đám tù nhân, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải trì hoãn công việc xây dựng đường sắt.

+ Thực tế, chúng tôi không có cơ hội, cũng như thời gian để thuyết phục lãnh đạo trong ban quản lý trại, nói chi với các cốp khác cao hơn trong hệ thống cấp bậc của Gulag, và hiện tại mọi người hiện đang chết dần, nên chúng tôi quyết định rằng phải có hành động nhanh chóng, bằng những phương pháp nhanh nhất hiện có để bảo toàn mạng sống tù nhân.

+ Đồng thời, do chính quyền Xô Viết xác định trại của chúng tôi có tầm quan trọng nếu chiến tranh nổ ra, nên chúng tôi cũng phải hoàn thành kế hoạch xây dựng hàng tháng đã được hoạch định.

Sau khi kết luận tất cả những điều này với nhau, chúng tôi đã biết mình phải làm gì.​
 
B. GULAG TỪ BÊN TRONG

5. Tại khu quản lý trại


Tại Ban Quản lý Trại Gulag, chúng tôi được đưa vào một tòa nhà mang biệt danh “khách sạn”, một căn lều quân dụng lớn với những giường tầng được làm bằng các ván gỗ thô kệch bên trong. Mỗi bộ giường tạm đó đủ cho hai người ngủ mỗi tầng. Thế là chúng tôi được cấp mỗi người một chỗ ngủ như vậy. Bên trong lều, một chiếc bếp sắt lớn tỏa hơi ấm vào lều. Cái bếp được nhóm liên tục nên làm cho lều rất ấm áp. Những người khác ở đó đã tận dụng nó, phơi quần áo xung quanh.

Các cán bộ đứng đầu của Ban Quản lý Trại đã chào đón chúng tôi. Họ đưa chúng tôi đến phòng Tổ chức, nơi chúng tôi được giao những nhiệm vụ cụ thể. Họ giải thích rằng toàn bộ trại Pechorlag được chia thành ba khu vực. Phần phía nam được gọi là Phân khu 1, phần ở giữa được gọi là Phân khu 2 và phần xa nhất phía bắc được gọi là Phân khu 3. Sau đó, mỗi khu vực được chia thành các phòng và mỗi phòng chứa nhiều đơn vị tù nhân khác nhau. Mỗi đơn vị tù nhân sẽ làm việc trên một đoạn trên quãng đường sắt sắp tới. Các đoạn đường mà họ làm việc có khoảng cách tương đối lớn, khoảng từ 10 đến 20 km, tùy thuộc vào độ khó của công việc.

Ba người chúng tôi được phân công đến Phân khu 3, cụ thể là vùng cực bắc của trại, Khu 6, có biệt danh là “Mặt nạ xám” (Серая Маска – Seraya Maska; hay Sivaia Maska theo tiếng Belarus). Nikolai Gradov, người lớn tuổi nhất trong ba người chúng tôi, được bổ nhiệm làm kỹ sư tại trụ sở chính của Khu 6. Volodia và tôi được bổ nhiệm làm quản đốc ở hai đơn vị ở khu cực bắc của Phân khu. Tôi được gửi đến một đơn vị có tên là “Pernashor”, ngay cạnh đơn vị của Volodia. Cả hai đơn vị đều ở vị trí xa nhất về phía bắc của Phân khu.

