Có Hình Bố tôi là Đặng Tiểu Bình - Hồi ký của con gái thứ về người cha thiên tài của mình

Cuốn sách này được dịch từ nguyên bản tiếng Hoa "Ngã đích phụ thân Đặng Tiểu Bình" của Nhà xuất bản Văn hiến Trung ương, tháng 8 năm 2000.

“Cha tôi Đặng Tiểu Bình” là một cuốn tự truyện viết bởi Mao Mao, con gái thứ của Đặng Tiểu Bình. Đặng Tiểu Bình có hai người vợ, (theo như trong sách là như vậy, tôi thấy trên wiki ghi là ba). Người vợ đầu tiên chết trong cách mạng, sau ông có một người vợ khác tên là Trác Căn. Ông có năm người con: Đặng Lâm (trưởng nữ), Đặng Phác Phương (con thứ nhưng trưởng nam), Đặng Nam, Đặng Dung (là Mao Mao), Đặng Chất Phương (tên cúng cơm là Phi Phi).

Mười năm "cách mạng văn hóa" là tai họa lớn trong lịch sử hiện đại Trung Quốc. Mức độ ảnh hưởng sâu sắc của nó, sự phá hoại ghê gớm của nó là điều chưa từng có trong lịch sử. Phàm những ai trải qua "cách mạng văn hóa" đều khắc cốt ghi xương thời ký đó. Đặng Tiểu Bình là một nhân vật trọng yếu mà mười năm "cách mạng văn hóa" nhằm tới. Viết về "cách mạng văn hóa" không thể không viết về Đặng Tiểu Bình.

"Cha tôi là nhân vật trọng yếu mà mười năm"cách mạng văn hóa" nhằm tới; viết về "cách mạng văn hóa", không thể không viết về cha tôi. Mà mười năm "cách mạng văn hóa" lại là giai đoạn thăng trầm vô cùng lý thú của cha tôi, cho nên viết về Đặng Tiểu Bình thì cũng không thể không nói đến "cách mạng văn hóa". Viết về những gì cha tôi nếm trải trong thời kỳ "cách mạng văn hóa" vừa là nhớ lại cuộc sống phi thường của cha tôi, vừa là nhớ lại những năm tháng phí hoài. Những điều tôi viết dưới đây không thể gọi là truyện ký về cha tôi, cũng không phải là hồi ký của cá nhân tôi. Trong khi chưa biết nên xếp vào loại nào, tôi tạm gọi nó là "Sổ ghi chép tình cảm" vậy!

Mong mọi người khi đọc các ghi chép tình cảm này, sẽ cảm nhận lại được thời kỳ "cách mạng văn hóa" thuở nào.
 
9. Đại hội toàn trung ương mở rộng lần thứ 12 của khoá VIII

Từ ngày 13 đến ngày 31.10.1968, đại hội toàn trung ương lần thứ 12 của khoá VIII Đảng сộng sản Trung quốc mở rộng, họp tại Bắc Kinh. Mục đích của cuộc họp này là làm công tác chuẩn bị cho đại hội đại biểu toàn quốc khoá IX sắp được triệu tập. Mao Trạch Đông chủ trì hội nghị.

Trong bài nói của mình Mao Trạch Đông, người đầu tiên đề xuất vấn đề:

- Cách mạng văn hoá có thực sự phải làm không? Trong khi tiến hành, thành tích là lớn hay thành tích quá nhỏ, sai lầm quá nhiều? Tiếp đó, ông ta dứt khoát trả lời: Cách mạng văn hoá của giai cấp vô sản lần này là hoàn toàn tất yếu là vô cùng kịp thời đối với việc củng cố nền chuyên chính của giai cấp vô sản, đề phòng và ngăn cản tư bản chủ nghĩa ngóc đầu dậy trong khi xây dựng xã hội chủ nghĩa”.

Thêm một lần nữa Mao Trạch Đông bất di bất dịch bảo vệ cuộc Đại cách mạng văn hoá do chính ông ta phát động.

Trong hội nghị này, Lâm Bưu, Giang Thanh soái lĩnh các ông kễnh Cách mạng văn hoá dưới trướng, tổ chức bao vây, tấn công các đồng chí cách mạng lão thành tham gia cái gọi là “dòng nước ngược tháng hai”, buộc tội họ bằng các tội danh: “Sự kiện phản đảng nghiêm trọng nhất” và “dung dưỡng cho chủ nghĩa tư bản ngóc đầu dậy”, rồi cưỡng bức các đồng chí cách mạng lão thành này, hết lần này đến lần khác, phải cung khai và kiểm thảo. Trong hội nghị lần này, với sự chủ trì của Khang Sinh cùng kẻ khác, đã dùng những chứng cớ giả, bịa đặt viết trong báo cáo điều tra về các “tội phản bội, nội gián, giặc cướp, của Lưu Thiếu Kỳ” rồi tuyên bố khai trừ vĩnh viễn Lưu Thiếu Kỳ ra khỏi đảng, bãi miễn tất cả các chức vụ trong cũng như ngoài đảng. Trong hội nghị còn cho in bài, cho phát bài viết về “Những tội trạng chủ yếu của Đặng Tiểu Bình, một kẻ cầm quyền khác, lớn nhất trong đảng đi theo đường lối tư bản chủ nghĩa”, tất cả mọi chức vụ trong đảng, ngoài đảng của Đặng Tiểu Bình trên thực tế đã bị thủ tiêu. Như vậy, hội nghị trọng đại đã đưa ra những quyết định trọng yếu, tất nhiên đó là những quyết định của chính Mao Trạch Đông.

Nhưng Lâm Bưu, Giang Thanh rõ ràng là không hài lòng. Ở hội nghị, bọn họ đã đánh trống khua chiêng, kích động, hòng tạo ra một thanh thế, làm áp lực để khai trừ Đặng Tiểu Bình ra khỏi đảng. Nhưng Mao Trạch Đông vẫn một mực không đồng ý. Ông nói:

- Trong thời kỳ chiến tranh, Đặng Tiểu Bình là một người đánh giặc. Về quá khứ vẫn chưa phát hiện được vấn đề gì, nên cần đối xử khác với Lưu Thiếu Kỳ, mọi người muốn khai trừ, nhưng tôi lại có ý kiến bảo lưu?

Mao Trạch Đông có sự ngoan cường của ông ta, có tính cố chấp đặc biệt chỉ riêng người Hồ Nam mới có, khi ông ta đã quyết tâm đưa ra một quyết định nào, thì bất kể loại người nào đều không tay chuyển được. Đó là một cá tính đặc biệt rõ nét của ông ta. Đại hội trung ương đảng lần thứ 12 khoá VIII lại là một hội nghị méo mó được triệu tập họp trong một thời đại méo mó, hội nghị được triệu tập họp trong tình hình rất không bình thường bởi có rất nhiều uỷ viên trung ương bị đánh đổ, hạ bệ và bị tước đoạt mọi quyền lợi chính trị. Những uỷ viên trung ương và những uỷ viên dự khuyết của khoá tám bị quy vào cái tội gọi là “phản bội”, gián điệp, “liên lạc với nước ngoài”, “phần tử phản đảng” lên tới 71% tổng số. Trong số 97 uỷ viên trung đảng, ngoài 10 người đã qua đời, chỉ còn có 40 người được đến tham gia hội nghị, vì không đủ một nửa số người để thông qua bất kỳ quyết nghị nào theo điều lệ đảng quy định, nên phải bổ sung bằng 10 uỷ viên trung ương dự khuyết, mỏi có thể tính là quá bán. Số thành viên không chính thức tham gia hội nghị này đã chiếm tới quá nửa tổng số người, mà vẫn được hưởng quyền quyết nghị như những uỷ viên trung ương chính thức. Còn điều cổ quái hơn nữa mà về sau này mới phát hiện, là có một người tham gia hội nghị, tham gia biểu quyết, lại không phải là đảng viên đảng сộng sản.

Đại cách mạng văn hoá của giai cấp vô sản bùng nổ đến đó đã kéo dài hơn hai năm, quấy phá cũng đã quá đủ, hỗn loạn cũng đã thừa, phản cung cũng đã được tạo ra, mạng cũng đã cách được rồi, quyền cũng đã đoạt được trong tay, nhưng bước sau sẽ đi đứng làm sao đây? E rằng về thực tế Mao Trạch Đông cũng không được tinh tường cho lắm. Khi mới bắt đầu, ông ta nói; phải cần một năm để tiến hành Cách mạng văn hoá. Vê sau ông lại nói: Đại khái là phải ba năm, như thế có nghĩa là phái kéo dài đến mùa hè sang năm nữa.

Tháng 4.1969, đại hội đại biểu toàn quốc khoá chín của đảng được triệu tập, khai mạc. Nghe nói, trong “Đại hội IX”, điều lệ đảng sẽ được sửa đổi, nhân sự cũng đã xác định được, tất cả mọi việc chỉ còn cứ theo kế hoạch mà làm. Nhưng Đại cách mạng văn hoá lại không làm sao kết thúc nổi. Rất có khả năng Mao Trạch Đông đã có suy tính lúc bắt đầu khởi sự nhưng Cách mạng văn hoá lại phát triển đến bước này. Quả thật nó đã sớm đi sang lối ngược lại với suy tính, thiết kế của Mao Trạch Đông rồi. Cả một phong trào đã như con ngựa tuột cương, thoả sức tung hoành, không sao ngăn lại được. Mâu thuẫn cũ chưa giải quyết xong, mâu thuẫn mới đã lại được đẻ ra. Bè phái, võ đấu, tranh quyền đoạt vị, không những vẫn còn nguyên, mà càng ngày càng trở nên kịch liệt càng phát càng không thu lại được.

Trong hai gian nhà nhỏ ở Phương Hồ Trai khu Tuần Vũ, Bắc Kinh, mấy anh chị em và bà chúng tôi vẫn ở với nhau. dựa vào nhau mà sống, ngày tháng hầu như cũng chẳng đến nỗi nào. Chị cả Đặng Lâm vốn bị quản chế và phê phán vì “vấn đề” của bố tôi, không thể về nhà được. Nay vì mấy tổ chức của các phái tạo phản bận giao đấu với nhau đến tối tăm mặt mũi, chẳng lấy ai ra mà cai quản lũ “băng đen” và lũ “đầu trâu mặt ngựa” này, nạn nhân cơ hội đó, cứ chiều thứ bảy là chị tôi lần về nhà. Anh Phác Phương và chị Đặng Nam bình thường đều phải ở lại trường, cũng lại nhân các phái tạo phản đấu đá lẫn nhau lộn tùng bậy, cũng “lọt lưới” được chốc lát. Đặc biệt là Đặng Nam, cứ đến chiều thứ bảy, là bằng mọi cách tót về nhà.

Ngày 29.3.1968, tại trường đại học Bắc Kinh đã xảy ra một cuộc quyết chiến đại quy mô giữa hai phái tạo phản với nhau. Cuộc quyết chiến xảy ra vào nửa đêm, trong vườn, sân trường nhốn nháo đầy những người đầu đội mũ sắt, tay cầm côn gậy, phi tiêu, giáo mác, mã tấu. Cả hai phái đều binh đông lính đủ, om sòm la hét đến vang trời dậy đất. Sau một trận giao chiến đại quy mô, cả hai phái đều bị thương vong trầm trọng, thất bại nặng nề. Nhưng cả hai đều vẫn chẳng chịu cam lòng, vẫn chiêu binh mãi mã chuẩn bị tái chiến.

Sau trận giao chiến đó, toàn bộ trường đại học Bắc Kinh tràn đầy một không khí kinh hoàng. Đặng Nam và một số học sinh khác đứng bên cửa sổ xem cuộc chiến khủng khiếp ấy, rồi vội vã thu nhặt quần áo đồ dùng, nhân lúc bốn giờ, trời còn chưa sáng, vội vàng chui qua một lỗ tường đổ, trốn ra khỏi trường học. Sau khi về nhà, Đặng Nam chợt nhớ tới anh Phác Phương đang bị quản chế ở trường học, liền sai Phi Phi đến trường đại học Bắc Kinh gọi anh về nhà.

Cuộc giao đấu với quy mô lớn nhất này, có rất nhiều người lâm vào cảnh nguy nan, bất hạnh. Một học sinh cùng lớp với Đặng Nam chỉ đứng xem không tham gia vào cuộc chiến đấu, đã bị một mũi lao dùng làm vũ khí, không biết từ đâu phóng tới, xuyên thủng người, tuy không chiết, nhưng bị vỡ gan, trở thành tàn tật suối đời.

Anh chị tôi đều đã trở về nhà, từ đó kéo dài đến hơn một tháng sau, năm anh chị em tôi cùng với bà ở nhà, có thể coi như chúng tôi đã được sum họp một nhà tại Phương Hồ Trai.

Toàn gia sum họp, đã làm thay đổi được nỗi cô đơn trước đây của ba bà cháu tôi, trong nhà chúng tôi cũng đã xuất hiện những tiếng cười đùa. Bà, Phác Phương và Phi Phi ở một phòng, còn ba chị em gái tôi ở một phòng, cách nhau là một hành lang ở giữa, hai cửa đối diện nhau. Một chị họ tôi còn đang theo học tại trường đại học Bắc Kinh, khi nào chị tới thì chiếc giường lớn bốn người ngủ chung. Tôi sợ chật nên đem hai chiếc hòm gỗ to ghép lại, trải chăn đệm, nằm trên đó cũng thấy thảnh thơi, thoái mái lắm. Lúc này những kẻ khám xét nhà cửa hầu như không vác mặt tới nữa, cái góc nhỏ bé này của chúng tôi trong phút chốc đã bị bọn tạo phản bỏ quên rồi. Đời sống tuy khốn khó, nhưng được cái yên ổn. Tuy nói rằng đời sống cũng chả đến nỗi nào, nhưng nỗi khổ thực sự lại là nỗi khổ trong lòng người. Song trong gia đình chúng tôi, ngay cả những khi khốn khó nhất, chúng tôi cũng cố gắng, tận lực tìm ra cho được những thú vui. Trong cái vòm trời nhỏ ở Phương Hồ Trai, chúng tôi tự tìm, tự tạo lấy những trò chơi giải trí. Chẳng có thứ đồ chơi nào, nên chúng tôi lấy những chiếc hộp giấy để lên trên giường, rồi cầm quân cờ, đứng xa, ném vào những chiếc hộp giấy, xem anh nào ném trúng được nhiều, chúng tôi chơi trò ấy rất hứng thú và cũng rất say mê. Hỏi rằng chúng tôi đã học được những gì từ nơi bố tôi, đó chính là vĩnh viễn giữ được tinh thần lạc quan.

Cuộc sống cứ thế mà lôi qua, có thể gọi được là thảnh thơi, chỉ có “sự kiện” là hai lần bị ngộ độc hơi than vì lò bễ không cẩn thận. Một lần bà tôi với Phi Phi bị, nhưng cũng chẳng nghiêm trọng lắm, hai bà con chỉ nhức đầu mất mấy ngày, rồi xong. Một lần bà tôi với tôi ở trong nhà, ngủ say như chết, tôi chợt nghe thấy miệng ú ở của bà, vì đã có tiếng chuông cảnh tỉnh từ lần trước, tôi vội vàng lao ra khỏi giường, chẳng nghĩ ngợi gì hơn, tôi hết sức đẩy tung cửa, sau đó, tôi ngã sóng soài ra đất, hôn mê chẳng còn biết gì nữa. Lần ngộ độc hơi than này khá nặng, nếu như không có bà tôi, nhiều tuổi tỉnh ngủ, cảm nhận ra, thì cả hai bà cháu sớm đã toi mạng rồi.

Ngoài chuyện nguy hiểm, còn có cả chuyện vui. Có một lần chị cả Đặng Lâm từ trường về nhà, vừa bước vào cửa đúng lúc tôi từ trong nhà bước ra. Với thần sắc căng thẳng, tôi vội túm lấy chị, đẩy vào góc tường, nói nhỏ vào tai chị “xảo cha la”, vừa chợt nghe chị đã tưởng là “khám nhà rồi”, chị kinh hoàng đến hồn bay phách lạc, Thực ra tôi nói “xảo cha la” chỉ có nghĩa là “cãi nhau rồi”. Nguyên là bà tôi muốn bồi dưỡng cho chúng tôi, cải thiện bữa ăn, nên làm món ăn tươi”, nhưng chị hai tôi, bà quản gia Đặng Nam lại muốn hết sức tiết kiệm, để đề phòn g những chi tiêu bất thường về sau, kết quả là hai bà cháu tranh cãi với nhau. Bà tôi tuy không có văn hoá, nên càng không thể nói đến việc đọc các tác phẩm nổi tiếng nước ngoài, nhưng trí nhớ của bà rất tốt, bà còn nhớ được những chuyện xem phim trước đây, tức lên, bà nhiếc Đặng Nam là đồ “Grăngđê” - nhân vật keo kiệt bủn xỉn trong tác phẩm văn học nổi tiếng của đại văn hào nước Pháp Ban dắc. Khi ấy cãi nhau, hai bà cháu đều khóc, trông rất thương. Sau việc đó, chúng tôi bắt chước cái “bác học” của bà, cũng vui thật là vui. Đến bây giờ nhớ lại thật đúng là những năm tháng luôn luôn bị thân hồn nát thần tính, chỉ một câu “xảo cha la” (khám nhà rồi) cũng đã khiến người ta phải rụng rời chân tay.

Anh Phác Phương tôi, tính từ lúc bố tôi bị phê phán tới đó, vẫn bị giam cầm trong trường học, lần trở về nhà ấy, là thời gian anh được ở nhà dài nhất. Ở nhà chẳng có việc gì, anh liền mang cưa mang bào ra làm thợ mộc, anh lấy những tấm gỗ cũ nát mà chị Đặng Nam đã mua về, đóng cho Phi Phi một chiếc giá sách nhỏ, lại còn đóng cho bà tôi một cái giá đựng bát, song anh bỏ thời gian nhiều nhất vào việc kèm cặp cho Phi Phi học. Khi mới bắt đầu Cách mạng văn hoá, Phi Phi mới học năm thứ hai cấp hai, khi phong trào lan ra, các trường học đều đóng cửa, Phi Phi ở nhà chẳng có việc gì làm, nên đem sách ra tự học. Lần này lại có anh ở nhà, hàng ngày anh có thể giảng dạy kèm cặp giúp em. Anh thích dạy, em thích học. Về môn toán lý hoá Phi Phi tiến bộ một bước dài. Phi Phi sau này có thể theo đại học, rồi thạc sĩ, tiến sĩ, thì chính những giờ học bổ túc này đã có tác dụng cơ bản rất quan trọng. Anh hơn tôi và Phi Phi đến sáu bảy tuổi, trước kia, khi chúng tôi còn nhỏ, anh rất bận bịu với học hành, tuy rất quý trọng anh, nhưng cũng rất ít khi nói gì với anh hoặc chuyện suông với anh. Bây giờ sớm tối bên nhau ở Phương Hồ Trai, tôi đã đem những vấn đề không rõ ràng ra hỏi anh. Tôi còn nhớ, có một lần tôi hỏi anh: “Tại sao lại phải đánh đổ cha mình?” Anh tôi đưa mắt nhìn ra xa xôi, nói: “Là vì cần phải nhường đường cho Lâm Bưư”. Anh tôi tương đối nhạy cảm với chính trị, ngay khi Cách mạng văn hoá mới bùng nổ, trong khi mọi người còn đang hừng hực nhiệt tình cách mạng, anh đã dự cảm thấy sẽ có chuyện xảy ra, nên trong suốt cả phong trào, anh luôn luôn giữ thái độ chống đối, nhưng chính vì thế, khiến anh không tránh khỏi sự giam cầm, đấu tố của bọn tạo phản. Khi đó anh không dễ mà về được nhà, không dễ mà thoát khỏi sự giám sát của bọn chúng, nên tinh thần sau một thời gian dài bị dồn nén, nay được đột ngột bung ra, có một hôm vào bữa ăn, anh cao hứng, vác rượu ra uống thật say. Say rồi, tinh thần anh như bốc lên, mặt anh đỏ lựng, nói cũng nhiều hơn, anh tràn đầy hứng thú, cao đàm khoát luận, sang sảng đọc thuộc lòng nhạc Dương lâu ký. Chúng tôi ngắm anh uống, ngắm anh nói, ngắm anh đọc, ngắm anh say, mà trong lòng thấy chát chua rơi lệ. Rõ ràng đây là: “Rượu chẳng say người, người tự say”. Nên nhớ rằng, chúng tôi uống, là ly rượu đắng, ly rượu đắng trong cõi nhân minh đó.

