Nhật ký thư ký tòa

NHẬT KÝ THƯ KÝ TÒA … [phần 1]
Ngày 19.3….
Sáng ngồi ăn tô bún giò, bà chủ quán bảo cháu thế mà sướng, làm Tòa án được bao nhiêu người nể sợ, chả bù cho thằng Toàn nhà cô, suốt ngày cắm mặt vào cái máy tính, nó làm ai ti ai tiếc gì mà đi suốt, toàn bị sếp mắng giao việc chứ không được nhàn như cháu. Con Bích nhà cô mới lớp 7, chắc sau cho đi học luật. Mình nghe mà thấy ngại ngùng trong lòng. Nhớ, bố mẹ mình cũng muốn sau mình làm quan, ra trường cái có ông bác Tuấn làm lớn ở Thủ Đô, nói về kiếm 200 củ, giờ mình ở đây, 3 tháng rồi, làm thư ký Tòa. Lương chỉ đủ ăn sáng với trả tiền thuê nhà trọ, từ khi lên phố làm thứ ký Tòa đến giờ, tưởng ra trường đỡ đần hơn cho bố mẹ, nào ngờ vẫn như thời sinh viên, mình vẫn bám lấy nguồn thu chủ yếu từ cái hàng thịt lợn của mẹ ở quê.
Thấy bà bán bún ngưỡng mộ mà chợt thương mẹ, thôi thì mới vào, cứ cố gắng, ai mà chẳng phải bắt đầu từ những ngày cơ cực.
Ngày 24.7 …
Hôm nay sếp gọi vào hỏi chú mày mai đi Hà Nội với anh, ra đó chú gọi bác Tuấn cho anh gặp có chút việc chút. Đoàn đi có cả lãnh đạo lớn, chú được đi là may lắm đó, anh phải nói mãi.
Mình hoang mang thực ra bác Tuấn cũng chưa gặp bao giờ, bác ấy làm to nhưng anh em xa, lâu lâu giỗ ông nội hay Tết gì mới gặp sơ sài bác ấy, gặp bác cứ nhắc, mày cố gắng lên, không có bác giờ có mà đi dán tờ rơi cho mấy văn phòng luật sư rồi con ạ, nhớ lấy mà phấn đấu.
Mỗi lần gặp bác Tuấn là sợ vãi ra, nay sếp lại muốn mình kết nối cho sếp và lãnh đạo gặp, không biết chuyện gì, mà giờ phải gọi nói như thế nào cho phải phép, nói thế nào cho không bị chửi. Mình nghe người ta nói người thủ đô họ khác, dù cũng đang sống ở một thành phố khá lớn nhưng cũng coi như quê thôi, nói gặp họ là gặp làm sao dễ được. Nghe nói sếp sắp lo cho cái ghế phó chánh án tỉnh, phen này ra thủ đô lại mang theo mình, tự nhiên áp lực. Thôi chắc lại nhờ mẹ, không thể không nhờ mẹ được, mới biết, khó thoát khỏi chủ quầy thịt heo nơi chợ huyện, may còn mẹ vẫn không bao giờ bỏ rơi mình …
Ngày 10.2…
Sếp được lãnh đạo trên giao phải đích thân quan tâm một vụ án của bà Xèo chủ cửa hàng xăng dầu tranh chấp đất với ông Thiết bán xi măng. Bà Xèo quen lãnh đạo tòa tỉnh nhưng ông Thiết lại em rễ bí thư tỉnh ủy. Sếp giao cho anh Thìn thẩm phán giải quyết, anh Thìn bảo bảo mình nghiên cứu cơ sở pháp lý để xử vụ này, nghe mình báo cáo cái vụ này bà Xèo sai rành rành rồi. Anh Thìn nói sếp bảo có cách nào mời họ lên hòa giải được không, chú mày phải khôn khéo, nói họ lên hòa giải, phải cho êm vào, chứ đừng để ông bà nào nó ghét mình. Mày không làm bà Xèo êm vụ này, lãnh đạo tỉnh không hài lòng với sếp là anh bể, mà mày không làm vừa lòng ông Thiết, bên tỉnh ủy mà không hài lòng thì đường lên Phó chánh án của sếp cũng không trơn đâu. Mình làm thư ký, làm sao mà giải quyết được vụ nan giải này hả trời.
Ngày 4.9…
Hôm nay có nguy cơ mất cả một cuộc tình, sếp rủ mình đi tiếp khách bên tỉnh, nhậu với hát tổng hết 6 củ, mà mình tiền đâu, sếp lại bị vợ gọi về trước như nhiều lần rồi, mình lại gọi nhờ cô người yêu mình đến tận quán kara để mang tiền lên trả. Đ.M, cái quán này toàn em hở hang, quán số nhà 72 mình đã bảo người yêu mình chờ mình ở số 86 xa xa, mình xuống lấy tiền rồi chạy đi xử lý, đã bảo người yêu về trước, thế đếch nào về đọc tin nhắn: “Tưởng anh làm quan tước gì thì đàng hoàng, chứ đến nỗi phải nhờ tôi mang tiền đến trả đi hát với gái thì chịu!”
Ngày 7.3…
Hôm nay là lần thứ 3 lên lấy lời khai của công an vụ mình mất cái xe máy. Khổ, cũng cán bộ Tòa đàng hoàng mà mất cái xe máy đến nay hơn tháng rồi, lấy lời khai lần thứ 4 rồi, xe máy thì chưa thấy đâu, chỉ thấy là cứ lấy lời khai, trình bày, nhận dạng, làm đủ kiểu mà xe chưa về.
Mẹ lại chuyển cho tiền mua xe máy mới, té ra cái quầy thịt lợn bao cả nhà. Bố đi dạy môn lý, lương được ít đồng thì đam mê chim cảnh, cứ lương về là nuôi chim, mình chưa xin được đồng nào, lại bòn mẹ vậy. Không biết bao giờ cho mẹ bớt khổ đây?
Mẹ vừa gửi tiền lên cho mua xe máy, giờ 8.3 chẳng lẽ lại lấy tiền mẹ gửi mua xe mua quà cho mẹ? Tại sao lại bế tắc thế này?
12.6 …
Thằng Hoàng chở lên Hà Nội chơi, nó thuê cái khách sạn sang chảnh, năm nay là năm thứ 4 làm thư ký Tòa rồi, lần đầu tiên mình mới ngủ được cái phòng như này. Nó chở lên cuối tuần đi quẩy sau vụ bán lô đất trúng đậm. Nhà nó đất có hơn 2000 mét, tính ra không bằng đất nhà mình đến gần bốn ngàn, nhưng mình quê, nó ở thành phố. Bố nó cắt cho 500 mét, vào cùng đợt với mình, mà 4 năm qua, nó bán đi, mua lại, sang lô này lô kia làm sao giờ nó thành đại gia rồi, làm thư ký Tòa nhưng nó được gọi là Hoàng Đất, đi học nghiệp vụ xét xử được gần 6 tháng rồi. Nó tính ra lại là thằng thanh liêm nhất cơ quan, mấy cô mấy bác vào cho đồng này đồng kia, nó nạt bảo ở đây Tòa án, đừng nghĩ mang tiền ra là mua được Tòa. Nghĩ tủi, giá mình được thanh liêm như nó thì sướng.
15. 8…
Sếp phó Long đi học thạc sỹ lớp với thằng Hoàng, thạc sỹ của học viện gì trên Hà Nội nhưng liên kết với trường Trung cấp ở tỉnh mở. Hôm nay, Hoàng nó lại rủ đi chở thầy ra ga tàu sau khi dạy xong cuối tuần. Thằng Hoàng đóng cho thầy thùng hải sản to đùng, thầy khen hải sản Hoàng mua là nhất xử Đông Dương này.
Mình không có tiền học ngay thạc sỹ vì sợ lại xin tiền mẹ, nhưng sếp Long tin, thằng Hoàng cũng tin, cả hai đều nhờ mình viết luận văn cho, nên cũng được đi theo ngóng thầy này thầy kia góp ý hướng dẫn.
7.9 …
Người yêu cũ cưới, sau cái vụ mang tiền cho mình thanh toán ở quán kara, người yêu dần xa mình rồi giờ cưới được ông ngon làm ở Đảng Úy Khối gì đó, tên Lam. Nói thật, mất một mối tình hơi oan vì hôm đó nhiều em hở hang nhưng mình toàn ngồi lo hóa đơn cao thấp chứ không tâm hồn nào nghĩ tới gái. Thôi coi như không có duyên với nhau chứ cũng không sao, mọi thứ cũng là bài học.
Từ khi mình nhận viết luận văn cho thằng Hoàng thì mấy khoản tiếp khách mình lại có mối để đá cho thằng Hoàng, âu cũng là kiếp hầu hạ các sếp cả, nó đi học nghiệp vụ mới 6 tháng, chưa lên thẩm phán nên mình còn tranh thủ được.
Ở nhà thì mẹ lại nhắc khi nào có con dâu dẫn về dẫn ra thăm quầy thịt lợn của mẹ. Tính cũng đi ăn cưới cho bình thường, vì người yêu cũ làm bên Viện khác quận nhưng dù sao cũng biết nhau cả, nhưng cứ thấy thế nào thế nào lại thôi. Đã gọi bác Bình gửi giúp cái phong bì 500k cho xong.
26.5…
Sếp nói chuyện đi học của mình cần phải lo nhiều nơi, ở tận TW nữa cơ, nên chưa thu xếp được. Sếp nói Hoàng nó đi học trước là vì suất trên dội về, chứ ở tỉnh không quyết được, anh mày đây ngày xưa người ít, việc cần, mà cũng phải hơn 6 năm mới đi học, mày vừa được 5 năm ăn thua gì.
Là vì hôm nay thằng Hoàng nhận quyết định bổ nhiệm thẩm phán, mình giờ làm thư ký cho nó, nó cũng thương mình, hay cho mình đồng này đồng kia, nhưng cũng cảm giác buồn mới hỏi sếp, chứ có ý gì đâu …

(còn tiếp)
[đây là nhật ký hư cấu, được viết bởi một người đã có dịp đi cùng các sự thật của cuộc sống nghề luật]
 