2334.jpg

Mỏ than trại Vorkuta - 1946

Làng Abez, nơi đặt trụ sở của Ban quản lý Trại, tọa lạc bên hữu ngạn của sông Usa. Tất cả những ngôi nhà ở thị trấn Abez đều được xây bằng gỗ. Nhiều công trình trong số đó được xây dựng bằng những loại gỗ thông tốt, lấy từ những thân gỗ trôi dọc theo sông Usa, từ các nhánh của sông Bắc Ural. Ban Quản lý Trại trưng dụng các tòa nhà chính để làm các văn phòng và nhà ở, nhằm phục vụ một đội ngũ nhân viên đông đảo. Nhìn chung, tất cả đều những kỹ sư và nhân viên kỹ thuật, cùng với những nhân viên phục vụ cả tù nhân lẫn dân thường. Ban Quản lý Trại cũng có một số lượng lớn các đơn vị vệ binh có vũ trang, được gọi là Lính trại (VOKhR – Bộ đội vũ trang khu cải lao) và Đặc vụ (Nhân viên NKVD hay Chekists, mượn tên từ tổ chức phản gián Cheka thời Lenin) cũng như các cán bộ của Ban Chính trị.

Trại tù được xây ở rìa làng, dân địa phương đặt tên cho nó là “đặc khu”. Có thể thấy rõ rằng, các tháp canh cao ở mỗi góc được canh gác bởi các lính trại. Ngoài nơi ở cho những người bị kết án thông thường, trại còn có một đội ngũ nhân viên lớn gồm các tù nhân có thể đi làm và đi quanh làng mà không cần lính trại đi theo. Họ làm nhiều công việc khác nhau, nhằm phục vụ nhân viên dân sự của Ban Quản lý Trại. Những ai bị kết án có chuyên môn kỹ thuật, khi đến Gulag thì được gọi là “chuyên gia”, và nhiều người trong số họ có vị trí biên chế (nhưng thực tế vẫn là tù nhân) trong Ban Quản lý Trại.

Chúng tôi hầu như không có cơ hội để tìm hiểu cái cơ cấu phức tạp của bộ máy chính quyền ở trại, khi chúng tôi được đưa đến địa điểm làm việc trên đường ray.

Trong khoảng ba tuần ở Ban quản lý Trại, chúng tôi đã kết bạn với một số người mà chúng tôi vẫn giữ liên lạc sau khi nhận nhiệm vụ công tác trên đường ray. Sau này, vì lý do nào đó, khi chúng tôi phải quay lại Abez để gặp gỡ những người ở Ban Quản lý Trại, chúng tôi có thể ở cùng với họ trong những căn nhà ấm áp, chứ không phải trong cái lều “khách sạn” dã chiến. Theo quy định, chúng tôi phải về Abez báo cáo một hoặc hai lần một tháng, đôi khi nhiều hơn. Để đáp lễ lại cho sự hiếu khách này, chúng tôi hay chơi bài vào ban đêm, thường là trò poker, ochko hoặc durak. Những trò chơi bài này luôn đi kèm với một lượng lớn rượu được pha loãng. Sở dĩ được pha loãng vì nhân viên dân sự chỉ nhận được một chai rượu mạnh mỗi tháng một lần và phải dùng hết mới được nhận tiếp. Đám thợ dân sự chúng tôi được trả lương cao so với những nơi khác trong nước, nhưng ở vùng Viễn Bắc, thật là mỉa mai vì không có cửa hàng nào và không có bất kỳ chỗ nào để tiêu tiền. Và vào thời điểm đó, việc chơi bài bị cấm nhưng hầu như ai cũng dính. Dân thường không phải là những người duy nhất chơi bài, các tù nhân cũng vậy, đặc biệt là trò “ochko”.

Nói về tiền lương với ba kỹ sư trẻ chúng tôi, mỗi người được hưởng mức lương cơ bản là 120 rúp một tháng. Để bù đắp cho tính nặng nhọc của công việc ở phía trên Vòng Bắc Cực, họ đã trả cho chúng tôi mức lương gấp đôi trong sáu tháng đầu tiên. Sau sáu tháng đầu tiên, cấp trên cắt bỏ mức lương gấp đôi đó, và thay thế bằng khoản thưởng 10% lương thường lệ, được lãnh sau sáu tháng. Bằng cách này, lương sẽ gấp đôi số tiền chúng tôi kiếm được ban đầu sau khi làm việc được 5 năm. Sau đó, chỉ có thể kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách được thăng chức trong công việc.