Trong đoạn thời gian ấy, cả nhà chúng tôi có thể coi như tạm thời lánh xa được những cơn sóng mạnh điên cuồng, và tự tìm lấy niềm vui trong cõi tiêu dao. Chẳng ngờ rằng, cái giờ phút thực sự khiến chúng tôi kinh hoàng khủng khiếp đang ập tới rất nhanh.​
 
10. Tháng 5 khủng khiếp

Một ngày trong tháng 5, bất chợt có hai chiếc ôtô tải lớn xộc vào sân nhà tôi, một lũ tạo phản côn gậy trong tay xông thẳng vào nhà, chúng vây bắt Phác Phương và Đặng Nam, lấy vải đen bịt mắt, vừa kéo vừa đẩy tôi ra khỏi nhà, kéo lên ôtô. Bọn tạo phản hùng hùng hổ hổ gào to những khẩu hiệu “Đả đảo Đặng Tiểu Bình” và “Đả đảo lũ chó con phản cách mạng”, rồi cho xe phành phạch chạy. Khi ấy nhà còn lại bà tôi, tôi và Phi Phi, chỉ còn biết tròn mắt há miệng chẳng biết nói gì, trân trân đứng nhìn cái xe lao đi trong đám bụi mù mịt.

Kể từ khi Cách mạng văn hoá bắt đầu tới lúc đó, chúng tôi đã từng phải chịu nhiều lần khám nhà, đấu tố, nhưng lần này phải chứng kiến cảnh anh chị mình bị đột ngột bắt đi một cách khủng khiếp như thế, thực đã làm tất cả chúng tôi sởn lóc gáy. Nỗi kinh hoàng khôn xiết từ trong lòng dâng lên đã nén chặt những tiếng gào khóc của chúng tôi lại trong cổ họng. Từ đó, trong nhà chỉ còn lại ba bà cháu già trẻ, hơn thế nữa, lại hoàn toàn không biết được anh tôi, chị tôi đang lưu lạc nơi đâu, thậm chí còn không được biết đến cả sự sống chết của anh chị thế nào, khiến chúng tôi càng thêm đau đớn bằng hoàng, cả một màn bi thương, lo sợ trùm phủ lên cuộc sống của chúng tôi.

Sau khi Phác Phương và Đặng Nam bị bắt trở lại nhà trường, trước hết là bị giam ở một tầng lầu ký túc xá vốn là một bản doanh chiến đấu của bọn tạo phản, sau chuyển sang giam ở khu nhà tầng khoa vật lý. Họ bị giam ở gian nhà hai phòng, phòng trong phòng ngoài, mỗi người một phòng có người canh gác, cấm hẳn việc trò chuyện, nói năng. Bọn tạo phản thường xuyên lôi tôi thẩm vấn riêng rẽ từng người. Khi bị đi thấm vấn, bao giờ cũng bị bịt mắt bằng vải den, rồi có người đưa đến phòng thầm vấn. Chúng vừa gào thét chửi bới vừa xét hỏi, thỉnh thoảng lại bị bất chợt đánh bằng gậy, hoàn toàn không biết trước mà đề phòng. Nội dung các cuộc thẩm vấn vẫn chỉ nhằm vào một “vấn đề” vạch tội Đặng Tiểu Bình. Khi đó, chính là lúc Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình được thành lập, gấp rút tìm kiếm “chứng cứ tội trạng” để thêu dệt ra bản báo cáo tổng hợp “tội trạng” Đặng Tiểu Bình. Lâm Bưu, Giang Thanh và bè lũ cũng đang tìm kiến đột phá khẩu, chúng cho rằng, lũ con cái Đặng Tiểu Bình, đặc biệt là mấy đứa lớn, thế nào cũng biết, nên đã chỉ thị cho tay chân nanh vuốt là Nhiếp Nguyên Tử, tên trùm sò nổi tiếng, lên phất cờ tiên phong của phái tạo phản trường đại học Bắc Kinh, bắt con cái của Đặng Tiểu Bình đề từ đó mà tìm cho ra “chứng cứ”. Nhiếp Nguyên Tử căn cứ vào ý đồ của chủ, bí mật lập kế hoạch, đầu tiên là cho người đến “trinh sát” chỗ ở của chúng tôi tại Phương Hồ Trai, xác định được chúng tôi đang có mặt tại đó, rồi sai mấy chiếc ô-tô cùng đoàn Hồng vệ binh đến bát gọn, lôi Phác Phương và Đặng Nam về trường học, tiến hành thẩm vấn bức cung.

Kể từ khi Cách mạng văn hoá bắt đầu tới nay, trong thời gian gần hai năm, bất kể là phong trào hung dữ như thế nào, bất kể là hoàn cảnh hiểm nguy ra sao, những đứa trẻ nhà họ Đặng Tiểu Bình chúng tôi, ngoài việc phải phê phán cha mình tý chút để đối phó ra, chưa hề có lúc nào chúng tôi lại có ý phân giới tuyến và tố giác cha mẹ mình. Bởi chúng tôi tin tưởng rằng, cha mẹ chúng tôi hoàn toàn vô tội. Chúng tôi yêu cha mẹ chúng tôi, và nguyện cùng chia hoạn nạn với cha mẹ mình. Trong nhà chúng tôi, tình thương yêu ruột thịt giữa cha mẹ và các con khó có thể dùng ngôn ngữ mà nói cho hết được.

Sau khi Cách mạng văn hoá kết thúc, bố tôi đã nói với mẹ tôi rằng: Những biểu hiện của con cái mình trong Cách mạng văn hoá đều rất tốt, chúng đã phải chịu đựng bao nhiêu khổ nhục vì mình. Ta phải bù đắp cho chúng nhiều hơn nữa.

Chính vì tình thương yêu ruột thịt đầy ắp trong cõi nhân gian này khiến cho gia đình chúng tôi dù bị hãm vào hoàn cánh cấp bách, nguy khốn nhưng vẫn có được điểm tựa tinh thần cuối cùng.

Trong trường đại học Bắc Kinh, được sự chỉ đạo của các ông kễnh Cách mạng văn hoá, bọn tạo phản đã sử dụng bằng hết mọi thủ đoạn độc ác đê tiện đè ép buộc, khủng bố, đánh đập và ngược đãi Phác Phương cùng Đặng Nam. Về sau này. Đặng Nam nói với chúng tôi: “Khi ấy chị sợ hết hồn, nhưng sợ cũng chẳng ích gì. cho nên chỉ còn cách là đấu lại. Chị nói: “Bố tôi chẳng bao giờ nói chuyện công tác ở nhà, mà có nói, tôi cũng chẳng làm sao mà biết được. Tóm lại, cứ nghiến chặt rằng vào, chẳng nói gì hết”. Còn Phác Phương lại nói với bọn tạo phản rằng: “Mọi chuyện trong nhà, chỉ có một mình tôi biết, còn các em trai em gái lôi chẳng biết một tý gì cả. Nếu cần hỏi, cứ hỏi tôi đây này”.

Trong giam cầm, Phác Phương và Đặng Nam luôn nghĩ đến các trai em gái mình đang ở bên ngoài. Một hôm, nhân lúc bọn tạo phản sơ suất Phác Phương lén giúi cho Đặng Nam một mẩu giấy, thống nhất lời khai báo. Đặng Nam xem xong nghĩ ngay tới việc phải thông báo điều đó với toàn thể anh chị em trong nhà. Nhưng chúng canh giữ chặt chẽ thế, biết xoay xở ra sao?. Rồi trong cái khó ló cái khôn, chị nói với bọn tạo phản, khi bị bắt chị chẳng mang theo người được cái cái gì nên muốn nhắn người nhà mang vào cho một ít đồ dùng vệ sinh phụ nữ. Lần này bọn tạo phản đồng ý. Lòng dạ tôi đang rối ren tơi bời như có lửa đốt vì chẳng biết một tý tin tức nào của anh chị từ khi bị bắt, nên khi được thông báo, bèn thu xếp mọi thứ, đi thẳng đến trường đại học Bắc Kinh.

Bắc Đại, trường đại học Bắc Kinh, một học phủ cao đẳng rất nổi tiếng xưa nay, một trường đại học đối với gia đình tôi mang rất nhiều ý nghĩa đặc biệt. Mẹ chúng tôi, năm 1936 đã thi vào khoa vật lý đại học Bắc Kinh. Anh tôi, chị tôi chịu ảnh hưởng của mẹ tôi, cũng đều tiếp tục thi vào học tại trường này, và vẫn chọn khoa vật lý. Còn tôi, ngay từ ngày đi học tiểu học, tôi cũng đã mong mỏi thi vào đại học Bắc Kinh, nhưng là thi vào khoa sử. Bắc Đại, trong tim trong óc tôi, là một cung điện thần thánh đầy mộng tưởng. Nhưng lần này, tôi đến đại học Bắc Kinh, lại có một cảnh tượng khác với tưởng tượng của tôi cả trời cả vực. Trong khuôn viên nhà trường rợp trời đại tự báo, lớp nọ đè lớp kia, dán đầy ắp trên tường, có những tờ bị xé nát, gió thổi bay tứ tung mặc cho mọi người giày xéo trong hỗn độn, ngổn ngang. Rất nhiều cửa ra vào và cửa sổ của những ngôi nhà bị đóng nẹp ván, hoặc nẹp sắt, có những cửa ra vào cầu thang đắp chướng ngại vật và công sự, nhìn qua cũng biết làm vậy là để đánh nhau. Những người tham gia chiến đấu, tay cầm gậy gộc, xếp hàng, đội ngũ lộn xộn đi qua, có người đội trên đâu chiếc mũ bảo hộ lao động đan bằng mây thay thế cho mũ sắt, người đi lại trong vườn trường thưa thớt, sắc diện đầy vẻ nghiêm trang trầm trầm, không khí đã khác hẳn so với hồi đầu Cách mạng văn hoá, nhộn nhạo, chen chúc đọc báo chữ to. Cả một vườn trường rộng lớn đã điêu tàn lạnh lẽo.

Tôi vốn đóng cửa ngồi nhà suốt ngày không ra ngoài, từ xưa tới nay chưa bao giờ trông thấy cảnh trận mạc ghê gớm như thế nên cũng thấy hoảng sợ. Đến khu nhà tầng khoa vật lý, nhìn kỹ lại càng thấy cảnh thành luỹ nghiêm ngặt hơn. Ngôi nhà xám xịt, trước nhà không một bóng người, tất cả cửa sổ tầng dưới đều có nẹp gỗ đóng kín, cửa lớn ra vào cũng bị những thanh thép gài chặt, chỉ lưu lại một lối đi rất hẹp, trước cửa là một công sự đắp bằng bao cát, rất cao. Tường nhà lem nhem bẩn thỉu, lỗ chỗ lở lói đầy vết đạn, nhìn một cái là nhớ ngay đến câu từ của Mao Trạch Đông:

Đương niên ngao chiến cấp.
Đạn động tiền thôn bích.

Tạm dịch:

Năm ấy chiến tranh ác liệt,
Tường đầu thôn còn hằn vết đạn xưa.

Sau này được nghe lại mới biết rằng, khu nhà tầng khoa vật lý chính là một trong những đại bản doanh của Nhiếp Nguyên Tử, là căn cứ chiến đấu của họ, cho nên mới phải bố phòng thâm nghiêm đến thế.​
 
10. Tháng 5 khủng khiếp (tiếp)

Tôi đứng đợi ở trước cửa một lát, đã có người dẫn Đặng Nam ra. May mà bọn tạo phản lại cho chúng tôi được nói chuyện riêng. Trước hết Đặng Nam hỏi han tình hình ở nhà, sau đó mới vội vã nói nhỏ cho tôi biết tất cả những khẩu cung khi họ thẩm vấn, và dặn tôi phải cấp tốc đến học viện mỹ thuật báo ngay cho chị cả đang bị giam giữ tại đó, bảo chị phải cố nén, hỏi gì cũng chỉ trả lời là không biết, cố giữ vững như thế là được. Vì chị cả tôi, bình thường, sức khoẻ vốn đã kém, chúng tôi lo lắng chỉ sợ chị nghĩ quẩn nên bàn cách hết sức an ủi chị, Đặng Nam còn dặn dò bà cháu ở nhà hết sức tìm cách bảo vệ lấy mình.

Nhìn chị bị bọn tạo phản như hung thần quỷ dữ áp giải đi vào bên trong lỗ cửa đen ngòm, khủng khiếp đến rợn người, cái sợ hãi, lo lắng lúc đến đã bay biến mất, trong lòng chỉ còn lại nỗi bi thương dằng dặc. Nghĩ đến việc mình phải làm, tôi vội vã quay đâu bước đi thật nhanh, nhưng vẫn ân hận rằng sao mình lại chẳng đi được nhanh hơn. Tôi không về nhà, mà đi thẳng tới học viện mỹ thuật, tìm chị cả tôi. Tôi lôi chị ra một góc vắng về, tránh xa những cặp mắt soi mói của bọn tạo phản, vội vã nói ngay cho chị cả nghe những lời chị hai dặn dò. Chị cả nghe xong cũng lấy được an ủi phần nào vì được nghe tin về các em. Chị rất xúc động nói: “Các em cứ yên tâm, chị chẳng sợ gì hết, dứt khoát chị chống đỡ được”. Phác Phương và Đặng Nam sau hai tuần bị giam ở khu nhà khoa vật lý rồi lại bị di chuyển. Chị Đặng Nam bị giam vào chỗ đội chiến đấu nằm trong khoa. Sau lần bị tách ra, giam riêng này Đặng Nam không còn biết gì về tình hình của Phác Phương nữa. Bị giam trong khoa, ban đầu, bọn tạo phản suốt ngày thẩm vấn chị, sau thấy hàng ngày hỏi như vậy cũng chẳng moi được gì nên ngày càng nhạt dần đi, sau nữa chúng côn cho phép chị tự xuống nhà ăn lấy cơm.

Xuân đã qua, hè đã lại. Đó là một mùa hè khốc liệt. Trời mỗi ngày mỗi nồng nực, nóng bức đến nỗi mồ hôi lúc nào cũng ướt đầm lưng áo, lòng dạ cũng ngột ngạt. Phái tạo phản Nhiếp Nguyên Tử ở trường đại học Bắc Kinh đã nắm được lũ con cái Đặng Tiểu Bình trong tay, và chúng vốn muốn lợi dụng cái “điều kiện thuận lợi” này để đánh đổ Đặng Tiểu Bình, lập công đức đền đáp công ơn với chủ là Ban Cách mạng văn hoá trung ương. Nhưng đã mấy tháng trôi qua mà vẫn hai bàn tay trắng. Đặng Phác Phương là con trưởng của Đặng Tiểu Bình, nhất định là biết không ít tình hình, nhất định phải có những váng mỡ có thể vớt vát được. Nghe nói chính Nhiếp Nguyên Tử đã từng hạ lệnh: “Nhất định phải lấy được cái gì đó từ miệng Phác Phương”.

Phái tạo phản đẩy mạnh thêm một bước việc thẩm vấn và tàn bạo bức hại Phác Phương. Ngày nào chúng cũng thẩm vấn anh, trên đường đưa đi, khi thẩm vấn, bao giờ chúng cũng lấy vải đen bịt mắt anh lại.

Hồi Cách mạng văn hoá mới bắt đầu, có một lần Giang Thanh, bằng cái giọng eo éo của mình, nói chuyện, mang đầy tính xúi giục kích động ở sân vận động trường đại học Bắc Kinh, anh Phác Phương nhìn cái vẻ đỏng đảnh cao ngạo của mụ, anh đã nói ngay lại chỗ một câu rằng: “Để xem bà ngạo nghễ ngang ngược được đến bao giờ” Bọn tạo phản đã vô lấy “sự kiện” ấy, bắt Phúc Phương cung khai, có phải là “chửi bới” “đồng chí” Giang Thanh không để hòng quàng vào đầu anh tội danh “phản cách mạng”, mà không biết bao nhiêu lần, thôi thúc, hỏi đi hỏi lại, bức bách anh phải tố cáo những “vấn đề” và “tội lỗi” của “băng đen” cha anh là Đặng Tiểu Bình. Phái tạo phản tăng cường thấm vấn và thêm áp lực về chính trị để đánh mắng và sỉ nhục anh, chúng dùng mọi thứ thủ đoạn có thể để tiến hành bức hại đến con người anh. Chúng luôn luôn thay đổi chỗ giam giữ anh, có chỗ giam rất lâu, có chỗ chỉ trong một thời gian ngắn, thậm chí giam cả vào phòng tắm của nhà tắm thuộc ban thể dục thể thao trong trường, trong đó vừa ẩm ướt, vừa âm u, vừa không có ánh sáng mặt trời. Trong thời gian đó, có một lần Đặng Nam xuống nhà ăn lấy cơm đi ngang qua phòng thể dục thể thao, nhìn thấy anh từ rất xa... Ngày hè nóng bức là như thế, mà thấy anh Phác Phương mặc một chiếc áo ngoài cũ kỹ bằng nhung kẻ đày cộp. Rõ ràng đó không phải là bộ quần áo anh mặc khi bị bắt tới trường. Từ xa nhìn tới, trong bóng rất mù mờ, chỉ thấy sắc mặt anh trắng nhợt nhạt, và người mang vẻ cực kỳ ốm yếu. Đối với Phác Phương mà nói, đó là đoạn thời gian khốn khổ nhất của anh. Ở nơi bị giam giữ, ngày tam phục, thịnh hạ, mà Phác Phương không biết nóng, chỉ thấy lạnh từ trong lòng lạnh ra. Anh chỉ còn biết hút thuốc, đó là việc duy nhất để gửi gắm tấm lòng mình. Anh nhờ bọn canh gác mua cho anh hơn hai hào một bao thuốc, anh hút liên tục, cả một ngày anh chỉ dùng có ba que diêm vào sớm, trưa, tối. Có một hôm qua tiếng loa inh tai nhức óc, anh nghe được bọn tạo phản sẽ gộp anh vào với những người anh hoàn toàn không quen biết, định cho cái tội “tiểu tập đoàn phản đảng”. Anh biết rằng, bọn tạo phản quyết không buông tha anh, bọn chúng giam cầm anh, thẩm vấn anh, ngược đãi anh, rồi lại quàng cho anh cái tội “phần tử phản đảng”, “phản cách mạng”, bọn chúng sẽ huỷ hoại tới cùng, tới triệt để cái quyền chính trị tôn nghiêm trên con người anh.

