Nguyễn Quốc Tấn Trung: Tái định nghĩa Chủ nghĩa đế quốc từ phương diện luật, lệ quốc tế

tar_palantir

Bò lái xe
shutterstock_1898207950-958x540-c.jpg



Nguyễn Quốc Tấn Trung từng là sinh viên ngành Luật Quốc tế tại Đại học Westminster (Anh), và hiện là giảng viên tại Đại học Victoria (Canada). Ngoài ra, anh còn là một trong những quản trị viên (curator) của kênh YouTube chính trị - xã hội nổi tiếng Hội Đồng Cừu .

Trong buổi họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 11/1/1979, đại diện Trung Quốc đã cằn nhằn:
"Việt Nam từ lâu đã trở thành một Cuba của châu Á, một con cờ của thứ chủ nghĩa đế quốc đội lốt XHCN kiểu Liên Xô. Nước này hiện đã trở thành một đầu tàu cho sự can thiệp, lật đổ, loạn lạc, thậm chí cả chiến tranh đối với các nước Đông Nam Á khác".
Cũng chính câu nói này đã phổ biến khái niệm chủ nghĩa đế quốc đội lốt XHCN với đại chúng quốc tế. Đặt tính chính danh của các hoạt động của Việt Nam tại Campuchia sang một bên, lời cáo buộc của Trung Quốc về thứ chủ nghĩa đế quốc đội lốt XHCN thật là thú vị. Làm sao mà một nước XHCN, một tập thể chính trị (tự nhận là) đại diện cho tầng lớp lao động, bảo vệ cho công cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa bị áp bức (ý chỉ Liên Xô - ND) lại bị gọi là một đế quốc? Nhưng như Mao Trạch Đông từng ám chỉ, kể cả ở đỉnh cao của một "thế giới đại đồng" thì anh cả Liên Xô cũng có thể tự chuyển hóa thành một nước đế quốc.

Sau khi Nga phát động cuộc chiến chống lại Ukraine và nỗ lực vùng vẫy nhằm tô vẽ hình ảnh "kháng chiến" chống lại "chủ nghĩa đế quốc phương Tây" hay "chủ nghĩa đế quốc NATO", hình ảnh được đồng minh thân cận nhất - Trung Quốc - hưởng ứng, rất cần thiết phải nhớ lại cuộc tranh luận giữa Trung Quốc và Liên Xô năm 1979, rằng chủ nghĩa đế quốc là muôn hình, vạn trạng. Như vậy, việc ủng hộ cuộc chiến của Nga hay chối bỏ luật pháp quốc tế "kiểu Tây" không khiến cho người ta chống lại chủ nghĩa đế quốc.

Nền lý luận xung quanh chủ nghĩa đế quốc đã và đang được xây dựng và mở rông trong hàng trăm năm qua. Tuy nhiên, nhiều nhà lý luận thời kỳ hậu thuộc địa thường có xu hướng gắn kết chủ nghĩa đế quốc với các pháp chế quốc tế cùng các đặc trưng phương Tây của nó. Như giáo sư nổi tiếng Antony Anghie đã bình luận, tập đoàn đế quốc phương Tây còn lâu mới tuyệt diệt, và vẫn còn len lỏi trong từng ngóc ngách của luật pháp quốc tế cùng các định chế nâng đỡ nó. Ông tin rằng chủ nghĩa đế quốc thực dân chưa từng bị trị tận gốc, vì thế tàn dư của nó vẫn chưa bị tách rời với định hướng chính trị và tầm nhìn của (các nước) phương Tây.