Dù sao đi nữa, chúng tôi là những người cô đơn không có nơi nào để tiêu tiền, nên việc chơi bài là cách tiêu khiển chính. Đôi khi chúng tôi cũng chơi bài để ăn được số tiền lớn. Tôi đặc biệt nhớ đến một người quen ở Ban Quản lý Trại, đó là tay Trưởng phòng Hậu cần Kỹ thuật. Lúc đó, người đàn ông này khoảng bốn mươi tuổi. Anh ấy là một chàng trai sôi nổi, hoạt bát, vui vẻ, thích đùa giỡn và thực chất anh ấy là một người lạc quan. Trái ngược với khuôn mặt trẻ trung, mái tóc dày của anh hoàn toàn màu xám. Một ngày nọ, anh ấy kể cho tôi nghe tại sao tóc anh lại bạc khi còn trẻ như vậy.

Có vẻ như anh ấy đã từng làm việc ở Moscow một lần, với một công việc mà anh đã được thăng chức lên vị trí sếp lớn trước khi mới bốn mươi tuổi. Anh ấy từng là một Đảng viên, và vào thời điểm đó, dường như anh ấy có một sự nghiệp rực rỡ phía trước. Nhưng vào năm 1937, các vụ bắt giữ hàng loạt xảy đến với văn phòng của nơi anh làm, và anh bị bắt. Và nghiễm nhiên, anh bị khai trừ khỏi Đảng vắng mặt. Một tổ ba người (troika – bao gồm 1 nhân viên NKVD, 1 Đảng viên và 1 nhân viên tư pháp) đã kết án anh mà không có bất kỳ cuộc kiểm tra pháp lý nào, không có bất kỳ cuộc họp nào với các vị quan chức liên quan, và thậm chí không có bất kỳ luật sư nào có mặt để bào chữa. Người ta kết án tử hình anh bằng hình thức xử bắn. Anh ấy không thể tin được điều này, nhưng khi họ đọc bản tuyên án cho anh nghe, và đưa anh vào danh sách tử hình (trong phòng giam cùng với những tù nhân khác cũng bị kết án tử hình), thì cuối cùng anh cũng biết rằng thôi thế là xong.

Ở trong tù, họ cho phép anh viết đơn xin ân xá, đồng thời nói rằng họ sẽ xem xét vấn đề này trong vòng 72 giờ. Anh là một trong bốn người đàn ông trong phòng giam đã bị kết án tử hình. Trong tù, đại diện chính quyền sẽ xuất hiện vào khoảng 4 giờ sáng để triệu tập các tù nhân và đưa ra phản hồi của NKVD đối với các kiến nghị và kháng cáo của họ. Bên cạnh phòng anh là những phòng giam khác đầy những người bị kết án. Điều này có nghĩa là đến lúc bình minh, mọi người ở tất cả các phòng giam đều thức và chờ đợi. Mỗi tù nhân đang lắng nghe và cố gắng tìm hiểu xem, liệu những âm thanh vang vọng mà họ nghe thấy ở cuối hành lang có phải là tiếng bước chân của cai ngục hay không, và liệu họ có đang đến phòng giam của anh ta hay không. Nói cách khác, nếu có tiếng bước chân đi ngang qua phòng giam của bạn, điều đó có nghĩa là bạn có thêm 24 giờ nữa để sống.

Tuy nhiên, một ngày nọ, tiếng bước chân dừng lại bên ngoài phòng giam của anh. Họ gọi tên anh và bảo anh mang đồ đạc ra ngoài. (Mang theo đồ đạc cá nhân có nghĩa là tù nhân sẽ không bị đem đi thẩm vấn nữa.) Họ dẫn anh ấy đến gặp một tay giám đốc nhà tù nào đó, người này nói với anh rằng đơn xin ân xá của mình đã được chấp nhận. Thay vì bản án tử hình, bản án của anh ấy đã được giảm xuống còn 25 năm trong trại Gulag. Anh đã phục vụ hơn một năm trong trại Gulag, và bất ngờ sao, khi vào năm 1939, anh được ân xá hoàn toàn. Hơn nữa, anh còn được phục hồi chức vụ Đảng viên, tất cả các bằng khen và huân chương mà anh ấy được nhận đều được trả lại, anh ta được trả lương cho thời gian làm việc cuối cùng trước khi bị bắt và tiền lương cho toàn bộ thời gian bị giam giữ. Sau đó họ đề nghị anh ở lại Gulag và làm việc như một công dân tình nguyện. Và anh ấy đồng ý ở lại.