Nhiều người có thể đã đọc cuốn “Tạp cảm chuồng trâu” của Lý Tiễn Lâm tiên sinh. Trong sách, Lý Tiễn Lâm tiên sinh đã mô tả rất tỷ mỷ những hành động tội ác hại người của bọn Nhiếp Nguyên Tử, phái tạo phản của trường đại học Bắc Kinh thời kỳ Cách mạng văn hoá. Phàm là những người đã đọc qua sách này, nhất định sẽ hiểu hết lòng ác độc của phái tạo phản trường đại học Bắc Kinh. Trường đại học Bắc Kinh, một trường đại học danh tiếng nhất trong toàn quốc, bỗng dưng biến thành trại tập trung của bọn phát xít, thành một bản doanh hành hạ ngược đãi con người của lũ khát máu hôi tanh. Ở chính nơi này, không biết bao nhiêu người đã bị oan uổng, ngậm hờn, bị chỉnh đốn, bị bức hại, không biết bao nhiêu con người trong vũ đấu, trong tố đấu, trong tra tấn đã trở thành tàn phế, thiệt mạng, có một giáo sư không cam chịu bị ngược đãi, bị sỉ nhục, đã tự đi tìm lấy cái chết, đã tự sát nhiều lần, đã dùng tới mọi biện pháp như nhảy lầu, uống thuốc (độc), cắt mạch máu, nằm trên đường tàu, cho điện giật... lần thứ nhất không thành, làm lần thứ hai, lần thứ hai không thành, làm lần thứ ba, lần thứ ba không thành, làm lần thứ tư.

Một học sinh phản đối Nhiếp Nguyên Tử, đã bị dùng đinh đóng xuyên suốt xương bánh chè, dùng tăm tre xuyên vào mười đầu móng tay, dùng kìm kéo rút từng đốt xương ngón tay, rồi nhét vào bao tải, đá lăn từ trên hè xuống đất, rồi dùng cực hình tra tấn cho đến khi hơi thở lịm dần. Nguyên bí thư đảng uỷ kiêm hiệu trưởng trường Đại học Bắc Kinh, ông Lục Bình, bị buộc đây thép vào hai đầu ngón tay cái, treo lên trần nhà để tra tán bức cung, buộc phải thừa nhận là “đảng viên giả”, là “phản bội”. Nhà triết học nổi tiếng Phùng Định cũng bị bức tử đến ba lần. Những điều vừa nói trên đây chỉ là một vài ví dụ.

Trong thời gian Cách mạng văn hoá tại trường đại học Bắc Kinh đã có ba người chết trong các cuộc võ đấu, giáo sư, thầy giáo, sinh viên đã bị bức hại đến chết có trên sáu mươi người, trong đó có nhà sử học nổi tiếng Tiễn Bá Tán, nhà vật lý nổi tiếng Nhiêu Dục Thái và nhiều học giả khác, đều là những người đã từng được vinh dự phong tặng danh hiệu giáo sư cấp Một. Nhiếp Nguyên Tử và đồng bọn ở trường đại học Bắc Kinh đã phạm những tội tầy trời không có tre trúc nào ghi hết!

Bây giờ nhìn lại, dù nhìn theo góc độ đạo nghĩa, hay nhìn theo góc độ pháp luật, không còn nghi ngờ gì nữa, rõ ràng rằng, cả bọn Nhiếp Nguyên Tử, tội lỗi ngập trời, không có cách gì dung tha được. Nhưng vào những năm tháng đó, lại chính là những năm tháng chúng làm chúa tể, chính là những năm tháng bất thường do bọn tạo phản lang sói cầm quyền.

Hoa viên Yến Nam tiêu điều, tiêu điều tới mức sinh linh tàn tạ. Hồ Vô Danh ngầu đục, ngầu đục đến mức bùn rác nổi lên. Cái mùa hè năm 1968 đó, đúng là nóng dị thường, dài dị thường, tới mức con người không sao chịu đựng nổi.​
 
12. Thanh la não bạt diễn trò Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình

Trong hội nghị mở rộng lần thứ 12 của khoá 8 triệu tập hồi tháng 10.1968, Mao Trạch Đông không phản đối việc bảo lưu đảng lịch cho Đặng Tiểu Bình, điều đó càng làm cho Lâm Bưu, Giang Thanh cùng phe cánh thắc thỏm, bất an.

Lâm Bưu tuy đã được Mao Trạch Đông chỉ định làm người kế cận, nhưng ông ta hiểu một cách sâu sắc rằng, nếu ngày nào Đặng Tiểu Bình còn chưa bị đánh đổ, thì sự uy hiếp ông ta vẫn còn ngày đó. Duy chỉ có mỗi một nước là đẩy Đặng Tiểu Bình vào cửa tử, thì mới hết được nỗi lo lắng về sau. Lâm Bưu, Giang Thanh chỉ thị cho Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình gấp rút làm việc.

Giang Thanh, Khang Sinh đã nhiều lần ra chỉ thị cho Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình, nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng nhất là phải nhanh chóng tấn công đột kích vào vấn đề tự thú sự phản bội trong quá khứ. Văn phòng hai của ban chuyên án trung ương cần phải tăng cường lực lượng điều tra bên ngoài giúp cho Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình, phải rút người từ “Tổ chuyên án Diệp Hướng Chân” (con gái Diệp Kiếm Anh) hiện đang ở khách sạn Kinh Tây bổ sung sang.

Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình, với binh hùng tướng mạnh phải gấp bước tăng nhanh hoạt động thu thập chứng cứ từ khắp bốn phương tám hướng.

Nhóm đi Thiểm Tây điều tra tình hình của Đặng Tiểu Bình do đảng biệt phái tới quân đội của Phùng Ngọc Tường hồi đầu năm 1927(1).

Nhóm đi Thượng Hải điều tra tình hình công tác tại trung ương đảng năm 1927, và hai lần “Ra trận bỏ trốn” từ quân đoàn Hồng quân số 7 ở Quảng Tây về Thượng Hải báo cáo công tác vào hai năm 1928 và 1930, đồng thời điều tra xét hỏi những người có liên quan tới thời kỳ Đặng Tiểu Bình vừa học vừa làm ở Pháp.

Nhóm đi An Huy điều tra tìm kiếm xem có đầu mối “phản bội” nào, khi Đặng Tiểu Bình là đại biểu trung ương, đi thị sát công tác của tỉnh uỷ An Huy vào năm 1931 không.

Nhóm đi Giang Tây phải điều tra toàn diện hết mọi hoạt động của Đặng Tiểu Bình vào năm 1931, sau khi tới khu Xô-viết trung ương.

Nhóm đi Quảng Tây điều tra mọi hoạt động của Đặng Tiểu Bình tại căn cứ địa cách mạng Hữu Giang vào quãng trước sau năm 1929. Nhóm đi Hồ Bắc điều tra thẩm vấn em trai Đặng Tiểu Bình là Đặng Khẩn, nguyên là phó thị trưởng thành phố Vũ Hán.

Nhóm đi Tứ Xuyên điều tra thẩm vấn họ hàng Đặng Tiểu Bình và những hoạt động “phản cách mạng” tại quê hương.

Nhóm đi Thiên Tân, tìm người, điều tra tình hình khi Đặng Tiểu Bình ở trong quân đội của Phùng Ngọc Tường. Họ còn cử người đến Quảng Đông, Ninh Hạ, Hồ Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và một số nơi khác tìm những người dưới quyền Đặng Tiểu Bình ngày xưa để điều tra, tìm chứng cứ. Những nhân viên Tổ chuyên án với “trách nhiệm nặng nề trên vai” không dám chậm trễ chút nào. Họ, ngựa tốt ra roi, không nề gian khổ, tung hoành khắp nơi tìm chứng cứ, chỉ nhóm ba người đi Quảng Tây, trong vòng không đây hai tháng, họ đã chạy hết bốn khu, mười hai huyện, hói cung, thẩm vấn hơn hai trăm người.

Đó là chuyện ở các tỉnh bên ngoài. Còn ở Bắc Kinh, Tổ chuyên án cũng chẳng nhàn nhã gì. Mùa hè năm 1969, đội nắng thiêu đốt, nhân viên Tổ chuyên án chạy vạy khắp nơi khắp chốn, để tìm những nhân chứng ở Bắc Kinh để tiến hành điều tra, những lão đồng chí như Đằng Đại Viên(2), Viên Nhiệm Viên(3), Mạc Văn Hoa(4) v.v..., nói chung đều bị thẩm vấn. Trong khi thẩm vẩn, bọn nhân viên Tổ chuyên án phải đối mặt với những người vốn là những lão tướng quân, lão đồng chí. Những vị đảng viên ******** lão thành đã từng thân chinh bách chiến đối với những lời tra vấn hiểm độc đầy dụng ý xấu của Tổ chuyên án, có người trả lời với sự thực sự cầu thị của mình, có người dứt khoát né tránh hoặc dứt khoát không thèm đáp lại.

Khi Tổ chuyên án tìm tới đại tướng quân Trương Vân Dật (Trương Vân Dật: đã cùng Đặng Tiểu Bình lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bách Sắc, xây dựng quân đoàn Hồng quân số 7 và là quân đoàn trưởng quân đoàn số 7 này) đã bị ăn món cửa đóng then gài với cái cớ là “Thủ trưởng không được khoẻ”. Tổ chuyên án cuống queo như bị trúng phong. Ngay cả Hoàng Vĩnh Thắng và Ngô Pháp Hiến cũng đích thân ra dàn xếp, bố trí, và cũng chẳng thèm biết trời cao đất dày ra làm sao, dám tìm đến Nhiếp Vinh Trăn, nguyên soái nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, phó chủ tịch hội đồng Quân uỷ trung ương để điều tra thẩm vấn.

Ngày 20.7.1969, trong mọi phòng họp - nhỏ của khách sạn Kinh Tây, nguyên soái Nhiếp Vinh Trăn, một con người đạo cao đức trọng, ngồi trong chiếc ghế mây, trước mặt nhân viên Tổ chuyên án để trả lời từng câu hỏi một. Trong những ngày trai trẻ, bắt đầu từ khoảng đầu những năm hai mươi, nguyên soái Nhiếp Vinh Trăn ở Pháp vừa học vừa làm, ông đã là chiến hữu của Đặng Tiểu Bình, hiểu biết nhau vô cùng sâu sắc. Họ bắt ông nói về Đặng Tiểu Bình, mà những điều ông biết về Đặng Tiểu Bình lại quá nhiều, nên mỗi lần nói là ông nói rất dài, có khi dài tới bốn mươi phút. Trong câu chuyện của ông chừng như ông đã đem lý lịch của người bạn chiến đấu cũ đọc lại một lượt suốt từ đầu tới cuối, còn như “tội trạng” và những “vấn đề” của Đặng Tiểu Bình mà nhân viên Tổ chuyên án đòi hỏi, yêu cầu, thì đến nửa chữ ông cũng không nhắc tới. Cuối cùng Nguyên soái Nhiếp Vinh Trăn chỉ nói thêm một câu:

- Thôi nhé, trong người tôi không được khoẻ lắm, hôm nay chỉ nói đến đây thôi.

Sau đó, cùng với người thư ký của mình, ông đi thẳng, không thèm ngoái đầu nhìn lại.

Nhân viên Tổ chuyên án ngồi nghe đến chán chê ra, vậy mà chẳng thu lượm được một tý gì cả, không khỏi ảo não đến xỉu người, hậm hực rút về văn phòng làm việc của họ ở đường Thuý Vi.

Bắt đầu từ 6.1968, trong vòng thời gian một năm rưỡi, để truy tìm những tội trạng, vốn được gọi là bản tự thú phản bội” của Đặng Tiểu Bình, Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình, trước sau đã cử 93 nhóm đi điều tra ở bên ngoài, với hai trăm hai mươi ba lượt người đi làm công việc ấy, đến những vùng đất thuộc năm mươi tỉnh, thành phố, và khu tự trị, hơn một trăm bốn mươi thị xã, phủ huyện, với hành trình hơn ba mươi vạn cây số. Chỉ riêng lại Bắc Kinh, họ đã đi về, ra vào gần một trăm đơn vị, cơ quan như: ban tổ chức trung ương, ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Giao thông, Bộ Công an, ban. Thống nhất, Bộ Công nghiệp hoá chất, ban Cơ yếu số 1, ban Cơ yếu số 7, Bộ Thuỷ sản, Tổng cục Chính trị quân Giải phóng, Văn phòng trung ương, Ban kiểm tra trung ương, cục Cơ yếu Văn phòng trung ương, ban Văn hoá đối ngoại, Tân Hoa xã, báo Nhân dân, Uỷ ban cách mạng thành phố Bắc Kinh, đội Cảnh bị bảo vệ Bắc Kinh, Tổng công đoàn toàn quốc, hội Phụ nữ trung ương, Tổng cục hàng không dân dụng, Viện khoa học cùng các viện phụ thuộc, ban Tôn giáo, Trường đảng cao cấp trung ương, Viện bảo tàng lịch sử trung ương, Bộ tư lệnh không quân, Bộ tư lệnh hải quân, đại học nông nghiệp Bắc Kinh, Học viện chính trị quân giải phóng, Toà án Nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhân dân Trung quốc, cục biên dịch chủ nghĩa Mác-Lê, Viện khoa học Đông y Trung quốc, xí nghiệp đầu máy toa xe 7-2 Bắc Kinh, ban cải cách dân chủ trung ương, trại giam Tân Thành v.v...

Lịch trình cách mạng của Đặng Tiểu Bình dài như thế, những nơi đã từng làm việc nhiều như thế, diện liên quan rộng khắp như vậy, mà điều tra cho toàn diện cũng đã đầy rẫy những khó khăn rồi. Có thể nói, công việc của Tổ chuyên án cũng tốn kém khá nhiều sức lực, trong khi cặm cặm cụi cụi, lật đi lật lại, đổ ra không biết bao nhiêu công trình sức lực để điều tra nghiên cứu họ mới viết ra được một bản báo cáo điều tra trình cho Khang Sinh, Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Diệp Quần, Lý Tác Bằng, song có điều rất đáng tiếc là: “Về vấn đề quá khứ của Đặng Tiểu Bình, sau khi đã điều tra kỹ lưỡng, thấu đáo nhiều lần, thì cho đến trước mắt mà nói, trừ việc vào đoàn, chuyển đảng còn chưa gặp được nhân chứng trực tiếp, và ngoài việc chấp hành đường lối có cơ hội chủ nghĩa, thì không điều tra được đầu mối nào về việc bị bắt, phản bội, liên lạc với địch cùng những vấn đề trọng đại khác”.

Từ “vấn đề quá khứ” được coi là trọng yếu nhất, Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình bị rơi vào vô vọng, hẫng hụt. Tổ chuyên án không tìm được vấn đề quá khứ, nên đành bắt tay vào sáng tác “vấn đề hiện tại”. Trong báo cáo nói trên, bọn đó viết. “Đặng Tiểu Bình cùng đồng bọn là Dương Thượng Côn phạm vào hai phản tội lớn là lộn sòng vào bên cạnh Mao Chủ tịch để nghe trộm, thu nạp bọn đầu hàng phản bội, bao che cho kẻ xấu, phản bội, đặc vụ... Đã thu thập được không ít chứng cứ chuẩn bị đưa trình thủ trưởng thẩm duyệt. Trong công tác bước sau, chúng tôi sẽ lấy trọng điểm là nhằm vào điều tra các vấn đề: làm chính biến phản cách mạng, những hoạt động với các âm mưu tiếm quyền trong đảng, trong chính phủ và thông tin, liên lạc với nước ngoài, tương ứng với tội “tam phản” của bọn chúng”. Ba ngày sau, Khang Sinh son phê đồng ý, đồng thời đưa văn kiện đó cho Chu Ân Lai, Trần Bá Đạt, Giang Thanh, Tạ Phú Trị v.v... xét duyệt.

Trong khi điều tra, Tổ chuyên án chỉ còn duy nhất một điểm nghi vấn, đó là vấn đề vào đảng của Đặng Tiểu Bình, sẽ có kết luận trong nay mai.

Khi bản báo cáo nói trên được chuyển tới chỗ Chu Ân Lai, Chu Ân Lai đã ghi vào phần cuối: “Đặng Tiểu Bình vào đoàn trong thời kỳ vừa học vừa làm tại Pháp, việc chuyển đảng có tôi và đồng chí Lý Phú Xuân, Thái Sướng(5) đều biết”. Hoàn toàn có thể tưởng tượng được rằng, bọn người ở Tổ chuyên án kia cùng với cấp trên của chúng đã thất vọng nhường nào khi nhìn thấy những dòng chữ đó của Chu Ân Lai.

Nhưng, công tác điều tra trống giong cờ mở của Tổ chuyên án không phải cuốn cờ tắt trống từ đây. Bắt đầu từ nửa cuối năm 1969, bằng vào chỉ ý của Lâm Bưu, Giang Thanh và một số người khác, Tổ chuyên án còn tóm chặt hơn nữa “vấn đề hiện tại” đối với Đặng Tiểu Bình. Trong trại giam Tân Thành, chúng thẩm vấn Bành Chân, Lưu Lan Đào(6), Lý Sở Ly(7) v.v..., tại trại giam Tiểu Thang Sơn, chúng thẩm vấn An Tử Văn v.v..., tại một doanh trại ở ngoại ô Bắc Kinh chúng thẩm vấn Dương Thượng Côn, trong một phòng giam nhỏ của tổng cục chính trị ở Tây Đan, chúng thẩm vấn Tiêu Hoa(8), trong phòng giam của văn phòng khu cảnh bị bảo vệ Bắc Kinh, chúng thẩm vấn Vương Tòng Ngô(9), lại trường cải tạo cán bộ giao thông, chúng thẩm vấn Tiến Anh(10), rồi còn thẩm vấn riêng rẽ Phan Hán Niên(11), Lưu Hiểu, Liêu Chí Ca(12). Họ cũng còn đến Bộ Ngoại giao gặp Trần Nghị, và tại ban Văn hoá đối ngoại tìm Khuất Vũ(13), Tiểu Tam(14), đến ban cơ yếu số 1 tìm Giang Trạch Dân(15), đến đội quân quản của Tổng cục chính trị tìm Phó Chung(16) và những người ở trường cải tạo cán bộ 7-5. Trung trực như Tăng Tam(17), Lý Chất Trung(8), Đặng Điển Đào(19), trường đảng cao cấp Phạm Nhược Ngu(20), cho đến Viên Nhiễm Viễn, Trương Chấn Cầu(21), Đặng Tốn Luân(22) đều bị điều tra xét hỏi.