NHẬT KÝ THƯ KÝ TÒA [phần 12]
Ngày 12.4 …
Em Oanh gọi điện rủ sắp tới về dự cái lễ đón đoàn bên Úc về tòa Hằng Xái, thực ra chuyện này Hoàng đã kể chi tiết tường tận sự vụ cách đây mấy hôm rồi, nhưng cũng giả vờ hỏi xem có sự kiện động trời gì mà Úc nó lại về Hằng Xái.
Thì là có trường đại học ở Úc đang làm một dự án pháp lý ở Việt Nam, thông qua Bộ ngoại giao và Tòa ở trên, người Úc muốn về làm việc với một tòa địa phương miền núi để khảo sát về khả năng tiếp cận công lý của những người yếu thế, qua đó có tài trợ cho tòa một ít cơ sở vật chất. Đưa về tỉnh, tỉnh họp lại bàn nên đưa về huyện nào. Trước ngày họp, em Oanh đang ở trong phòng riêng với sếp nói anh ơi không có Tòa nào xứng đáng hơn Hằng Xái. Để em nói anh nghe nè, Hằng Xái miền núi xa nhất, các bản án, câu chuyện đơn giản lắm anh, chẳng có án an ninh chính trị gì để ngại với nước ngoài, tiếp cận công lý Hằng Xái cũng đơn giản. Nếu đoàn về Hằng Xái, lại có chị Nga giỏi ngoại ngữ nói chuyện với đoàn, chứ cả tỉnh mình có ai biết tiếng Anh đâu. Với lại, về Hằng Xái anh lên với em. Vừa nói Oanh vừa tiến đến bên sếp, chen ngồi lên đùi sếp đang ngồi ở bàn làm việc, ỏng ẹo hôn lên trán sếp như hôn em bé. Sếp vừa ghì lấy Oanh vừa thì thầm mai họp cưng cứ ngồi im không nói gì, để anh tính, thương nào ...
Sáng hôm sau, họp lãnh đạo chủ chốt, sếp trưởng bảo đề nghị các đồng chí đề xuất một tòa cấp huyện để đoàn của Úc về tài trợ. Nhưng trước khi ta đề xuất, thì tôi có ý kiến thế này, chúng ta nên xem quận, huyện nào nghèo hàng đầu, địa hình xa hôi cách trở, các án đơn giản đừng phức tạp gì cả, với lại tôi cũng chưa thấy chánh văn phòng xem đón tiếp họ rồi ai phiên dịch tiếng Anh, phải người của Tòa nào đó, chứ đi thuê nó nhục, cả tỉnh chẳng nhẽ không ai biết tiếng Anh, các anh đã tìm hiểu chưa. Đấy, các đồng chí xem xem, sao cho phù hợp để đề xuất là phải hợp lý.
Mọi người to nhỏ rồi thì phó chánh án nói chỉ có Hằng Xái là có thẩm phán Nga nói được tiếng Anh, nhưng Hằng Xái xa nhất nhưng có thể chưa nghèo nhất, có hai huyện còn nghèo hơn, nhưng so với thành phố thì có gần hơn chục cây số, nếu mà chọn huyện khác thì có thể mời thẩm phán Nga sang để phiên dịch cho cuộc họp, nhưng như thế cũng bất tiện, tôi đề xuất nên chọn Hằng Xái.
Mọi người đều ủng hộ đề xuất của phó chánh án thì tôi chốt lại là Hằng Xái sẽ tiếp đón đoàn Úc đợt này các đồng chí nhá. Chúng ta cần nguồn từ ngân sách, kêu gọi tài trợ như thế nào nhưng phải tiếp khách thật đàng hoàng, có lãnh đạo trung ương về nữa, đây là sự kiện quan trọng nhất năm. Đồng chí Oanh hôm nay có họp ở đây, đồng chí phụ trách công tác sự kiện cho tòa tỉnh này nhiều năm, luôn làm rất tốt các sự kiện nên được tham gia họp với các lãnh đạo tỉnh, để xem đề xuất cách thức tiếp đoàn như thế nào cho chu đáo nhất.
Dạ theo ý kiến thủ trưởng thì em có ý kiến thế này, Tây nó ghét hoa hòe cờ phướn lòe loẹt inh ỏi, người ta về nghiên cứu khoa học, kết hợp tài trợ tiền cho huyện nghèo, thì ta nên đừng dềnh dang, bề ngoài ta cũng phải đúng như nghèo thật. Em nghĩ bàn ghế Hằng Xái sao thì dùng vậy, không thuê mướn, cũng chẳng cần băng rôn, khẩu hiệu gì cả, làm cái nhỏ gọn trước cổng Tòa để có cái chụp hình quay phim thôi. Thế sao được, chánh trưởng cắt lời Oanh, Tây nó không thích hoa hòe hoa sói, nhưng lãnh đạo ta thì không thích tuềnh toàng đơn sơ, các bác về không có phông mền chào đón họ bảo ta thất lễ thì sao? Dạ anh, Oanh phân trần, để em trình bày thêm đoạn này, em nói bề ngoài mình thật nghèo vào, để cho đoàn Úc nó cảm động về cái nghèo của Hằng Xái, nghèo vậy mà công lý, tòa án vẫn làm tốt nó mới hay. Trước khi làm, chương trình em và anh chánh văn phòng sẽ lo liệu, rồi em sẽ dẫn anh ra gặp trước lãnh đạo trung ương xin ý kiến, em đảm bảo sẽ được duyệt. Này nhé, chúng ta có kịch bản, đoàn về địa phương nghèo, không cờ phướn rình rang phát biểu hoa hòe gì cả, cho nó văn minh lên. Nhưng trong cái nghèo đó, em sẽ sắp xếp mấy tờ báo, đài truyền hình tỉnh và cả truyền hình trung ương về đưa tin, rồi mình làm chương trình tài trợ, để báo đài họ làm chương trình luôn cho tòa tỉnh ta, sẵn, đài báo cũng sẽ đăng phát biểu của lãnh đạo Tòa ta ở trung ương, rồi ý kiến anh nữa. Không biết mấy năm mới có lần, mình làm là để sáng trưng hình ảnh người thẩm phán vì công lý, thế thì lãnh đạo họ duyệt ngay. Với lại lãnh đạo hiểu, lên hình là phải gắn với cái nghèo, với dân, chứ hình họa hoa hòe người ta lại bảo lãng phí, trật chủ trương đường lối ngay anh ạ. Mà cho các bác ấy lên vê tê vê cho dài dài, chương trình phóng sự riêng về chuyên đề tòa án luôn, ghép vài nội dung đổi mới, cải cách vào. Bên cạnh đó có cái tin ngắn trong chương trình thời sự chính. Còn đài tỉnh ta thì phát liên mấy số, cái này không tốn kém lắm đâu, mình có làm truyền thông quá, Tây nó cũng không xem đài nhà mình nên không có ngại, để các bác xem là được. Các bác mà được lên vê tê vê, rồi có mấy tờ báo ngành, báo địa phương, báo điện tử đăng tin rầm rộ lên như một sự kiện kết nối quốc tế, phải nhân sự kiện này quốc tế hóa lên các anh ạ, trăm năm mới có lần quốc tế về tỉnh nhà, làm cần bài bản ở nơi bài bản, chúng ta vừa làm nổi được gian khó, nhưng cũng làm lung linh được tòa án đang nổ lực mỗi ngày ra sao cho công lý được thực thi, chắc chắn các bác ở trên sẽ đồng ý và hài lòng.
À em cũng có ý kiến luôn, cái đoạn ra về, Tây nó xong việc là về, quà đừng phong bì mà tụi nó chửi, cứ chọn cái gì đặc trưng quê mình, xem thịt trâu gác bếp hay là hình họa đá lưu niệm gì đó, tặng họ, vừa rẻ vừa ý nghĩa, rẻ càng tốt ạ. Buổi trưa mình sẽ có ăn trưa, nhưng có cả Tây nên mình mời mấy món khoai, sắn trên này cho quê kiểng nghèo đói, nghèo là cả di sản các anh ạ, Tây đôi khi lại thích trải nghiệm cái nghèo cho nó lạ. Còn buổi chiều về, còn lại đoàn ta sẽ đưa về resort dưới này, để các bác tĩnh dưỡng vài hôm, chăm sóc chu đáo. Tiệc tùng em sẽ lo chu toàn đảm bảo mê đắm đặc sản rừng núi quê mình, rồi gửi quà cho các bác mang về báo cáo vợ. Đấy, ta phải thật nghèo để truyền thông, nhưng thực chất ta phải chu đáo từng chi tiết bên trong, xong vụ này các bác ở trên chắc chắn sẽ mê tỉnh ta anh ạ.