Một năm sau khi chúng tôi gặp nhau, người đàn ông này thực sự đã cứu tôi khỏi một án tù dài hạn. Tôi sẽ kể chi tiết hơn về điều này sau.

3444.jpg

Dãy nhà hành chính của trại Vorkuta - Hè 2009

Trong suốt những năm làm việc ở Gulag, tôi đã gặp nhiều người từng là tù nhân, từng thụ án một thời gian, rồi đột nhiên được phục hồi lại đầy đủ chức quyền. Nhưng hầu hết họ đã không giống như người đàn ông này, anh bước ra khỏi chốn lao tù với tinh thần lạc quan và tâm hồn vui vẻ. Hầu hết họ đều suy sụp về mặt tinh thần lẫn thể chất trong suốt quãng đời còn lại.

Trong khoảng thời gian ba tuần chúng tôi làm việc tại Ban Quản lý Trại trước khi bắt đầu công việc của mình trên đường ray, một biến cố đã xảy ra khiến chúng tôi bị sốc, và khiến chúng tôi lo lắng về nơi mình đang ở và những gì đang chờ đợi phía trước. Ở Ban Quản lý Trại, luôn có một người làm công việc gác đêm. Một đêm lúc chúng tôi còn ở đó, người gác đêm hôm đó vốn là một chuyên gia trẻ, có trình độ học vấn cao (giống như chúng tôi), người đã làm việc ở Pechorlag một thời gian và đã có công việc ổn định ở công trình đường ray. Buổi sáng sau ca trực đêm của anh, họ phát hiện ra chuyên gia trẻ tuổi này đã treo cổ tự tử. Cách anh ấy làm rất khác thường. Anh ta buộc một đầu sợi dây vào tay cầm trên khung cửa sổ, còn đầu kia làm một chiếc thòng lọng, rồi quàng qua cổ và nằm xuống sàn. Chiều dài của sợi dây ngắn đến mức nếu anh ta nằm xuống sàn, thòng lọng sẽ thắt chặt, còn khi đứng lên, thòng lọng sẽ lỏng ra. Chúng tôi hiểu rằng anh ấy đã lựa chọn một cái chết đau đớn, chỉ để thoát khỏi tất cả những gì anh ấy đã thấy ở Gulag.

Vấn đề là một khi đã đi làm trong Gulag thì không có khả năng tự ý rời khỏi hệ thống Gulag. Để rời bỏ công việc ở Gulag, bạn phải xin phép người đứng đầu Phòng Cán bộ của ban NKVD ở Gulag nơi bạn làm. Vì Gulag luôn thiếu người nên việc được phép thôi việc ở Gulag hợp lệ là điều gần như không thể. (Tất nhiên, vẫn có trường hợp ngoại lệ là hối lộ hoặc chỉ là sự may mắn không tưởng.)

Quay trở lại Ban quản lý trại ở Pechorlag, tôi muốn nói thêm về việc những người cán bộ quản lý trại ở Abez gặp khó khăn ra sao, khi điều hành một cái trại Cải lao rộng lớn như vậy. Như tôi đã nói ở trên, Pechorlag trải dài dọc theo tuyến đường sắt tương lai dài 500 km. Vì nó nằm gần vòng Bắc Cực, nên ở đó không có đường sá bình thường hay bất kỳ hệ thống thông tin liên lạc phát triển nào. Các đơn vị tù nhân sống và làm việc trong một khu vực trải dài 500km. Do đó, Ban Quản lý Trại cũng như các khu vực và phòng ban của nó chỉ có thể liên lạc với các đơn vị tù nhân này bằng cách sử dụng “Selektor”. Đó là một loại điện thoại có nút bấm trên tay cầm, khi bạn nhấn vào nút, bạn có thể nói với đầu dây bên kia nhưng không thể nghe thấy họ.