(1) Phùng Ngọc Tường, tướng lãnh cao cấp của Quốc Dân đảng, nổi tiếng là người yêu nước tiến bộ. Năm 1927, Đặng Tiểu Bình đã được phái tới quân đội của Phùng Ngọc Tường làm giáo viên giảng dậy chính trị

(2) Đằng Đại Viên: đã từng là phó tư lệnh quân khu Tán, Dục, Lỗ, Dự (tên khác của các tỉnh Sơn Tây, Hà Bắc, Sơn Đông, Hà Nam (N.D) và là thường vụ trung ương cục bốn tỉnh nói trên, là cấp dưới của Đặng Tiểu Bình

(3) Viên Nhiệm Viên: đã từng tham gia cuộc khởi nghĩa Bách Sác do Đặng Tiểu Bình và một số người khác lãnh đạo, từng là trưởng khoa hành chính tổng hợp phòng chính trị quân đoàn Hồng quân số 7, kiêm chủ nhiệm phòng chính trị trung đội số 2 và uỷ viên chiến trường

(4) Mạc Văn Hoa: đã từng tham gia cuộc khởi nghĩa Bách Sác do Đặng Tiểu Bình và một số người khác lãnh đạo. Đã từng là tham mưu ban sơ yếu Quân đoàn Hồng quân số 7

(5) Thái Sướng: mùa đông năm 1919 sang Pháp vừa học vừa làm, năm 1922 với Đặng Tiểu Bình cùng tuyên thệ gia nhập đoàn Thanh niên xã hội chủ nghĩa, năm 1923 chuyển sang Đảng cộn.g sản Trung quốc

(6) Lưu Lan Đào: đã từng là bí thư dự bị của Ban bí thư trung ương Đảng cộn.g sản Trung quốc, phó bí thư Ban Kiểm tra trung ương đảng, bí thu thứ nhất cục Tây Bắc của Đảng ********.

(7) Lý Sở Ly: đã từng là uỷ viên ban Kiểm tra trung ương, phó ban tổ chức trung ương.

(8) Tiêu Hoa: đã từng là chủ nhiệm tổng cục chính trị quân Giải phóng Nhân dân Trung quốc.

(9) Vương Tòng Ngô: đã từng là phó bí thư ban Kiểm tra trung ương

(10) Tiến Anh: đã từng là phó bí thư ban Kiểm tra trung ương

(11) Phan Hán Niên: đã từng là trưởng ban Xã hội cục Hoa Đông của trung ương.

(12) Liêu Chí Cao: đã từng là bí thư của ban bí thư cục Tây Nam của trung ương Đảng cộn.g sản Trung quốc, bí thư thứ nhất tỉnh uý Tứ Xuyên Đảng ******** Trung quốc

(13) Khuất Vũ, bạn học của Đặng Tiểu Bình ở trường đại học Trung Sơn tại Mat-xcơ-va.

(14) Tiêu Tam: đã từng cùng với Đặng Tiểu Bình vừa học vừa làm tại Pháp.

(15) Giang Trạch Dân: đã từng cùng với Đặng Tiểu Bình vừa học vừa làm ở Pháp

(16) Phó Chung đã từng cùng với Đặng Tiểu Bình vừa học vừa làm tại Pháp.

(17) Tăng Tam: đã từng là phó chủ nhiệm Văn phòng trung ương đảng cộn.g sản Trung quốc, trưởng phòng hồ sơ trung ương.

(18) Lý Chất Trung: đã từng là cục trưởng cục Cơ yếu Văn phòng trung ương đảng c.ộng sản Trung quốc, phó chủ nhiệm Văn phòng trung ương Đảng.

(19) Đặng Điển Đào: phó chủ nhiệm Văn phòng trung ương Đảng c.ộng sản Trung quốc kiêm trưởng phòng hành chính cơ quan văn phòng.

(20) Phạm Nhược Ngu: đã từng làm hiệu phó trường đảng trung ương.

(21) Trương Chấn Cầu: đã từng tham gia cuộc khởi nghĩa Bách Sắc do Đặng Tiểu Bình và một số người khác lãnh đạo, đã từng là đội trưởng đội tuyên truyền phòng chính trị quân đoàn Hồng quân số 7.

(22) Đặng Tốn Luân: đã từng là chủ nhiệm chính trị ban hậu cần của Dã chiến quân thứ hai

 
12. Thanh la não bạt diễn trò Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình (tiếp)

Giờ đây nhìn lại, họ đã phải bỏ ra không biết bao nhiêu nhân lực, đi đến không biết bao nhiêu địa phương, để tiến hành xét hỏi điều tra không biết bao nhiêu cuộc như thế, bỏ ra không biết bao nhiêu tâm cơ độc chăng lưới bủa vây vơ quét cuối cùng lại rơi vào cái kết quả không có kết quả. Cái Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình này, thực sự có thể nói rằng đã uổng công vô ích, hoặc cũng có thể nói là đã điều binh khiển tướng đánh vào chỗ không người, thật đáng tiếc.

Số phận của Tổ chuyên án, khi làm đã khốn khổ, khi xoá lại còn khốn khổ hơn. Đến năm 1970, trước hết là trong đại hội toàn thể lần thứ 2 khoá 9 vào tháng tám, Trần Bá Đạt bị phê phán, tiếp theo đến ông trùm làm chuyên án là Khang Sinh ốm liệt giường liệt chiếu không dậy được, còn tập đoàn Lâm Bưu lại đang bận bịu giao đấu với Mao Trạch Đông. Những nhân vật to đầu trên đây đều bận rộn với công việc đại sự, của riêng mình, nên công tác của Tổ chuyên án cũng bị bỏ bễ đi lập tức, đặc biệt là đến khoảng cuối năm, gần như bị quẳng vào một xó hẻo lánh nào đó.

Nếu cứ để Tổ chuyên án sống không ra sống, chết chẳng ra chết cũng sẽ chẳng biết thế nào, nên họ quyết định viết một cái báo cáo lên trên để thăm dò tình hình.

Ngày 28.11.1970, họ dùng danh nghĩa “Tổ chuyên án Hạ Long” viết một bản báo cáo gửi Khang Sinh, Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Diệp Quần, đề nghị cho họ tới những bộ môn có liên quan đề tiếp tục điều tra về vấn đề “tội tam phản”, tội “kết nạp thu dung những tên đầu hàng phản bội” v.v... Ngô Pháp Hiến vừa mới bị Mao Trạch Đông phê bình tại đại hội toàn thể lần thứ hai khoá 9, nên không dám khinh suất manh động, ông ta đem văn kiện đó gửi tới cho Chu Ân Lai và Uông Đông Hưng. Mấy hôm sau, Tổ chuyên án nhận được bản báo cáo đó chuyển trả về.

Trên giấy trắng mực đến có dòng bút phê của Chu Ân Lai: “Kính gửi đồng chí Uông Đông Hưng, toàn bộ văn kiện này là văn kiện công khai, đề nghị đồng chí duyệt xét, xem xem nên như thế nào. Tôi còn nhớ rằng, khi điều Đặng Tiểu Bình và Đàm Chấn Lâm đi xa (hạ phóng), hai Tổ chuyên án của hai người đã giải tán rồi”.

Nhìn dòng bút phê của Chu Ân Lai, Tổ chuyên án giật thót mình kinh hãi. Thì ra Tổ chuyên án đã bị giải tán từ hơn một năm trước, vậy mà nhân viên Tổ chuyên án lại không hay biết gì cả. Thế này là thế nào nhỉ?

Trong tình thế đó, Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình đành phải viết một báo cáo cuối cùng gửi Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Htến và một số người khác nói rằng: “Nếu như đã quyết định giải tán Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình, chúng tôi sẽ kết thúc công tác điều tra, và có nên tiếp tục gửi nốt bán báo cáo điều tra về tội trạng tam phản cũng như tội kết nạp thu dung bọn đầu hàng phản bội của Đặng Tiểu Bình nữa không?”.

Bán báo cáo cuối cùng này cho đến tận nửa tháng sau vẫn chưa có một ai đáp lời. Tận đến ngày 24.12.1970, thư ký của Ngô Pháp Hiến mới đến chỗ Tổ chuyên án triệu tập toàn thể nhân viên của tổ họp, nói: “Báo cáo về vấn đề Đặng Tiểu Bình mà các đồng chí gửi lên, và cả báo cáo trước đây đã có bút phê của đồng chí Chu Ân Lai, các thủ trưởng đều đã đọc qua, các thủ trưởng cho tôi nói với các đồng chí rằng, các loại báo cáo đều không cần gửi tới nữa, vụ án Đặng Tiểu Bình cũng không tiếp tục làm nữa. Tài liệu điều tra cứ tạm thời lưu ở chỗ các đồng chí đây, và các đồng chí cứ tạm thời chờ đợi”.

Đợi mà chẳng cân chờ, mỗi người trong Tổ chuyên án đều biết rằng, sứ mạng của họ đã kết thúc, Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình kẻ từ khi thành lập đến nay, cũng đã qua được một thời gian là hai năm rưỡi, và bây giờ đã bị giải tán âm thầm, không kèn không trống, im hơi lặng tiếng kết thúc, thật đúng là thời vận xui xẻo, thương thay, bi thay”​
 
13. “Đại hội 9” và “tiếp tục cách mạng”

Tháng 4.1969, đại hội đại biểu toàn quốc khoá 9 của Đảng Сộng sản Trung quốc khai mạc tại Bắc Kinh dưới sự chủ trì trực tiếp của Mao Trạch Đông.

Đối với Mao Trạch Đông mà nói, đại hội đại biểu của đảng lần này là một bước vô cùng trọng yếu để duy trì và giữ vững đường lối cách mạng phòng xét lại và chống xét lại.

Đại thành quả của đại hội này là:

Tại hội nghị, về mặt chính trị, khẳng định thêm một lần nữa lý luận đấu tranh giai cấp của Mao Trạch Đông, chính thức quy định đấu tranh giai cấp là đường lối cơ bản trong giai đoạn lịch sử xã hội chủ nghĩa, (đồng thời cũng lấy cái đó để khẳng định thêm một lần nữa tính “tất yếu” và tính kịp thời” mở rộng Đại cách mạng văn hoá.

Đại hội thông qua việc sửa chữa điều lệ đảng, chính thức xác định bằng văn bản việc Lâm Bưu là người bạn chiến đấu thân thiết và người kế cận của Mao Trạch Đông.

Đại hội bầu chọn ban chấp hành trung ương khoá mới, đưa hàng loạt những kiện tướng Cách mạng văn hoá và những kẻ to đầu của phái tạo phản vào ban chấp hành trung ương, để bảo đảm về mặt tổ chức cho việc thi hành đường lối. phương châm và lý luận của “cánh tả”

Sau đại hội là họp ngay hội nghị toàn thể trung ương lần thứ nhất khoá 9. Trong hội nghị này đã bầu chọn cơ cấu trung ương của đảng. Mao Trạch Đông là chủ tịch Ban chấp hành trung ương, Lâm Bưu là phó chủ tịch, tướng tiên phong của Cách mạng văn hoá là Giang Thanh, Trương Xuân Kiệu. Diêu Văn Nguyên, Trần Bá Đạt, Khang Sinh, Tạ Phú Trị cùng đồng bọn sinh tử của Lâm Bưu là Hoàng Vĩnh Thắng, Lý Tác Bằng, Khưu Hội Tác, Ngô Pháp Hiến, Diệp Quần v.v..., những cốt cán, thân tín của hai tập đoàn lớn là Lâm Bưu và Giang Thanh chiếm già nửa số ghế của Bộ chính trị, như vậy là họ nắm lại quyền trong cơ cấu lãnh đạo trung ương một cách danh chính ngôn thuận.

Trong khi đó, chắc chắn Mao Trạch Đông nhận định rằng: phong trào “cách mạng” to lớn mà ông ta phát động đã làm thảng thốt kinh động cả trong nước lẫn ngoài nước về mặt chính trị, và về mặt tổ chức đã có được một mức độ đảm bảo nhất định. Địa vị vĩ đại trong lịch sử của Cách mạng văn hoá cũng đã có thể nói rằng: được xác lập về cơ bản. Trước đó, trong đại hội lần thứ 12, ông ta đã từng nói rằng: “Đến mùa hè sang năm cũng đã tương đối rồi”.

Có thực sự là “tương đối” không?”

Thực ra, cũng còn “tương đối” xa, mà trên thực tế là quá xa kia. Ngay từ khi Cách mạng văn hoá mới bắt đầu, nó đã tạo ra bao nhiều ngả đường rẽ cũng như không biết bao nhiều trở lực. Lại bởi nó luôn luôn nảy sinh ra những sự kiện mới, như lớp sóng trước chưa tan, lớp sóng sau đã ập tới, lại bởi các đơn vị mang tính bè phái quá nghiêm trọng, nặng nề cùng những cuộc vũ đấu không ngừng không nghỉ, và vượt lên cái đó lại là do mục tiêu sai lầm cùng hành động sai lầm của phong trào Cách mạng văn hoá do Mao Trạch Đông phái động, càng khiến cho rất nhiều mâu thuẫn, rất nhiều vấn đề chẳng chịt móc vào nhau, nó giống như một mớ bòng bong khổng lồ rất nhiều đầu, rất nhiều mối, rút cũng không rút ra được, gỡ cũng không gỡ ra được, làm sao chỉ một lần đại hội mà tháo gỡ cho xong?

Mao Trạch Đông cũng đã từng tự hỏi, và tự trả lời rằng: cuộc Đại cách mạng văn hoá phải làm cho tới cùng, song đến bao giờ mới gọi là cuối cùng? Đối với vấn đề này, người khác không trả lời nổi, mà ngay trong trả lời của ông ta cũng đã hiển hiện đầy mâu thuẫn. Ông ta bảo, đến mùa hè năm 1969 đã là tương đối rồi, nhưng rồi lại nói: “Cơ sở của chúng ta chưa được ổn định, cứ theo như quan sát của tôi, không phải là tất cả, cũng không phải tuyệt đại đa số, nhưng tôi e rằng cũng có một con số kha khá lớn trong nhiều xí nghiệp, quyền lãnh đạo không nằm trong tay những người Mác - Lê chân chính và không nằm trong tay quần chúng công nhân”. Ông ta cũng nói: “Cuộc cách mạng này, vẫn còn một số công việc chưa làm xong, nên bây giờ phải tiếp tục làm như đấu tranh, phê bình phê phán, cải cách, cải tiến. Qua một số năm, có lẽ lại phải làm lại “cách mạng”. Ông ta kêu gọi phải đưa việc củng cố nền chuyên chính của giai cấp vô sản thấu triệt đến mỗi công xưởng, mỗi thôn xóm, mỗi trường học. Cứ theo cách nói như thế, Cách mạng văn hoá không những là một điều tất yếu, mà còn phải tiến hành một cách sâu rộng hơn nữa.

Tư tưởng và hiện thực của Mao Trạch “Đông tách rời nhau đến cực độ, ông ta đánh giá tình thế cực kỳ sai lầm, trọng dụng tập đoàn Lâm Bưu, Giang Thanh hết sức vô lối, dẫn tới chung cuộc là phong trào đứt cương, không thể chế ngự được. Trong những năm tháng tiếp theo của phong trào Cách mạng văn hoá, ông ta đã luôn luôn phải đối diện với những cuộc hỗn loạn, hết đợt này đến đợt khác mà trước kia chưa từng dự tính tới, và càng không muốn nhìn thấy nó. Cách mạng văn hoá đến đó đã là ba năm, nhưng chặng đường của nó phải đi qua lại chưa hết một phần ba, điều đó không có bất cứ người nào lường trước được.

Bố tôi biết được tin tức của “đại hội 9” là qua tin tức và báo chí, tuy ông thêm một lần nữa bị xác định là: “Kẻ cầm quyền lớn thứ hai trong đảng đi theo đường lối tư bản”, bị thủ tiêu hết mọi chức vụ trong cũng như ngoài đảng, song vẫn không bị khai trừ ra khỏi đảng. Với kinh nghiệm chính trị hơn bốn mươi năm, ông hiểu biết sâu sắc tính trọng yếu của việc xử lý này, và ông cũng biết chắc rằng có một sự ảo huyền nằm trong đó. Nên nhớ rằng, chỉ cần không bị khai trừ đảng tịch, tức là có lưu lại một mảnh đất sống, và còn lại một đầu đây bấu víu.

Sau đại hội 9, tức là vào ngày 3.5.1969, bố tôi viết cho Uông Đông Hưng một lá thư. Trong thư ông tỏ lòng ủng hộ mọi quyết nghị của đại hội 9, nhờ Uông Đông Hưng trình chuyển điều đó lên Chủ tịch, Phó chủ tịch và Trung ương đảng.

Trong thư, ông có hỏi rằng sau “đại hội 9”, không biết có phải đã là lúc xử lý vấn đề của ông hay chưa, và bầy tỏ rằng sẽ hết sức lắng nghe quyết định của đảng. Ông trình trước với Mao Trạch Đông rằng, ông hoàn toàn tiếp nhận những kết luận chính trị của đảng và những xử lý của tổ chức mà không có ý kiến bảo lưu, đồng thời bảo đảm rằng vĩnh viễn không bao giờ lật án. Cuối thư đề xuất, muốn diện kiến Uông Đông Hưng để nói về những cảm thụ của mình.

Đúng như lòng mong mỏi của ông, lá thư đó được chuyển tới tay Mao Trạch Đông. Mao Trạch Đông đọc xong, bèn phê chuyển cho Lâm Bưu và các uỷ viên Bộ Chính trị có mặt tại Bắc Kinh đọc. Thái độ biểu hiện đó của Đặng Tiểu Bình, nhất định có lưu lại trong lòng Mao Trạch Đông một số ấn tượng. Thứ nhất, Đặng Tiểu Bình tự nguyện tiến hành tự phê bình. Mao Trạch Đông nhận định rằng đây là một điểm vô cùng trọng yếu, bởi trong các bài nói chuyện sau này của ông ta vẫn thường nhắc tới điều này. Thứ hai, chứng minh rằng, việc Mao Trạch Đông không khai trừ Đặng Tiểu Bình ra khỏi đảng là chính xác. Một quyết định đó rất chi là đúng đắn, vì từ nay về sau vẫn còn một phục bút chính trị vô cùng quan trọng.​
 
13. “Đại hội 9” và “tiếp tục cách mạng” (tiếp)

Rất có thể là lá thư nói trên đã có tác dụng, sau “đại hội 9”, hoàn cảnh của bố tôi đã có những thay đổi đỡ hơn. Việc quan trọng nhất đối với cha mẹ tôi là họ đã cho phép con cái đến thăm nom cha mẹ. Khi ấy, tôi và em trai tôi đã đi cắm chốt ở hai nơi riêng biệt là Thiểm Tây và Sơn Tây. Chị cả Đặng Lâm tôi đi theo toàn thể sinh viên học viên Mỹ thuật dời về Tuyên Hoá tỉnh Hà Bắc lao động và tiếp nhận sự tái giáo dục của Giải phóng quân. Anh Phác Phương tôi sau khi bị liệt vẫn nằm ở bệnh viện trường đại học Bắc Kinh. Sau chỉ thị 26-12, chúng tôi đã đổi thân phận từ “phản cách mạng” thành “con cái có thể giáo dục được”. Trước và sau đại hội 9, nhất định đã có quyết định từ ai đó, sửa chữa sai lầm nên anh Phác Phương được hưởng phúc lớn là đưa tới khoa xương của bệnh viện Đâm Tích Thuỷ đề điều trị. Ở đó, Phác Phương đã thoát khói cảnh giam cầm, và một số bạn học từ trường đại học Bắc Kinh, thuộc loại sinh viên phản “cách mạng” và “cùng một lứa bên trời lận đận” (Đặng thị thiên nhai luân lạc nhân), đến thăm.