Oanh nói xong mọi người gật gù, riêng cái màn nghèo cho thật là nghèo khi tiếp khách không biết Oanh nghĩ đâu ra, tài thật. Sếp bảo mọi người sớm lên kế hoạch, anh chánh văn phòng phải làm việc với Oanh để có kế hoạch sớm, sát vào, với tìm nguồn kinh phí, xem trên cho bao nhiêu, xin tài trợ bao nhiêu, có ngân hàng, doanh nghiệp nào đang có kiện cáo lôi ra, các cậu phải nói là nhờ hỗ trợ xã hội hóa, nói khéo chút. Gọi những đương sự chắc thắng, chứ đừng xin họ mà sau xử thua là nó chửi um lên cả tòa bây giờ. Đúng, anh Chuẩn nói đúng, anh phụ trách mảng dân sự, kinh doanh, cứ loại án đòi nợ ngân hàng, đòi nợ thi công xây dựng là chắc, xin mỗi doanh nghiệp một ít, đừng xin họ nhiều, nhưng phải xin nhiều doanh nghiệp. Xin xong thì triển khai giải quyết án sớm cho họ, đừng xin xong rồi vẫn giam án tháng này qua tháng khác, chúng ta một tay một chân phụ vào để đưa uy tín về cho cả tỉnh, các đồng chí cố gắng. Lâu lâu chúng ta phải kêu gọi xã hội hóa, chứ tiếp khách làm gì có ngân sách. Mọi người có gì cần cứ trao đổi, nếu không ta chốt rồi triển khai.
Hôm trước Hoàng kể, nay Oanh gọi, cái vụ tiếp đoàn Úc, bọn tư bản này nó càng giãy càng phát triển, nó đi đến đâu là muốn mở mang cái cao cả, nhưng chắc gì ai là thóc ai là gà, ý Oanh trưa cứ cho nó ăn sắn cho cảm được cái nghèo, chiều tối về ta lại uống rượu vang còn đắt hơn bọn mày uống, lũ tư bản chúng mày làm sao hiểu được. Mình cũng háo hức xem Oanh trình diễn cái nghèo và hành trình công lý của một tòa án nghèo ra làm sao.
Đang lơ mơ cười vì cái kế sách của em Oang thì mẹ gọi điện bảo sắp khánh thành nhà thờ họ, các cụ mời con về dự, con lo sắp xếp mà về. Bảo với mẹ con đang học hành chưa có tiền bạc cung tiến gì cho nhà thờ, mặt mũi đâu con dám về dự khánh thành. Mày yên tâm, mẹ đã lo thay nhà anh rồi, mười triệu ủng hộ riêng, với tiền đóng theo suất mỗi người một triệu nữa, thì nhà mình có thua kém gì ai lắm đâu mà con lo, tên mày còn được ghi vào danh sách vinh danh đó con. Thôi toi rồi, chắc là bố mẹ cãi nhau chuyện ủng hộ quên góp, mẹ sợ mất mặt bố con nhà này nên tự góp thay mình. Vậy là không biết tốn mấy ngày lời của mẹt thịt lợn mẹ bán ở chợ huyện để mua lấy cái sĩ diện hảo về một sự cung tiến chưa thực tâm với tổ tiên ông bà. Nói thực nếu mình có nhiều tiền, mình cũng lễ giáo với tiên tổ, nhưng giờ lương anh thư ký mấy đồng, ra đây bao nhiêu thứ, đủ tiêu là may chứ có đồng nào đâu chẳng lẽ lại vay thằng Hoàng cung tiến cho họ.
Ngày 13.4 …
Anh Trường đang xem lại các hồ sơ liên quan đến kiện hủy quyết định trọng tài. Hầu như đến chín mươi phần trăm hơn các vụ trọng tài ở ta đều có ít nhất một trong các bên thỏa thuận có liên quan đến các chủ doanh nghiệp nước ngoài. Chứ doanh nghiệp ta trọng tài thương mại có từ lâu nhưng không mấy khi mang ra trọng tài để tranh chấp. Tòa án thì vô cùng nhiều việc, trọng tài ở ta ngay cả ông to nhất cũng năm được mấy việc đôi khi không dám công khai vì số liệu ít quá không có tính quảng bá. Bọn tây làm ăn ở ta cũng thường chọn trọng tài, nhưng những doanh nghiệp lớn vẫn muốn chọn trọng tài bên Sing, nên nhiều vụ tranh chấp giữa các bên ở ta nhưng lại sang Sing giải quyết, kiểu hai ông ở ta sang căm pu chia đánh bài cho nó máu.
Anh Trường bảo doanh nhân ta vẫn thích tòa hơn trọng tài, bởi chọn tòa thì có thể quen được, anh làm doanh nghiệp, có ông chú họ làm tòa, xem như lợi thế ngay. Ở ta trọng tài vẫn ít, với lại các ông trọng tài độc lập, công việc khác nhau, không làm lính cho trung tâm thực sự, không phải làm theo chỉ đạo, còn độc lập. Anh kiện ra trọng tài, anh không tin có thể mua luôn được cả ba ông trọng tài viên, hơn nữa thậm chí không biết các ông ấy ở đâu để mua. Cái nữa là đây, có phán quyết trọng tài rồi nhưng còn đến năm trường hợp treo lên để có thể hủy, năm cái thì ba cái mơ hồ cảm tính, trọng tài xử xong lại phải đi hầu tòa, chung thẩm đấy, nhưng chung vào đâu nếu lại ra tòa bị hủy, mà tòa hủy phán quyết trọng tài lỡ sai có phải đi tù đâu mà người ta không hủy. Rõ ràng, ai cũng biết trọng tài có các lợi thế hơn, nhưng thực tế năm có mấy vụ đâu, việc chính của mấy trung tâm toàn thấy tổ chức hội thảo, đào tạo để quảng cáo cho các doanh nghiệp, bọn tây nó nghe, bọn ta nó đếch, cứ tòa cho chắc, có em dâu tao làm thẩm phán, viện kiểm sát, chắc cái đã, cứ có bà con họ hàng năm đời cũng đào lên, họ làm nhà nước, họ bảo cứ kiện ra tòa đi có gì họ giúp kia mà, ai đi trọng tài xa xôi Hà Nội Sài Gòn Đà Nẵng làm gì cho xa. Cái cuối cùng có thể còn quan trọng hơn, thế thì nếu giờ mà tranh chấp kinh doanh thương mại do các anh trọng tài xử hết thì kinh tế thị trường tự do quá đi, thế thì cứ làm theo luật, chứ không làm theo chỉ đạo các cấp ủy nữa à. Cho nên, cái này nó nằm trong sự thấm của những vấn đề còn vĩ mô hơn, người ta cứ nói tính chung thẩm của trọng tài, mà người ta không hiểu đang vận hành dưới trướng của các hình thái kinh tế chính trị cụ thể, tài phán cũng thế, tòa án hay trọng tài cũng thế, làm đếch nào có thể tách khỏi kinh tế chính trị quốc gia.
À nhân nói chuyện tài phán gắn với kinh tế chính sách, các chú đã đọc “Why Nations Fail" của Daron Acemoglu và James Robinson chưa? Như Tàu, không phải là không đủ thông minh để có thể minh bạch các cuộc chơi, mà anh Tàu anh ấy muốn làm một nhà nước săn mồi, mà mồi ngon là tài sản của các ông doanh nghiệp, anh ấy không săn ngay, mà sẽ đánh cắp lòng vòng chậm dần, không săn lẻ mà săn tập thể, không làm cú đớp ngay vì sợ vở bình mà săn làm sao từ từ để bình vẫn giữ, để săn được từ từ thì các nhiệm kỳ anh trưởng dài ra, anh trưởng Tàu tự nhiên còn hơn cả vua chúa phong kiến nhưng được bọc trong cái khung tập thể lãnh đạo.
Mấy tay Daron Acemoglu và James Robinson nói về các quốc gia thành công hay là vỏ thành công ruột thất bại, rồi hay cái ông Douglass Cecil North ổng nói về thể chế và kinh tế học, những cái không phải dễ tiếp cận nhưng đọc xong thì ta giải thích được vì sao lại có chuyện này chuyện kia, vì sao có sự chậm chạm ăn mòn.
Mấy hôm nay, tin các ông trùm doanh nghiệp bị bắt đặt trong lòng những tư tưởng của Vì sao các quốc gia thất bại, thì thấy nhiều doanh nghiệp làm ăn hai ba chục năm sau, có một khối tài sản, rồi gì nữa, vào tù. Đó có thể là cuộc chơi sai trái của họ với luật pháp, đó có thể là cuộc chơi sai trái của họ với những con mồi tương tự họ, trong cuộc cuồng điên đánh nhau, có những kẻ săn mồi ngồi mỉm cười rồi đợi xẻ thịt.
[đây là nhật ký hư cấu, được viết bởi một người đã có dịp đi cùng các sự thật của cuộc sống nghề luật]
 