Các phòng ban chỉ có thể liên lạc với chính quyền sở tại bằng thư hoặc Selektor. Vì chưa có đường ray hoàn chỉnh nào được xây dựng mà chỉ có đường ray tạm thời, nên họ gửi hàng hóa hay nhu yếu phẩm đến các đơn vị tù nhân chủ yếu bằng xe trượt tuyết vào mùa đông, và bằng ngựa vào mùa hè. Ở một số khu trại gần sông Usa hoặc Pechora, thuyền có thể được sử dụng. Những lá thư từ các đơn vị cấp dưới gửi đến chính quyền cấp trên phải mất hàng tuần mới đến được, và ngoài ranh giới của trại, phải mất hàng tháng. Không có sách, ngoại trừ những cuốn mà một số người đã mang theo khi đến đây và các tài liệu tuyên truyền do chính quyền gửi đến. Không có điện, nên trong những đêm dài đó, chúng tôi chỉ có đèn dầu, là những lon thiếc rỗng mà chúng tôi đổ dầu vào và dùng sợi bấc để đốt. Không hề có đèn dây tóc.

Điều này có nghĩa là cái Selektor kia đảm nhận vai trò liên lạc hàng ngày đối với các đơn vị. Và đa phần, khi nhấc máy lên, bạn sẽ nghe thấy hàng loạt lời lẽ, chửi bới thậm tệ, thậm chí còn đe dọa sẽ tống giam bạn vào tù nếu như không hoàn thành kế hoạch hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Hiếm khi, và như một quy luật đã định, bất ngờ tay lãnh đạo từ chính quyền khu vực hoặc phòng ban liên quan đến thăm đơn vị trong một thời gian ngắn. Chừng mỗi tháng một lần, quản đốc và chủ quản của đơn vị trại (nếu có, vì ở nhiều đơn vị trại không có chủ quản và công việc của vị này cũng để quản đốc đảm nhận) được gọi lên cấp trên để xác nhận kế hoạch và đưa ra báo cáo trong các cuộc họp hàng tháng. Ban Quản lý Trại, tức là trụ sở chính của trại, rất hiếm khi gọi đến kiểm tra.

Nói chung, không có nhân viên dân sự nào khác trong các đơn vị quản lý tù nhân ngoài quản đốc, và đôi khi là chủ trại, hoặc chỉ huy đội an ninh. Đôi khi cấp trên cử một y tá đến thăm một thời gian ngắn, nhưng chúng tôi thường nhờ một số tù nhân có chuyên môn về y tế khi chúng tôi cần giúp đỡ. Một tỷ lệ rất lớn tù nhân bị bệnh mãn tính. Điều này là do khí hậu khắc nghiệt, thức ăn không đạt tiêu chuẩn, quần áo nghèo nàn, một ngày làm việc kéo dài 12 tiếng và phải làm ngoài trời, không có hầu hết các loại thuốc cần thiết, sự buồn tẻ trong doanh trại, tình trạng suy thoái đạo đức vô tội vạ và nhiều lý do khác. Những bệnh nhân thực sự bị ốm đã được đưa đến bệnh viện, nhưng những người khác vẫn đứng vững, do tình cờ được chăm sóc bởi một tù nhân có kiến thức về y tế. Sự vắng mặt của đội ngũ y sĩ dân sự tại các đơn vị đã ảnh hưởng cực kỳ xấu đến năng suất làm việc của tù nhân.​
 
Top