Có nhiều cách tiếp cận để phản biện tiên đề của giáo sư Anghie. Chẳng hạn, có thể thấy rằng hệ thống luật quốc tế hiện hành được viết nên không chỉ bởi những nước phương Tây. Các nghị quyết của Đại Hội đồng Liên hợp quốc với tính chất gần-như-hợp-pháp của nó đã dần có hiệu lực lên các tranh chấp quốc tế, tiêu giảm đi quyền lực của các nước cựu thực dân và soi đường cho các mối quan hệ quốc tế. Thậm chí, nếu tiếp cận một cách trực tiếp hơn, ta dễ dàng thấy rằng việc Liên Xô xâm lược Tiệp Khắc (năm 1968) và Trung Quốc xâm lược Việt Nam (năm 1979) rất hay được nhìn dưới lăng kính của chủ nghĩa đế quốc. Và đáng ngạc nhiên thay, chính luật pháp quốc tế mới được dùng để lên án các cuộc xâm lược này. Như vậy, có thể thấy rằng, không phải cứ "đế quốc" là "Tây", không phải cứ "ngoài phương Tây" là "chống đế quốc".

Trong bài viết này, chúng ta sẽ nhìn vào khái niệm "chủ nghĩa đế quốc" từ phương diện luật, lệ quốc tế. Nếu tìm đủ lâu, người đọc sẽ thấy nghị quyết 34/103 (vào năm 1979) của Đại Hội đồng Liên hợp quốc về "việc bài trừ chủ nghĩa bá quyền trong quan hệ quốc tế".

Trong nghị quyết này, Đại Hội đồng (mà phần nhiều là các nước đang phát triển) đã nêu ra những khái niệm như "chủ nghĩa đế quốc", "chủ nghĩa thực dân", "chủ nghĩa tân thực dân", "phân biệt chủng tộc", "apartheid", thậm chí cả "chủ nghĩa Zionism" (chủ nghĩa lập quốc Do Thái trên vùng đất Palestine có nhiều người Arab sinh sống - ND) để thể hiện các mặt khác nhau của "chủ nghĩa bá quyền". Nói tóm lại, những điều ở trên đều có điểm chung ở việc một bên ra sức bảo toàn sự bất bình đẳng về quyền lực, nhằm kiểm soát hoặc thống trị, về mặt chính trị, kinh tế, ý thức hệ, hay quân sự, các quốc gia, vùng lãnh thổ và dân tộc khác trên thế giới. Dù ở phương Đông hay Tây, hễ làm những việc như trên thì có thể coi là đang thi hành những chính sách đế quốc. Cách tiếp cận này đã cởi trói cho khái niệm "chủ nghĩa đế quốc" khỏi những mối liên kết về lịch sử
và bản chất với phương Tây, vốn là một định kiến của người Marxist. Ngày nay, trong hầu hết các từ điển chính trị, người ta cũng định nghĩa "chủ nghĩa đế quốc" một cách trung tính, đơn giản là xu hướng ra sức kiểm soát các quốc gia và vùng lãnh thổ dưới dạng thuộc địa, chư hầu.

Qua những nhận xét trên, ta có thể khẳng định rằng việc chống luật pháp quốc tế không đồng nghĩa với việc chống chủ nghĩa đế quốc, dù có đồng ý hay không rằng vẫn còn những tàn dư đế quốc trong luật quốc tế hiện hành.

Mộng đế quốc của nước Nga dưới tay Putin không hề là bí mật. Trong phát biểu về lịch sử nổi tiếng nhất của ông này, ngoài việc gọi sự sụp đổ của Liên Xô là "thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20", Putin còn thể hiện sự buồn bã khi nói về "sự mất mát của các lãnh thổ của cựu Đế quốc Nga". Đế quốc Nga, chứ không phải Liên Xô. Putin rõ ràng không che giấu dã tâm đảo ngược những mất mát về lãnh thổ này.

Cũng chính Putin đã xuyên tạc lịch sử tồn tại của nước Ukraine và tính khác biệt của dân tộc Ukraine (so với các tộc dân Đông Slav khác). Trong tâm ông này, "người Nga và người Ukraine là một dân tộc - một thể thống nhất". Ông còn nói rằng Ukraine hiện đại "nằm trên lãnh thổ lịch sử của nước Nga" và hoàn toàn là sản phẩm của thời Soviet. Sự tồn tại lâu dài của những tư tưởng phản động này dường như còn tiếp sức Dmitry Medvedev đe dọa "xóa Ukraine khỏi bản đồ thế giới". Nhiều chuyên gia đã nhận định rằng, luận điệu này đã tạo ra phiên bản “thực dân đảo ngược” của nước Nga, khi mà những tuyên truyền về giải phóng và tự do chỉ dẫn đến các mô hình bóc lột và đàn áp khác. Nhưng những cuộc chiến của Putin đã không khỏi gây sự chú ý. Ngay từ khi cuộc khủng hoảng Crimea diễn ra, các nhà quan sát và phân tích đã tiên đoán về sự trỗi dậy sau cùng của chủ nghĩa tân đế quốc Nga.