Hay quá tml.
Đọc thấy xót xa phết.
Nhưng ít ra vẫn còn thoải mái hơn dân đen lăn lộn sống qua ngày.
Cố lên nhé.
Đéo so vậy được đâu mày. Tao đọc và thấy tao trong đó. Buồn và cũng nản. Cái thành công nhất của cuộc đời tao, ở cái tuổi 40 này là còn vợ tao đến giờ.
 
NHẬT KÝ THƯ KÝ TÒA (13) …
Con sông Xuân Hằng với dòng nước xanh đặc trưng không chỉ xoáy vào giữa huyện miền núi Hằng Xái một niềm sáng khoái mát lành, mà còn là đầu nguồn của thủy điện, còn bồi đắp một dãi đồng cỏ mênh mông. Mười sáu năm trước, chị Hai Hường với xưng danh em gái của một ông anh về mở trang trại bò sữa. Trong nhiều năm, dòng nước sông Xuân Hằng tưới tắm cho đồng cỏ hơn trăm héc ta của Hai Hường trở nên tươi xanh bạt ngàn, nông trại ban đầu chỉ cấp sữa bò nguyên liệu nay đã có thêm nhà máy, dây chuyền sản xuất hiện đại, mọi thứ lớn dần lên trong yên bình, thuế đóng đều cho tỉnh và bao nhiêu người có việc làm không phải ly hương. Cho đến một ngày tòa Hằng Xái nhận được một vụ kiện không ai ngờ, người ta mới té ngửa rằng, tỉnh mình cũng có doanh nghiệp khủng vậy.
Công ty lớn ở Sài Gòn kiện Công ty của chị Hai Hường về hợp đồng tổng thầu xây dựng nhà máy sữa Hằng Xái đầu tư giai đoạn 3, chưa bao giờ anh Nam được giao hồ sơ tranh chấp lên đến một nghìn sáu trăm tỷ đồng. Cả tỉnh này chứ đừng nói Hằng Xái, lịch sử đầu tiên ở cái tỉnh miền núi có một vụ lớn đến vậy. Các sếp giao anh Nam, đi đâu anh cũng được khen làm án lớn.
Chiều nghe anh Nam với Hoàng ra chơi Hà Nội, gọi mình với mấy anh em ra chợ Thái Hà ăn thịt cầy. Anh Long cả ngày đi đâu chưa về, nên mình với anh Trường đi.
Hỏi anh Nam án lớn, được các quan giao cho, cả tỉnh có ai được bằng anh, làm vụ có cả dấu ấn lịch sử không chỉ Hằng Xái mà cả tỉnh, thế bác có thấy sướng không, khao mạnh anh em vào. Mày lại giả vờ, án này là án trách nhiệm, trước khi người ta thảo đơn kiện, người ta đã đi ngoài trung ương rồi, ngay cả sếp tòa tổng của tỉnh, cũng chỉ làm theo nghe răm rắp chứ báu gì đâu mà ngon, chú nói thế tội anh. Má nó, trước ngày tòa Hằng Xái nhận đơn, sếp tổng tỉnh đã gọi anh lên giao việc, nói ở Hằng Xái cần người biết việc, nhưng dám làm, nên anh tin tưởng chú, chú cứ giải quyết vụ này, quan điểm thì cứ thế, với lại có bất kỳ diễn biến gì cũng phải báo anh để anh báo cáo trên. Quan điểm xử án là phải đúng pháp luật đúng chỉ đạo đúng đường lối, đúng hết, chú biết chưa, ba đúng mà làm cho anh.
Tao biết, ở Hằng Xái còn hai ông phó chánh, một ông chánh, với ngay cả chọn người xử giỏi, sao không chọn cái Nga, nó giỏi vậy sao bắt tao xử. Tao là tao bị ép, chứ có cái đếch gì mà ngon mà khao, ngon ba ông lãnh đạo Hằng Xái đã hốt rồi, có cái đếch phần tao, mấy tháng nay toàn bị người chị Hai khắp nơi khủng bố, cảm giác đi đâu cũng như có người theo dõi, ra đến đây ăn thịt cầy không biết còn ai theo không.
Hoàng bảo vụ này anh Nam bị bắt cóc thôi, án mà muốn làm gì cũng phải báo cáo, có quyền gì đâu. Ba ông trưởng phó chả báu thèm vào, lỡ các cụ trên đánh nhau, dính vào hơn thua ngàn tỷ, thằng đứng ra cũng mẻ đầu mẻ trán. Chị Nga các sếp không giao những vụ này, giao chị ấy sẽ xử theo luật, nếu có bị gài bẫy thi đua, thì lại bể lung tung, vì làm gì chị Nga chịu nghe sai, cùng lắm Nhà máy sữa mời chị ấy về làm giám đốc pháp chế thì bỏ bà tòa. Mà các sếp cũng tính, cho chị Nga xử sơ thẩm, lỡ xử đúng hơn mức yêu cầu, hồ sơ ngon quá mà lại đúng luật, nhưng không đúng đường, lên phúc thẩm muốn đổi cũng khó, nó rành rành ra ở hồ sơ chứng cứ, xây chắc hồ sơ khó lật lại rắc rối.
Các sếp chọn anh Nam, chuyên môn cứng, nhưng quan trọng là anh Nam có dám bật ai bao giờ, về nhà cũng chỉ dám bật công tắc đèn, lên cơ quan cũng chỉ bật cái quạt điện, thế là các sếp yên tâm. À mà em hỏi anh Trường, sao vụ này trụ sở chính công ty chị Hai ở Hà Nội, có mối Hà Nội rồi, ra ngoài này làm việc với anh Long và các anh cho gần, sao về Hằng Xái anh nhỉ? Chiều nay bọn em vừa gặp anh Long xong, nhờ anh ấy chuyển hồ sơ cho trên, anh Long giờ không biết biên chế ở tỉnh hay ở trên này nữa, anh ấy quyền lắm, bọn em mời mà anh ấy nghe nói phải chạy Hải Phòng việc mới cho các sếp rồi.
Vụ này sẽ thi hành ở Hằng Xái, với lại các chú biết, một vụ án mà thằng nguyên đơn trước khi đi kiện nó phải đi họp với trên kia rồi, đơn đã duyệt, tham vấn đã đủ, con đường đã xây, thì Tòa nào ở đâu mà chẳng giống nhau, thấy anh Nam đó thôi, nếu ở Hà Nội, thì anh nào được giao hồ sơ thì là anh Nam cả. Cho nên, đội này nó kiện theo hướng thắng nó lấy luôn của chị Hai nhà máy nông trại, thì nó kiện ngay nơi thực hiện hợp đồng cho gần nơi thi hành án. Án này, trước khi kiện người ta đã bàn cả năm chú Hoàng à. Anh Nam làm vụ này chắc gì đã vui?
Thực sự cũng chia sẻ anh Trường và anh em, em xử, mà họ nộp cái phí định giá, lên sao chụp hồ sơ, cái gì em cũng phải báo cáo cả, các anh trong ngành em mới nói, chứ ngoài em đâu dám nói những chuyện này, hôm nay ra đây em cũng hỏi ý Hoàng, rồi nhờ Hoàng kết nối anh Long, anh Long bảo phải ra ngoài này trước khi về xử. Em cũng ra ngoài này để tham vấn trước, có đường thì các bác trên duyệt đường, mình ôm về xử yên tâm, chứ mình ăn cái giải gì đâu anh.
Mấy tháng nay, em áp lực vô cùng. Đội của chị Hai giờ rất bức xúc, lâu nay chị Hai quen cả tỉnh không trừ ai, có ghế to ở đây chị còn ra trung ương lo cho êm, chứ nhiều ông có tiền đâu, có ông có tiền lại không có quan hệ, rồi mỗi lần lãnh đạo trên về, chị Hai là người đứng ra tài trợ chi tiền tiếp đãi cho địa phương chứ ai vào đây lo. Nhưng giờ gặp việc, các anh tỉnh gọi sang thì bác tổng án tỉnh bảo các bác ơi xin ra ngoài kia ý kiến giúp em, chứ cái này bọn em phải giải quyết theo quy định theo đường lối theo chỉ đạo, nói quy định nào thì tổng tỉnh bảo cái này em không nói được, khó cho em quá. Chị Hai rà quanh, đi khắp nơi, kết nối với cả ngoài kia, nhưng quá muộn. Nghe nói chị Hai nhờ cả trợ lý của sếp quá to, thì khi có ý kiến, ở chỗ to nhất rất cần to của vụ này, người ta bảo chị Hai không có cơ sở, chị Hai thua là do vi phạm hợp đồng, người ta khép chuyện này lại rồi, người ta không còn ngó ngàng nhận lời gì nữa. Ông anh của chị Hai lại đã về nghỉ hưu được hơn năm rồi, giờ đi đâu, còn ai giữ ý tứ gì nữa, chưa xử án, mà nhiều nơi đã bảo chị Hai chuyến này thua trắng rồi, mất nhà máy, mất nông trại mênh mông bao nhiêu năm gây dựng. Dù chị Hai tình nghĩa với rất nhiều sếp ở đây, nhưng không can dự vào được, ở cái thế họ chuẩn bị hết rồi. Giờ đi họp vài nơi, gặp quan tỉnh, chị Hai còn chửi bóng gió, tao mất mấy chục năm dựng lên cơ ngơi, giờ có bọn âm mưu chỉ bằng vài bản án chúng sẽ lấy nhà máy rồi chia nhau, ở cái tỉnh này, những thằng nhờ tao mới lên được, nay vì miếng chia được hứa của bọn tráo trở bất lương mà quay ngoắt, gọi điện nó chẳng dám nghe máy, tao biết từng thằng, đừng tưởng dễ ăn cả cơ ngơi sự nghiệp của tao.
Chết tổ, họ còn đồn em sẽ được chia tầm ba mươi tỷ nếu xử đúng yêu cầu nguyên đơn, đâu trên mạng đã có đưa manh nha thông tin ngàn tỷ rồi chia trên chia dưới, em thằng lăng xăng làm theo cũng được ba mươi tỷ là ít, khổ các anh trong nghề biết, làm đếch gì có chuyện đó, mà giờ đội của chị Hai đi rao ầm ỉ khắp nơi rồi, họ nói án chưa xử đã biết thua, khổ thế. Mà trời đất, thà chị ấy thắng thì không sao, chứ cái thế này, sau chị ấy thua thật sẽ thua, dân mạng lại được dịp bảo thấy chưa, chị Hai nói có sai bao giờ, em khổ quá bác ạ.
Tôi biết, các anh làm sao có quyền không được khổ, với loại án này, các đội đua nó tinh vi lắm, dính vào một chút là mất nghề, nghề này rủi ro ghê lắm, không đùa được. Anh Trường bảo, đi thế là đúng bài đấy, từ trên xuống dưới thống nhất hết xong về xử là anh an toàn, nhưng cũng nói các sếp cần xem các bên khác, có cả một hệ thống giám sát, rất kỹ. Hai bên đều dân ngàn tỷ rồi thì làm gì có bên nào thất thế hết cả, chưa xử họ đã linh cảm thua rồi, nhưng vì sao biết chắc thua thì có thể họ có người trong nhà mình, tin đâu dễ dấu được, hội đồng chưa có ngày xử mà đã rao thua trước hết rồi, anh Nam giờ đúng là cũng mệt thật.
Em uống chén này với anh, anh Trường như rút ruột tâm tư, có chú Hoàng đây làm chứng, vụ này anh nên triển khai sớm, sơ, phúc, giám đốc xong luôn nhiệm kỳ này đi, chứ các bác biết rồi án kinh doanh dân sự, quay đi quay lại bao nhiêm năm mà chẳng được, nhìn vào nhiệm kỳ lãnh đạo bảo kê mà đua thời gian, chứ năm này thế này, năm khác thế khác, thay người mới lên thiếu gì cách để người ta giám đốc thẩm quyết định giám đốc thẩm, mà giám đốc hết rồi đôi khi tái thẩm cũng không sao, rồi thủ tục đặc biệt, âm ỉ không yên đâu. Nhưng kệ người đi sau, việc anh Nam xong là thôi, sau kệ họ. Chị Hai của các anh có phải người thường à, làm gì người ta mất cơ nghiệp mà người ta không vùng lên được. Nhưng thấy chưa, có khi, một bản án của chúng ta có thể làm mất đi cả một đời người làm ăn com góp, nên nghề của chúng ta cần xem lại ở ngưỡng nào thì chịu được, ngưỡng nào không, hay là xin ông Long về cho nuôi vịt các anh ạ. À đây rồi, hay chú Hoàng cho anh về giữ cái chức hiệu phó trường mầm non của chú, đời có phải vui hơn không.
Vụ này luật sư nào làm cho nguyên đơn thế? Vậy á, lão đó trước nghe đồn góp vốn với cha lùa gà bất động sản mới bịt hốt rồi, sau cũng đam mê định chạy vào nhà nước, bị tố cáo rồi quay lại làm luật sư chuyên chạy án. Ngoài này em biết, anh Nam ạ, nó quen nhiều lắm, mà kiểu chặt chia, chuẩn bị trước cả năm là như vậy đó, nên mấy thằng chạy án này rất nguy hiểm với các doanh nghiệp. Uống chứ anh, em làm ly này nữa với anh, để em nói, chưa, em chưa say. Nguy là giờ nó làm cái đường chạy cho thằng doanh nghiệp này thắng, nhưng hết nhiệm kỳ nào đó, đôi khi doanh nghiệp mất một vố lớn thắng rồi, sau lại bị xử thua lại, thế thì tiền dịch vụ bọn chạy án nó đã chia nhau có lấy lại bằng mắt, thế là có phải giết doanh nghiệp không? Nên làm nghề gì mình giữ cái cốt, chứ xử thắng thua theo phe nhóm là mình cũng dính vào guồng quay tội lỗi, mà anh Nam à, em chưa say nhưng em nói thế, anh đừng giận em, em biết anh có quyết được đâu, làm sao mà quyết, chúng ta xử án hay diễn án đó là một lựa chọn.
Cụng ly nào! Cứ làm miếng thịt cầy cho nó thơm lòng đã anh, cả nước này, có phải anh diễn án thôi đâu, đừng buồn! Thịt cầy là muôn năm, mọi thứ kệ! Đây, ngay cả chúng ta ngồi đây ăn thịt cầy thì sẽ có bọn đạo đức học yêu chó sẽ bảo chúng ta không văn minh, nhưng chúng nó ăn thịt người, đấy, đời nó thế, miếng thực phẩm thôi mà nâng lên văn minh đạo đức, còn các cuộc ăn thịt đồng loại, chúng ta im lặng. Anh lo nghĩ mà làm gì, cứ sống đi anh. Em là em nghe kể về Hằng Xái của các anh nhiều, hôm nào về đó, cho em tắm dòng sông Xuân Hằng rửa bớt bẩn bựa con người em đi, chứ em thấy em cũng buồn nôn, rồi ta lại uống rượu, anh Nam đừng lo nghĩ nhiều, rồi chúng ta cũng phải sống, bước ra đó, uống đi anh, uống đi đừng say …
[đây là nhật ký hư cấu, được viết bởi một người đã có dịp đi cùng các sự thật của cuộc sống nghề luật]
 
Đọc hay thế. Ra tiếp did bạn ơi.
Cái nghề này mới thấy a e đi làm cty tư nhân đơn giản. Đỡ mệt đầu
 
NHẬT KÝ THƯ KÝ TÒA (14) …

Dịp này được về sớm mấy hôm chơi lễ, cả tòa Hằng Xái với mấy bác lãnh đạo lớn tỉnh được một doanh nghiệp dấu tên mời đi nghĩ dưỡng ở Tam Đảo rồi về Hạ Long, mình xin khất vì bận chuyện học hành. Lạ ở xứ này, nghỉ ngơi cứ phải cả nước cùng nghỉ, phong trào tập thể đồng loạt cả lên, từ Hà Nội về thường có mất bốn tiếng mà lễ về đến nhà hơn mười ba tiếng vì tắc đường.

Lễ có hẹn với Hoàng đất dẫn đi gặp anh Chương trường phòng tổ chức, ý như nó muốn lát gạch trước sau cho chuyện học xong rồi còn lo bổ nhiệm ở đâu, ngồi tòa nào, thu xếp ra làm sao. Hoàng nói giờ biên chế đang siết, năm nay mày học xong kịp thì phải tính biên chế được đi thi để bổ nhiệm cho năm sau, mà việc xin này phải làm từ năm nay, chứ năm sau còn gì nữa. Tỉnh ta thuộc miền núi nên biên chế đâu có được nhiều, sếp chánh tổng bảo trên chưa cho, nhưng phải làm việc với anh Chương để tính đường, đường thì phải tự đào tự xây chứ đếch phải cao tốc bắc nam đâu mà ngân sách nhà nước bỏ. Từ đi học giờ mọi thứ Hoàng đất lo, nó hứa nó lo trọn nên giờ nó nói gì mình nghe vậy chứ còn biết làm sao.