Chị hai Đặng Nam, sau chỉ thị sửa sai 26-12 đã được “tiếp nhận” trở lại trường, và ở đó chờ phân công. Sau khi Phác Phương được chuyển về bệnh viện Đầm Tích Thuỷ, có một hôm, một thuộc hạ của đại kiện tướng Tạ Tĩnh Nghi của Ban Cách mạng văn hoá trung ương đột nhiên đến gọi Đặng Nam đi. Tạ Tĩnh Nghi, một nhân vật phong vân nổi danh xủng xoảng trong Cách mạng văn hoá, chẳng hay bây giờ cái mụ to đầu này tìm Đặng Nam có việc gì? Thì ra Tạ Tĩnh Nghi muốn đến bệnh viện Đầm Tịch Thuỷ thăm Phác Phương, muốn Đặng Nam tháp tùng. Kể từ khi có phong trào “Cách mạng văn hoá hoá”, thái độ xấu, hằn học đối với lũ “con cái bọn băng đen” là chuyên cơm bữa, còn như thái độ đối với chúng tôi, mang vẻ khách khách khí khí thân ái thân yêu cũng đã thành chuyện quá đỗi ly kỳ, còn những chữ đại loại như “thăm viếng”, trong lúc trời nhập nhoạng, tối tăm, ngược lại, lại làm cho người ta thấy bứt rứt, bất yên. Nhưng cũng mong sao, qua lần “thăm viếng” của Tạ Tĩnh Nghi này, hoàn cảnh khốn khổ của Phác Phương cũng được dễ thở hơn, chí ít cũng không xấu thêm.

Sau đó không lâu, Đặng Nam nhận được thông báo của ban tuyên giáo quân đội, báo cho chị biết, chị có thể đến Trung Nam Hải thăm cha mẹ. Chợt nghe được đi thăm cha mẹ, trong lòng Đặng Nam tuy sung sướng lắm, nhưng chị vẫn chẳng tin ngay. Chị hỏi lại vẻ thăm dò: “Đã chẳng chia ranh giới dứt khoát rồi đó sao? Tôi không đi!” Người của đội tuyên giáo quân đội đáp: “Đây là do tổ chức trên cho phép, từ nay về sau tuần nào cũng được đi”.

Tất cả mọi nghi vấn, bất an trong lòng Đặng Nam phút chốc đã bị quét sạch, chị nhảy lên xe ô-tô buýt mà lòng như lửa đốt, chỉ muốn mau mau chóng chóng bay về phía Trung Nam Hải.

Ở Trung Nam Hải, cha mẹ tôi nhận được thông báo, cho biết rằng chiều thứ bảy sẽ có con đến thăm, hai ông bà cũng sung sướng đến cực độ. Cần nhớ rằng. Đã gần hai năm, gần hai năm chưa được gặp mặt con rồi. Trong vòng gần hai năm đó, mỗi ngày mỗi đêm, mỗi đêm mỗi ngày, ông bà thương nhớ các con biết nhường nào. Vậy mà hôm nay, cuối cùng cũng đã được gặp con.

Đến trưa, hai ông bà già không sao ngủ trưa được. Ăn cơm xong là cứ chong chóng ngồi chờ. Mong mong, ngóng ngóng, lâu lắm mới thấy Đặng Nam tới. Cuộc cửu biệt trùng phùng một bên có tiếng gọi cha gọi mẹ thân yêu, một bên hai ông bà có lại những nụ cười thân thương đã từ lâu váng bóng, cả nhà như chìm vào một niềm vui bất tận. Sau này mẹ tôi nói: “Hai năm chẳng được gặp con, bây giờ nhìn lại, Đặng Nam đã nhớn nhao thành cô gái lớn rồi, thon thả, thướt tha lại càng xinh đẹp”. Mẹ ngắm nhìn con gái, quá thật là càng ngắm nhìn càng thêm yêu quý. Bố tôi, khi đau buồn, ông chẳng nói gì, khi vui vẻ cũng vẫn chỉ là như thế, ông chỉ lặng lẽ nhìn hai mẹ con từ lúc gặp nhau đã xổ ra không biết bao nhiêu chuyện, lặng lẽ mỉm cười. Mẹ tôi vẫn cứ tưởng rằng, họ đã cho con cái tới thăm, chắc hẳn là phải cả đám, nhưng khi đến, lại có mỗi mình Đặng Nam, bà hỏi: “Sao lại chỉ có mình con?” Đặng Nam báo cho mẹ biết, Đặng Lâm theo trường học tới Tuyên Hoá, Hà Bắc, cùng lao động với bạn học ở đó, Mao Mao đi cắm chốt ở khu vực Diên An, Thiểm Bắc, Phi Phi đi cắm chốt ở huyện Hân, tỉnh Sơn Tây. Các em đều vẫn viết thư về đều khỏe mạnh cả. Mẹ tôi hỏi: “Cu Mập ra sao?” Cu Mập chính là tên sữa của Phác Phương. Đặng Nam không dám nói, bèn đánh trống lảng: “Mẹ ơi, tóc con bẩn quá, con phải đi gội đầu một cái!” Nói xong liền chạy vào trong nhà về sinh, vặn vòi nước rồi gội đầu. Mẹ tôi cảm thấy có chuyện gì đó, theo luôn chị vào nhà vệ sinh. Đặng Nam càng lẩn tránh, càng không dám nói, như mẹ tôi vẫn cứ một mạch hỏi han. Cuối cùng Đặng Nam đành phẩi đem hết mọi chuyện ra nói hết cho mẹ nghe. Nghe xong, mẹ tôi khóc. Bà không thể ngờ được rằng, đứa con của mình lại bị đẩy vào cảnh khổ ấy. Nỗi mừng vui hoan hỉ kể từ lúc con gái về nhà, nay đã bị quét trắng. Ruột gan bà như bị đâm chém, bà không nén nổi nỗi đau thương ấy, nên cứ nghĩ là khóc, nghĩ tới là lại bật khóc, bà khóc ròng rã ba ngày ba đêm, bố tôi vẫn chẳng nói một câu, chỉ lẳng lẽ hút thuốc lá, điếu nọ tiếp điếu kia. Sau khi Đặng Nam đã ra về, bố tôi mới an ủi mẹ tôi, một khi sự việc đã xảy ra như thế, bây giờ phải nghĩ hết cách để chữa trị cho con.

Gặp lại được người thân, vốn là phải vui, nhưng trong những năm tháng đó, đối với chúng tôi mà nói, vui mừng và hoan hỉ chỉ là chuyện trong nháy mắt mà thôi, đồng thời bất kể vào giờ phút nào, nỗi đau khổ và bi thương lại ăm ắp đầy tràn.

Biết con bị liệt, tấm lòng người cha nào lại có thể bình lặng được. Ông viết cho Mao Trạch Đông một lá như, đề nghị trên tổ chức thu xếp cho Phác Phương được điều trị chu đáo hơn. Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đều có bút phê. Chủ nhiệm văn phòng trung ương đảng, Uông Đông Hưng liên hệ với bệnh viện 301 Giải phóng quân. Bệnh viện 301 lại trực thuộc tổng cục hậu cần, mà tổng cục trưởng tổng cục hậu cần lại là Khưu Hội Tác, kiện tướng của Lâm Bưu. Trong khi Lâm Bưu đang cầm quyền, nên lãnh đạo bệnh viện 301 từ chối không chịu nhận “người có vấn đề”. Khi đó, ngay đến cả nguyên soái Trần Nghị khi ngã bệnh, muốn vào điều trị ở bệnh viện 301, bệnh viện cũng không chịu tiếp nhận. Lần này lại định đưa con của “tên số hai đi theo đường lối tư bản”, đương nhiên là bệnh viện n 301 không muốn tiếp nhận rồi. Uông Đông Hưng đành phải đưa những lời bút phê của Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai ra cho họ đọc mới đưa được Phác Phương vào bệnh viện 301. Khi có Lâm Bưu nắm quyền hành trong quân đội, thì ngay đến văn phòng trung ương đảng muốn làm một việc gì, cũng khó khăn thế đấy..

Ngày 5.8.1969, Phác Phương từ bệnh viện Đâm Tích Thuỷ chuyển sang khoa ngoại của bệnh viện 301. Khi còn ở bệnh viện Đầm Tích Thuỷ, về cơ bản mà nói, chẳng có khám xét điều trị gì. Cũng đã từng có mm giáo sư cao tuổi xem xét, chẩn bệnh cho Phác Phương. Nhưng chính vị giáo sư này cũng đang có vấn đề về “quyền uy học thuật của giai cấp tư sản”, và cũng đang bị đả kích đấu đá, cho nên cũng chẳng dám đưa ra phương án điều trị căn bản nào. Phác Phương bị viêm đường tiết niệu nên thường sốt cao, vì không chú ý khi tiêm steptomicin, nên bệnh viện đã làm tai anh hoàn toàn mất thính giác (điếc), nhưng trong sự hỗn loạn của Cách mạng văn hoá, chẳng có ai phải chịu trách nhiệm cả. Sau khi đến bệnh viện 301, họ cho Phác Phương ở riêng một phòng, lúc đầu họ canh giữ rất nghiêm, không cho phép bất cứ người nào được tuỳ tiện ra vào nhưng về sau cũng nới lỏng dần. Ở đây, Phác Phương vẫn thường xuyên bị viêm tắc đường tiết niệu và luôn bị sốt cao. Nhưng bệnh viện cũng đã bắt đầu tiến hành xét nghiệm và chữa trị, đồng thời dùng thêm châm cứu dế chữa liệt. Không khí cũng đã có phần dễ thở, tâm trạng của Phác Phương cũng đã có những đổi thay. Con được vào nằm trong bệnh viện 301 tất nhiên cha mẹ tôi cũng thấy phấn khởi trong lòng, ông bà hy vọng con mình được chữa chạy ở mức độ tốt nhất, muốn xem xét liệu còn có thể khôi phục được chức năng không, tối thiếu, cũng là hy vọng sao cho Phác Phương tự xử lý được sinh hoạt cá nhân của mình sau này. Nên biết rằng, lúc đó Phác Phương mới có hai mươi lăm tuổi, những ngày tháng về sau vẫn còn dài dằng dặc.​
 
Cuốn sách này được dịch từ nguyên bản tiếng Hoa "Ngã đích phụ thân Đặng Tiểu Bình" của Nhà xuất bản Văn hiến Trung ương, tháng 8 năm 2000.

“Cha tôi Đặng Tiểu Bình” là một cuốn tự truyện viết bởi Mao Mao, con gái thứ của Đặng Tiểu Bình. Đặng Tiểu Bình có hai người vợ, (theo như trong sách là như vậy, tôi thấy trên wiki ghi là ba). Người vợ đầu tiên chết trong cách mạng, sau ông có một người vợ khác tên là Trác Căn. Ông có năm người con: Đặng Lâm (trưởng nữ), Đặng Phác Phương (con thứ nhưng trưởng nam), Đặng Nam, Đặng Dung (là Mao Mao), Đặng Chất Phương (tên cúng cơm là Phi Phi).

Mười năm "cách mạng văn hóa" là tai họa lớn trong lịch sử hiện đại Trung Quốc. Mức độ ảnh hưởng sâu sắc của nó, sự phá hoại ghê gớm của nó là điều chưa từng có trong lịch sử. Phàm những ai trải qua "cách mạng văn hóa" đều khắc cốt ghi xương thời ký đó. Đặng Tiểu Bình là một nhân vật trọng yếu mà mười năm "cách mạng văn hóa" nhằm tới. Viết về "cách mạng văn hóa" không thể không viết về Đặng Tiểu Bình.

"Cha tôi là nhân vật trọng yếu mà mười năm"cách mạng văn hóa" nhằm tới; viết về "cách mạng văn hóa", không thể không viết về cha tôi. Mà mười năm "cách mạng văn hóa" lại là giai đoạn thăng trầm vô cùng lý thú của cha tôi, cho nên viết về Đặng Tiểu Bình thì cũng không thể không nói đến "cách mạng văn hóa". Viết về những gì cha tôi nếm trải trong thời kỳ "cách mạng văn hóa" vừa là nhớ lại cuộc sống phi thường của cha tôi, vừa là nhớ lại những năm tháng phí hoài. Những điều tôi viết dưới đây không thể gọi là truyện ký về cha tôi, cũng không phải là hồi ký của cá nhân tôi. Trong khi chưa biết nên xếp vào loại nào, tôi tạm gọi nó là "Sổ ghi chép tình cảm" vậy!

Mong mọi người khi đọc các ghi chép tình cảm này, sẽ cảm nhận lại được thời kỳ "cách mạng văn hóa" thuở nào.
Có link down full hay ebook không tml. Cho tao xin với
 
14. Sơ tán, chuẩn bị chiến tranh

Tháng 3.1969, trên đảo Trân Bảo thuộc tỉnh Hắc Long Giang nằm ở khu vực biên giới phía đông giữa Trung quốc và Liên Xô, liên tiếp xảy ra những cuộc xung đột vũ trang chính quy giữa hai nước. Kể từ năm 1949, khi hai nước bắt đầu đặt quan hệ ngoại giao đến nay, trong mối quan hệ giữa hai nước, hai đảng Trung-Xô đã xảy ra không biết bao nhiêu nổi chìm biến hoá. Sau một thời kỳ hữu hảo như anh em một nhà, bắt đầu từ giữa những năm 60, giữa hai đảng Trung - Xô vì có sự chia rẽ hình thái ý thức hệ nên đã tranh luận cùng nhau, dẫn tới quan hệ của hai đảng bị phá vỡ, rồi dần dần diễn biến, làm cho quan hệ giữa hai nước suy sụp nghiêm trọng.

Kể từ năm 1964 đến lúc bấy giờ, những sự kiện biên giới lại liên tục phát sinh ngày càng nhiều. Và lần xung đột vũ trang trên đảo Trân Bảo này là một trong những sự kiện có quy mô to lớn đó. Do Mao Trạch Đông phân tích thấy tình thế quá ư nghiêm trọng, nên đã đưa ra một kết luận: chiến tranh thế giới là không thể tránh khỏi, cần phải chuẩn bị đánh nhau. Bắt đầu từ đó, trong phạm vi toàn quốc, tất cả mọi phương diện đều tiến hành công tác chuẩn bị chiến tranh một cách đại quy mô.

Ngày 17.10.1969, tại Tô Châu, Lâm Bưu đã ra chỉ thị khẩn cấp “tăng cường chuẩn bị chiến tranh, phòng ngừa quân địch đột ngột tấn công”. Ngày 18.1969, tổng tham mưu trưởng Hoàng Vĩnh Thắng đã coi đây như “mệnh lệnh số 1 của phó chủ tịch Lâm Bưư” đem truyền đạt xuống dưới, ba binh chủng lục, hải, không quân bước vào trạng thái chuẩn bị chiến tranh khẩn cấp. Vì cần phải phối hợp chuẩn bị chiến tranh trung ương quyết định rút một số người đưa “sơ tán” khỏi Bắc Kinh. Trong đó gồm có những nhà nguyên là cán bộ lãnh đạo trung ương. Kể cả những trọng phạm Cách mạng văn hoá. Trong số những đồng chí lão thành, có Chu Đức, Đổng Tất Vũ đi Quảng Đông, Diệp Kiếm Anh đi Hồ Nam, Trần Vân, Vương Chấn v.v... Đi Giang Tây, Nhiếp Vinh Trăn, Trần Nghị v.v... Đi Hà Bắc. Trong phái “đi theo tư bản” thì Lưu Thiếu Kỳ đưa đi Khai Phong, tỉnh Hà Nam, Đào Chú đưa đi Hợp phì tỉnh An Huy, Đặng Tiểu Bình bị quyết định đưa đi Giang Tây.

Theo hồi ức của Uông Đông Hưng, lúc đó dương là chủ nhiệm Văn phòng trung ương đảng, thì sau khi có quyết định ấy, Mao Trạch Đông đã dặn thêm Uông Đông Hưng rằng: “Phải đưa Trần Vân và Vương Chấn đến nơi gần đường giao thông, đi lại cho tiện”. Mao Trạch Đông còn nói: “Vạn nhất mà có chiến tranh, cần tìm, phải tìm ngay được những người này. Những người này vẫn còn dùng được, tôi còn cần đến họ”.

Chuẩn bị chiến tranh, trung ương phải sắp xếp đi sơ tán, Mao Trạch Đông cũng cần ra khỏi Bắc Kinh. Chu Ân Lai đến báo cáo với Mao Trạch Đông nên để Uông Đông Hưng ở lại, giúp một tay vào công tác sơ tán. Mao Trạch Đông phê chuẩn cho Uông Đông Hưng ở lại mười ngày. Như vậy việc nói chuyện với Đặng Tiểu Bình rơi vào tay Uông Đông Hưng.

Vào một ngày tháng mười, Uông Đông Hưng đưa theo phó chủ nhiệm Văn phòng trung ương đảng là Vương Lương Ân đến chỗ Đặng Tiểu Bình, lần đến đó coi như đáp ứng yêu cầu của Đặng Tiểu Bình viết trong thư gửi ông ta. Hai nữa là để thông báo cho vợ chông Đặng Tiểu Bình việc sắp xếp cho ông bà đi sơ tán về Giang Tây. Uông Đông Hưng cho Đặng Tiểu Bình biết, vì cần phải chuẩn bị chiến tranh, nên trung ương quyết định đưa một số người đi sơ tán, vợ chồng Đặng Tiểu Bình được xếp về Giang Tây, sau khi về Giang Tây sẽ sắp xếp tiếp đi lao động rèn luyện trong xí nghiệp.

Nghe tin đi sơ tán, Đặng Tiểu Bình cảm thấy rất ngạc nhiên, ông suy nghĩ một lát rồi đề nghị với Uông Đông Lưng, bà Hạ Bá Căn là kế mẫu của ông, từ ngày bị đuổi ra khỏi Trung Nam Hải tới nay vẫn sống ở bên ngoài, bây giờ tuổi tác đã cao, lại không có ai săn sóc, sống có một mình, nên muốn đưa bà cùng đi Giang Tây. Đối với lời thỉnh cầu đó, Uông Đông Hưng đồng ý ngay lập tức. Cuối cùng, Đặng Tiểu Bình nói, trước đây Chủ tịch đã cho biết, có việc gì thì tìm ông. nên sau khi tới Giang Tây còn có thể viết thư gửi tới ông được không? Uông Đông Hưng nói, có thể.

Bố tôi tuy thấy khá đột ngột trong việc đi sơ tán, nhưng lại do đích thân Uông Đông Hưng đến nói chuyện này, nên ông cũng thấy yên lòng hơn. Uông Đông Hưng lại hứa, sau này có việc gì vẫn có thể tìm ông ta được, đó là một điểm vô cùng quan trọng. Bởi điều đó nghĩa là, dù ở nơi xôi ngàn dặm, vẫn còn có thể duy trì được sự liên hệ với trung ương. Bởi Uông Đông Hưng sẽ đi sơ tán cùng với Mao Trạch Đông, nên đã giao công việc cho Vương Lương Ân ở lại.