Về Trung Quốc thì sao? Dù từng là nạn nhân của chủ nghĩa đế quốc thực dân phương Tây, khó quên rằng bản thân Trung Quốc cũng từng là một nước đế quốc. Vấn đề là, khi Trung Quốc gây dựng lại hình ảnh trên trường quốc tế thì tư tưởng "thể giới đại đồng vĩnh viễn dưới chân thiên triều Trung Hoa" vẫn còn đó, theo giáo sư Yu-Ping Chang. Nhà phân tích Jamil Anderlini còn nhìn thấu hiện tương này với nhận xét rằng Bắc Kinh không có khả năng "cho rằng mình từng hành động không vì cái tốt" và có xu hướng bỏ ngoài tai những bài học lịch sử.

Việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng quốc tế, điển hình là với dự án "Một vành đai, Một con đường" từ lâu đã khiến quốc tế lo lắng về việc nước này trở nên đế quốc hóa, nhưng những lo lắng này hiện mới chỉ dừng lại ở những cuộc tranh luận. Tuy nhiên, dễ nhận ra hơn rằng Trung Quốc đang ra sức kiểm soát và thách thức trật tự khu vực lân bang. Trên biển Đông, Trung Quốc không chỉ đơn phương phủ quyết phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế năm 2016 về tranh chấp với Philippines, mà còn tấn công các tàu cá và giàn khoan dầu cách cực nam đất liền của họ hàng ngàn hải lý. Những biểu hiện này là rất hiếm gặp với những bá quyền khác và những nước chung vùng biển với họ.

Trên đất liền, quan hệ ngoại giao của Trung Quốc (kể từ khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền năm 1979) không hề kém nóng đi, bởi nước này vẫn rất hung hăng với những nước chung biên giới khác. Những ai mà biết về các sự kiện khét tiếng ở Tây Tạng và Tân Cương, hay chiến tranh với Việt Nam năm 1979-1988, hay các trận chiến tranh dãy Himalaya với Ấn Độ, chắc hẳn sẽ thấy những luận điệu về một Trung Quốc "chống chủ nghĩa đế quốc và bá quyền" thật nực cười làm sao.

Tóm lại:
  • Ý niệm về chủ nghĩa đế quốc đã gây ra nhiều tranh cãi trong giới học thuật về luật và quan hệ quốc tế. Trong nhiều trường hợp, đây đơn giản là một cáo buộc vô cớ của phe này đối với phái nọ.
  • Tuy nhiên, bằng việc dùng định nghĩa trung tính về chủ nghĩa đế quốc, được đưa ra bởi các nước phát triển, như tại nghị quyết 34/103 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, ta thấy rằng "chủ nghĩa đế quốc" đơn giản là việc một bên ra sức bảo toàn sự bất bình đẳng về quyền lực, nhằm kiểm soát hoặc thống trị, về mặt chính trị, kinh tế, ý thức hệ, hay quân sự, các thực thể chính trị khác trên thế giới.
Áp dụng định nghĩa trên, có thể thấy rằng:
  • Nga và Trung Quốc có những nước cờ mang tính đế quốc không kém gì những nước phương Tây. Hơn nữa, những nước cờ này thường gây thiệt hại rất đáng kể về con người và kinh tế.
  • Do đó, luận điệu rằng "Nga và Trung Quốc là những lực lượng phản đế quốc, trong khi trật tự luật pháp quốc tế mới là xiềng xích trói buộc nhân loại" là xa rời so với thực tế.
 
Sửa lần cuối:
Top