Anh Chương làm tổ chức, xưa làm bên văn phòng Ủy ban tỉnh nhưng đợt cách đây hai nhiệm kỳ cậu ruột là chủ tịch tỉnh dính vụ giao đất rẻ không qua đấu giá cho doanh nghiệp bị hốt đi, thì có đường nhảy sang phòng tổ chức của Tòa. Thuộc dạng trên tinh thông đường sá, dưới tường tận nhu cầu, Hoàng đất nói anh Chương không chỉ làm tổ chức ở tòa mà còn có thể tổ chức ở cả tỉnh vì còn nhiều mối quen biết bắc cầu bí ẩn lắm, à mày biết rồi còn gì, chồng cái Hạnh phó tòa Hằng Xái là con cô ruột anh Chương, đợt này lên trưởng công an Hằng Xái rồi, mới bổ nhiệm tuần trước.

Vào hầm rượu vang của lão Đại xồm, anh Chương nói hay tiếp khách ở đây, nghe nói cái hầm này cũng chỉ khách vip nhất làng tỉnh mới vào đến nơi chứ không ai vào được. Bên trong phòng vip, mọi thứ cách biệt với thế giới ngoài kia, hai thằng đang đợi anh Chương đến, Hoàng đất bảo, lão Đại xồm được bảo kê dựng cái hầm này, giờ lão chuyên cung cấp vang hảo hạng và xì gà cho các sếp đầu tỉnh, các cuộc ăn chơi đắt đỏ nhất phải ở đây, quan tỉnh các ngành giờ mỗi tuần mà không được ai mời ghé hầm rượu vang Đại Xồm là nhớ. Hoàng đất bảo, cái gì không nhớ chứ mấy cái trò đam mê cuồng loạng trong sung sướng hoang phí học đòi là đám quan tỉnh dễ bị nhớ lắm, không nhớ mà chúng còn nghiện. Giờ quan chức đầu tỉnh nó thấy kiểu mời của mấy tay doanh nghiệp thằng nào mời kiểu nào để có cách mà ứng xử. Cuộc cuồng loạn đua nhau mời mọc ăn uống phá phách khủng khiếp. Đại Xồm nằm trên diện tích hơn bảy héc ta trang trạng, nghe đồn chủ thực sự là của một quan lớn, nhưng quan trọng là ở đây được bảo kê an ninh thắt chặt, các sếp ngồi cũng yên tâm và đặc biệt vang và xì gà cả một thế giới ngậm trong huyền hoặc của u mê say đắm pha trộn với các em rót rượu xinh nhất bắc bộ luôn ân cần chăm bẳm cận kề.
Mày biết đấy, thói đời nhậu nhẹ với gái gú em út, bọn quan cách nó có cảm giác sướng nhất là được ăn chực người khác mời, chúng không bỏ tiền túi ra mà lại được hưởng thụ sơn hào hải vị rượu ngon xì gà thơm gái đẹp, đó là cái thú vật chất đích thực của quan lại. Đó là cái thói đểu của quyền lực. Tay Chương này tao ngồi nhiều lần rồi, ổng vẫn còn ức ách cái vụ vì quan bác bị hốt mà hụt đường công danh, chứ trưởng phòng bên ủy ban tỉnh, là đường lên lớn lắm, nhưng giờ chịu sang Tòa, cũng đã học xong mấy thứ cần thiết, đã phiên sang thẩm phán trung cấp được rồi, sau còn lên mảng bên tòa coi chừng lên phó tỉnh đến nơi chứ không đùa. Hoàng đất bảo, với bọn đam mê quyền lực, chúng ta phải cho chúng có cảm giác đang được cung phụng phục tùng, từ Machiavelli đến Tocqueville rồi cả Robert Dahl hay Maximilian Karl Emil Weber, những triết thuyết về quyền lực đều lý giải cái ham muốn của loại người thèm muốn được tỏ ra bề trên trong cuộc sống, loại này ở ta thường hay ở hai dạng, một là hạt giống con ông cháu cha nên não bị tẫy, não trạng khi nào cũng oang oang mấy từ cán bộ chính quyền nhà nước công chức, lấy đó làm lẽ sống và theo đuổi nối đời này qua đời khác, quan bố quan mẹ sướng trên đầu dân chúng nên muốn con cái cũng theo đuổi để đỡ khổ cực, hai là loại nâng dân quê mùa ẩn ức đói nghèo rơm rạ, cố vượt qua lũy tre làng nhưng nên muốn trả thù đời, muốn cũng làm công chức quan tước cho đổi đời nông dân cơ cực.

Hai loại này thường va đập vào nhau vì những mâu thuẫn từ địa vị đến hoàn cảnh, loại thứ hai thường con em nông quê nhưng học hành nổi trội tài giỏi mà lại nghèo, loại thứ nhất lại con em quan chức giàu có nhưng thường thường được nuông chiều trong nhung gấm nhưng đầu óc nhiều đứa lơ mơ gà công nghiệp. Từ trong quan hệ đối nghịch xuất thân đó, ham muốn làm quan trỗi dậy và thế là cuộc đua tranh âm ỉ xảy ra, bắt bớ, đấu tố, cài bẫy, chơi nhau không hẳn là vì chúng muốn trong sạch mà là cuộc đua vì ngộ độc chức tước. Lòng tham của hai loại người bị ngộ độc chức vụ này tạo ra các cuộc đấu đá, và đó là cách mà chúng ta nắm lấy tâm lý của chúng, hiểu chúng.

Hoàng đất say sưa nói chuyện nghe như đọc luận về Weber hay giảng về Tocqueville, mình bảo thế ông thuộc loại nào trong hai loại kia, nó bảo tao mà đam mê thì chỉ cần tỉ bạc đã được cất lên chánh huyện từ năm ngoái, cơ hội đầy, nhưng giờ thà làm chủ hệ thống công chứng, mầm non ở tỉnh này, tao thiếu đếch tiền để sống đâu mà phải mượn quyền để làm tiền. Mày biết đam mê chạy theo quyền lực thì không có quyền lực nào tối thượng trong thời đại này cả, thế thì mày có chút quyền lực này, mày cũng chỉ tay sai nô lệ cho thằng có quyền lực cao hơn, nỗi khổ đau đua đòi cứ vậy, cuộc hầu hạ cứ bắc dây cho nỗi thống khổ. Có kẻ đua đến mốc cả nguyên thủ thì quyền lực đó dân trao cho, không nắm được thì có lúc bị dân chúng bê xuống, dân chúng bê xuống không trực tiếp được thì thông qua sự tác động của các đám phe nhóm tự thân đánh nhau mà xuống. Ảo ảnh thôi mày ơn, bọn có chút quyền lại hay sợ hãi mất quyền đoạt quyền, sống đâu an yên đâu. Vậy mày nghĩ tao là tao thấy mày một mực phải làm ông quan thẩm cho mẹ mày vui thì tao giúp, cũng như nhà tao bảo làm gì thì làm cũng phải giữ cái nghề tòa, chứ tao lại báu vào, mày cứ chờ đó xem, tao đang sống bình tĩnh để xem kịch hay nhiều lắm. Thôi uống tiếp đi, chờ gì, ông Chương khi nào cũng vậy, hẹn mình sáu giờ nhưng phải bảy rưỡi mới lò dò tới, bận đéo gì, đi đón con cho vợ nhưng bảo anh còn tiếp ông này ông kia, kiểu dạng ta đây quan trọng bận rộn, dạng này cũng dắp tâm thần về quyền lực đây, tưởng cái chức đếch hầu hạ bếp núc là oai, đi đâu cũng nhích cái vẻ quan cách cục súc ra với người khác, muốn người khác coi mình là quan trọng. Cần đếch gì, chẳng quan sếp tổng bảo tao gặp thì gặp, chứ tao ra thẳng anh Long cho mày, uống đi, lão không đến thì hai thằng ta nhậu.

Vừa xong thì em phục vụ đưa anh Chương vào phòng, cầm ly vang lên anh chương bảo vang này từ giống nho Primitivo đây, Hoàng có khiếu vang đấy em, nhưng mà em gái lại đây, rót vang này em rót ra phểu nhưng ngang đây thôi, đấy ngang đấy chứ quá là tỉ lệ hơi, không khí, cồn và các phối chất không khớp, uống sẽ không ngon lắm. Hoàng bảo anh Chương đúng là chuyên gia thẩm vang, quá chuẩn, mời anh. Nói về vang, các chú cứ mời anh, anh bày cho cách dùng vang, ông Đại Xồm còn nhờ anh tuyển vang mà lại, này nhé, có hôm anh tiếp các bác trung ương, Đại xồm nhập vang về đủ kiểu, nhưng bọn buôn nó bảo nhập cứ nhập, nhưng lão có phân biệt được đâu là vang Cabernet Sauvignon đâu là dòng Negroamaro đếch đâu, rồi lão mù mờ về vang Lucente của Ý sang vang Almaviva của Chile, lão cũng chẳng nhớ giá của vang Robert Mondavi thì khác giá vang Urbina của Tây Ban Nha thế nào, đấy thế mà chủ của hầm rượu vang mới tài. Uống đi em, hiền thế, Hoàng nó nhanh như sóc, em hiền quá, làm quan tòa đến nơi rồi, cứ máu lên. Anh Chương uống, rồi giảng giải cho Hoàng và mấy em tiếp rượu cách rót vang, uống vang thì phải uống chừng nào, ngậm bao nhiêu tích tắc, rồi đổi vang này đến vang kia ra sao, dùng mồi gì với vang gì thì hợp khẩu vị, thấy anh Chương bơm vá đủ kiểu về vang mà hoa mắt chóng mặt, như mê hồn trận sục sôi từ xứ nho nước Pháp qua Ý, rồi lại sang Úc hay đi Chi Lê, vang vậy mà tràn ra trong một đêm mờ ảo của sự trình diễn cường điệu của sự hiểu biết.
Chú mày đừng lo, anh thì làm thủ tục, chứ còn Hoàng đất đây mới quan trọng, anh em mày vậy mà hay, sống được với nhau chung tình giúp nhau vậy là tốt, anh mừng. Chuyện nhỏ mà em, mà đã nói trước anh Long chưa, chú mày học cùng khóa, trời anh Long thì cần gì làm thẩm phán, học xong có khi anh ấy sang nội chính, chính phủ hay quốc hội cũng nên, ừ đúng rồi, đi học thì liên quan gì đến làm nghề, Hoàng không nhớ hôm mình ngồi ở Làng Chài, đúng rồi uống vang trắng, hôm đó anh say, mày nhớ anh Long nói gì không, đúng lo cho người khác, chứ còn chưa rõ anh Long định hướng sao, nhưng cứ anh Long là được việc cả, lo gì, mà sếp cũng nói anh rồi, anh lưu tâm sớm đặc biệt.

Cũng ngà ngà rồi anh Chương bảo về trước, Hoàng gửi anh Chương cái bao thư, cảm ơn anh, phiền anh quá, anh bận trăm công ngàn việc, nay anh cầm cái này về nói chị nhà là đi họp về bên hội nghị có chút quà hộ em, chứ chị giận anh là em tội lớn, nhờ anh. Chú vẻ chuyện ghê, mà được, anh cũng đang lo chị mày mắng đây, anh thì bận quá, các chú biết, làm cái vị trí của anh, phải tiếp nhiều bác quá, có ngày nào rảnh đâu, thôi được, cái này về đưa chị, anh nhận. Chào các chú anh về trước, yên tâm.