Ít lâu sau, Vương Lương Ân đã tìm tới chỗ Đặng Tiểu Bình để xem xét lại việc chuẩn bị ra đi. Mẹ tôi lại đề nghị với ông ta, trong nhà có rất nhiều sách vở tài liệu cần phải cùng mang theo về Giang Tây, nếu có thể xin giúp cho mấy chiếc hòm gỗ. Ngoài ra, tập quán của bố tôi từ nhiều năm nay khi ngủ trong phòng phải thật tối, vì thế đề nghị cho đem theo những chiếc rèm cũ. Không ngờ rằng, thái độ của Vương Lương Ân lại vô cùng tồi tệ, cả hai yêu cầu đó hắn đều không đồng ý. Bố tôi rất bực mình, đòi được gặp lại Uông Đông Hưng. Chẳng bao lâu sau, Uông Đông Hưng tới, không những đồng ý giúp cho một ít hòm gỗ mà còn đồng ý cho mang theo những tấm rèm cửa cũ. Uông Đông Hưng nói với bố tôi, ông bà muốn mang gì đi cũng được cái gì không mang đi được, cứ để nguyên tại đó, nhà này sẽ không có ai động tới, sau này khi trở về ông bà vẫn cứ ở đây.

Đó là bản “công án” trước khi đi Giang Tây. Vương Lương Ân nguyên là người của Lâm Bưu. Về sau, trong đại hội toàn thể trung ương lần thứ hai của khoá 9 là đông bọn với Trần Bá Đạt trong việc in tờ giản báo tổ Hoa Bắc “Chuyện ở cửa sổ phía đông”, cuối cùng đã tự sát chết. Vương Lương Ân vốn dấy nghiệp từ trong Cách mạng văn hoá nên thái độ hằn học với Đặng Tiểu Bình là điều dễ hiểu. Nhưng Uông Đông Hưng lại khác. Uông Đông Hưng là người cận kề với Mao Trạch Đông, là ngươi tín nhiệm nhất của Mao Trạch Đông. Hồi đầu Cách mạng văn hoá, Mao Trạch Đông đã từng cho Đặng Tiểu Bình biết rằng, có việc thì cứ tìm Uông Đông Hưng, về sau cũng giao cho Uông Đông Hưng trực tiếp quản Đặng Tiểu Bình. Lần này, Uông Đông Hưng lại đến gặp Đặng Tiểu Bình, không những thái độ rất tử tế, mà còn hứa rằng khi trở lại vẫn ở nguyên chỗ cũ. Việc đó mang đầy ý nghĩa tích cực. Ít nhất cũng cho vợ chồng Đặng Tiểu Bình biết rằng. sơ tán ra khơi Bắc Kinh không phải chỉ có riêng vợ chồng Đặng Tiểu Bình. Sau khi đến Giang Tây họ có thể đi lao động lại xí nghiệp, việc đó dù là mang tính học tập, hay mang tính cải tạo cũng vậy cả thôi, tóm lại là coi như đã kết thúc hoàn toàn đời sống cầm tù, cách ly ở Bắc Kinh, tín hiệu đó là tốt, chứ không phải là xấu. Sau khi gặp Uông Đông Hưng, lòng dạ cha mẹ tôi cũng thấy yên tâm hơn, nên càng gấp gáp thu dọn hành trang.

Khi bố mẹ tôi đang bận bịu thu dọn đồ đạc chuẩn bị đi Giang Tây, thì Đặng Nam ở trường đại học Bắc Kinh vì “mệnh lệnh số 1” nên cũng sắp phải cùng trường sơ tán ra huyện Hoài Nhu ngoại thành Bắc Kinh. Đặng Nam sắp phải đi, thì bố tôi lại đưa ra một đề nghị, xin phê chuẩn cho Đặng Lâm lúc đó đang ở Tuyên Hoá tỉnh Hà Bắc về Bắc Kinh để giúp gia đình thu dọn hành lý. Sau khi được Văn phòng trung ương đảng phê chuẩn, Đặng Lâm đã được trở lại Bắc Kinh gặp lại cha mẹ sau hơn hai năm xa cách. Nhưng vào lúc đó, mọi người còn bận tíu tít nên chẳng có nhiều thì giờ mà nói chuyện gia đình, bởi ngày lên đường đi Giang Tây đã cận kề.

Trước khi rời Bắc Kinh, mẹ tôi đề nghị, được Văn phòng trung ương Đảng cho phép nên mẹ tôi được phép đến bệnh viện 301 thăm anh Phác Phương tôi. Khi tới khoa ngoại của bệnh viện, còn chưa vào phòng bệnh, mẹ tôi nghĩ tới người con trai đã hơn hai năm không được gặp mặt, trước đây vốn là một chàng trai cao lớn đầy đà thích chạy thích nhảy, nay đã thành một người bị liệt giường, lòng như dao cắt, không làm sao ngăn nổi dòng nước mắt. Người đi cùng với bà khuyên giải báo rằng khóc lóc như thế làm ảnh hưởng đến con. Mẹ tôi liền tìm một cái ghế ngồi xuống đó, cố nén xúc động, chờ mình bình tĩnh lại, rồi mới lau nước mắt bước vào phòng bệnh. Được gặp lại con, lại thấy con nằm một mình trong phòng, đồ đạc thiết bị không đến nỗi tồi tàn, nên bà cũng thấy tạm yên lòng. Bất kể ra làm sao, trước khi rời Bắc Kinh, bà được đến thăm con trai, cũng coi là thoả nguyện rồi. Từ bệnh viện trở về nhà, mẹ tôi nói mọi tình hình cho bố tôi biết, con mình được điều trị ở bệnh viện 301 như thế, nên được chữa chạy chu đáo hơn, cũng còn hy vọng giảm được bệnh tình, đó là điều may trong cái chẳng may.

Ngày lên đường đã tới, cha mẹ tôi vẫn bận rộn trong việc thu xếp mọi thứ, chả còn nghĩ đến chuyện gì khác được. Ông bà không biết một tý gì rằng, để bố trí cho chuyến đi của ông bà tới Giang Tây người chiến hữu lão thành Chu Ân Lai đã đích thân đứng ra bố trí chu đáo, sắp xếp hết sức tỉ mỉ cho chuyến đi này.​
 
14. Sơ tán, chuẩn bị chiến tranh (tiếp)

Ngày 18.10.1969, Chu Ân Lai gọi điện thoại cho tổ trung tâm của văn phòng Uỷ ban cách mạng tỉnh Giang Tây mà chủ nhiệm là Trình Huệ Viễn nói rằng: “Trung ương quyết định đưa một số thủ trưởng trung ương xuống cơ sở để tiếp xúc quan sát thực tế, và tham gia một số việc lao động thích hợp, học hỏi thêm ở quần chúng. Đến Giang Tây lần này có đồng chí Trần Vân, mang theo một thư ký, nhân viên bảo vệ và đầu bếp. Còn có cả vợ chồng đồng chí Vương Trấn cùng toàn gia đình đến Giang Tây... Các đồng chí đều trên sáu mươi cả rồi, xem ra không còn lao động nặng được nữa... từ phương Bắc, nay đột ngột đến phương Nam, sợ không quen thung thổ, nên các đồng chí cố gắng quan tâm một cách thích đáng tới đời sống của các đồng chí ấy. Ăn uống tất nhiên là tiền các đồng chí ấy bỏ ra, nhưng tiền nhà không nên cao quá. Việc thứ hai là, có lẽ việc này đồng chí Uông Đông Hưng đã nói với các đồng chí rồi, vợ chồng đồng chí Đặng Tiểu Bình cùng về dưới đó đấy. Chắc các đồng chí còn nhớ, trong đại hội 9 Mao Chủ tịch cũng đã có nói, vấn đề của đồng chí Đặng Tiểu Bình khác với người khác. Ông bà ấy xuống đấy là để lao động rèn luyện. Tất nhiên những đồng chí đó không thể chỉ toàn làm lao động, cũng là những người trên sáu chục rồi, sức khoẻ lại quá kém, có thu tiền nhà cũng nên chiếu cố đôi chút, nếu đồng chí Hoàng Tiên có nhà, nhờ đồng chí nói lại với đồng chí ấy giúp tôi. Những đồng chí này sẽ tới địa phương cụ thể nào, lúc nào lên đường được, đề nghị đồng chí Hoàng Tiên gọi điện thoại cho đồng chí Uông Đông Hưng cùng quyết định. Cuối cùng, tôi xin được nhấn mạnh một điều rằng, những thủ trưởng này xuống đó, các đồng chí cố gắng giúp đỡ nhiều, nên cử người chăm sóc các đồng chí ấy. Sau khi đồng chí báo cáo việc này lại với đồng chí Trình Thế Thanh xong, nên nghĩ ngay tới những việc cụ thể”.

Sau khi nhận điện thoại của Thủ tướng, Trình Huệ Viễn một khắc cũng không dám chậm trễ, vội vã lên ô-tô đi ngay trong đêm phóng trên đoạn đường hơn ba trăm năm mươi cây số đến Vụ Nguyên hội ý ngay với Trình Thế Thanh. Trình Thế Thanh cũng là người dựa vào tạo phản đoạt quyền dựng nghiệp, trong Cách mạng văn hoá cũng là một nhân vật danh tiếng chẳng phải nhỏ. Mặc dù Trình Thế Thanh là nhân vật đỏ trong đường đây Lâm Bưu, nhưng đối với chỉ thị do đích thân Thủ tướng Chu Ân Lai gọi tới, cũng chẳng dám dùng dằng. Nghĩ ngợi một lát, rồi nói với Trình Huệ Viễn:

- Chúng ta kiên quyết ủng hộ quyết định sáng suốt này của trung ương, kiên quyết quán triệt thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, hoan nghênh đồng chí Trần Vân, Vương Trấn và vợ chồng đồng chí Đặng Tiểu Bình về cắm chốt, lao động ở đây. Các đồng chí ấy tới đây lúc nào cũng được, khi đến đây trước hết hãy thu xếp vào ở trong chiêu đãi sở Tân Giang, sau đó sẽ đưa vợ chồng đồng chí Đặng Tiểu Bình về ở hẳn Cán Châu. Còn Trần Vân và Vương Chấn đến chỗ nào, thì cứ đợi bàn bạc cụ thể với hai đồng chí đó xong sẽ quyết định. Bất kể là các đồng chí ấy ở đâu, ta đều phải lắp lò sưởi hết... Chúng ta nhất định phải bảo đảm an toàn cho các đồng chí đó, dứt khoát không cho phép phái tạo phản hay Hồng vệ binh nhảy vào đấu tố các đồng chí ấy. Song còn có hai vấn đề cần phải thỉnh thị lại. Một là, sau khi Đặng Tiểu Bình tới đây, có nên để cả hai vợ chồng ở cùng một chỗ hay không? Hai là, đồng chí Trần Vân và đồng chí Vương Chấn đến Giang Tây, chúng tôi định cử người lên Bắc Kinh đón có được không?

Ngày 19.10.1969, Chu Ân Lai nhận được điện thoại của Uỷ ban Cách mạng tỉnh Giang Tây, về nguyên tắc, ông đồng ý với sự sắp xếp của Trình Thế Thanh. Nhưng đối với việc sắp xếp Đặng Tiểu Bình, ông cho rằng đưa đi Cán Châu là chưa thích hợp, ông nói:

- Ở đấy cách thành phố Nam Xương quá xa, lại là miền núi, giao thông không thuận tiện, mọi điều kiện đều rất kém. Đặng Tiểu Bình đã là ông già hơn sáu chục tuổi đầu rồi, nhỡ ốm đau thì biết tính sao? Theo ý tôi, nên sắp xếp để đồng chí ấy ở gần thành phố Nam Xương, cho dễ chăm sóc. Tốt nhất là để cho vợ chồng đồng chí ấy ở một ngôi nhà nho nhỏ hai tầng, tầng trên hai vợ chồng đồng chí ấy ở, tầng dưới là các nhân viên công tác. Tất nhiên, nếu là một ngôi nhà riêng, sân vườn riêng thì càng tốt, để còn có thể đi lại trong vườn, lại vừa an toàn nữa. Nhờ đồng chí nói lại ý kiến của tôi với chính uỷ Trình Thế Thanh hộ.

Thủ tướng đã chỉ thị tường tận tỉ mỉ đến thế, cụ thể đến thế. Những người ở Giang Tây cứ bàn đi tính lại mãi, thế này cũng chẳng được, thế kia cũng không xong. Cuối cùng, dứt khoát mời người của Bắc Kinh xuống, xem xét rồi quyết định. Sau bữa cơm trưa ngày 21.10.1969, Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình nhận được thông báo của “Văn phòng hai”, cấp trên của họ mời đến họp ở phòng họp trên gác phía Tây, Trung Nam Hải. Hội nghị do phó chủ nhiệm Văn phòng trung ương Vương Lương Ân chù trì, tham gia cuộc họp còn có Vương Giá Tường, Đàm Chấn Lâm, cùng một số nhân viên Tổ chuyên án. Vương Lương Ân nói: “Vương Giá Tường sẽ sơ tán đến Tín Dương tỉnh Hà Nam, Đàm Chấn Lâm sơ tán tới Quế Lâm tỉnh Quảng Tây, Trung ương quyết định đưa Đặng Tiểu Bình sơ tán tới Nam Xương, Giang Tây đề lao động, tiếp xúc với quần chúng, đêm hôm qua Thủ tướng Chu Ân Lai đã đích thân gọi điện thoại xuống đó để căn dặn mọi việc”. Đồng thời dặn dò người phụ trách Tổ chuyên án rằng: “Đồng chí phải lấy thêm người. Có hai nhiệm vụ. Thứ nhất, phải đưa tới nơi an toàn, không để xảy ra bất cứ vấn đề gì. Thứ hai, cùng với các đồng chí ở Giang Tây tìm cho họ chỗ ở thích hợp, có lò sưởi hơi càng tối. Đặng Tiểu Bình tuổi tác đã cao, chỗ ở với chỗ lao động không nên cách quá xa, điều động xe cộ khó khăn, đi bộ nhiều, hoặc đi ô-tô buýt nhiều cũng không an toàn lắm. Tuy đồng chí Trần Vân và Vương Chấn cũng về Giang Tây, nhưng tính chất khác với Đặng Tiểu Bình, hai đồng chí này đều là trung ương uỷ viên của đại hội 9, nói chung lại là chưa có vấn đề gì cả. Đặng Tiểu Bình không được bầu, nhưng trước Cách mạng văn hoá đã từng được treo ảnh, lại là đầu sỏ số hai trong đảng đi theo đường lối tư bản, rất dễ bị người ngoài nhận được mặt, rồi xảy ra chuyện đấu tố. Rõ cả chưa? Thôi, các đồng chí đi chuẩn bị đi, sớm mai đúng 8 giờ sáng, có mặt ở sân bay Sa Hà để lên máy bay”.

Trong khi Văn phòng trung ương và Giang Tân đang bận bịu với việc Đặng Tiểu Bình về Giang Tây, thì cha mẹ tôi và Đặng Lâm cũng tranh thủ thời gian thu dọn đồ đạc. Ngày thường bố tôi vốn sống rất đơn giản, mọi vật dụng đều thu gom rất nhanh. Nhưng họ đã cho phép mang sách đi, thì nên cố gắng mang đi được càng nhiều càng tốt. Hai ông bà và Đặng Lâm vào thư phòng ở phía sân sau chọn lựa, họ chọn lựa từng cuốn sách quý mà gia đình tôi đã gom góp được từ lâu như những tác phẩm về chủ nghĩa Mác-Lê, sách lịch sử, sách văn học, đủ các loại sách, rồi đóng gọn vào trong những chiếc hòm gỗ lớn mà Văn phòng trung ương đảng cho mang tới. Cha mẹ tôi biết rằng từ nay về sau, những cuốn sách này sẽ là bầu bạn với mình trong những ngày ngày đêm đêm mất ngủ.

Trước hôm lên đường một hôm, đó là ngày 21.10.1969, bố tôi viết cho Uông Đông Hưng một lá thư. Trong thư tỏ ý tiếp thu sự xử lý của trung ương đối với ông, nhấn mạnh và xin đảm bảo với trung ương và Chủ tịch rằng, sẽ làm một người đảng viên bình thường và một công dân xã hội chủ nghĩa, cố hết sức làm việc và lao động, đồng thời mong Uông Đông Hưng chuyển thư này tới Chủ tịch cũng như tới trung ương đảng. Bố tôi biết rằng rời khỏi Bắc Kinh lần này cũng là kết thúc sự giam cầm cấm cố, nhưng ở tận Giang Tây, nơi xa cách trung ương và Mao Trạch Đông hàng ngàn dặm. Nên trước khi rời khỏi Bắc Kinh, ông viết thư cho Uông Đông Hưng để bây tỏ thái độ mình, đồng thời nhờ Uông Đông Hưng chuyển thư cho Mao Trạch Đông. Đúng như sự mong mỏi của ông, bức thư này đã được Uông Đông Hưng trình lên với Mao Trạch Đông, và chính mắt Mao Trạch Đông đã đọc bức thư đó.

Chú thích:

Chu Đức: nguyên soái nước CHND Trung Hoa, từng là phó chủ tịch trung ương Đảng, trong đại hội lần thứ nhất của khoá 9 được chọn vào làm uỷ viên Bộ Chính trị

Đổng Tất Vũ: đã từng là phó chủ tịch nước CHND Trung Hoa. trong đại hội lần thứ nhất của khoá 9 được chọn làm uỷ viên Bộ Chính trị

Vương Chấn: tùng là bộ trưởng Bộ Khai hoang, trong đại hội 9 được bầu làm uỷ viên trung ương

Hoàng Tiên khi đó là phó chủ nhiệm ủy ban Cách mạng tỉnh Giang Tây.

Trình Thế Thanh lúc đó là chủ nhiệm ủy ban ban Cách mạng tỉnh Giang Tây, chính uỷ thứ nhất tỉnh đội Giang Tây

Vương Giá Tường đã từng là bí thư Ban bí thư trung ương, thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế trung ương​
 
15. Chuyến bay đơn độc về phương nam

Sáng sớm ngày 22.10.1969, cha mẹ tôi trở dậy rất sớm, rồi cùng với bà nội và Đặng Lâm lên chiếc xe Jeep đến đón họ, hành lý có một chiếc xe khác chở đi. Hôm đó là một ngày u ám, tuy đã sáng nhưng trời vẫn còn tối âm u. Bắc Kinh chìm trong sương mù đây đặc, trời thấp xuống, mây che lớp lớp, trong không khí đã mênh mang cái lạnh của trọng thu. Chiếc xe Jeep cũ nát xộc xệch chở bố mẹ tôi, bà tôi và Đặng Lâm đó, tất cả các cửa đều đóng chặt, rèm cửa dầy cộp cũng kéo kín mít. Chiếc xe ra khỏi Trung Nam Hải, chệnh choạng nhấp nhổm chạy trên đường phố Bắc Kinh. Ngồi trong xe, chăng ai nhìn thấy bất cứ vật gì bên ngoài, chỉ với cảm giác mà biết rằng, chiếc xe vòng vòng rẽ rẽ rất nhiều khúc. Chẳng ai nói gì suốt trên dọc đường. Xe chạy lắc lư rất lâu, rồi cuối cùng cũng dừng lại. Xuống xe, nhìn quanh mới biết đó là một sân bay quân dụng không lớn lắm.

