Có Hình Hoả Diệm Sơn, một trong những địa danh nóng nhất hành tinh vào mùa Hè nhưng lạnh hơn rất nhiều so với các thủ đô các nước Bắc Âu vào mùa Đông

kukumalus

Bò lái xe
South-Africa
73w0Zx.jpeg

Trong tiểu thuyết Tây Du Kí, Hỏa Diệm Sơn là một trong những địa danh có thật ngoài đời, được cố nhà văn Ngô Thừa Ân nhắc tới trong tác phẩm kinh điển "Tây Du Ký".
Trong truyện, Hỏa Diệm Sơn được hình thành khi Tề Thiên Đại Thánh đại náo thiên cung, đập vỡ một lò luyện đan của Thái Thượng Lão Quân khiến tàn lửa Tam Muội rơi xuống trần gian, tạo thành dãy núi lửa trùng điệp. Hỏa Diệm Sơn được tiểu thuyết gia Ngô Thừa Ân miêu tả: "Lửa bốc ngùn ngụt tám trăm dặm, bốn phía xung quanh một tấc cỏ cũng không mọc được. Đi qua ngọn núi ấy, dù có mình đồng da sắt cũng chảy thành nước hết". Đây là con đường duy nhất sang Tây Thiên thỉnh kinh nên thầy trò Đường Tăng không có cách nào khác là phải tìm biện pháp dập tắt lửa.
Khổ nỗi, phương tiện dập lửa duy nhất là quạt Ba Tiêu lại nằm trong tay Thiết Phiến công chúa, vợ Ngưu Ma Vương và là mẹ Hồng Hài Nhi. Hận Tôn Ngộ Không khiến cho con mình phải từ giã thân phận Thánh Anh Đại vương tiêu dao tự tại, phải quy y theo Quan Âm Bồ Tát, Thiết Phiến công chúa (bà La Sát) quyết không cho mượn quạt, từ đó mà dẫn đến bao nhiêu diễn biến kịch tính.
Thực tế
Trên thực tế, Hỏa Diệm Sơn thuộc dãy Thiên Sơn, Tân Cương, Trung Quốc. Nó nằm gần rìa phía bắc của sa mạc Taklamakan và ở phía đông của thành phố Turpan ( Thổ Lỗ Phiên ), thuộc phần phía bắc của con đường tơ lụa cổ đại. Dãy núi dài khoảng 100 km, rộng 5-10 km. Phía đông Hỏa Diệm Sơn bắt đầu từ Lưu Sa Hà (trong Tây du ký là con sông mà Sa Tăng chiếm đóng trước khi gặp Đường Tăng và các sư huynh).
Hỏa Diệm Sơn tọa lạc tại vị trí rất sâu trong lục địa, gần điểm trung tâm của Châu Á, đại dương gần nhất cũng cách hàng nghìn dặm, đây được cho là điểm dừng chân khắc nghiệt nhất trên con đường Tơ Lụa xưa kia.
Độ cao trung bình của Hỏa Diệm Sơn là 500 m, một số đỉnh cao trên 800 m. Khí hậu tại đây rất khắc nghiệt, vào mùa hè là nơi nóng nhất Trung Quốc, nhiệt độ thường xuyên đạt 50 độ C, nhiệt độ bề mặt có lúc cao đến trên 70 độ C.
Vì sao lại có sự khác biệt nhiệt độ rất lớn giữa hè và đông tại Hỏa Diệm Sơn ?
Hỏa Diệm Sơn thuộc sa mạc Taklamakan nằm trong lòng chảo Tarim ( Tháp Lý Mộc bồn địa ) là một địa điểm cực kì khô cằn, nơi mưa rất ít và nguồn nước ngầm không đủ để cung cấp đủ nước cho việc hình thành mây và mưa. Điều này góp phần tạo ra điều kiện khô và biến thiên nhiệt độ cực kì lớn tại đây giữa đêm-ngày, Hạ-Đông.
Trong mùa đông, mặc dù nắng vẫn rực rỡ, trời vẫn trong xanh, nhưng không khí tại Hỏa Diệm Sơn lại được thay bằng sự lạnh lẽo và buốt giá không thể tả. Trong ngày, ánh nắng mặt trời chói lọi khiến cho nhiệt độ mặt đất tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, khi đêm đen kéo đến và mặt trời khuất dạng, không khí nhanh chóng mất đi nhiệt độ do thiếu ánh sáng từ mặt trời, tạo ra sự lạnh lẽo đến tận tâm can. Cái lạnh mùa đông tại đây được tạo nên bởi áp suất khí quyển cao Siberia từ phía Bắc, thỉnh thoảng vùng đất này lại hứng chịu những đợt gió cực kì khốc liệt từ hướng Đông Bắc.
Đồng thời, vị trí địa lý của Hỏa Diệm Sơn cũng đóng vai trò quan trọng. Nó bị bao quanh bởi dãy núi cao, tạo ra hiệu ứng cản gió và giữ lại không khí lạnh, những cơn gió "dữ tợn" thổi đến bị nhốt lại trong sa mạc và các thung lũng, nhờ đó đã tạo nên khung cảnh bình minh tuy rực rỡ nhưng lại buốt giá nhất thế gian.
Trong hình dung của mọi người, châu Âu thường được biết đến như xứ sở tuyết trắng. Tuy nhiên trên thực tế, vào tháng 12 hay tháng Giêng, những thủ đô xa về phía Bắc của Thế Giới như Oslo ( Na Uy ) Berlin ( Đức ) Reykjavik ( Iceland ) Stockholm ( Thụy Điển ) thế mà lại ấm hơn, đôi khi là ấm hơn rất nhiều so với những nơi như Hỏa Diệm Sơn hay Bắc Kinh, Seoul,...vốn nằm xa hơn nhiều về phía Nam. Mặc dù lạnh nhưng hầu hết các thành phố ở Đông Á đều có một mùa đông nhiều nắng, bầu trời luôn rực rỡ, lãng mạn và ít ảm đạm hơn nhiều so với nền trời xám xịt mây phủ của các thủ đô bắc Đại Tây Dương. Đây cũng là một trong những lý do khiến da của người Châu Á ( nói chung ), mặc dù sống ở khí hậu lạnh nhưng vẫn rám nắng nhanh hơn và không bị đỏ ửng khi ra nắng như người da trắng.
 
Top