Mình ngồi với Hoàng, thấy có cái gì bắt đầu sai sai ở đây rồi, thực tình mình có nghĩ việc sẽ làm anh thẩm ở Hằng Xái mà nó phức tạp kinh lên thế này đâu, mà sao con đường thư ký tòa của mình đang đi nó chếnh choáng hơn cả cơn say vang thế này?

Mày đừng nghĩ, để tao lo. Nghỉ lễ đã, có cái đếch gì phải lo nghĩ nhiều.

[đây là nhật ký hư cấu, được viết bởi một người đã có dịp đi cùng các sự thật của cuộc sống nghề luật]
 
NHẬT KÝ THƯ KÝ TÒA (phần 2)
24.8…
Từ ngày lên thẩm phán, Hoàng vẫn đối xử với mình như xưa, không vì sang lên mà đổi bạn. Nó nói sếp bố trí mình ngồi cùng phòng làm việc.
Sáng nay có bị cáo sắp bị xử về tội đánh bạc vào gặp Hoàng, lắp bắp xin nhẹ nhàng khi xử, có ý cảm ơn, nhưng Hoàng phủi tay bào lo về làm ăn chứ bài bạc là rồi sạt nghiệp tù tội vợ con bỏ hết, các anh định đút lót tôi à. Ở đây không có chuyện đó!
Bị cáo về xong, Hoàng nói với mình không hiểu vì sao luật lệ nhà mình không quy cho đội cờ bạc có sân chơi, gom vào đó, cho chơi theo luật, đè cổ ra thu tiền, chơi được chịu được, cần gì bỏ tù. Mấy tay bắt bóng đá này nó còn rủi may ít hơn chơi chứng khoán, sao không bắt hết đội chơi chứng khoán đỏ đen cho xã hội bình yên.
Hôm nay, thấy Hoàng có quyền thanh liêm. Không dễ để thanh liêm, còn tử tế, chắc phải cần trái tim đập nhịp đập của sự đàng hoàng.
Ngày 3.10…
Chiều nay Hoàng lại rủ làm vài ly cho đỡ buồn. Hoàng buồn vì vụ án đánh bạc hơn chục người, Hoàng định cho treo, phạt tiền, cho cải tạo. Nhưng trước khi nghị án, Hoàng nhận được cái giấy, người ta ghi luôn án cho các bị cáo hết rồi, theo một chuẩn mực nào đó Hoàng không hiểu. Tao xử hay ai xử, nếu họ xử sao cần có tao ngồi chủ tọa một phiên tòa?
Mới phiên xử thứ 5 mà Hoàng thấy có nhiều vấn đề không đơn giản, mình cũng thấy không đơn giản.
Ngày 6.10 …
Hôm nay sếp Long bảo mình phô tô cáo trạng vụ giao thông cho một chị phóng viên. Chưa làm kịp, chị ấy gọi điện mắng mình, sao em làm nhà nước mà quan liêu chậm chạp hành dân thế em? Mình tức bảo sếp Long bà nào khiếp thế. Sếp bảo, sếp ở trên nhờ anh, chị này hôm có xin cho con sếp học ở trường trung tâm thành phố, quyền lực lắm.
Chiều nay mình tìm hiểu trên mạng, chị này hay lên mạng chửi chỗ này, đâm chỗ kia, dựa dẫm vào ông có quyền, khoe khoang quen người này người kia, có tiếng làm tiền doanh nghiệp.
Nghĩ cũng lạ, mấy ông có quyền lại sợ báo chí, mấy bà báo chí làm nghề được gặp người có quyền lại tưởng mình cũng có quyền. Kẻ sợ quyền lực cũng là kẻ ngáo quyền lực. Bọn ngáo này nguy hiểm cho xã hội hơn bọn ngáo đá.
Ngày 17.11…
Nay mình đã chuyển lên Tòa ở huyện miền Núi công tác, cách thành phố 63km. Ngày đi, sếp bảo thôi lên trên đó, cố gắng phấn đấu để đi học sớm, sớm làm thẩm phán, dưới này cạnh tranh nhiều, khó.
Sếp Long giờ làm Chánh án, Hoàng nghe đâu vào quy hoạch lãnh đạo rồi. Còn mình, từ hồi bác Tuấn nghỉ hưu, mấy hứa hẹn đi học để làm thẩm phán cứ xa dần. Huyện quê mình cách thành phố 35km, mình xin được về làm ở tòa huyện ở quê cho gần mẹ, nhưng không được.
Giờ ở đây, đường về thăm mẹ lại xa hơn.
Ngày 8.3 …
Lâu rồi không viết nhật ký, lâu rồi hôm nay dẫn bạn gái về thăm mẹ, mẹ vui lắm. Mẹ cứ ríu rít, ôi vợ làm giáo viên, chồng thẩm phán thì còn gì bằng. Bạn gái cũng mong mình sớm thành thẩm phán.
Lòng mình chợt nhói lên một chút, thoáng chốc mà 8 năm vào Tòa rồi.
Ngày 26.9…
Hoàng ghé lên chơi, chở theo một đống đồ ăn thức uống, rồi bảo hình như sắp có suất đi học, để đó tao lo, nhưng hơi nặng, tao là dân làm ăn, mày biết rồi, tao giúp nhưng khi nào mày có trả lại tao.
Mới chốc, hôm nay ngồi nhậu với Hoàng, nghe nó nói về công việc thấy khác nhiều quá, có những việc ngày trước Hoàng không làm được, giờ nghe nó nói, bây giờ những việc đó, nó cũng quen rồi.
Ngày 14.12…
Hôm nay, ngồi thư ký cho thẩm phán Nga xử vụ thằng Trung trộm của bà Thẩm 1 con bò. Ở huyện này, người ta thiện lương hay sao mà không phải khi nào cũng có án hình sự mà làm. Theo chỉ tiêu thì phải đưa ra xét xử lưu động với bà con. Xử lưu động cũng phải có chỉ tiêu, có người xem để ghi hình, chụp ảnh báo cáo và đăng trang tin điện tử.
Rút kinh nghiệm hai lần trước, không có người xem, lần này mình với thẩm phán Nga phải làm việc với bên đoàn thanh niên huyện, Hội phụ nữ, Trường cấp ba để có người đến xem. Rồi nhiều người được yêu cầu cũng đến xem điểm danh, nhưng Tòa bắt đầu chưa xong phần thủ tục, nhiều người đã bỏ ra về, họ bàn tán vụ này có gì đâu, trộm con bò thôi mà. Sau đó, thì vừa hỏi bị cáo vài câu, cả bãi trống nhà văn hóa trống trơn người, Hội đồng xét xử cứ xử lưu động, người xem hầu như không còn.
Mấy anh chị bí thư cán bộ đoàn và trường học nói các anh chị thông cảm, người trên này họ thật thà, không thích là họ không xem, không ép được, án trộm cắp trâu bò họ được cho đi xem nhiều rồi, hôm nào có án gì hay hay lỳ kỳ chút chắc họ không bỏ về đâu.
May, đã có đội chụp hình đoạn khi đang còn đông người, để gửi báo cáo tin bài về cho tỉnh.
Ngày 11.4…
Hoàng gọi điện bảo tháng 9 này đi học nhá! Tao lo xong rồi, sếp trên duyệt rồi, mà đù mía, sao mấy năm qua không khen mày chuyên môn tốt cần cù đi, sao giờ cầm một cục mới khen, mới nói mày đáng phải ưu tiên đi học lâu rồi. Buồn quá mày ạ, thôi hôm nào về tao nói chuyện, cứ lo học hành công tác tốt vào, đừng nghĩ gì nhiều.
Vậy là tháng 9 này mình cũng được đi học, trời ơi vui, vậy là sau hơn 9 năm làm thư ký, mình sắp được lên Hà Nội học để làm thẩm phán rồi, nếu mẹ biết mẹ mừng lắm!

(còn tiếp)
[đây là nhật ký hư cấu, được viết bởi một người đã có dịp đi cùng các sự thật của cuộc sống nghề luật]
Màu có thằng bạn tốt đấy. Chúc mừng mày
 
Hay vl, cái nghề cầm cân xã hội mà ntn bảo sao xã hội ko nát.
 
Tiện đây có bác nào đang là luật sư lâu năm ko, cho em học hỏi theo nghề với.
 
NHẬT KÝ THƯ KÝ TÒA (15) …

Anh Long gọi mấy anh em về nông trại của anh ấy chơi, lễ đường sá đông đúc nhưng anh em về đến cơ ngơi của anh mới thấy, cánh đồng nhà anh được giao khoán nhờ gom ruộng của nhiều hộ dân, nay kết hợp chăn nuôi đủ thứ sản phẩm đồng ruộng, anh Long thành tỷ phú. Nhân công anh thuê mướn làm lên đến hơn sáu mươi người, mỗi bộ phận phụ trách chăn nuôi khác nhau, nơi nuôi cá lóc, nơi heo mọi, nơi vịt, lươn, ếch, châu chấu cào cào dế và cả ba ba và cả đàn bò đông đúc … Nông trại nay gom lại, lớn cả chục héc ta mênh mông, mọi người đi vào lạc trong những vườn ươm tạo giống, những triền cỏ, vườn chuối mênh mông. Hệ thống nuôi trồng của anh Long khép kín, tận dụng nguồn thức ăn, rồi lấy sản phẩm này phụ trợ sản phẩm khác, mọi thứ được tổ chức một cách khoa học.

Cả ngày anh Long dẫn anh em làm một tour trải nghiệm thực tế, đi xem cho ếch ăn hay tìm hiểu cách nuôi dế, thực phẩm chế biến thức ăn cho bò, rồi leo trèo trên ngọn đồi nhỏ, nướng chuối ăn, hái ổi, gặm mía và trèo khế. Cả đội đi lừ người thì nhào xuống kênh thủy lợi nước trong veo tắm.

Chiều tối lại, trên triền cỏ bờ kênh dẫn nước từ hồ thủy lợi về cho nông trại, năm sáu anh em ngồi quây lại trong một cái chòi canh. Đốt củi lên, anh Long cho mấy anh em làm các món nướng sản vật của đồng ruộng, có cảm giác về đây, mùi ruộng đồng chạm vào mơn man niềm hứng khởi, không còn chút nào của những vướng bận oi bức của cuộc đời chộn rộn tranh đua ngoài kia.

Mọi người vừa làm mồi, vừa ướp bia lạnh, anh Long thì vừa đi đưa gói lươn đùm với con gà nướng biếu thầy Hải chủ nhiệm cấp ba về. Anh Trường thì vừa nướng cá vừa bảo Long tử tế quá, chú mày vậy mà luôn có trên dưới, được các sếp quý là phải, ăn miếng ngon cũng nhớ đến đạo thầy trò. Thầy em mà, không có thầy chỉ cho, khuyên đừng bỏ học, thì em giờ có khi cũng chỉ là thằng trọc phú chăn vịt, làm gì được ngồi nghe anh Trường giảng cho pháp quyền của Tom Bingham. Người như thầy Hải hiếm các anh ạ, làm thầy chỉ biết nêu cái tâm sáng gương soi cho bao thế hệ học trò, từng bài toán giờ thầy vẫn có từng sơ đồ tư duy ngang dọc sáng tạo, không phải người thầy nào cũng truyền cho chúng ta những suy tư tích cực và khao khát thiện lương. Em thấy dù làm gì, giữ lấy thiện lương thì sẽ có người thương mình, sống thuận theo lẽ ấy thì bình thản an nhiên.