Đến sân bay, mọi người vội vàng đưa hành lý lên khoang máy bay, nhưng tổ lái chỉ cho mang một ít theo người, báo rằng đó là vấn đề tải trọng. Hành lý còn dư lại, chủ yếu là mấy hòm sách thật to, không được mang lên máy bay, đành bỏ lại, rồi hạ hồi phân giải. Nhìn mọi người bận rộn vội vã, Đặng Lâm bất chợt thấy buồn thiu. Phác Phương bị liệt nằm ở bệnh viện 301, Đặng Nam đã bị trường học đưa đi sơ tán ở ngoại thành, Mao Mao và Phi Phi cũng đã đi xa, người cắm chốt ở Thiểm Bắc, kẻ cắm chốt ở Sơn Tây, đến tiễn đưa cha mẹ chỉ có mỗi một mình chị. Đã đến giờ chia tay, Đặng Lâm nhìn cha mẹ, nhìn bà bắt đầu đặt chân lên chiếc thang máy bay đơn giản để vào khoang máy. Bà chân bó, tuổi tác lại cao, phải nhọc nhằn lắm mới leo lên nổi. Lên đến cửa khoang máy bay, bố tôi ngoái đều nhìn lại, chừng như ông muốn nhìn lại toàn cảnh Bắc Kinh lần cuối. Kể từ ngày ông bắt đầu bị phê phán năm 1966 đến nay, ông không hề bước chân ra ngoài Trung Nam Hải, lần này trên đường ra sân bay, rèm cửa ô-tô lại bị bịt kín như bưng, chẳng nhìn thấy bất cứ một thứ gì hết. Giờ đây, ông muốn ngó nhìn lại Bắc Kinh, nhìn lại ngôi thành cổ nơi ông đã cư trú ngót hai chục năm trời. Nhưng trong tầm nhìn của con mắt, ngoài cái sân bay rộng rãi thông thoáng, chẳng còn có gì hết, ông quay lại, chui vào trong khoang máy bay.

9 giờ 3 phút sáng, tiếng động cơ máy bay rộ lên mỗi lúc một to hơn, rồi máy bay bắt đầu lăn bánh, tăng tốc, chập chờn đôi cánh vọt lên cao, bay vào tầng mây thấp, nặng nề, nhỏ dần, càng xa càng nhỏ hơn, cuối cùng chìm hẳn vào trong mây.

Đó là chiếc máy bay IL-14 quân dụng, cũ kỹ, già lão, mang số hiệu 3287 mà người cơ trưởng là Lý Tuấn. Nơi máy bay cất cánh là sân bay Sa Hà, Bắc Kinh, điểm đến của chuyến bay là thành phố Nam Xương tỉnh Giang Tây. Hành khách trên máy bay tất cả chỉ có năm người, trừ ba người là bà, và cha mẹ tôi ra, còn có một tổ trưởng Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình và một nhân viên công tác làm nhiệm vụ áp giải. Phía đầu khoang, sát với cửa, có đặt một chiếc giường sắt, gọng gấp, trên có trải đệm, đó là chiếc giường mới được tạm thời đặt ở đó phòng cho bà tôi nằm, vì sợ bà tuổi già không quen ngồi máy bay. Mẹ tôi cùng bà tôi ngồi trên chiếc giường đó. Bên cạnh giường cũng có một chiếc bàn gấp đặt tạm, bố tôi ngồi bên cạnh chiếc bàn, hai người áp giải ngồi phía cuối khoang. Trong khoang máy bay không có thiết bị cách âm, chỉ có tiếng động cơ ầm ầm, nên cũng chẳng ai nói gì được. Nhân viên tổ máy, xách chiếc phích nước, lấy tay vỗ vỗ lên vỏ sắt, ra hiệu hỏi có ai cần uống nước hay không? Đáp lại cũng chỉ là cái lắc đầu hoặc cái xua tay.

Trầm lặng, im nín, không trầm lặng, hỏi còn nói được gì?

Rời khỏi Bắc Kinh lần này, nhưng cốt lõi là phúc nhiều, hay họa nhiều? Chuyển dịch nơi quản chế tuy có lý do là chuẩn bị chiến tranh, nhưng liệu rằng, trong đó có mang theo tính chất một cuộc xử lý đã được kết luận? Cuộc sống ở đất Giang Tây chắc hẳn sẽ không giống như cuộc sống giam cầm ở Trung Nam Hải, nhưng rồi nó sẽ ra sao? Hơn hai năm cầm cố, cảnh sắc Bắc Kinh bên ngoài Trung Nam Hải còn chẳng rõ nó ra làm sao, vậy ở Giang Tây nơi thăm thẳm ngàn dạm xa xôi kia sẽ thế nào? Liệu có thể được cùng con cái vãng lai gặp gỡ, nhưng phương trời biền biệt, rồi chúng sẽ ra sao, và liệu chúng có được đến Giang Tây không?

Trên chuyến máy bay bay về thành phố Nam Xương tỉnh Giang Tây, trong đầu óc bố tôi đã nổi cộm lên những vấn đề đó, nhưng cũng chẳng có được đáp án. Tiền cảnh của Cách mạng văn hoá, tiền đồ của đất nước, tình hình phái triển của chính trị, đều không dự liệu được, thì còn nói gì đến số phận một con người? Trong bão tố chính trị của Cách mạng văn hoá, thường thường lại là hàng loạt, hàng dãy những biến số quyết định tiến cảnh của chính trị, quyết định số phận của con ngươi, mà trong sự đột biến của nó. những biến số ấy, thậm chí còn mang theo mầu sắc của một bi hài kịch, đem lại cho con người, đem lại cho xã hội, đem lại cho đất nước những tổn thất, những đại bi kịch chính trị ngoài ý thức của mọi người. Sau mấy giờ bay, chiếc máy bay từ từ hạ cánh xuống sân bay Hướng Đường của thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây.

Những người ra đón đã có mặt đầy đủ tại sân bay. Sau khi bố tôi xuống máy bay, thì Trình Huệ Viễn, chủ nhiệm văn phòng Uỷ ban Cách mạng tỉnh Sơn Tây mà trước đây đã nhắc tới, tiến lên bắt tay bố tôi, tự giới thiệu và mỉm cười nói: “Đồng chí Đặng Tiểu Bình, Mao Chủ tịch gửi đồng chí xuống Giang Tây, chúng tôi vô cùng hoan nghênh”. Một tiếng “đồng chí” hiếm hoi, một cái mỉm cười hiếm hoi, mở đầu cho những ngày ở Giang Tây.

Một đoàn xe ba chiếc ô-tô con chứ không phải xe Jeep phóng đi trên vùng đất đỏ Giang Tây. Đoàn ba người của bố tôi ngồi trong chiếc xe đi giữa, rèm xe không vén lên, nhưng ngồi trong xe vẫn có thể nhìn ra bên ngoài, có thể nhìn thấy thế giới ngoài kia. Đó cũng lại là một sự cảm thụ hiếm hoi.. Thả tầm mắt nhìn ra vùng đất đỏ trải dài ra tít tắp, vùng đất quen thuộc và thân thiết làm sao! Hơn ba mươi năm trước, chính trên mảnh đất này, bố tôi đã bắt đầu cuộc sống chiến đấu trong khu Xô-viết, đã đi bước đi đầu tiên trên con đường chính trị đầy chìm nổi, gập ghềnh, đồng thời đã bước trên mảnh đất đỏ đó, hướng tới vạn dặm trường chinh. Chớp mắt đã ba chục năm trôi qua rồi, thật đúng là: “Cảnh nguyên vẻ cũ, người đà khác xưa”.

Chẳng bao lâu sau, xe đã vào thành phố Nam Xương, đỗ lại ở chiêu đãi sở số 1 của tỉnh uỷ (khi đó gọi là chiêu đãi sở Tân Giang).

Dương Đống Lương, phó chủ tịch Uỷ ban Cách mạng tỉnh Giang Tây, uỷ viên tư lệnh tỉnh đội Giang Tây tiếp kiến Đặng Tiểu Bình khi ông vừa đặt chân tới đó, trong câu chuyện cũng chỉ vòng vo việc họ đến Giang Tây lao động cải tạo cho tốt v.v..., và “được tính là đón tiếp” đồng thời cũng là bố trí công việc.​
 
15. Chuyến bay đơn độc về phương nam (tiếp)

Khi gia đình ba người nhà Đặng Tiểu Bình được sắp xếp ở trong chiêu đãi sở, thì hai người của Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình đi theo đến đất Cán (tên tự của tỉnh Giang Tây) bắt đầu bận rộn hẳn lên. Theo lời dặn dò của Vương Lương Ân, phó chủ nhiệm Văn phòng trung ương, nhân viên Tổ chuyên án vội vã đi thăm dò tìm kiếm một chỗ ở và một nơi lao động cho phù hợp với yêu cầu, không một phút bê trễ. Ngay hôm đến Nam Xương, bọn họ đã cùng với người ở Giang Tây đi xem mấy nơi, nói chung đều không ưng ý. Ngày hôm sau, họ lại đi xem tiếp, vẫn chẳng có nơi nào vừa ý cả. Sang ngày thứ ba, người của tỉnh đưa họ đến một ngôi nhà gác nguyên là ngôi nhà của hiệu trưởng trường bộ binh binh chủng lục quân Nam Xương, thuộc quân khu Phúc Châu, rồi đi xem tiếp một xưởng sửa chữa máy kéo của huyện Tân Kiến, cách trường bộ binh chừng 2, 3 dặm dường. Tổ chuyên án cho rằng chỗ này là thích hợp nhất. Ngay tối hôm đó. họ gọi điện thoại báo cáo về “Văn phòng hai” ở Bắc Kinh, “Văn phòng hai” đồng ý và báo cáo với Văn phòng trung ương đảng. Cuối cùng đã nhận được sự chấp nhận của Văn phòng trung ương. Sau một loạt những cố gắng, đã coi như hoàn thành nhiệm vụ, người của Tổ chuyên án trở lại chiêu đãi sở, nói chuyện với Đặng Tiểu Bình dộ chừng mươi phút đồng hồ. Họ cho Đặng Tiểu Bình biết sự sắp xếp chỗ ở cũng như nơi lao động, đồng thời hỏi Đặng Tiểu Bình xem còn có yêu cầu gì nữa không, để tiện báo cáo với trung ương. Đặng Tiểu Bình đáp:

- Tôi đồng ý mọi sự sắp xếp của trung ương đối với tôi. Tôi đã tới Giang Tây, tôi còn ra làm việc được, tôi có thể làm việc cho đảng mười năm nữa”.

Câu trả lời ấy đã làm cho mấy người ở Tổ chuyên án ngạc nhiên. Thái độ rõ ràng dứt khoát như thế không phải là thứ khẩu khí cần có của một người mắc sai lầm bị thẩm vấn điều tra. Tiếp đó, Đặng Tiểu Bình lại nói với nhân viên Tổ chuyên án:

- Còn một việc, đó là cô con gái lớn của tôi, năm nay đã hai mươi tám tuổi rồi, quả thật tôi có ít nhiều lo âu về chuyện cá nhân của cháu.

Nghe Đặng Tiểu Bình nói vậy, tổ trưởng Tổ chuyên án đáp:

- Về vấn đề nêu trên, phải trông vào tình hình bản thân ông, về việc ra công tác nữa hay không, lại do trung ương quyết định. Còn vấn đề nêu ra sau ấy, con cái là thuộc về nhà nước, ông cũng phải tin vào sự tự biết giải quyết công việc của bản thân chúng và nhà nước cũng sẽ quan tâm đến nữa.

Cuộc trao đổi này là cuộc trao đổi “chính thức” lần đâu tiên, mặt đối mặt, giữa Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình với đúng đối tượng mà họ phải điều tra thẩm vấn. Tổ chuyên án đã được thành lập hơn một năm nay rồi, mà họ vẫn chưa có cơ hội nào trực tiếp gặp Đặng Tiểu Bình, còn nói gì tới việc đối diện thẩm vấn, “tìm chứng cứ cho mãi đến lần áp giải Đặng Tiểu Bình đi Giang Tây này, bọn họ mới được gặp đối tượng điều tra lần đầu tiên, hơn nữa, cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ, sắp lên đường trở về, mới được cùng với Đặng Tiểu Bình “đàm đạo”. Cuộc trò chuyện trong vòng mười phút đồng hồ đó, chính là cuộc trò chuyện lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng giữa Tổ chuyên án và Đặng Tiểu Bình. Quả thật chỉ trong thời kỳ phi lôgic của phong trào Cách mạng văn hoá mới có thể sinh đẻ ra được những chuyện quái đản, lạ kỳ đến thế.

Thực ra, nói rằng quái đản thì cũng quái đản thật, bảo rằng không quái đản thì cũng chẳng có gì là quái đản cả. Chuyện như Đặng Tiểu Bình, trong Cách mạng văn hoá đâu phải chỉ có một. Một mặt, Mao Trạch Đông cần phê phán Đặng Tiểu Bình, dùng chiêng trống Lâm Bưu, Giang Thanh hạ bệ Đặng Tiểu Bình. Mặt khác Mao Trạch Đông lại không khai trừ Đặng Tiểu Bình khỏi đảng, và một mạch từ đầu tới cuối chỉ giao cho Văn phòng trung ương đảng, mà cũng là Uông Đông Hưng trực tiếp quản lý mọi chuyện của Đặng Tiểu Bình, chưa bao giờ cho Lâm Bưu, Giang Thanh, hoặc người nào khác được nhúng tay vào đấy. Có thể nói rằng, đồng thời với việc phê phán và hạ bệ, thì ở một mức độ nào đó Mao Trạch Đông vẫn bảo vệ Đặng Tiểu Bình, bao gồm cả việc an toàn thể xác.

Bây giờ nghĩ lại, nếu như Mao Trạch Đông không bảo vệ Đặng Tiểu Bình, nếu như giao quyền lực vây hãm Đặng Tiểu Bình cho Lâm Bưu, Giang Thanh và một số kẻ khác, thì số phận Đặng Tiểu Bình dứt khoát là đã khác. Trong Cách mạng văn hoá, Mao Trạch Đông bảo hộ, hoặc cũng có thể nói là bảo lưu, không chỉ có một mình Đặng Tiểu Bình, mà còn cả một tốp cán bộ lão thành, mà nguyên nhân lại thật đa dạng.

Đầu tiên, tôi muốn bắt đầu từ việc Mao Trạch Đông lựa chọn người kế cận thay mình. Mao Trạch Đông đã chọn Lâm Bưu, cũng là suy đi tính lại rất thấu đáo rồi. Trong những năm chiến tranh, bắt đầu từ núi Tỉnh Cương, Lâm Bưu đã là bộ tướng rất đắc ý của Mao Trạch Đông. Lâm Bưu có thể xông pha trận mạc, lập chiến công, đặc biệt là trong nhiều trường hợp khi trong đảng, trong quân đội xảy ra những chuyện mâu thuẫn, Lâm Bưu không chỉ đứng về phía Mao Trạch Đông, mà còn có thể xả thân, không tiếc sức, tranh chấp với mọi người. Sau giải phóng, ở hội nghị Lư Sơn, Lâm Bưu hùa theo việc phê phán Bành Đức Hoài. Vào những năm 60, Lâm Bưu lớn tiếng kêu gọi học tập tư tưởng Mao Trạch Đông. Với “Đại hội 7.000 người” năm 1962, những người công tác ở tuyến một trung ương như Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình và rất đông cán bộ ra sức điều chỉnh “tả khuynh”, thì Lâm Bưu, khác với mọi người, ra sức xu nịnh và bợ đỡ Mao Trạch Đông. Mao Trạch Đông là một con người vĩ đại, nhưng đồng thời lại là con người bình thường, ông ta ghi ân và nhớ oán, nhận xét con người và xử lý các vấn đề không khỏi mang máu sắc cảm tính. Mao Trạch Đông cho rằng: về lịch sử, Lâm Bưu là người của ông ta, trong thực tế, Lâm Bưu lại không có tư tưởng hữu khuynh như Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, Lâm Bưu biết giương cao lá cờ tư tưởng và trung thành với đường lối cách mạng của ông ta. Mao Trạch Đông tính rằng, khi đã “thâu tóm được đại quyền” và đẩy được cuộc đấu tranh giai cấp vào trong nội bộ đảng, đương nhiên phải quyết định chọn Lâm Bưu làm người kế cận, đồng thời mượn thế lực “quân đội” mà Lâm Bưu khống chế để phát động cuộc Cách mạng văn hoá. Nhưng đồng thời với việc Mao Trạch Đông chọn Lâm Bưu làm người kế cận, ông ta lại không hoàn toàn yên tâm, tin tưởng trăm phần trăm vào Lâm Bưu. Đặc biệt là tham vọng của Lâm Bưu lại hầu như không ngừng mở rộng mà đã từng để lộ ra ngoài, khi đó Mao Trạch Đông lại càng nâng cao lòng cảnh giác.

Hai nữa là, đối với Giang Thanh và những thế lực của Cách mạng văn hoá, thái độ của Mao Trạch Đông lại càng tế nhị hơn. Ngồi quan sát Cách mạng văn hoá từ đầu tới cuối, Mao Trạch Đông đã dùng thủ đoạn “cách mạng” để đạt tới mục tiêu “cách mạng”, ban đầu ông ta dùng Giang Thanh, Trần Bá Đạt, Khang Sinh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên v.v... làm người xây dựng quy hoạch, người thực thi, và là lực lượng cơ bản của “phong trào”. Mao Trạch Đông nhận định rằng, họ là “phái tả” chính cống, là những vệ sĩ chân chính cho đường lối và tư tưởng của ông ta. Nhưng trong khi thực hiện phong trào, những người này càng ngày càng thể hiện rõ nét sự điên khùng ngang ngược và thói xấu chính trị thâm căn cố đế, Mao Trạch Đông đã nhận ra điều đó và bắt đầu điều chỉnh, khống chế có mức độ. Trước sau như một, không bao giờ để cho bọn họ quản lý Quốc vụ viện, không bao giờ cho bọn họ quản lý ngoại giao, và cũng chẳng bao giờ cho họ tiếp quản quân đội. Đối với những con người này, Mao Trạch Đông chỉ cho họ làm những anh lính mũi nhọn của “phong trào”, làm một loại bảo đảm trong việc quán triệt lý luận và đường lối của ông ta, còn tuyệt đối không khi nào coi họ là những nhà kinh bang tế thế, những anh tài trị quốc an dân. Trong vấn đề này, Mao Trạch Đông đã giữ được sự tỉnh táo cần thiết.

Hai đại thế lực Cách mạng văn hoá mà Mao Trạch Đông sử dụng, ông ta vừa coi trọng, tin cậy, lại vừa cảnh giác, vừa sử dụng vừa xét nét. Con người không có nỗi lo xa cũng có nỗi lo âu. Dù sao Mao Trạch Đông cũng là một chính trị gia, khi ông ta bồng bột đổ nhiệt tình vào phong trào, thì ông ta vẫn có những phút tĩnh tâm nghĩ ngợi, giữ lại một số cán bộ lão thành trong đó có Đặng Tiểu Bình. Lâm Bưu, Giang Thanh v.v... là lực lượng của “cách mạng”, nhưng tuyệt đối không phải là những nhân tài trị quốc. Đối với điểm này, trong lòng Mao Trạch Đông đã rất rạch ròi. “Cách mạng” cần phải làm, nhưng ngoài “cách mạng” ra, còn phải xây dựng kinh tế, còn phải tiến vào chủ nghĩa c.ộng sản, có khi còn phải làm đại chiến, con đường mai hậu còn dài dằng dặc, nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp xây dựng đều còn rất nặng nề. Những nhiệm vụ nặng nề ấy, chỉ dựa vào một mình con người kế cận Lâm Bưu là không xong được, mà dù có cộng thêm cả lực lượng của Giang Thanh cùng một số người khác vào đó, nhiệm vụ cũng chẳng thể hoàn thành.