Ở trường luật, anh Trường biết không, em cũng có một ông thầy Khải hay lắm, chắc anh Trường có học không, à anh học trước, không gặp, thầy Khải hay bắt bọn em phải học lấy cái tư duy pháp lý, ban đầu cứ tưởng cái này không ăn tiền gì cả, học là phải học tội này xử mấy năm, án treo hay giam, chứ tư duy cần gì, sau thì mới ngộ ra, không hiểu được bản chất của con đường đi của cuộc sống, thì làm sao suy xét được tội trạng của con người.

Anh Trường bảo, giờ đào tạo luật đang rối bởi các cái đầu tranh luận ở hai khía cạnh, những người mà thấm hết tư duy pháp lý người ta muốn sinh viên luật phải ngấm được tư duy, nhưng tòa nay tuyển dụng phải cần điều kiện cái chứng chỉ làm thư ký, nghĩa là anh diễn án chưa, anh đánh biên bản phiên tòa chưa, gọi là cái thực hành. Mấy ông doanh nghiệp cũng thế, chẳng nhẽ tuyển anh về rao giảng cho tôi về khế ước xã hội hay chính trị luận, tôi muốn anh làm cho tôi cái hợp đồng kia, anh làm đi. Cho nên thầy Khải thì muốn nhồi vào mấy pho tượng người tư duy, để có tư duy rồi, vứt vào thực tiễn, anh thấm vào rồi anh suy luận, anh kết hợp với thực hành, anh làm công bộc tư pháp nhưng anh có hồn con người. Còn thực tế ta nó lại khác, anh xử án anh cần đếch chú lý thuyết gì sất, bắt rồi à, cứ theo tố tụng thực định làm, cứ theo nghị quyết tòa mà xử, công bộc tư pháp như cái máy, cứ làm vậy, cần đếch gì tư duy.

Lại đúng rồi anh, Hoàng đất bảo, giờ mấy công bộc tư pháp không cần anh giỏi lý luận pháp quyền hay pháp lý, chứ theo đuôi nghị quyết với luật thực định, rồi theo đuôi lãnh đạo mà xử, những điều như thầy Khải nói đám học trò nhiều đứa nó đâu thèm nghe. Đạo thầy trò nó cũng rất khác, giờ tay thẩm phán ra đời cái nó có con xe nửa tỷ chạy, thầy Khải đi dạy cả đời giờ có cái xe cọc cạch đờ rim hai bánh, lương với phụ cấp thầy Khải mười mấy triệu hàm phó giáo sư, tay thẩm phán mới nhoi ra lương chưa đầy chục triệu mà nhà nó to, xe nó đi xe nửa tỷ. Đấy đời nó vậy anh ạ, nó tréo nghoe là vậy, cho nên đạo lý nhân phẩm đảo lộn hết cả. Nhớ có lần thầy Khải nói, mình đi dạy luật mấy chục năm, được đào tạo từ Đức đến Mỹ về, có thằng học trò làm thẩm phán nó làm cái luận văn mình hướng dẫn, nó đưa ví dụ xử một vụ án rất bất nhân nghĩa, có ông thầy giáo cũ vì không được lòng thằng học trò quan to, thế là cả hệ thống truy tìm bới ra vụ thất thoát chi tiêu nội bộ cơ quan mấy chục triệu, tòa đè ra xử sáu năm giam mẹ ông giáo vào tù. Thầy Khải bảo vụ này tòa xử có công lý không em, nó bảo bọn em xử là xem có tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ không rồi theo đường lối mà xử, công lý nó nằm chỗ nào em không thấy. Chết mẹ thầy nó chưa, tao phải làm thầy chúng nó thế này thì nhục không chịu được. Chúng như vậy là ác độc, là không có con người. Nó bảo thầy nói những điều vô cùng xa lạ với thực tế, thầy nói những điều không hợp rơ gì với thời cuộc và lịch sử đang trôi chảy mỗi ngày.

Anh Trường nói cái vụ thầy Khải thì nhiều giai thoại lắm, thầy ấy hay chửi xoẹt vào cả cái nền luật học copy liên xô đông âu trung quốc loạn lên. Giờ đám học thức luật lệ xử này ông thì học Nga ông thì học Tàu, anh học Mỹ, Pháp, về cứ viết bài với lên mạng chửi nhau học copy ở đâu hay hơn, cái tư duy copy chứ không luận lý phù hợp gì cho cuộc sống cả. Thầy Khải cũng hay nói giờ luật đôi khi có giá năm bày chục tỷ, nó rẻ nên năm năm mười năm là thay lên thay xuống một lần. Thằng doanh nghiệp bất động sản, thằng ngân hàng muốn cái gì thuận cho nó là luật sẽ thay đổi cho thuận lợi, muốn lãi suất phải theo ngân hàng, muốn xử lý nợ xấu thì một mình nó xử lý tài sản, thằng khác không được xen vào, rồi thằng bất động sản nó đòi mua bán qua sàn, cũng như đi mua vịt đồng của chú Long, đại khái thầy Khải cứ nói đến luật lệ là bảo nó xôi thịt lắm em ơi, nó không có luận lý nào cả, rũ một loài xôi thịt, cái gì chúng nó cũng quy ra tiền. Hội thảo mời mấy thằng nhăng cuội dở hơi đến nói ngu để chi tiền, chứ dự thảo chúng họp lại bàn với nhau cả. Ối trời ơi, em không biết đâu, thầy Khải bảo, tao ví dụ xem như này có xôi thịt không nhé, ví dụ một thằng tắc xi mới của tay buôn đất sắp ra, tao sẽ có chính sách bắt toàn dân nhậu lại đo nồng độ cồn, giờ văn hóa giao thông vừa phải đảm bảo an toàn, không rượu bia độc hại tai nạn giao thông vô cùng đúng. Thế nhưng có thể có cái xôi thịt trong đó, ví như văn hóa giao thông được huy động rất đúng thời điểm đó, bọn dân nhậu sẽ phải chuyển sang đi tắc xi hết, vậy có phải cả ngàn tắc xi của thằng buôn đất sẽ thu tiền không. Chúng ta ngu muội nên dễ bị tẫy não và nhồi đất vào, chứ từng cái chính sách cũng xôi thịt, thì chúng máy lại đòi công lý cái đếch, giờ làm không đúng chúng mày vào tù mà ngồi, bọn tao có quyền tao cứ làm luật để ngồi chờ ăn tiền, xôi thịt là ở chỗ đó. Thầy Khải ví dụ vậy rồi thầy ngồi ngao ngán cười, tao có nhiều thằng học trò giờ làm to lắm, nó mang máu quan phụ mẫu trong người nhưng chúng có cái bệnh chung là sợ đi tù. Chính cái đạo đức nền tảng mà chúng có, tạo ra sự run rẫy vì sợ đi tù. Ban đầu chúng ủng hộ, làm nô lệ và tuân theo mấy cái luật lệ vô đạo vô cảm, rồi sau chính chúng là nạn nhân của cái vòng quay đó, chúng ác với đồng đội đồng đạo rồi sau bị chính đồng đội đồng đạo xử lại, cứ thế chúng bưng bô nhau và bế nhau vào tù hết. Tất cả là do giáo dục và nền tảng giáo dục, nên em ơi, tao nói trường luật nên đào tạo đạo đức và tư duy, nhưng mấy cái này các trường có đào tạo qua loa, mà giờ cũng chạy theo thị trường, cứ chạy theo thị trường rồi trò không ra trò, thầy chưa ra thầy hết, thị trường nó làm nhụt tâm nhụt chí nhụt đi đạo học. Có hôm có thằng còn nói em hơn thầy hẳn ra, nhà em to, xe em đắt, gái em nhiều, thầy thì có cái đếch ngoài nghèo, nên thầy bớt nói luật lệ đông tây đi, hay thầy đứng tên cố vấn cho em em viết sách với thầy, em đứng tên với thầy, em gửi tiền thầy tiêu tha hồ. Đấy đạo học thời nay nó thế, chúng nó đưa gái với nhà xe ra để đong đếm, lấy thói trọc phú ra đòi đi in sách làm màu, con người thì bảo sao mà cái thế giới luật lệ này nó không loạng choạng.

Cái sự học mới hoán đổi được tình trạng này, nhưng sự học mà học nhầm, học sai, học phải tư duy độc kiến thức độc thì nguy hại vô cùng. Thầy Khải chửi vào đào tạo luật cũng như chửi vào cối xay gió, người ta vừa nghe vừa cười, người ta vẫn làm việc của họ, thế đấy.

Các anh ấy say sưa nói về đào tạo luật, nói mấy cái giáo trình luật ở ta toàn nhét luật thực định vào rồi cho mấy cái máy người ê a đọc chép thi cử, hỏi cũng luật thực định, trả lời cũng thực định luật, người ta không đào tạo tư duy. Những con rô bốt người cứ bước ra ngoài kia vô hồn vô cảm không lương tri, nên mới xảy ra chuyện ngậm tiền mà xử, không xót thương công lý hay lương tri gì cả, lỗi ấy cũng có thể xem là lỗi của hệ thống giáo dục, anh tạo ra các loại người vô tri chứ không tạo ra giá trị nhân bản, làm gì có công lý ở chương nào điều nào khoản nào luật nào đâu mà áp dụng. Những cái máy mẫu cứ vậy được đưa vào guồng xay, nếu còn lại lương tri đâu đó thì thành của hiếm kỳ dị và bị cô lập.

Không hiểu sau ngày nghỉ lễ anh em ngồi với nhau lại nói về chuyện học, cũng ngẫu nhiên việc anh Long đưa thức ăn biếu thầy mà thành ra chuyện học hành rôm rả. Cái đạo học xưa nay nhiều người rao giảng, nhưng cái nền học phải làm sao đọng trong đó lương tri và nhân phẩm sống, chứ giờ người ta mang trò ra so sánh với thầy, mang cái xe nửa tỷ ăn cướp được so với cái xe hai bánh ba triệu ba trăm ngàn của ông thầy với những giọt sống kiếm ra, rồi người ta bảo thế hệ trẻ giỏi tài hơn, già rồi chấp nhận thua. Đó là sự điên đảo của cái đạo học mà gốc rễ căn cơ cần phải làm sao hiểu được.

Ngoài chòi canh mưa bắt đầu rơi xuống, mấy ngày nắng hôm nay trời đổ mưa ríc rắc làm mát cả một miền đồng ruộng. Hoàng đất quả có tư chất, từ bạn mình dẫn lối, nay anh Long, anh Trường quý nó lắm luôn. Mà mình cũng tôn trọng nó hết mực. Ở cả tỉnh, danh tiếng Hoàng làm tòa mà chẳng cần tiền tòa lan cũng nhanh, các vụ Hoàng đất xử không ai mua bán thay đổi gì được cả, Hoàng cũng chịu khó học hỏi nghiên cứu, trước hay hỏi mình với chị Nga, anh Nam nhưng nay độc lập và chuyên môn tốt hẳn, tự tin xử án mà không bị can thiệp, Hoàng hay nói các anh đuổi em về, em xử đúng.

Những gì làm cho Hoàng độc lập, một chút lương tri, một cơ ngơi nền tảng kinh tế tự chủ, một bệ đỡ mơ hồ để không bị trù dập, hay là gì gì nữa mà mình không rõ, ngay cả giờ Hoàng đất với anh Long thân nhau rất nhiều mình cũng không rõ, ngay cả anh Long là trùm gì trong cuộc chơi quyền lực tư pháp mình cũng không rõ.

Mưa tả tích rơi xuống mùa nắng như để mát lành lại tâm hồn, mình nhớ Hằng Xái, nhớ chị Nga, không biết chị Nga có đi chơi với đoàn tòa không, chắc mai mốt tranh thủ thăm mẹ con chị Nga, lâu rồi chưa gặp. Mỗi khi trong lòng trống vắng hoang hoải, có lẽ đến để chị Nga chửi yêu vài câu bảo cậu dốt lắm, đời không như cậu nghĩ đâu, được chị chửi yêu thế lại thấy lòng trong lành ngọt ngào để đi thêm những ngày sắp tới.

[đây là nhật ký hư cấu, được viết bởi một người đã có dịp đi cùng các sự thật của cuộc sống nghề luật]
 
NHẬT KÝ THƯ KÝ TÒA (16) …

Mới sau lễ nên chưa học lại, trời nóng bưng nên muốn lên Hằng Xái chơi thăm mẹ con chị Nga đành rủ Hoàng đi cùng. Đi với Hoàng, có cảm giác đôi khi Hoàng là một gã trượng nghĩa khí khái, cũng có lúc bí ẩn bị đồn thổi như như tay U Siccu trùm mafia mới bị hốt hồi đầu năm ở Palermo. Giờ án nào mà các sếp bị người của cả hai bên chỉ đạo hoặc nhờ vả, lâm vào thế kẹt, xử cho bên này mất lòng bên kia, thì các sếp lại đẩy cho Hoàng, trước khi xử Hoàng đã phù phép úm bùa, để xử đúng nhưng mà đúng không bị trên sửa, hủy. Người ta kháo nhau truyền miệng, án này Hoàng nó hỏi ở trên cao rồi, án này khó thay đổi, không khác được, bùa chú ấy cũng để các sếp lách được sự trách cứ của ông nọ bà kia.

Hoàng đóng vai thẩm phán một cách độc lập thực hành tư pháp, thậm chí người ta bảo gã móc ngoặc, đi đêm, đút lót để cấp trên bảo chứng cho mình được xử án công tâm, độc lập theo luật. Vậy là Hoàng làm điều xấu thậm chí là phạm pháp để được làm điều tốt là xử án đúng luật. Hoàng như trùm mafia cổ cồn trắng, kết nối với các hệ thống ngầm ngăn chặn khả năng độc lập phán quyết của tòa án cấp trên để che chở cho điều mà Hoàng tin mình làm đúng cấp dưới. Lấy sự không độc lập, lấy phi pháp bảo vệ cho sự độc lập và hợp pháp. Người khen Hoàng, người chê Hoàng đang nhân danh độc lập xét xử, nhân danh đúng luật để làm phép với pháp luật, bảo vệ bản án của Hoàng, thực ra là bảo vệ cho cá nhân Hoàng, nó không phải bảo vệ cho lẽ phải, công lý phổ quát.

Các hệ thống công chứng, thừa phát lại, trường mầm non, văn phòng bất động sản ở tỉnh này mà Hoàng lập ra cũng vậy, Hoàng không đứng tên ở đâu nhưng Hoàng là một trùm chủ sở hữu, Hoàng vận dụng thói tự nhiên của thời cuộc để chui xuống đường ngầm đó, rồi bước lên từ đó. Nói gã là kiểu gì không thể dễ dàng khi không đặt vào từng vai mà gã diễn được.

Hôm nay, trên đường quanh co uốn lượn dốc gấp hiểm trở để lên Hằng Xái, như thường lệ, Hoàng mang theo nhiều bánh kẹo, ít đồ chơi trẻ em, để dọc đường đèo đi lên, thấy các em bé đi bộ đến trường hay nhặt củi về, Hoàng xuống xe cho các em một chút quà giữa đường. Đi với Hoàng nhiều, giờ thành quen, mỗi lần lên các vùng núi, mỗi lần lên Hằng Xái, điều trước tiên là chuẩn bị một cơ số bánh kẹo, đồ chơi để cho các em bé dọc đường hoặc lên trên đó gặp những em bé nghèo chia sẻ với các em một chút niềm vui con trẻ. Hoàng cũng hay mua sách, mua đồ dùng học tập tặng cho các thư viện các trường miền cao, tặng cho tủ sách cá nhân của chị Nga để chị cho các trẻ em mượn đọc, có khi Hoàng mua cả mấy bao tải sách chở lên. Đoạn này, Hoàng không làm rồi đăng lên facebook khoe việc nhân nghĩa như đám trọc phú mỗi lần làm từ thiện là thuê báo chí viết bài và cho đội quân truyền thông chụp hình đăng mạng xã hội khoe khoang.

Hoàng bảo cái nghèo cái giàu còn cách xa nhau quá, nhìn các em bé đi bộ hàng chục cây số đến trường tìm con chữ ở miền núi thấy lòng thắt lại. So với mấy đứa trẻ thị thành đến lớp được xe đưa đón, có những khoảng cách mênh mông mà xã hội chưa lấp đầy, khoảng cách đó sẽ tạo ra những khoảng cách xa vời vợi về nhiều thứ hơn nữa. Người ta làm chính sách cũng như bọn từ thiện trục lợi làm màu, xây cho cái trường, kêu gọi góp nhóp quần áo cũ và sách cũ chủ yếu để chụp hình, lên ti vi, còn trẻ em đến trường bằng cách nào, trẻ em miền núi đã đủ ăn no mặc ấm chưa, điều kiện học hành ra sao, đội ngũ giáo viên, chương trình học được đầu tư ra sao thì là cả một câu chuyện dài. Chúng ta được sống sung sướng, hè về có máy lạnh còn kêu trời nóng, nhiều đứa trẻ vùng cao đói ăn còn khó lòng để kiếm tìm được con chữ.

Chị Nga lại mở lớp dạy thêm tiếng Anh miễn phí cho các nhóm trẻ nghèo ở Hằng Xái, năm đầu mới có một lớp với vài chục học sinh, giờ cuối tuần chị tất bật đến ba ca lớp, học sinh theo giờ cả trăm người. Cuối tuần và buổi tối, chị xin được lãnh đạo cho mượn hội trường Tòa để dạy học miễn phí cho những thế hệ học trò nghèo, niềm vui của chị giờ còn nhiều thêm bởi các em nhỏ học ngày càng đông. Học tiếng Anh, đọc sách, chị đang truyền cảm hứng cho từng em nhỏ theo niềm vui yêu cuộc đời của mình.

Hai thằng lên chơi, chờ đến tối mới gặp được, chị em lại chuyện trò tào lao với nhau, Hoàng bảo, chị Nga có theo phật không, mà tâm chị sáng thế, chứ tâm em mà sáng một chút, có khi nó di căn thành bệnh ung thư, tâm em phải tối tăm chút mới tồn tại được. Chị Nga bảo, phật pháp chị có đọc nhiều, các kinh của các tôn giáo khác cũng đọc nhiều, đọc để học tính thiện lương, chứ không phải cố để thực hành các nghi lễ. Giờ người ta còn gõ mõ online trên app Wooden Fish đấy thôi, vậy thì ngay cả phật pháp cũng phải đời hơn. Các chú ăn thịt chó, nhưng các chú lại gom tiền mua sách lên đây cho trẻ em nghèo, chúng ta có mặt này mặt khác, nhưng chúng ta cũng thực hành cái thiện lương, đó mới là quan trọng.

Chị Nga bảo, sắp tới có ông bạn trước học chung lớp đại học nay trong cái ủy ban gì của trọng tài thương mại mời đi hội thảo tận Phú Quốc, mấy ông trọng tài lại mở hội thảo, đào tạo để quảng cáo ấy mà, tao nói đùa một năm cả cái trung tâm trọng tài lớn nhất quốc gia chưa xử đến ba trăm vụ, riêng cá nhân tao mỗi năm đã giải quyết ba trăm vụ việc rồi, sao mãi mấy ông trọng tài không giải thể đi, lại cái gì hòa giải thương mại nữa, quảng cáo hoài mà có ai giải quyết đến đó đâu. Nó nói thôi bà thì thế giới xã hội đang tiến bộ lên, chúng tôi đi tiềm trạm, giờ nhờ doanh nghiệp góp tay, đi quảng cáo nhưng biết đâu vài chúc năm nữa nó phát triển, thì bà sẽ hết việc, không còn việc kinh doanh dân sự mà xử đâu, mà quan trọng, đi Phú Quốc tôi bao bà hết, có đi không. Theo các chú chị có xin cơ quan vài hôm đi không, Phú Quốc sao chưa ra đó bao giờ cũng muốn.

Hoàng bảo ôi mấy cái tour du lịch hội thảo trá hình nên đi cho biết chị à, mình ăn ở miễn phí lại được đi thăm ngó nơi này nơi kia, sao lại không đi. Mấy bác trọng tài thường có bài mời mấy cụ học thuật nổi tiếng, về rồi làm dáng, quảng bá hội thảo, nhưng dân Việt mình giờ nó cần quan hệ để xử, mấy ai đăng ký xử trọng tài đâu, nhưng thì chuyện tương lai, dần thì các ông nước ngoài, đầu tư cũng sẽ thích trọng tài, đỡ quen biết sơ phúc giám tái như bên mình xử vụ năm mười năm mới xong thì họ phá sản.
Nhưng trời nóng như rang thế này, đi Phú Quốc lại càng nên đi. Rồi Hoàng bảo hay anh ấy yêu chị rồi, không phải á, rủ người đẹp đi Phú Quốc không yêu cũng thương, mà chị yêu đi, chứ chết mòn ở Hằng Xái này à, hay để em giới thiệu cho vài người đàng hoàng. Chị Nga bảo, mày nữa, tao mà đã cần yêu, thì cần gì mày giới thiệu, nhưng mà tao nói rồi, yêu ai thì yêu, trừ bọn đàn ông.

Chị em lại cười vang lên giữa đêm Hằng Xái đang trở nên mát dịu, ba con người, với những câu chuyện đùa tếu táo rót vào đêm tới sáng. Về đây, ngồi với chị Nga, nghe chuyện cuộc đời, lòng thấy ngọt ngào râm ran mát lành.

[đây là nhật ký hư cấu, được viết bởi một người đã có dịp đi cùng các sự thật của cuộc sống nghề luật]
 
Thằng chủ thớt trong nghề thấy vụ cô giáo ở NA xử 5 niên . Vụ này mày đánh giá sao?
 
Hay quá cơ, đọc một lèo hết sạch. Hóng phần tiếp theo. Cảm ơn chủ thớt
 
Chủ thớt nó đi copy về mà, có link ở trên rồi còn gì.
Viết khá đúng, nhưng mà chán như con gián - chán vì nó đúng nhé.
Đm cái ngành chán đéo buồn nói.
 
Top