Trong lòng Mao Trạch Đông có một điểm rất rõ ràng rằng, những đồng chí lão thành, trong đó có cả Chu Ân Lai, không thể hoàn toàn đánh đổ hết, mà còn phải giữ lại một số người, và vẫn còn dùng được số người đó. Với ý đồ ấy, nhân khi sơ tán chuẩn bị chiến tranh này, Mao Trạch Đông đã chỉ thị rất rõ ràng, phải sắp xếp kỹ càng đưa lớp người này đi. Mao Trạch Đông đã chỉ định Chu Ân Lai giải quyết, sắp xếp đi sơ tán, bởi ông ta biết rằng, chỉ có Chu Ân Lai mới hết lòng hết sức thu xếp cho số người đó. Mao Trạch Đông dù có dặn dò riêng về việc thu xếp cho Trần Vân, Vương Chấn và những lão đồng chí khác, bảo rằng còn cần tới họ, không thể rời xa họ được, còn dùng được họ, và còn cần tìm đến họ. Tất cả những điều đó đều là những suy nghĩ chân thực trong lòng ông ta. Đây chính là một tâm thái chính trị rất phức tạp. Trong khi Mao Trạch Đông chọn một con đường đặc biệt để thực hiện cách mạng không ngừng, trong khi sử dụng hai phái lớn để đấu tố tranh luận nhưng lại có chia, có hợp, trong khi sự kích thích cách mạng được nâng cao, thì ông ta vẫn giữ được một phần tĩnh lặng với rất nhiều lo toan. Trong khi Cách mạng văn hoá, rồi “đại loạn mới dẫn tới đại trị” đã hỗn loạn đến độ nát bét, ông ta đã đưa ra một số hạn chế sự điên cuồng, sự dã man của phong trào, và ở một mức độ nào đó cũng đã ngăn chặn được sự bứt hại và hạ bệ nhiều hơn nữa cho một số lớn cán bộ, và từng bước khôi phục được công tác cho số cán bộ đó. Những biện pháp tỉnh táo cần thiết đó của Mao Trạch Đông, dù là hữu ý hay vô ý, thì đối với bước đường tương lai của Trung quốc, giữa cái thời khắc then chối của sự sống chết mất còn, cũng đã giữ gìn lại được cơ sở và sức sống vô cùng quý báu.

Đối với việc giữ gìn lại được số cán bộ lão thành này, có thể tính là sự sáng suốt hiếm có trong những hành động chính trị ở tuổi vãn niên của Mao Trạch Đông.​
 
Chương 16. GIANG TÂY, NHỮNG NGÀY ĐẦU

Bốn giờ chiều ngày 26.10.1969, bố, mẹ, bà tôi rời khỏi chiêu đãi sở Tân Giang, do Uỷ ban Cách mạng tỉnh Giang Tây sắp xếp, ba người tới chỗ ở mới của mình ở Giang Tây.

Ba người trong gia đình tôi cùng những người khác ngồi trên một chiếc xe ôtô con đi trước, đi sau là một chiếc ôtô tải chở đồ lề Chiếc xe chạy như bay, xuyên ngang qua thành phố Nam Xương, vượt qua cây cầu Bát Nhất. Từ trong cửa sổ ô-tô nhìn ra, dòng Cán Giang mênh mang cuồn cuộn, dưới ánh sáng mặt trời lấp loáng những tia sáng trắng như bạc, thao thiết chảy xuôi về hướng đông. Nước sông chảy xiết, ngày đêm không ngừng không nghỉ, đối với cây cầu lớn bắc ngang sông, đối với ruộng vườn đất bãi đôi bờ, dòng sông luôn luôn là kẻ đến và cũng luôn luôn là người đi, nước sông không bao giờ dừng gót, và cùng chẳng bao giờ có một sự quyến tuyến nào. Nhìn dòng nước này, nhìn con sông này, dòng nước của sự sống, xôn xao chảy tới, rồi lại thao thao trôi đi, bạn ác cảm thấy như nó đang trôi chảy trong chính lòng mình, khiến con người ta không bao giờ quên được nó.

Vượt qua Cán Giang, đi về phía Tây chừng mười dặm sẽ tới Vọng Thành Cương của huyện Tân Kiến nằm ở ngoại ô thành phố Nam Xương, xe ngoặt vào một con đường sỏi, ở cuối con đường sỏi ấy có một cổng lớn, không có người nhưng cổng vẫn bỏ ngỏ. Đó nguyên là trường bộ binh Nam Xương thuộc quân khu Phúc Châu. Qua cổng trường là một con đường đất to, thảng tắp, hai bên là hai hàng ngô đồng cao lo, trồng sát nhau, cành lá rậm rạp, giao nhau dày đặc, đi quanh ngôi nhà tầng vốn là văn phòng của trường bộ binh bị cây cối che khuất, rồi theo một con đường hơi dốc màu đỏ chèn đá dăm nhỏ nhỏ, đi lên một ngọn đồi nhỏ, bao quanh bằng những hàng cây nhựa ruồi cao lớn, xanh ngắt, tạo thành một hàng rào che nhà trường, đứng ngoài có thể trông thấy một ngôi nhà gác nhỏ xây gạch đỏ và chiếc mái nhà màu xám.

Đến rồi, đến “nhà” rồi. Nơi đó hoàn toàn xa lạ, nhưng khi nhìn lên đã khiến người ta cảm thấy đó là “ngôi nhà” thân thiết của mình. Hai cánh cửa gỗ rộng mở, xe tiến thẳng vào sân. Đây là một khu sân vườn hình tròn, ở giữa là một ngôi nhà nhỏ hai tầng, trước nhà có bốn cây nguyệt quế. Bước vào tầng một là một gian phòng trống không, bên phải có một cửa, trong đó là phòng ăn và một gian bếp. Bước lên chiếc cầu thang gỗ kêu cót két lên tăng lên, đó là chỗ ngủ, có hai phòng ngủ và vệ sinh. về phía nam có một ban công dài, đứng ở đó nhìn ra là ngút ngàn một màu xanh. Từ ban công có lối đi sang phần bên kia tầng kia, và cũng được bố cục y như bên này, nhưng bố mẹ tôi không được sử dụng nên cũng chẳng sang xem làm gì.

Với điều kiện như thế cũng đã là khá lắm, một nơi ở yên tĩnh, cảm giác đầu tiên là hài lòng.

Ba người nhà tôi, được thêm sự giúp đỡ của những người đi cùng, dỡ hành lý xuống khỏi xe, sau đó bê xách từng thứ lên gác, tuổi tác của ba người nhà tôi đó, cộng lại cũng đã lên một trăm tám mươi, nhưng “hứng khởi” vì có “nhà mới” nên mọi người đã quên cả tuổi tác lẫn sức khoẻ, đều vén tay áo, chạy lên chạy xuống, khuân vác đồ đạc Và rồi trời ập tối lúc nào không biết, trong nhà đèn bật sáng, trong đêm đen tĩnh mịch, khu vườn trường đầy vẻ hoang vu, nay đã có ánh sáng đèn le lói, tuy không sáng lắm, hắt ra, nhưng đã khiến nó mang tý chút sinh khí, một chút hân hoan, bới đi được sự trống trải lịch mịch.

Tổ chuyên án cùng những người ở Giang Tây đưa bố mẹ tôi tới đây, đã có thể coi như hoàn thành nhiệm vụ, nên đã sớm ra về, chỉ còn hai người lưu lại, một người tên là Hoàng Văn Hoa, cán sự của tỉnh đội do Uỷ ban Cách mạng tỉnh Giang Tây cử đến, và một chiến sĩ trẻ họ Hạ. Anh cán sự được cử đến để làm công việc “giám sát” Đặng Tiểu Bình cùng gia đình trong mọi công việc, từ sinh hoạt hàng ngày tới việc đi lao động trong xí nghiệp. Công việc của anh ta nói tóm lại, là vừa có nhiệm vụ giám sát, vừa có nhiệm vụ bảo vệ gia đình Đặng Tiểu Bình, đồng thời cũng là để báo cáo tình hình gia đình Đặng Tiểu Bình lên cấp trên, và phản ảnh chuyển giao lên cấp trên những thư từ và yêu cầu của Đặng Tiểu Bình. Trong phòng họ ở có đặt một máy điện thoại, có thể gọi bất cứ lúc nào tới ban bảo vệ của Uỷ ban Cách mạng tỉnh. Anh chiến sĩ trẻ Tiểu Hạ làm công việc tạp vụ, như ra ngoài mua rau cỏ, đồng thời “kiêm chức” cần vụ như giặt quần áo, quét dọn nhà cửa, cho cấp lãnh đạo của mình, tức là cho anh cán sự kia. Hai người ở dưới tầng một ở nửa bên kia ngôi nhà, họ trở thành hai thành viên khác cùng cư trú trong ngôi nhà tầng, suốt những ngày bố mẹ tôi ở Giang Tây.

Hành lý đồ lề đã dọn dẹp xong, giường chiếu cũng đã trải xong, coi như xong được việc đầu tiên. Khi ấy cũng vào độ mười giờ đêm rồi, tất cả mọi người đều đã mệt nhoài, vậy mà chẳng ai nghĩ đến chuyên cơm nước. Hoàng Văn Hoa và Tiểu Hạ tới nhà ăn của một đoàn pháo binh đóng trong trường, hỏi mua được mười mấy chiếc bánh màn thầu, rồi lại nấu một bát canh trứng thật to, ai nấy ngồi vào ăn.

Mấy miếng bánh mỳ hấp đạm bạc được coi như bữa tiệc mừng tân gia. Sau đó, bố mẹ và bà tôi tắt đèn ở phòng dưới, leo lên gác, đi nghỉ vì đã quá mệt mỏi.

Đêm trường vắng vẻ, vạn vật im lìm. Ba người cao tuổi ngủ trong tấm chăn đệm giá lạnh ẩm ướt, qua được đêm đầu tiên trên bước đường phiêu bạt của mình.

Khi gia đình Đặng Tiểu Bình, trong nơi trú ngụ ở Giang Tây của mình, đang thu dọn đồ đạc, để bắt đầu một cuộc sống mới, thì nhân viên Tổ chuyên án có nhiệm vụ áp giải Đặng Tiểu Bình quay trở về Bắc Kinh báo cáo với cấp trên như sau: “Ngày 22, áp giải Đặng Tiểu Bình, Trác Lâm và Hạ Bá Can đi Giang Tây, hôm nay (ngày 28) đã trở về. Đặng Tiểu Bình đã được an trí tại phía tây bắc, cách thành phố Nam Xương 13 cây số trong một trường học bộ binh cũ, hiện nay, trường cải tạo cán bộ 7-5, đoàn pháo binh thuộc quân... X... X và trường bộ binh vẫn cử người trực giữ ở đấy. Bây giờ, Uỷ ban Cách mạng tỉnh cử tới đó một tiểu đội pháo gồm 12 người làm nhiệm vụ bảo vệ, họ ở trên gác của một căn nhà nhỏ, bên dưới có một cán sự và một chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác, hàng ngày lao động, vẫn giữ tên cũ là Đặng Tiểu Bình”.

Bố mẹ tôi đến ở trường bộ binh không lâu thì Trình Thế Thanh, chủ nhiệm Uỷ ban cách mạng Giang Tây, chính uỷ tỉnh đội, đến thăm ông bà. Khi ngồi với Đặng Tiểu Bình, Trình Thế Thanh không hề lên gân lên cốt ra điều dạy dỗ, mà chỉ nói đến sự “thay đổi như vũ bão” của Giang Tây sau Cách mạng văn hoá, cùng những “thành tích” của Giang Tây. Trình Thế Thanh là nhân vật đỏ trên đường đây của Lâm Bưu, mà đối với “tên đầu sỏ số hai trong toàn quốc đi theo đường lối tư bản” lại có thái độ như vậy, cũng có thể coi là được.

Ai ngờ được rằng, một nhân vật đỏ chót một thời như vậy, mà chỉ một năm sau, chỉ vì bước chân lên “chiếc thuyền giặc” Lâm Bưu mà kết thúc sinh mạng chính trị. Thật đúng là. Đến vô chừng, đi bất chợt vậy. Trong Cách mạng văn hoá đã có không biết bao nhiêu con người như bông hoa đàn sớm nở lối tàn như vậy.

Khi Trình Thế Thanh ra về, người đi cùng với ông ta là Trân Xương Phụng, phó chủ nhiệm Uỷ ban cách mạng Giang Tây, kiêm trưởng ban bảo vệ, thấy có trạm gác ở cổng, liền ra chỉ thị: “Không đặt vọng gác ở cổng, đổi sang chỗ khác”. Về sau, nhóm người canh gác ở vòng ngoài chỉ làm nhiệm vụ canh gác, theo dõi ở những nơi khuất nẻo, kín đáo, không ai trông thấy được. Trân Xương Phụng vốn là cảnh vệ viên của Mao Trạch Đông, cũng là Hồng quân lão thành. Công tác an toàn cho các đồng chí lão thành tới Giang Tây chủ yếu là do một tay ông.

Giang Tây vào tháng mười, nửa như ngày thu, nửa lại chẳng phải ngày thu. Trời chưa lạnh, cây cối vẫn đậm một sắc xanh, những cánh lá ngô đồng to lớn vẫn che kín bầu trời. Ba người, bố mẹ, bà tôi, sau khi vào ở trong căn gác nhỏ của trường bộ binh, đã thích ứng rất nhanh với cuộc sống mới. Tuy khi mới đến sân bay Giang Tây, ngẫu nhiên có người gọi lâm là “đồng chí”. nhưng cuối cùng ông vẫn chỉ là “tên lớn thứ hai trong đảng đi theo tư bản”, nên khi đến Giang Tây vân bị giám sát, bị giam lỏng. Trừ việc sau đó đến xí nghiệp lao động, nói chung đều không được tuỳ tiện đi ra ngoài, ngay mảnh sân nhỏ nơi trú ngụ cũng không được tuỳ ý đi lại. Khi ấy, ngoài hai người quân nhân ở trong nhà, ông bà có cảm giác rằng, hình như bên ngoài cũng có bộ đội đóng chốt. nhưng không biết quân số của họ là bao nhiêu. Bố tôi đã từng bảo đảm với trung ương rằng sẽ không đi lại giao thiệp với bất cứ ai, mà thực ra với sự canh gác nghiêm mật vòng ngoài vòng trong như vậy, có muốn giao thiệp với ai cũng là điều không thể, ngay đến chúng tôi là con cái muốn đến thăm, cũng phải được sự đồng ý trước của Uỷ ban cách mạng tỉnh Giang Tây.

Mặc dù cuộc sống đó là cuộc sống thiếu tự do, nhưng bà và bố mẹ tôi đều rất lấy làm hài lòng. So với việc hoàn toàn bị cấm cố ở Trung Nam Hải, nay được ở trong trường bộ binh này, trong mảnh sân nhỏ này, trung căn gác nhỏ này, bầu không khí đã dễ thở hơn nhiều, đời sống cũng đã được tự nhiên hơn, và họ đã làm quen được với cuộc sống đó rất nhanh.

Thu dọn đồ đạc xong, đời sống cũng đã đâu vào đấy. Ba ông bà già cũng phân công nhau làm các công việc trong nhà. Bố tôi tuy đã sáu mươi lăm tuổi, nhưng lại là “anh lực điền” duy nhất trong nhà, nên nhận làm những công việc nặng trong nhà như lau nhà, chẻ củi, ghè than. Mẹ tôi trẻ nhất, “bé” nhất, mới chỉ có năm mươi ba, nhưng lại bị bệnh cao huyết áp và tim mạch nặng, nên bà chỉ làm những công việc nhẹ nhàng như quél nhà, lau bàn ghế, giặt giũ khâu vá. Bà tôi tuy đã ngót bảy mươi, nhưng lại là người quen lao động, còn khoẻ mạnh, lại giỏi giang công việc bếp núc, cho nên việc nhóm bếp, nấu cơm và tất cả các việc có liên quan tới nhà bếp đều do một mình bà toàn quyền phụ trách. Ba con người tuổi tác, dựa dẫm vào nhau, chăm sóc lẫn nhau, với dũng khí khắc phục mọi khó khăn. với tinh thần lạc quan trong cảnh quẫn bách, với sức sống kiên cường, với sự gắn bó keo sơn, tương nhân lương ái làm cho cuộc đời tù ngục lênh đênh tràn đầy sức sống. Đến Giang Tây có thể thư từ với con cái, mẹ tôi viết cho mỗi người con một lá thư, cho con cái biết mọi tình hình. Tôi còn nhớ rất rõ, tôi đã nhận được thư mẹ tôi trên cao nguyên hàng thổ Thiểm Bắc, đọc những dòng chữ bay bướm hiếm hoi của mẹ, mà tôi cảm nhận được nỗi nhớ thương, trìu mến lên lỏi trong từng chữ từng hàng, nước mắt tôi cứ lặng lẽ tuôn trào, tôi chỉ muốn được mọc thêm đôi cánh lập tức bay về bên mẹ.

Sau khi đã sắp đặt xong cuộc sống, thì lòng nhớ thương con cái đang tứ tán các phương trời trở thành niệm tâm sự lớn nhất của bố mẹ tôi. Đến khi ấy, tiền lương của bố mẹ tôi vẫn phát đầy đủ, nghe nói bố mẹ tôi chẳng đến nỗi lúng thiếu, nhưng vì thương xót các con nên bố mẹ tôi sống rất dè sẻn. Đặng Lâm, Đặng Nam đã tốt nghiệp đại học, có lương bổng, có thể tự lập được. Phác Phương bị liệt nằm trong bệnh viện chẳng có nguồn thu nhập nào. Cô con gái nhỏ và cậu con trai út đi cắm chốt ở nông thôn, nói chung là cũng đã dựa được vào sức lao động của mình mà duy trì cuộc sống, nhưng lấy tiền đâu ra mà may quần áo, ngay cả đến tiền ăn đường về nhà cũng chẳng đào đâu ra.

Cuộc sống trong căn gác nhỏ của trường bộ binh chừng như vô cùng êm ả, nhưng trong đầu óc bố mẹ tôi có biết bao điều day dứt, dày vò không làm sao tan biến đi được. Bố mẹ tôi bàn với bà, phải sống sao cho thật tiết kiệm, không may thêm quần áo, ăn thật ít thịt, có một thứ xa xỉ duy nhất là thuốc lá của bố tôi. Hút thuốc, đã là thói quen từ nhiều năm nay của bố tôi, đó là thứ đam mê duy nhất của bố tôi trong tịch mịch, hắt hiu. Nhưng khi đó, để chắt bóp, thuốc ông không hút nhiều nữa, một điếu thuốc có khi ông chỉ hút một nửa, còn nửa kia để dành đến lần sau. Bố mẹ tôi dè sẻn, chắt bóp, tiết kiệm từng xu một, cả ba người mà một tháng chỉ chi tiêu hết có sáu mươi đồng bạc, “số tiền thừa” tích lại dành cho con.​
 
Top